Phim romance Việt: Thừa ‘lượng’ nhưng thiếu ‘chất’

(TGĐA) - Đối với một nền điện ảnh còn thiếu thốn đủ đường như Việt Nam, có lẽ tình cảm – lãng mạn là một trong những thể loại có thể dễ triển khai nhất nhưng buồn thay, tình trạng thừa “lượng” nhưng thiếu “chất” cứ trải dài suốt những năm qua đối với dòng phim romance của Việt Nam.

Loạt rạp phim Việt Nam cầu cứu thủ tướng trước nguy cơ phá sản Loạt rạp phim Việt Nam cầu cứu thủ tướng trước nguy cơ phá sản
'Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo': Cả gia đình dắt nhau về tuổi thơ trong trẻo 'Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo': Cả gia đình dắt nhau về tuổi thơ trong trẻo

Yếu tố hài vẫn chi phối quá nhiều

Biết rằng, nhà làm phim không nhất thiết phải làm ra một bộ phim “thuần” tình cảm – lãng mạn mà hoàn toàn có thể thêm yếu tố hài hước để tác phẩm đó biến thành thể loại rom-com (hài hước – lãng mạn). Điều này sẽ hứa hẹn đảm bảo về mặt doanh thu, chinh phục được đại đa số khán giả hiện nay, nhất là khi nhà sản xuất mời tới các gương mặt quen thuộc và đã được yêu mến trong làng hài.

Tuy nhiên, thông thường ở các phim nước ngoài, phần hài hước và lãng mạn thường được cân bằng rõ rệt 50/50 hoặc 40/50. Các tình huống hài thường thấy ở phim lãng mạn sẽ thiên về gây cười kiểu duyên dáng, không quá cường điệu hoặc tiết chế ở mức độ vừa phải. Còn tại Việt Nam, dù yếu tố hài nhảm đã được tiết chế khá nhiều trong 10 năm qua nhưng mỗi lần đi xem phim rom-com, gần như khán giả sẽ bị quên mất chất lãng mạn mà hoàn toàn chỉ coi đó là một tác phẩm hài.

Ví dụ tiêu biểu như phim Siêu sao siêu ngố (2018) – có ý tưởng hết sức lãng mạn về câu chuyện của một ngôi sao điện ảnh đem lòng yêu một cô gái bình thường. Rốt cuộc càng về sau, chuyện tình yêu trong phim chỉ mang tính chất phụ họa và những gì đáng nhớ nhất thuộc về các mảng miếng gây cười của danh hài Trường Giang.

Phim romance Việt: Thừa ‘lượng’ nhưng thiếu ‘chất’
Phim Siêu sao siêu ngố

Chàng vợ của em (2018) thực sự là một bộ phim rom-com chất lượng hiếm hoi. Thái Hòa vào vai nam chính là một lựa chọn tuyệt vời nhưng cũng dẫn tới hệ quả: khán giả sẽ nhớ nhiều về phong cách diễn hài đặc trưng của Thái Hòa hơn là phản ứng hóa học của anh với bạn diễn trẻ đẹp Phương Anh Đào.

Dễ bị “đuối” ở những thời điểm quan trọng

Bỏ qua dòng rom-com ở Việt Nam, chúng ta bắt gặp rất nhiều trường hợp bị “đuối” và bế tắc của nhiều nhà làm phim khi xây dựng một tác phẩm lấy yếu tố lãng mạn làm chủ đạo.

Nữ đạo diễn Luk Vân xứng đáng nhận được nhiều lời khen ngợi khi những tác phẩm tình cảm - lãng mạn cô làm ra luôn thể hiện rõ mong muốn kéo khán giả trẻ tới rạp để ủng hộ điện ảnh nước nhà. Vậy mà nhà làm phim trẻ này vẫn thiếu đi “cái đầu lạnh”, sự bình tĩnh hoặc có thể do bị vướng vào tình trạng bị chi phối bởi nhà sản xuất, Luk Vân liền mắc phải điểm yếu ôm đồm quá nhiều thứ. Có lẽ cô đã từng nghĩ rằng câu chuyện tình cảm lãng mạn thôi là không đủ để phim của mình tồn tại lâu ở rạp.

Gần đây với bộ phim Nhân duyên, Người yêu tiền kiếp, kịch bản phim có lẽ chỉ nên tập trung vào mối lương duyên của hai nhân vật chính. Thay vào đó, phim lại ôm đồm thêm nhữg chi tiết khác như các vị thần và sự luân hồi, khiến cho kịch bản trở nên rời rạc và tạo ra nhiều lỗ hổng. Trước đó, Thật tuyệt vời khi bên em của cô cũng bị vướng vào sai lầm tương tự, đây là một bộ phim có phần “lai tạp” giữa một phim tình cảm nổi tiếng của Mỹ là The Vow (2012) cùng một ý tưởng nào đó chẳng rõ ràng khai thác về showbiz.

Phim romance Việt: Thừa ‘lượng’ nhưng thiếu ‘chất’
Nhân duyên, Người yêu tiền kiếp ý tưởng tốt nhưng kịch bản đuối!

Trái ngược với Luk Vân, Vũ Ngọc Phượng – một người đồng nghiệp khác của Luk Vân gặt hái được nhiều thành công hơn ở các bộ phim lãng mạn như 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy rồi 100 ngày bên em. Phát biểu tại Cánh diều 2016 khi nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, chàng đạo diễn khởi nghiệp bằng việc làm ra những MV ca nhạc cho rằng, thứ anh tự tin nhất chính là nhịp điệu.

Thay vì mải mê đeo đuổi những thứ quá tầm hay sự ôm đồm, việc giữ được nhịp điệu – một trong những yếu tố căn bản nhưng vô cùng quan trọng của điện ảnh đã giúp hai bộ phim kể trên của Vũ Ngọc Phượng thực sự chạm tới trái tim khán giả, mặc dù chúng đều mang thông điệp không hề lạ lẫm gì.

Khó khăn trong khâu quảng bá vì khán giả giờ đã “tỉnh táo” hơn

Tiền tỉ để marketing nhiều khi cũng khó mà sánh được với hiệu ứng truyền miệng đang ngày một phổ biến với khán giả, nhất là khi mạng xã hội đang ngày càng phát triển chóng mặt. Dù có đầu tư bao nhiêu, mời về dàn sao khủng tới mấy, khán giả hoàn toàn hiểu được nội dung hay nhịp điệu trong câu chuyện mới là thứ quan trọng nhất để làm họ ngồi “yên” trong rạp

Mùa viết tình ca (2018) là nỗi đáng tiếc nhất định phải kể tới, bộ phim của của đạo diễn Thắng Vũ mời tới dàn sao toàn những gương mặt trẻ được yêu thích nhất hiện nay là Isaac, Phan Ngân, Sunni Hạ Linh nhưng mọi thứ đã có vẻ “sai” ngay từ đầu khi đề tài âm nhạc chưa bao giờ là thịnh hành trong làng phim Việt, cùng với đó là việc lựa chọn cách kể chuyện khá đơn giản, dễ đoán, làm người xem gần như đoán biết được cái kết ngay từ… giới thiệu phim.

Phim romance Việt: Thừa ‘lượng’ nhưng thiếu ‘chất’
Mùa viết tình ca (2018)

Tình đầu thơ ngây sau đó 1 năm của đạo diễn Trần Nhân Kiên cũng đi vào vết xe đổ ấy. Cặp nam nữ chính có ngoại hình long lanh, chọn thời điểm “siêu đẹp” để quảng bá vào mùa valentine bằng câu chuyện thanh xuân vườn trường quen thuộc, rồi cũng rất nhanh chóng trở thành thảm họa điện ảnh với sự nhẹ nhàng tới nhạt nhẽo.

Phim romance Việt: Thừa ‘lượng’ nhưng thiếu ‘chất’
Phim Tình đầu thơ ngây

Thật ra, cũng nên dành một phần thông cảm cho nhà sản xuất. Ở thời đại mà chúng ta vẫn chưa “khống chế” được sự lấn át của phim ngoại, việc làm ra đứa con tinh thần rồi tìm cách nào để quáng bá nó đến tay khán giả thực sự rất khó. Kể cả vậy, nếu lỡ có gặp thất bại cũng đừng “dại” mà than thân trách phận, công sức làm phim chưa bao giờ tỉ lệ thuận với chất lượng tác phẩm. Mà thay vào đó, hãy nghĩ rằng mình nên “cẩn thận” vì khán giả đang ngày một thông minh hơn. Nói đến đây, tôi nghĩ bạn đọc sẽ không chỉ hình dung ra nhiều bộ phim lãng mạn từng vướng vào lùm xùm kiểu này mà còn rất nhiều phim ở thể loại khác ở điện ảnh Việt.

Loạt rạp phim Việt Nam cầu cứu thủ tướng trước nguy cơ phá sản Loạt rạp phim Việt Nam cầu cứu thủ tướng trước nguy cơ phá sản
'Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo': Cả gia đình dắt nhau về tuổi thơ trong trẻo 'Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo': Cả gia đình dắt nhau về tuổi thơ trong trẻo

Quỳnh Anh