Quỹ điện ảnh tại Việt Nam: Sao cứ mãi ‘loay hoay’?

(TGĐA) - Giống như nới lỏng kiểm duyệt hay phân loại phim, Quỹ điện ảnh có lẽ là một trong những thứ mà các nhà làm phim Việt cứ mãi kiếm tìm mà không ra. Vậy lý do nào suốt hơn 1 thập kỷ qua, kể từ thời điểm Quỹ điện ảnh được đưa vào Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), chúng ta vẫn chưa có một Quỹ hỗ trợ điện ảnh?

Cơ hội học điện ảnh miễn phí cùng nhiều đạo diễn, biên kịch tên tuổi nổi tiếng thế giới Cơ hội học điện ảnh miễn phí cùng nhiều đạo diễn, biên kịch tên tuổi nổi tiếng thế giới
Làm thế nào để điện ảnh Việt trở thành nền công nghiệp phát triển bền vững và có tính cạnh tranh? Làm thế nào để điện ảnh Việt trở thành nền công nghiệp phát triển bền vững và có tính cạnh tranh?

Luật chưa định hình, Quỹ khó thành lập

1. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng các nhà làm phim khó phát triển nếu Luật điện ảnh chưa được định hình
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng các nhà làm phim khó phát triển nếu Luật Điện ảnh chưa được định hình

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (phim Em là bà nội của anh, Trạng Tí) cho hay, anh và các đồng nghiệp tỏ ra thắc mắc rất nhiều quy định trong Dự thảo Luật Điện ảnh mới được Quốc hội ban hành lần này, ví dụ như thế nào là “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”? Hay “làm phim trái tự nhiên” là thế nào? Tại sao các nước khác có đề tài ma quỷ, hay thế giới bên kia… lại được chiếu phim ở Việt Nam, mà phim nước ta lại bị hạn chế khai khác?

Trong Dự thảo, tại mục 4 điều thứ 6 của Chương I có ghi như sau: “Thành lập các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, xúc tiến, quảng bá phát triển điện ảnh để hỗ trợ phát hành và phổ biến phim Việt Nam có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của tác giả trẻ, các sản phẩm điện ảnh phái sinh”. Tuy nhiên, nếu luật điện ảnh chưa được định hình rõ ràng và cụ thể từng mục, những khái niệm như “phim thể nghiệm” hay phát triển nhân tài thực sự sẽ rất khó đạt được.

Ông Park Sung Ho – Giám tuyển Liên hoan phim Busan từng chia sẻ: trước Covid-19, Hàn Quốc thường có hơn 300 phim ra đời và 50% trong số này đều thuộc hỗ trợ của quỹ Chính phủ. Động thái này của Chính phủ Hàn góp phần giảm tối đa sức ảnh hưởng của phim ngoại, tạo sân chơi công bằng cho phim nội. Và ngay tại nước ta, khi nhà nhà làm phim chưa có một sân chơi công bằng về luật, vẫn phải chịu kiểm soát thay vì hỗ trợ, thật khó để nghĩ về Quỹ điện ảnh.

Tiền ở đâu đây?

Theo Dự thảo Luật Điện ảnh, cơ quan chủ trì soạn thảo xác định nguồn thu của Quỹ trích từ ngân sách nhà nước, tỉ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu phim – tương đồng với cách làm của một số nước, điển hình là Hàn Quốc hiện nay. Dù vậy, với những khác biệt nhất định, chúng ta chắc chắn sẽ còn gặp nhiều vướng mắc. Giả như nếu tăng giá vé xem phim, có tạo gánh nặng đối với đối tượng thụ hưởng là người dân hay không?

2. Kể từ Kong Skull Island - nước ta chưa có thành tựu đáng kể vào ở lĩnh vực hợp tác hay sản xuất điện ảnh với quốc tế
Kể từ Kong Skull Island - nước ta chưa có thành tựu đáng kể vào ở lĩnh vực hợp tác hay sản xuất điện ảnh với quốc tế

Hiện giờ, có lẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế chính là một trong những lựa chọn tối ưu nhất để kiếm thêm về nguồn vốn cho Quỹ điện ảnh. Nhìn vào ngay Thái Lan - ghi nhận 150 triệu đô la USD tổng doanh thu năm 2019 trước Covid cho các phim dịch vụ quốc tế. Kể từ bom tấn Kong: Skull Island, chúng ta đã hi vọng hợp tác dịch vụ và sản xuất quốc tế sẽ được đẩy mạnh nhưng có lẽ mọi thứ vẫn “dẫm chân tại chỗ” tới điểm này, khi nước ta chưa có những ưu đãi với các đối tác nước ngoài như hạn chế thủ tục rườm rà về giấy phép sản xuất, hoàn vốn, nới lỏng kiểm duyệt, hay chuẩn bị sẵn cho họ trang thiết bị hiện đại để sản xuất.

6. Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang chỉ ra không nên để nhà làm phim trẻ bỏ quá nhiều công sức để xin vốn
Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang chỉ ra không nên để nhà làm phim trẻ bỏ quá nhiều công sức để xin vốn

Bên cạnh đó sẽ rất hiệu quả khi Quỹ Điện ảnh tối ưu cho tư nhân, cá nhân được tham gia đầu tư. Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang - giảng viên bộ môn Nghệ thuật học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Quỹ điện ảnh Purin Pictures (Thái Lan) do hai đạo diễn phim độc lập rất thành danh là Anocha Suwichakornpong và Aditya Assarat điều hành trở nên nổi tiếng trên thế giới, khi thường tiến hành kêu gọi ủng hộ quỹ hàng năm từ các “Mạnh Thường Quân” và chủ yếu tài trợ cho các dự án phim độc lập. Và rõ ràng, Chính phủ sẽ có những ưu đãi dành riêng cho các cá nhân đầu tư vào đó, như trừ thuế, giảm thuế, hay tạo điều kiện tối đa để nhập về những trang máy móc thiết bị tân tiến.

3. Bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng nhà sản xuất nội địa đang bị làm khó, nhất là việc mua bán thiết bị nước ngoài
Bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng nhà sản xuất nội địa đang bị làm khó, nhất là việc mua bán thiết bị nước ngoài

Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh – Tổng giám đốc công ty BHD cho biết: “Nếu mua thiết bị từ nước ngoài thì nhà sản xuất nội địa vẫn phải nộp thuế, còn công ty nước ngoài thì không. Doanh nghiệp nội địa rất khó vay vốn ngân hàng vì theo luật Việt Nam, những tài sản vô hình, tức tài sản văn hóa của các công ty điện ảnh, bị coi vô giá trị”. Điều mà bà Hạnh chỉ ra nên được khắc phục sớm để nhà nước, người làm phim hay các nhà đầu tư sẽ tìm được tiếng nói chung, để Quỹ điện ảnh không trùng lặp với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động sự nghiệp điện ảnh như Dự thảo Luật điện ảnh nói tới.

Để Quỹ điện ảnh được vận hành trơn tru

Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt – gương mặt đoạt giải Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất ở hạng mục Phim ngắn tại LHP Haniff 2018 bày tỏ: “Hiện giờ Việt Nam còn thiếu các quy chế hỗ trợ điện ảnh trẻ nói chung. Trong đó có hình thức quỹ cho các đạo diễn làm phim đầu tay hoặc phim độc lập. Hình thức quỹ tài trợ thường phải có sự quản lý, tuyển chọn, vận hành khoa học bởi hội đồng chuyên môn và khách quan. Dù là quỹ nhà nước hay tư nhân, hay kết hợp công tư, thì đều cần có một đơn vị có thẩm quyền quản lý toàn bộ”.

Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt chỉ ra, chúng ta nên học hỏi những quỹ như World Cinema Fund (LHP Berlin). Vì ở đó những người tuyển chọn dự án nhiều nước trên thế giới, thường đề cao tính bản địa và hoàn toàn tôn trọng quyền tự do sáng tạo và tầm nhìn nghệ sĩ. Dù có thể họ tài trợ về tiền nhưng sẽ không cho phép mình được chen vào ý tưởng hay tiếng nói riêng của người làm phim – thứ mà những quỹ như World Cinema Fund vẫn luôn tìm kiếm. Những người điều hành Quỹ điện ảnh không nên chỉ mang nặng mục đích đầu tư, mà nên đặt ra tiêu chí được trò chuyện, được chia sẻ với nhà làm phim về điện ảnh, xem cảnh quay hay ánh sáng họ mang đến bộ phim truyền tải điều gì? Ngoài ra, World Cinema Fund còn có thêm những ưu đãi theo gói rất hấp dẫn, trong đó điển hình là việc nhà làm phim sẽ được hỗ trợ thêm một nhà sản xuất đồng hành. Hay họ cũng có gói hỗ trợ 40 ngàn Euro tối đa cho phần hậu kỳ. Tại nước ta, nếu nhà nước kết hợp với công ty, doanh nghiệp xây dựng những gói đầu tư, có lẽ sẽ rất nhanh gọn và hiệu quả.

4. World Cinema Fund là hình thức Quỹ điện ảnh đáng học hỏi
World Cinema Fund là hình thức Quỹ điện ảnh đáng học hỏi

Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang cũng chỉ ra: “Quỹ điện ảnh cần có hội đồng quản lý tài chính quỹ và hội đồng thẩm định dự án độc lập, không chồng chéo nhau. Các thành viên ban quản lý và ban thẩm định đều cần có chuyên môn điện ảnh, chuyên môn tài chính phù hợp, có kinh nghiệm làm việc trong nền công nghiệp điện ảnh nội địa và quốc tế, có thể phát hiện và phê duyệt kinh phí cho những dự án có tiềm năng nhưng không nhận được tài trợ từ nhà nước hoặc các quỹ nước ngoài. Đương nhiên, Quỹ phải thực hiện thu, chi, quyết toán, công khai tài chính, tài sản và công tác kế toán theo quy định của pháp luật".

5. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh mong muốn đẩy mạnh 'net working'
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh mong muốn đẩy mạnh 'net working'

Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (phim Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình), ban chuyên môn của Quỹ điện ảnh có thể hỗ trợ các nhà làm phim trong việc lan tỏa dự án sang những quỹ từ các liên hoan phim quốc tế và các nước khác, giúp họ tiếp tục đi tìm các nguồn kinh phí. Ngoài ra, cần có việc đào tạo, huấn luyện về các kỹ năng viết hồ sơ quỹ, "đấu thầu" dự án, các chương trình "networking". Anh chia sẻ thêm: "Tôi lấy ví dụ về Dự án phim ngắn CJ, một chương trình hỗ trợ kinh phí sản xuất từ khu vực tư nhân. Qua ba lần trao giải kinh phí sản xuất 200 - 300 triệu/ dự án cho 15 dự án, các bộ phim đã liên tiếp lọt vào vòng tranh giải và đat giải của các liên hoan phim quốc tế quan trọng. Phim Việt, tiếng Việt xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh. Một nhóm các nhà làm phim trẻ đã được chú ý từ các liên hoan phim quốc tế, qua đó rộng cửa hơn cho những tác phẩm phim dài đầu tay.

Các nền điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philipines... đã có những quỹ và chương trình đào tạo không chỉ dành cho các nhà làm phim nước họ, mà mở rộng sang các nhà làm phim Đông Nam Á để từng bước hỗ trợ cho nền điện ảnh khu vực phát triển, và gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến các nền điện ảnh khác".

Góp ý của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chỉ ra một thực trạng: vì chưa có quỹ hỗ trợ những điều kể trên, các nhà làm phim thường xuyên rơi vào tình trạng “đơn phương độc mã”, lặn lội ra cả thế giới để xin nguồn đầu tư. Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang nhận định: “Khi nhà làm phim không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc đi quá nhiều nơi để xin vốn, họ sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung cho việc sáng tạo, làm nghệ thuật, thực hiện ý tưởng dự án một cách thông suốt, tự tin và trọn vẹn”.

Với khái niệm “networking” mà đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ, có lẽ nó gần hơn với mong muốn Quỹ điện ảnh sẽ cầu nối diễn ra các "chợ phim", các liên hoan phim trong nước và quốc tế, để có nhiều cơ hội tìm kiếm những dự án xứng đáng được cấp kinh phí. Khi đó, chức năng của Quỹ không đơn giản chỉ là "rót tiền", mà còn là tạo cơ hội giao lưu quốc tế.
Cơ hội học điện ảnh miễn phí cùng nhiều đạo diễn, biên kịch tên tuổi nổi tiếng thế giới Cơ hội học điện ảnh miễn phí cùng nhiều đạo diễn, biên kịch tên tuổi nổi tiếng thế giới

(TGĐA) - BHD và Giải thưởng Hàn lâm Điện ảnh châu Á (AAA) giới thiệu ...

Top 5 'Dự án phim ngắn CJ' mùa 3 xuất sắc vào vòng chung cuộc được tài trợ kinh phí 1,5 tỷ đồng Top 5 'Dự án phim ngắn CJ' mùa 3 xuất sắc vào vòng chung cuộc được tài trợ kinh phí 1,5 tỷ đồng

(TGĐA) - Dự án phim ngắn CJ 2021 do CJ Cultural Foundation và CJ CGV ...

Quỳnh Anh