(TGĐA) - Những phim chuyển thể từ truyện tranh luôn nằm trong top doanh thu phòng vé ở Hollywood. Tuy mang lại lợi nhuận cao bởi số lượng fan đông đảo, cốt truyện dễ hiểu nhưng phần lớn những phim dựa trên các tác phẩm truyện tranh đều không được giới phê bình đánh giá cao. Đặc biệt ở một giải thưởng đề cao tính hàn lâm như Oscar, rất ít phim thể loại này được vinh danh. Và Road to Perdition nằm trong số ít đó, với 5 đề cử và một giải Quay phim xuất sắc.
Cốt truyện đơn giản nhưng mang tính nhân bản sâu sắc
Dù có nội dung đề cập đến giới mafia Mỹ nhưng Road to Perdition (2002) - được chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên của Max Allan Collins không đơn thuần chỉ có bắn giết bạo lực, phim còn mang nhiều hàm ý liên quan đến tình cảm cha con và luật nhân quả đáng để khán giả suy ngẫm.
Hiệu ứng hình ảnh của Road to Perdition được cả người xem và giới phê bình đánh giá là xuất sắc |
Lấy bối cảnh những năm 30 khi kinh tế Mỹ đang ở vào giai đoạn khủng hoảng, phim kể câu chuyện ông trùm John Rooney (Paul Newman) ở Illinois nhận nuôi một cậu bé mồ côi tên Michael Sullivan (Tom Hanks) và yêu quý còn hơn cả con đẻ của mình. Michael lớn lên và trở thành trợ thủ đắc lực của Rooney. Tuy nhiên con trai của ông trùm là Connor (Daniel Craig đóng) luôn đố kị và tìm cách hãm hại anh.
Dù gài bẫy đến giết hại vợ và con trai út của Michael, nhưng Connor vẫn được người cha đẻ bao bọc. Còn Michael phải cùng cậu còn trai còn lại chạy trốn, bị truy đuổi bởi nhiều sát thủ và quyết định quay lại trả thù với cái giá mạng đổi mạng. Kết phim, người con trai lui về một vùng quê, sống cùng với hai vợ chồng nông dân đã cưu mang cha con họ lúc gặp nạn, không hề động tới súng đạn nữa. Khi có người hỏi liệu cha anh là người tốt hay người xấu, Michael con chỉ trả lời rằng: “Ông ấy là cha tôi”.
Bên cạnh việc đưa vào chi tiết của biến cố cuộc đời tên trùm có thật Looney, tình cảm cha con là điểm sáng nhất của Road to Perdition. Người cha Michael đã cố gắng che giấu công việc đen tối mà anh đang làm, mong gia đình không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên khi tay đã nhúng chàm, mọi thứ quá khó khăn để che đậy. Michael con đã tò mò bám theo và thấy toàn bộ công việc của người cha trong đêm. Hai cha con trở nên gắn kết với nhau không phải vì một tình huống yêu thương nào mà tiếc thay lại vì tấn bi kịch của gia đình bị tàn sát.
Khi cả hai bố con cùng chạy trốn, họ mới nhận ra thứ gì là quan trọng nhất với mình... |
Diễn viên Tyler Hoechlin chia sẻ: “Khi Michael cha trốn chạy cùng đứa con cũng là lúc anh nhận ra điều quan trọng duy nhất trên thế giới này với anh chính là gia đình, lúc đó là đứa con trai còn lại của anh. Chuyến báo thù định mệnh của Road to Perdition là thời gian để hai cha con thấu hiểu nhau và cùng nhận ra mình đứng ở vị trí nào trong tim người kia”.
Trong tuần đầu công chiếu tại Bắc Mỹ, Road to Perdition cũng gặt hái được thành quả đáng nể khi thu về hơn 22 triệu đô la Mỹ và xếp thứ hai ngay sau phim Men in Black II. Doanh thu toàn cầu của phim đạt mốc 181 triệu đô – một thành tích tốt vượt xa so với kì vọng của nhiều người. |
Không chỉ khai thác riêng mối liên hệ giữa Michael Sullivan và con trai, mà phim còn cho người xem thấy tình cảm giữa Michael và ông trùm, giữa ông trùm mafia đó và con trai. Ở mối quan hệ giữa cha con Michael có sự kính trọng và cả nỗi sợ hãi. Tương tự với Rooney, người cha Michael cũng cảm thấy như vậy. Anh kính trọng ông trùm vì ông ấy đã cưu mang anh, cho anh một mái nhà khi đời chẳng cho anh lấy nổi một mảnh tình thương.
Cảnh trong phim Road to Perdition |
Sự kính trọng đó trở thành sự tôn sùng khi Michael cha một mực trung thành với Rooney. Khi biết chính ông trùm cử tên Maguire đến giết mình, anh chỉ thấy tổn thương và đau khổ chứ không có cảm giác bị phản bội. Còn ở mối quan hệ cha con còn lại, Connor không dành tình cảm đặc biệt nào cho cha như Michael. Tất cả những gì hắn làm là ghen tị, đố kị vì không muốn cha mình quý mến và coi người khác như con. Sự ngu ngốc mù quáng đó dẫn đến hành vi giết người chuốc oán, tạo ra cả một chuỗi những bi kịch trong Road to Perdition.
Điểm đặc biệt trong quá trình chuyển thể
Nếu như việc chuyển thể từ tiểu thuyết lên phim thường kịch bản được viết luôn dưới ngòi bút của tiểu thuyết gia thì với trường hợp truyện tranh có đôi chút khác biệt. Ví dụ với Road to Perdition, tác giả Max Allan Collins dù vẫn tham gia với vai trò cố vấn kịch bản nhưng quyền quyết định chủ yếu không nằm trong tay anh. Đạo diễn Steven Spielberg – người đầu tiên nhận bản truyện tranh từ Dreamworks đã chuyển lại dự án cho biên kịch David Self.
Dưới ngòi bút tài hoa của mình và các cộng sự, David đã khiến cho Road to Perdition bớt đi những cảnh tàn sát không đáng có, thêm vào đó một vài đoạn thoại ngắn và tác động nhỏ đến tên các nhân vật. Thay vì để thẳng tên John Looney giống với bản gốc truyện tranh và hình mẫu tên mafia ngoài đời thực, biên kịch đã đổi thành Rooney.
Dưới ngòi bút tài hoa của mình và các cộng sự, David đã khiến cho Road to Perdition bớt đi những cảnh tàn sát không đáng có |
Phần họ của sát thủ Michael cũng được rút gọn thành Sullivan thay vì O’Sullivan như trong truyện. Điểm đặc biệt mà cũng là điểm sáng đến chính Max Allan Collins phải ngợi khen chính là nhân vật Maguire. Tên sát thủ với thú vui chụp ảnh lại nạn nhân của mình không hề có trong phiên bản truyện gốc. Hắn được đội biên kịch thêm vào để làm nổi bật lên những kẻ thù của nhân vật chính. Trong phim có cảnh Maguire ngồi trong căn phòng của hắn, xung quanh là những tấm ảnh máu me rùng rợn. Đa phần trong số chúng là những bằng chứng thật được đoàn phim mượn từ sở cảnh sát.
Bên cạnh các tình tiết bạo lực được cắt giảm theo yêu cầu của chính Tom Hanks và quay phim Conrad Hall, những đoạn thoại dùng tiếng lóng cũng được chỉnh sửa để nhẹ nhàng hơn trong bản truyện tranh. Nhân vật Michael Sullivan được mệnh danh là “The Angel of Death” với sự máu lạnh lan tỏa sợ hãi đến tất cả mọi người xung quanh.
Cảnh trong Road to Perdition |
Tuy nhiên đó là trên phiên bản truyện, còn với bản phim, đạo diễn Sam Mendes muốn nhân vật của Tom Hanks dù lạnh lùng, vô cảm lúc hành động nhưng vẫn phải có những khoảng trầm tư sâu lắng mà không dùng lời thoại. Đạo diễn Mendes mô tả Road to Perdition là “một câu chuyện bi kịch mang tính nghệ thuật mà ở đó từng khung cảnh nói lên chính nội dung của mình”. Bằng chứng là ở 20 phút cuối phim, đoạn thoại trong kịch bản chỉ vỏn vẹn có 6 dòng.
Mặc dù tôn trọng quyết định của đoàn phim và chấp nhận không can thiệp vào kịch bản chuyển thể do biết khả năng của mình mạnh ở mảng khác nhưng Max Allan Collins vẫn thấy những điểm không hài lòng ở bản điện ảnh. Trong số đó đáng kể nhất là nhân vật Michael Sullivan con.
Trong bản truyện tranh, do ảnh hưởng bạo lực từ người cha, Michael con có cầm súng và giết chết 1 người. Tuy nhiên khi lên phim, Tyler Hoechlin cầm súng và không thể bóp cò giết kẻ đang đe dọa tính mang cha mình. Từ đó về sau anh không cầm đến súng và cũng chẳng giết hại một ai cả. Collins cũng không tán thành với cách thuật lại câu chuyện trên phim. Trong truyện tranh, Michael con kể lại toàn bộ khi anh đã trưởng thành và là một tu sĩ, còn trên phim, toàn bộ sự việc được thuật lại khi anh vẫn còn là một cậu bé.
Dù giải Oscar có tới muộn - sau khi nhà quay phim Conrad Hall qua đời, nhưng đây vẫn là thành quả xứng đáng đối với ông. Hiệu ứng hình ảnh của Road to Perdition được cả người xem và giới phê bình đánh giá là xuất sắc. Nhà phê bình phim Roger Ebert phải thán phục với màn mưa trên phim. Trước Road to Perdition, trong phim In Cold Blood (1967), Conrad đã quay cận mặt của Robert Blake trong vai một kẻ sát nhân bị giết trong đêm cuối của đời mình. Khi những giọt mưa tạt chéo qua tấm kính, ánh sáng chiếu vào mặt Robert qua song cửa sổ tạo thành hiệu ứng như những giọt nước mắt tiếc nuối, trăng trối. Hiệu ứng này cũng được lặp lại trong Road to Perdition. |
Phương Thoa