'Dead Poets Society' - Tác phẩm về giáo dục xuất sắc của thời đại

(TGĐA) - Nhân ngày 20/11 – Ngày nhà giáo Việt Nam sắp cận kề, độc giả hãy cùng TGĐA nhớ về một trong những bộ phim đề tài giáo dục xuất sắc của thời đại, với tên gọi Dead Poets Society, hay còn gọi là Hội cố thi nhân.

Những nhà giáo đáng nhớ trên màn ảnh Việt Những nhà giáo đáng nhớ trên màn ảnh Việt
Sao Việt tâm sự về ngày 20/11 và những kỷ niệm không thể nào quên! Sao Việt tâm sự về ngày 20/11 và những kỷ niệm không thể nào quên!

Màn ảnh không thiếu những bộ phim đề tài giáo dục, mang đến những góc nhìn khác biệt tới công cuộc “trồng người”. Nhưng có lẽ Dead Poets Society là một trong những ngoại lệ đặc biệt nhất, bởi vượt lên trên khuôn khổ của một phim học đường, một phim về tình thầy trò, đó còn là bức tranh xã hội hiện đại, nơi chúng ta luôn đấu tranh với câu hỏi: trở thành người mình muốn hay xã hội muốn?

Bối cảnh phim là vào những năm 1960, tại học viện Welton ở nước Anh – một trường nam sinh với kỷ luật thép, luôn hướng những học sinh tại đây nếp sống kỷ cương và phải tuyệt đối tuân thủ theo quy định nhà trường. Những cậu học trò trong phim mặt mũi sáng sủa, luôn tràn đầy năng lượng và dồi dào nhiệt huyết, nhưng đó là khi họ không ở trong lớp học, còn một khi đã bị giam cầm trong khuôn phép nhà trường, ai nấy cũng tỏ ra dè dặt và chán nản, giống như những đứa trẻ không biết bản thân mình là ai và muốn điều gì.

Thế nên, sự xuất hiện của thầy John Keating do nam tài tử quá cố Robin Williams thủ vai như một làn gió mới, tìm cách khuyến khích các cậu trò của mình hiểu thế nào là sống có lý tưởng riêng.

'Dead Poets Society' - Tác phẩm về giáo dục xuất sắc của thời đại
Dead Poets Society - bộ phim xuất sắc về giáo dục

Thức tỉnh ý chí cá nhân

Bộ phim lấy bối cảnh thập niên 1950. Giai đoạn này trước kỷ nguyên đấu tranh cho công bằng xã hội ở Mỹ vào thập niên 1960. Một số quan điểm thời đó, đặc biệt ở nhóm gia đình da trắng khá giả như trong phim, cho rằng trẻ em có nghĩa vụ làm những gì cha mẹ muốn. Nếu giới trẻ cứ tuân theo những gì sắp đặt, thì xã hội sẽ sinh ra những cố máy vô tri vô giác mà mất đi ý thức độc lập.

Tuy vậy, thầy Keating không cổ súy một cách cực đoan học trò phải vùng lên và chống đối, phương pháp của thầy chính là cho học trò tiếp cận với thơ ca. Hẳn những người xem phim còn nhớ, một trong những bài thơ mà thầy Keating đọc cho lớp học, khơi gợi con người cảm nhận thời gian trôi qua mau chóng, vốn chẳng thể đợi chờ những cá nhân thờ ơ với cuộc sống: “Nhặt nụ hồng khi còn có thể/Thời xa xưa là một mũi tên bay/Và bông hoa sẽ mìn cười hôm nay/ Ngày mai sẽ lại héo tàn”.

Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn qua mỗi thời kỳ luôn có sự xung đột. Những biến động của xã hội khiến cho chủ nghĩa lãng mạn bị át đi. Còn nhớ trong tác phẩm Đời thừa, nhà văn Nam Cao nói về những con người có nhân cách, có trí tuệ nhưng bị gánh nặng áo cơm biến thành phải sống một cuộc đời thừa, những con người sống mòn, chết mòn.

Còn trong Dead Poets Society, một trong những cảnh phim đặc sắc nhất, chính là khi thầy Keating bảo các học trò đứng hiên ngang trên bàn giáo viên mà không có một chút ngại ngùng nào, hô to bản thân muốn gì. Điều này làm ta liên tưởng tới các nhà thơ quá cố - những người đem đến những tác phẩm đề đời cho nhân gian, cũng đã nhìn thế giới theo một chiều hướng khác, nếu không sẽ bị chủ nghĩa hiện thực làm mất đi sự tự do của sáng tạo, họ đã không bị chết mòn trong hiện thực xã hội.

'Dead Poets Society' - Tác phẩm về giáo dục xuất sắc của thời đại
Thầy Keating có cách giảng dạy đặc sắc đối với những cậu trò

Cái giá của tự do

Thầy Keating luôn đem đến những bài học thú vị, khiến các học sinh tin tưởng vào quyết định của mình hơn là phụ thuộc vào số đông. Nhưng trong một cảnh phim, ông lại chia sẻ với người đồng nghiệp một bài thơ khiến bản thân khá tâm đắc: “Nhưng chỉ trong giấc mơ của mình/Con người mới có thể thực sự tự do/Luôn như vậy và sẽ luôn như vậy”.

Là người đi trước và nếm trải đắng cay, nửa sau phim hiển hiện rõ khuôn mặt lo lắng của người thầy đáng quý, khi chứng kiến các học sinh thăng hoa với chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa cá nhân, liên tiếp phá bỏ những quy định của trường học, như trốn ra ngoài lúc nửa đêm hay ngang nhiên thách thức ban giám hiệu nhà trường với những hành vi vô kỷ luật.

Đôi khi để tồn tại, con người phải biết cúi đầu trước hiện thực và khi nhìn thấy cậu trò Charlie coi thường quyền uy và luôn muốn trở thành cái gì đó lớn lao hơn, thầy Keating đã gọi đó là sự ngu ngốc vì Charlie sẽ bị đuổi học. “Đấu tranh vì tự do khi đã suy xét kỹ càng, hơn là thích gì làm nấy” – đó quả thực là bài học đắt giá dành cho thế hệ trẻ mà phim truyền đạt.

'Dead Poets Society' - Tác phẩm về giáo dục xuất sắc của thời đại

Ngoài ra, chặng đường đi tìm dự do không dành cho những kẻ hèn nhát và yếu đuối, đó cũng là lý do dẫn tới hậu quả cái chết của nhân vật Neil Perry – chàng trai với tài năng kịch thiên phú, nhưng bị cha ép trở thành giáo sư hay bác sĩ. Perry không dám đấu tranh một cách đường hoàng cho ước mơ của mình với người cha cổ hủ mà thay vào đó, lựa chọn cái chết để trốn tránh hiện thực tàn nhẫn.

Cái chết của Neil Perry như một cú giáng mạnh vào tư tưởng của thầy Keating, hay chính những ai còn nghĩ phim từ đầu tới gần cuối cổ súy chủ nghĩa lãng mạn. Sự ra ra đi của cậu học trò thân thương khiến Keating hoài nghi về tư tưởng của ông, cho thấy trách nhiệm nặng nề trong việc định hướng lối sống của giới trẻ từ những người làm công tác giáo dục.

Bi kịch trên đẩy Keating vào cuộc giằng xé nội tâm. Phải chăng chính ông gián tiếp gây ra cái chết cho học trò? Nếu ông không truyền đạt sự tự do và cổ vũ Neil theo đuổi đam mê, liệu cậu có gặp phải bất hạnh? Nếu ông không phụ trách lớp học này, Neil có thể đã làm theo lời cha và sống một cuộc đời dài hơn, dù kém hứng thú hơn? Những trăn trở đó được cố tài Robin Williams thể hiện một cách chân thực qua nét mặt và phong thái đến tận cảnh cuối phim mà không cần phải dựa dẫm quá nhiều vào những câu thoại đạo lý, xứng đáng để nâng tầm Dead Poets Society trở thành một trong những bộ phim điện ảnh về nghề giáo xuất sắc nhất thời đại.

Lý tưởng liệu có còn mãi?

Nếu đầu phim là sự hào hứng, tràn đầy năng lượng thì tới cuối phim bao trùm một màu bi kịch nhưng không kém phần bi tráng. Cũng bởi sau sự ra đi của Neil, Keating đã không thể làm trọn vẹn công cuộc của “người lái đò”, nhưng tác động của ông với học trò đã thay đổi đáng kể hầu hết họ từ tâm lý thụ động sang chủ động.

Bằng chứng là cảnh cuối phim, nhiều nam sinh bất chấp sự đe dọa mà đứng lên bàn chào tạm biệt Keating, tạo ra một phân cảnh xúc động bất hủ của làng điện ảnh. Điều đó chứng tỏ rằng, ai đó có thể thành cố nhân nhưng một khi mang trong mình lý tưởng cao đẹp, thì điều đó sẽ luôn còn mãi. Những người xem xong Dead Poets Society có lẽ chẳng cần phải đi tìm câu trả lời sống theo chủ nghĩa hiện thực hay lãng mạn, chỉ cần biết chắc rằng, không nên sống chỉ vì lý do để tồn tại…

'Dead Poets Society' - Tác phẩm về giáo dục xuất sắc của thời đại
Dead Poets Society là một trong những phim về giáo dục kiếm lời nhất mọi thời đại. Ra mắt năm 1989, phim thu về 235 triệu USD khi kinh phí chỉ vỏn vẹn hơn 16 triệu USD.
Những nhà giáo đáng nhớ trên màn ảnh Việt Những nhà giáo đáng nhớ trên màn ảnh Việt
Sao Việt tâm sự về ngày 20/11 và những kỷ niệm không thể nào quên! Sao Việt tâm sự về ngày 20/11 và những kỷ niệm không thể nào quên!

Vũ Anh