(TGĐA) - Nhân dịp 20/11, hãy cùng ùng TGĐA điểm lại những nhân vật nhà giáo đáng nhớ trên màn ảnh ảnh Việt, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả yêu phim.
Midu chia sẻ về niềm vui khi được nhận hoa từ học trò nhân ngày 20/11 | |
6 kiểu giáo viên 'đình đám' trên màn ảnh Hàn |
Thầy giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng 10
NSƯT Hữu Mười vào vai thầy giáo Khang trong bộ phim kinh điển Bao giờ cho đến tháng 10. Tình cờ biết được nỗi đau mất chồng của nhân vật Duyên, thầy giáo tốt bụng đã giúp cô thay người chết viết thư về cho gia đình Duyên yên tâm. Từ chỗ chỉ là tình thương, sự đồng cảm với nỗi đau của Duyên, Khang dần cảm mến cô. Anh viết một bức thư bày tỏ tâm tư với Duyên và bị người nhà cô phát hiện. Khang phải bỏ tới nơi khác dạy học để giữ cuộc sống yên ổn cho Duyên.
Vai diễn đem đến cho Hữu Mười giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 (1985). Có một điều thú vị là đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh không muốn giao vai thầy giáo Khang cho Hữu Mười. Ông sợ sự lặp lại như trong Làng Vũ Đại ngày ấy, đó là điều không hề tốt trong nghệ thuật. Ông chỉ đề nghị Hữu Mười có thể tham gia đoàn làm phim với vai trò trợ lý đạo diễn. Thế nhưng gần tới ngày khởi quay, đạo diễn Đặng Nhật Minh lại gọi Hữu Mười ra nói chuyện và giao cho vai giáo Khang, bởi ông đã tìm rất nhiều người nhưng không thấy ai thích hợp.
Thầy giáo Bảy trong Đất phương Nam
Trong phim Đất phương Nam (1997) của đạo diễn Vinh Sơn, thầy giáo Bảy do NSƯT Thanh Điền thể hiện có lẽ là một trong những nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong phim. Xuất thân là một giáo viên dạy tiếng Pháp hiền lành nhưng bất mãn trước cảnh người dân Nam Bộ bị thực dân Pháp đàn áp, thầy đã nghỉ dạy và đi lập gánh hát biểu diễn khắp nơi, để khơi gợi lòng yêu nước, kêu gọi mọi người đứng lên chống lại chính quyền thực dân Pháp.
Nhân vật này để lại nhiều trăn trở, bởi gặp phải những biến cố bất hạnh, khi gánh hát bị bọn cường hào ác bá chèn ép, đập phá, cướp đi tính mạng của cô Năm Xuân – vợ của thầy Bảy. Sau đó, thầy cải trang làm thầy pháp, lôi kéo dân chúng bằng bủa ngải, phép lạ, nhưng dĩ nhiên điều đó không thể chống lại họng súng của bọn lính Pháp, dẫn đến việc thầy giáo của An cũng phải chịu cái chết đau thương. Trong bản phim Đất rừng phương Nam (2023) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhân vật này do Hứa Vĩ Văn thể hiện nhưng không để lại quá nhiều điểm nhấn.
Thầy giáo Tành trong Thung lũng hoang vắng
Thung lũng hoang vắng do NSND Phạm Nhuệ Giang đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên Hồng Ánh, Tuyết Hạnh, Nguyễn Hậu… Chuyện phim kể về một ngôi trường vùng cao - nơi chỉ có 3 thầy cô giáo sống và làm việc. Phim kể chuyện đời sống của các thầy cô giáo cắm bản, nhưng vẫn tập trung đề cao mâu thuẫn tâm lý, xung đột, yêu thương, hờn giận… Phim không nằm ngoài mục đích ca ngợi tấm lòng tận tụy trong việc trồng người nơi vùng cao của những thầy cô giáo tâm huyết.
Tuy vai diễn cô giáo Giao của Hồng Ánh là nhân vật chính, nhưng thầy giáo Tành của diễn viên Nguyên Hậu lại để lại những xúc cảm đặc biệt. Hình ảnh người thầy hiền lành, chất phác, bỏ hết mọi thứ để đến vùng non cao với nghiệp trồng người, khiến người xem cảm thấy đau đáu. Những cái nhìn lo lắng của ông về những đứa trẻ miền núi, về tình yêu của ông dành cho cô Giao được mô tả một cách chân thật và sinh động, khiến bất cứ ai xem phim cũng thấy thương cảm.
Cô giáo Mai trong phim Tuổi thần tiên
Trong những bộ phim từng có sự góp mặt của Hiền Mai, Tuổi thần tiên gây ấn tượng hơn cả. Bộ phim dựa theo truyện ngắn Hạnh phúc cũng mặn như nước mắt của tác giả Tiểu Nhật. Vai diễn của Hiền Mai là một cô giáo mới ra trường, nhân hậu và yêu thương trẻ con. Vì dành quá nhiều tâm huyết mong uốn nắn được cậu học trò Tí nên bị cha mẹ bé gây sức ép cho thôi việc.
Quá trình đóng phim của Hiền Mai trong tác phẩm Tuổi thần tiên vô cùng gian nan, cô cho biết mình chịu nhiều áp lực đến mức còn nghĩ sẽ bỏ nghề luôn sau vai diễn. Dù vậy, côcũng có nhiều kỷ niệm vui bên cạnh các diễn viên, đặc biệt là các bạn nhỏ. Bùi Thanh Chương - cậu bé vào vai cu Tí - lúc đó bốn tuổi rưỡi nhưng tự tin, lanh lợi. Hai cô cháu đã tương tác ăn ý tạo nên nhiều phân đoạn xúc động. Cảnh cô giáo Mai phạt Tí rồi ra hành lang lặng khóc, hay cảnh các em học sinh chạy quanh cô Mai khi cô trở lại trường đã khiến nhiều khán giả nghẹn ngào.
Cô giáo Hòa trong Mùa xuân ở lại
Mùa xuân ở lại – bộ phim truyền hình của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng dù có đề tài “rất cũ” khi xoay quanh chủ đề giáo viên cắm bản. Vẫn là những cô giáo miền xuôi nhỏ nhoi, lẻ loi, cô đơn giữa rừng xanh bạt ngàn khi lên vùng cao dạy học. Thế nên, bộ phim bị nhiều khán giả bỏ quên mặc dù thực chất nếu ai đã xem phim đều không khỏi ấn tượng với vai cô giáo Hòa của diễn viên Lương Thu Trang, qua nhiều biến đổi trong tâm lý.
Chưa khi nào cô giáo Hòa muốn rời khỏi ngôi làng ven biển để xung phong lên miền ngược dạy học. Chỉ vì vừa mới ra trường, không có tiền cũng như mối quan hệ thì cô mới chấp nhận bài toán cố chịu đựng 3 năm – khoảng thời gian không dài để sau đó trở về và có được một suất biên chế ở trường nhà. Có thể đêm đêm cô giáo Hòa chẳng ngăn được nước mắt vì nhớ nhà, nhớ người yêu và trăn trở cho toan tính của mình. Thế nhưng, mỗi sớm mai khi ánh bình minh và gặp lại những gương mặt học trò thơ ngây cùng tiếng gọi cô thân thương, thì bỗng đâu những suy nghĩ ấy đều tiêu tan. Những toan tính, những nỗi buồn được phủ lấp để chỉ còn lại tình cảm cô trò nồng ấm.
Nghề giáo là một trong những nghề thiêng liêng và cao quý nhất nhưng tiếc là màn ảnh Việt dạo gần đây lại có ít đề tài vê những con người cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Mong rằng sẽ có nhiều hơn những nhà làm phim, mạnh dạn khai thác đề tài về những người cầm phấn, để khán giả hiểu hơn về những khó khăn, vất vả của sự nghiệp trồng người. |
Mẫu nhí Bảo Hà trổ tài thiết kế thiệp tặng thầy cô giáo nhân ngày 20/11 | |
Midu chia sẻ về niềm vui khi được nhận hoa từ học trò nhân ngày 20/11 |
Quỳnh Anh