(TGĐA) - Cưới nhau 42 năm nhưng không đong đếm nổi một năm hạnh phúc, nhưng hôn nhân của vợ chồng chiến sĩ đặc công này khiến ai cũng phải rơi nước mắt.
'Tình trăm năm': Câu chuyện tình xúc động của cụ bà 11 năm hi sinh còm cõi chăm con, nuôi chồng ở tù | |
‘Tình trăm năm’: Câu chuyện ý nghĩa về chiếc nhẫn cưới của cụ ông 90 tuổi |
Xuất hiện tại Tình trăm năm tập 8 là vợ chồng chú Lê Mạnh Hùng (72 tuổi) - Nguyên Lữ trưởng Lữ đoàn đặc công 198 ở Tây Nguyên và cô Đặng Thị Phụng (62 tuổi). Câu chuyện hôn nhân 42 năm, đi qua những tháng năm gian khổ nhất của chiến tranh Việt Nam đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho MC Quyền Linh, Ngọc Lan và khán giả truyền hình.
Bằng sự hồ hởi của người chiến sĩ đặc công vui tính, và sự bình thản của người phụ nữ đi qua nhiều thăng trầm cuộc đời, cô chú nhớ lại lần đầu mình gặp nhau. Được anh trai "đánh tiếng" về người bạn cùng đơn vị có khiếu kể chuyện hay, cô Phụng hoàn toàn sụp đổ khi lần đầu thấy mặt: "Chắc đây là anh Hùng, nhưng mà già xấu quá! Lúc đó tôi thấy xong là phóng xe đi luôn!".
Thế nhưng, cô không biết chú Hùng đã trúng tiếng sét ái tình ngay lần đầu gặp mặt đó. "Hôm đó tôi đang đào hố vôi, có cô gái đi qua mà có đôi mắt sao mà đẹp quá, liếc một cái xoẹt một cái. Tôi nhảy ra khỏi hố vôi thì cô nàng chạy mất. Hôm sau qua nhà bạn thì thấy cô nàng đang lau xe, thế là nói ngay anh trai cô này xắn tay lên giúp một tay tán tỉnh" - chú Hùng hài hước kể lại.
Tình yêu của chiến sĩ đặc công cũng đầy chiến thuật. Để "đánh dấu chủ quyền" người con gái này, chú nhờ bạn bè "đánh vòng ngoài" để không cho bất cứ trai làng ngoài nào đến gần. Còn "vòng trong", chú thổ lộ thẳng với anh trai cô Phụng; đồng thời nói chuyện với bố mẹ cô. "Hóa ra bố vợ và bố đẻ tôi cùng đội du kích ngày xưa, thế là ông bà mừng quá sang dạm hỏi luôn" - chú mừng rỡ.
Thế nhưng, cô Phụng cho biết bản thân đã không thích chú Hùng ngay lần đầu gặp mặt; ăn hỏi xong là chú đi chiến đấu biền biệt 2 năm trời nên tình cảm cũng không tiến triển. Cô Phụng chia sẻ: "Trong suốt 2 năm đó, tôi cũng không quan tâm lắm, tôi chỉ muốn bỏ. Nhiều người còn lời ra tiếng vào, vừa mới lớn lên trẻ thế mà đi lấy ông già. Tôi xin đi thanh niên xung phong như một cách để hủy hôn, nhưng xã thông báo thì mẹ chồng tôi không cho đi. Tôi phải biên thư cho chú xem tôi như một đứa em, rồi chú viết gửi lại tôi đôi dòng: Dù em đi bốn bể phương trời/ Bằng giá nào anh cũng tìm đến em".
Trong khoảng thời gian đó bố chú Hùng mất, dù mới dạm hỏi nhưng cô Phụng vẫn phải qua nhà chịu tang. Xong khi trở về từ chiến trận, chú Hùng qua nhà cô Phụng đề nghị cưới. "Tôi không muốn cưới tí nào, nhưng để giữ uy tín cho cha mẹ vì đã dạm hỏi rồi nên quyết định cưới" - cô Phụng vừa cười vừa kể lại.
Thời chiến khó khăn, đám cưới cũng không có nhiều tiền để tổ chức, cái gì cũng phải đi vay mượn. Cô Phụng khiến cả trường quay bật cười khi tiết lộ đưa chú Hùng 50.000 đồng để nhờ mua chiếc quần xa-tanh mặc trong ngày cưới, nhưng lại bị chú tiêu hết vào hoa trang trí phòng tân hôn. Chuẩn bị hoành tráng như thế, nhưng 3 ngày sau cưới cô chú "mệt quá nên ngủ đến sáng". Sau đó chú Hùng tiếp tục lên đường chiến đấu ở Campuchia, rồi lại ra Bắc.
MC Quyền Linh xót xa: "Khoảng bao lâu thì chú về thăm cô" thì chú Hùng thẳng thắn nhìn nhận: "Rất là ít. Vì tôi luôn đặt nhiệm vụ đặc công lên trên. Gần như tôi là người đứng mũi chịu sào nên chẳng biết đến hai chữ nghỉ phép".
Cưới nhau năm 1978 nhưng đến 1984 cô chú Hùng - Phụng mới đón con gái đầu lòng. Trong suốt khoảng thời gian chưa có con, chồng đi chiến trận, vợ ở lại mòn mỏi đợi mong; lại chịu điều tiếng vì "không có con được". Sau này đi khám mới biết do chú Hùng bị bệnh, phải chạy chữa thì con gái đầu lòng mới có cơ hội chào đời.
Thế nhưng, lúc cô Phụng mang thai, chú Hùng lại đi biền biệt, có khoảng thời gian 6 tháng không nhận được tin tức. Lúc này điều kiện sống khó khăn, cô Phụng phải xin đơn vị về quê nhà sống dựa vào gia đình để chờ sinh con.
Khi được MC Quyền Linh hỏi bao lâu trong cô xuất hiện tình yêu với chú, cô Phụng thật thà: "Tôi chỉ nghĩ lo cho con cái chứ tình cảm thì như nghĩa vụ với nhau vì không được sống gần nhau nhiều. Trách nhiệm chỉ huy của chú lớn lắm, nên việc gia đình chú không phải nhìn đến vì cô đảm đương hết".
Mặc dù chưa hoàn thành tốt vai trò một người chồng phải quán xuyến cho gia đình, nhưng chú Hùng luôn là người gương mẫu trong các nhiệm vụ. Khi được hỏi có bao giờ nghĩ không có ngày về gặp lại vợ con, chú Hùng cũng tâm tình: "Người lính đặc công hơi khác với các binh chủng khác, nói thẳng là cuộc sống có hơi ngặt nghèo, sống chết gần như trong gang tấc. Nhưng tôi luôn tin tưởng vợ mình. Đi những nơi khác cũng có người con gái yêu tôi, nhưng tôi trả lời là không để về đoàn tụ với vợ con".
Lần đầu sinh không có chồng ở nhà, đến khi con 15 tháng mới lần đầu được gặp bố. Mới đầu nó phấn khởi, nhưng đến lúc bố về cứ đuổi: "Bác này đi lui ra không cho lại gần". Mang thai con thứ hai, đến ngày gần sinh cô Phụng vẫn phải gánh 27 thùng nước đến nỗi hôm sau bất ngờ "đẻ rơi" con vì không kịp đi bệnh viện.
Gian khổ là thế, nhưng cô Phụng tại Tình trăm năm vẫn giữ được tinh thần lạc quan trước mọi biến cố đã xảy ra trong hôn nhân của mình. MC Ngọc Lan bất ngờ: "Con không hiểu tại sao cô có thể kể lại với một tâm thế rất thoải mái; chứ như con là cô, con sẽ kể lại như một tấn bi kịch. Con rất thương cô, và yêu cái cách cô đối diện, chấp nhận và vượt qua mọi điều xảy ra trong cuộc sống của mình". MC Quyền Linh cũng không giấu nổi sự xúc động trước cuộc hôn nhân không có ngày bình yên, xuất phát từ việc không có tình yêu, cũng không có gì lãng mạn nhưng vẫn sắt son chung thủy một lòng.
Đến với Tình trăm năm, con gái lớn của vợ chồng chú Hùng và cô Phụng cũng gửi một tâm thư đến bố mẹ. Theo đó, cô kể lại tháng ngày trưởng thành không có ba bên cạnh, bị bạn bè xa lánh, kì thị vì nghèo - mặc mãi một cái áo và tưởng rằng cô không có ba. Nhiều người cười nhạo, thậm chí xô chó ra để cắn em.
"Tuy rằng thời gian ba ở bên cạnh con rất ít, nhưng ba luôn dặn con phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ, vì con là con của một người lính. Có lần vào Nam, khi đó con sốt rất cao và rất muốn ba ở lại nhưng không dám nói. Sáng ra con thấy ba, con rất vui. Khi học lớp hai, mỗi ngày đi học con đều mang theo bọc ni-lông để nhặt bao ni-lông về cho mẹ bán ve chai. Cả tuổi thơ của con chỉ thấy bóng dáng mẹ, còn ba như một vị anh hùng vì luôn xuất hiện những lúc con cần ba nhất. Con rất thích những ngày hè được cùng mẹ và em lên đơn vị thăm ba, vì khi ấy con mới thấy mình có một gia đình..." - Lá thư của con gái người lính đặc công Lê Mạnh Hùng gửi đến chương trình, khiến khán giả không cầm được nước mắt.
Cuối chương trình, cô Phụng cũng gửi một lá thư đầy ân tình đến chú Hùng, bày tỏ những cảm xúc thật của mình trong suốt những ngày gồng mình trong vị trí làm mẹ và cả làm cha cho các con, để trở thành hậu phương vững chãi cho chồng yên tâm chiến đấu, cống hiến cho Tổ quốc.
Đồng chí đại tá Lê Mạnh Hùng dành cả thanh xuân và cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng Việt Nam đã được Tổ quốc ghi nhận với hàng loạt thành tích, chiến công như 8 Huân chương Chiến công các loại; Huy hiệu Kháng chiến hạng nhì; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy hiệu 30 năm, 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 30/8/2018, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1491/QĐ-CTN, quyết định về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đồng chí Lê Mạnh Hùng, nguyên quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 198, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chương trình Tình trăm năm được phát sóng vào 17h50 thứ bảy hàng tuần trên HTV7 và kênh Youtube MCV Media.
Video tập 8 Tình trăm năm:
'Tình trăm năm': Câu chuyện tình xúc động của cụ bà 11 năm hi sinh còm cõi chăm con, nuôi chồng ở tù (TGĐA) - Tình trăm năm tập 4 là câu chuyện tình 66 năm nhiều cảm ... |
‘Tình trăm năm’: Câu chuyện ý nghĩa về chiếc nhẫn cưới của cụ ông 90 tuổi (TGĐA) - MC Quyền Linh và Ngọc Lan bất ngờ trước ý nghĩa của chiếc ... |
Vũ Liên