(TGĐA) - Ngày 1/4/2013, một thông tin khá bất ngờ được công bố: Bụi đời Chợ Lớn phải lùi ngày phát hành để chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội Đồng duyệt phim Quốc gia. Nói là bất ngờ bởi bộ phim đã được PR rầm rộ từ vài tháng trước đó, thậm chí còn được ấn định ngày ra rạp trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Dư luận ban đầu "đoán già đoán non" liệu đây có phải là một trò đùa vào ngày Lễ nói dối để thu hút sự chú ý? Nhưng rồi dần dần, khi ngày Cá tháng tư trôi qua mà vẫn không hề có thông tin đính chính ngược lại, tất cả chuyển sang hụt hẫng vì một tác phẩm điện ảnh "có vẻ" được đầu tư rất công phu về tiền bạc và công sức vẫn chưa thể đến với khán giả. Phần lớn đều đặt ra câu hỏi rằng: "Tại sao Hội Đồng Duyệt không bắt chỉnh sửa ngay từ khâu kịch bản mà đợi đến khi các nhà làm phim hoàn thành bộ phim rồi mới bắt cắt sửa? Như vậy chẳng phải làm khó họ hay sao?".
Anh em nhà Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn đã nhận quá nhiều điểu ngọt ngào ở Việt Nam
1. Câu trả lời rõ ràng nhưng không được chào đón
Trước những phản ứng không mấy tốt đẹp về quyết định "hoãn chiếu", chiều 11/4, Cục Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức một buổi họp báo về việc này. Tất cả bỗng vỡ lẽ rằng hóa ra ngay từ khi kịch bản bộ phim được nộp lên để duyệt, Hội Đồng đã có những khuyến cáo và yêu cầu chỉnh sửa, nhưng không hề nhận được phản hồi từ phía các nhà sản xuất phim. Sau đó, Bụi đời Chợ Lớn vẫn "âm thầm" được quay dù chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý hợp lệ và thậm chí còn công bố ngày phát hành một cách rộng rãi dù chưa hề được cấp phép. Sự vi phạm rõ ràng trong quá trình trước và sau khi sản xuất phim đã thể hiện sự thiếu tôn trọng luật pháp và cơ quan quản lý của đội ngũ sản xuất Bụi đời Chợ Lớn.
Về nội dung của bộ phim, đại diện cho Hội Đồng Duyệt đã thẳng thắn vạch rõ tính chất bạo lực và việc phản ánh xã hội một cách sai lệch của Bụi đời Chợ Lớn, dẫn đến kế hoạch phát hành bộ phim buộc phải dừng lại để các nhà làm phim chỉnh sửa.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã có vài phim bị kiểm duyệt nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật Trung Quốc
Đó là những câu trả lời rất cụ thể, không né tránh của những người có trách nhiệm đối với một sự việc mang tính chất nhạy cảm của Điện ảnh. Qua buổi họp báo, người ta cũng nhận ra rằng Hội Đồng đã rất nhân văn khi không "cấm chiếu" đối với Bụi đời Chợ Lớn mà vẫn trao cho những nhà làm phim cơ hội sửa chữa để phim có thể đến với công chúng dù họ đã sai phạm khá nhiều ngay từ đầu.
Tuy vậy, dù rõ ràng và minh bạch, những câu trả lời này đã không được những người tham gia làm bộ phim và những người bạn của họ chào đón.
2. Làm phim "Bụi đời..." - Xử sự cũng... "Bụi đời"
Đạo diễn của bộ phim Bụi đời Chợ Lớn và em trai của mình - diễn viên chính kiêm đạo diễn hành động của phim là những người từng có thời gian hoạt động Điện ảnh ở Mỹ nhưng không có tiếng tăm. Quả thực, môi trường Hollywood quá khắc nghiệt đối với nhiều người. Ngay cả những đạo diễn nổi tiếng như M. Forman (CH Séc), A. Kontralovski (Nga)... một trong số những người từng rời bỏ Tổ quốc để sang Hollywood thi thố tài năng trong những năm chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Đông Âu cũng đều thất bại. Bởi vậy, việc hai anh em vị Đạo diễn kia quyết định trở về Việt Nam âu cũng là điều tất yếu. Họ đạt được nhiều thứ tại Đất nước này, tiền bạc và sự nổi tiếng. Họ trở thành những nghệ sĩ được trọng vọng và cả kì vọng.
Trở lại với trường hợp bộ phim Bụi đời Chợ Lớn bị yêu cầu chỉnh sửa, trái với "sự kì vọng" về cách xử sự của họ, những phản ứng mà Đạo diễn của phim và em trai mình mang lại là vô cùng tiêu cực. Hàng loạt những tuyên bố, kêu gọi được họ cùng những người bạn của họ đưa ra trên những trang mạng cá nhân. Hết viện lý do rằng đây chỉ là bộ phim hành động mang tính giải trí thuần túy, có ý gì đâu mà Hội đồng duyệt "nâng quan điểm", đòi hỏi phải có sự can thiệp của công an như ngoài đời, lại đến việc nói rằng Hội đồng lạc hậu và ấu trĩ, "giết chết nghệ thuật", cản trở sáng tạo của nghệ sĩ. Họ đưa ra lập luận rằng, ở Mỹ người ta "bạo lực" còn kinh khủng hơn nhiều.
Bụi đời Chợ Lớn đầy ắp chém giết máu lửa và cả cảnh nóng
Không hiểu có phải họ cố tình không biết (bởi họ cũng từng ở Mỹ khá lâu) hay họ bị hổng mất cái phông văn hóa này, bởi ai cũng biết hình ảnh của nước Mỹ được tuyên truyền và quảng bá rất rộng rãi đến mức nhiều người chưa đi Mỹ bao giờ cũng có thể biết về nước Mỹ hơn cả những người "từng ở Mỹ khá lâu". Còn đối với Việt Nam - một nước đang phát triển, thì hiện tại, việc quảng bá hình ảnh còn rất nhiều điều phải bàn và đang là một trong những mối quan tâm lớn của Nhà nước cũng như toàn dân. Bởi vậy, thử hỏi, nếu phim Bụi đời Chợ Lớn, với những hình ảnh như vậy, được cấp phép phát hành, thì sẽ tác động như thế nào đối với xã hội? Nó sẽ trực tiếp tạo ra hình ảnh về một thành phố, một quốc gia không an toàn với nạn đâm chém, băng đảng bạo lực hoành hành đến mất kiểm soát mà điều này là hoàn toàn sai lệch so với thực tế ở nước ta. Đem tình hình nước này để áp dụng vào nước kia, quả thực, đây là một việc làm lạ lùng, nếu không nói là "ấu trĩ".
La ó, mỉa mai, nói kháy về việc duyệt phim. Thậm chí, họ chia sẻ những bài báo về những vụ án mạng, cướp bóc, vin vào đó để nói rằng thực trạng xã hội cũng "chém giết" như vậy đấy, sao lại bảo phim chúng tôi sai thực trạng? Điều này chẳng khác gì một đứa con nít đang cố tình hiểu chệch vấn đề và tìm đủ mọi lý do để lấp liếm cho việc làm sai trái của mình.
3. "Nhập gia tùy tục"
Đây là một câu thành ngữ mà có lẽ 100% người dân Việt Nam đều thuộc lòng. Nhưng đối với anh em nhà Đạo diễn Bụi đời Chợ Lớn, hình như họ vẫn chưa biết về câu thành ngữ đó. Bởi vậy, khi nhận được thông báo về việc chỉnh sửa bộ phim này, họ đã không giữ được sự tỉnh táo và bình tĩnh cần thiết. Họ "quên" mất họ từng nhận được quá nhiều điều ngọt ngào ở Việt Nam, và việc nếm "một chút đắng", không thể và không được là lý do cho sự phản pháo thiếu suy nghĩ như vậy, nhất là khi "một chút đắng" đó là liều thuốc cần thiết để chữa "những căn bệnh" mà họ đang mắc phải.
Cảnh trong Bụi đời Chợ Lớn
Khi đã làm phim ở Việt Nam (hay ở bất cứ nước nào trên thế giới), ai cũng phải hiểu một điều đơn giản rằng, Việt Nam có lịch sử, văn hóa và truyền thống riêng của Việt Nam. Những điều đó đã tồn tại từ hàng ngàn đời nay và là cội rễ để Đất nước này phát triển. Một bộ phim được chiếu hay không chiếu, so với xã hội, chẳng phải điều gì to tát. Nhưng xã hội nào cũng có những qui định và đặc thù riêng của nó. Nó đơn giản sẽ không bao giờ chấp nhận những thứ đi trái ngược lại chính nó. Một đạo diễn nổi tiếng người Iran đã từng nói "Người nghệ sĩ cần sáng tạo đến giới hạn của sự có thể mà xã hội cho phép."
Bởi xét cho cùng, nghệ thuật là để phục vụ cuộc sống chứ cuộc sống không thể thay đổi để phục vụ cho nghệ thuật (hoặc những thứ được "gán mác" nghệ thuật).
Minh Chính