(TGĐA) - Điện ảnh Việt Nam, trong 10 năm gần đây, đang phát triển ồ ạt, bùng nổ về số lượng, nhưng chất lượng thì khá hỗn loạn, thượng vàng hạ cám.
Phần lớn số phim này là xã hội hóa, nên mục tiêu thương mại được đặt lên hàng đầu. Nhằm mục đích kiếm tiền, những phim này rất ít yếu tố nghệ thuật. Dường như đã hình thành một quan niệm: thương mại và nghệ thuật, như nước với lửa, không thể cùng tồn tại trong một bộ phim. Quan niệm này chưa chính xác. Thực ra, trong quá khứ cũng như tại thời điểm này, đã có những bộ phim Việt Nam kết hợp tốt hai yếu tố Nghệ thuật và Thương mại và những bộ phim này đều để lại dấu ấn sâu đậm tại các kỳ LHP, khai phá những lối đi mới trong sáng tạo. Tôi xin giới thiệu 5 bộ phim đã có sự kết hợp này:
Phim Mối tình đầu (Biên kịch: Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh, Đạo diễn: Hải Ninh, Hãng PTVN sản xuất năm 1977)
Bộ phim này khi công chiếu đã gây cơn sốt vé trên các rạp trong cả nước. Phe vé thắng lớn. Có người chen vào xem phim bị giật mất dây chuyền. Thành công về thương mại, phim cũng thành công về nghệ thuật. Phim đoạt giải BSB tại LHP Việt Nam lần thứ 5 (1980), giải Đạo diễn xuất sắc cho Hải Ninh, Giải Họa sỹ xuất sắc cho Đào Đức, giải Nam chính xuất sắc cho Thế Anh. Bộ phim còn giành giải Nhất của UNESCO tại LHP Karlovy Vary năm 1978, Huy chương Bạc LHPQT Tân hiện thực tại Italia năm 1981.
| |
Cảnh trong phim Mối tình đầu |
Phim Cô gái trên sông (Biên kịch và Đạo diễn: Đặng Nhật Minh, Hãng PTVN sản xuất năm 1987)
Bộ phim này cũng gây sốt vé dữ dội. Tại Đà Nẵng, doanh thu bán vé đủ chi trả cho toàn bộ LHPVN lần thứ 8 (1988), thậm chí còn thừa. Bộ phim được trao giải BSB tại LHP Việt Nam lần thứ 8; giải Nữ chính xuất sắc cho Minh Châu, giải Quay phim xuất sắc cho Phạm Việt Thanh.
| |
Cảnh trong phim Cô gái trên sông |
Phim Vị đắng tình yêu (Biên kịch: Lê Hoàng - Việt Linh, Đạo diễn: Lê Xuân Hoàng, Hãng phim Giải phóng sản xuất năm 1990)
Đây là bộ phim có doanh thu cao nhất thập niên 1990 (khoảng 500 triệu, bằng 200 tỷ bây giờ). Cho đến nay Vị đắng tình yêu vẫn được đánh giá là phim về đề tài sinh viên dễ thương nhất, hay nhất và chân thực nhất.
Phim đã giới thiệu một dàn diễn viên xuất sắc: Lê Tuấn Anh, Thủy Tiên, Phước Sang, Quyền Linh, Thiệu Ánh Dương… Và đặc biệt là Lê Công Tuấn Anh trong vai Quang Đông-ki-sốt bất tử.
Phim đã giành giải BSV LHP Việt Nam lần thứ 10 (1993), giải Đạo diễn xuất sắc cho cố đạo diễn Lê Xuân Hoàng, giải nam chính xuất sắc cho Lê Công Tuấn Anh.
Phim Gái nhảy (Biên kịch: Ngụy Ngữ, Đạo diễn: Lê Hoàng, Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 2003)
Bộ phim mở đầu cho dòng phim thương mại sau này, khuynh đảo toàn bộ các rạp chiếu trong cả nước, đánh bại cả Xác ướp Ai Cập, đạt doanh thu khủng 12 tỷ (chắc bằng 120 tỷ bây giờ)
Rất tiếc tại LHP Việt Nam 14 đã có những đánh giá chưa chuẩn xác về giá trị một phim có doanh thu cao, khiến Lê Hoàng bật khóc nức nở. Cá nhân tôi cho rằng, Gái nhảy xứng đáng đoạt giải (BSB, giải nữ chính cho Minh Thư). Đây cũng là bộ phim thương mại đỉnh cao, có nghệ thuật thể hiện khá nhuần nhuyễn, mà cho đến tận hôm nay, chưa có bất kỳ bộ phim thương mại nào vượt qua được.
| |
Cảnh trong phim Gái nhảy |
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Biên kịch Việt Linh, đạo diễn: Victor Vũ; Cục Điện ảnh và Galaxy sản xuất năm 2014)
Bộ phim có thể coi là hiện tượng phòng vé của Điện ảnh Việt Nam, thu về hơn 80 tỷ.
Phim không có chân dài, không đồng tính, không kinh dị, không hài nhảm… Bộ phim đẹp như một bài thơ về tuổi thơ ấu trong trẻo, ngây ngô. Bộ phim có sức hút mãnh liệt, khiến người xem rơm rớm nước mắt, có người bật khóc khi gặp lại những hình ảnh của chính mình ngày xưa. Có thể nói lâu lắm rồi mới có một bộ phim chạm đến trái tim khán giả.
| |
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh |
Tại LHP Việt Nam lần thứ 19, bộ phim đã đoạt giải BS, giải Đạo diễn xuất sắc cho Victor Vũ, giải Quay phim xuất sắc cho K’ Linh, giải Phim hay nhất do khán giả bình chọn.
Một điều lưu ý: năm bộ phim trên đều sản xuất bằng tiền ngân sách Nhà nước. Phải chăng chính điều đó đã khiến các Đạo diễn không bị áp lực đồng tiền, yên tâm sáng tạo đến tận cùng.
Những bộ phim trên cũng bác bỏ quan điểm: không thể kết hợp tốt giữa nghệ thuật và thương mại trong cùng một bộ phim. Có lẽ cần phải quan niệm khác đi, rằng một bộ phim hay, phải là một bộ phim kết hợp tốt hai yếu tố trên. Điện ảnh Mỹ, nền công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới, cũng có những bộ phim như vậy: Ben Hur, Titanic, Chúa tể những chiếc nhẫn… đoạt nhiều giải Oscar nhưng vẫn có doanh thu hàng tỷ đô-la, và còn được khai thác đến tận bây giờ.
Điện ảnh Việt Nam đang phát triển ồ ạt, hỗn mang, nhưng rồi nó vẫn phải chấp nhận quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường: cạnh tranh và đào thải. Mừng thay, sau thời kỳ hỗn loạn phim nhảm, đã thấy lấp ló những bộ phim kết hợp khá tốt hai yếu tố trên, như: Sài Gòn anh yêu em, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Tấm Cám chuyện chưa kể, Em chưa 18, Hotboy nổi loạn, Dạ cổ hoài lang…
| |
Poster phim Cô Ba Sài Gòn |
Phim hay như gái đẹp, đi đâu cũng lấy được chồng. Hy vọng điện ảnh Việt Nam sắp tới sẽ có thêm nhiều Hoa hậu, Á hậu tươi mới, mơn mởn như Em chưa 18; thuần Việt, nết na, dịu dàng nhưng cũng đầy tự hào, khí phách như Cô Ba Sài Gòn…
Đinh Thiên Phúc