Điện ảnh Việt Nam - thở phào và hốt hoảng

Sau mùa phim Tết 2010, điện ảnh Việt Nam có tới 14 bộ phim được ra mắt trong năm qua - nhiều hơn tất cả những năm trước đây. Để Mai tính, Cánh đồng bất tận, Giao lộ định mệnh và Bi đừng sợ là bốn cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Doanh thu phòng vé của Để Mai tính và Cánh đồng bất tận có thể đem ra cạnh tranh với nhiều bom tấn Hollywood tại Việt Nam. Bộ phim hài lãng mạn của đạo diễn Charlie Nguyễn thu về khoảng hơn 16 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam, thu hút khán giả xem lại nhiều lần. Tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tính đến nay cũng thu được gần 17 tỷ đồng và trở thành phim Việt ăn khách nhất tại thị trường trong nước năm qua. Con số này sẽ tăng thêm vì tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình vẫn đang được chiếu tại nhiều rạp ở TP HCM và một số tỉnh thành.

Vừa phấn khích với tin Cánh đồng bất tận đạt doanh thu 17 tỷ đồng, Bi đừng sợ giành hai giải Cannes, người yêu điện ảnh Việt đã hụt hẫng vì Megastar bị kiện lợi dụng thế độc quyền hay nghi án 'đạo phim' của Giao lộ định mệnh.


Sức hút đối với công chúng

Dustin Nguyễn và Kathy Uyên trong Để Mai tính.

Dù khán giả Việt Nam chưa được thưởng thức Bi đừng sợ, bộ phim đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di vẫn là một trong những điểm sáng của điện ảnh VN trong 12 tháng qua với hai giải tại tuần lễ phê bình của LHP Cannes (Pháp) cùng một số giải thưởng lớn tại nhiều LHP danh tiếng trên thế giới như Stockholm (Thụy Điển), LHP Châu Á tại Hong Kong... Theo dự kiến, Bi đừng sợ sẽ tiếp tục chinh chiến tại 39 LHP lớn nhỏ trên thế giới trong năm 2011.

Bi đừng sợ là bộ phim đem về vinh quang cho điện ảnh VN trên thương trường quốc tế trong năm qua.

Bên cạnh đó, nhu cầu xem phim rạp của người Việt ngày càng tăng lên. Rất nhiều rạp chiếu mới đã xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Trong năm qua, BHD đã mở hai hệ thống rạp lớn tại HN (Platinum Cineplex) và TP HCM (BHD Star). Galaxy cũng mở thêm phòng chiếu 3D tại TP HCM, còn Megastar khai trương rạp 3D tại Đà Nẵng. Khi có một bộ phim mới được ra mắt, gần như các rạp chiếu chất lượng tốt đều nườm nượp khách kể cả ngày thường. Trong những ngày cuối năm, rạp chiếu Kim Đồng tại Hà Nội cũng khai trương phòng chiếu phim 4D hiện đại để thỏa mãn nhu cầu nghe nhìn của công chúng.

Những mùa phim mới đa dạng các thể loại

Không chỉ tập trung chủ yếu vào Tết Nguyên đán như trước, điện ảnh VN đã biết tận dụng và san sẻ ra các mùa phim mới như hè, thu, cuối năm để cho ra mắt những sản phẩm mới. Bộ phim hài tình cảm mang đậm phong cách Hollywood - Để Mai tính - ra rạp vào dịp 30/4. Trước đây chưa có một phim VN nào dám mạo hiểm ra mắt vào thời điểm này vì sát với các bom tấn hành động, giả tưởng. Tuy nhiên, phim đạt được thành công hơn cả mong đợi và khai màn cho mùa phim hè đầu tiên của điện ảnh trong nước. Khi được trình chiếu tại Bắc Mỹ hồi đầu tháng 9, Để Mai tính cũng thu về 39.300 USD. Hình ảnh đẹp được thực hiện tại nhiều địa điểm nổi tiếng như Hà Nội, Nha Trang, TP HCM, dàn diễn viên đẹp, âm nhạc thu hút và một câu chuyện lãng mạn theo "kiểu" Hollywood là những yếu tố dẫn đến thành công của phim.

Cánh đồng bất tận khai phá mùa phim thu thành công và trở thành bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh VN trong năm qua.

Sang đến tháng 9, Giao lộ định mệnh - bộ phim tâm lý rùng rợn của đạo diễn Victor Vũ - chọn dịp Trung thu để đổ bộ xuống các rạp, còn Cánh đồng bất tận tạo nên một cơn sốt cuồng nhiệt tại các phòng chiếu vào cuối tháng 10. Hai bộ phim thuộc hai thể loại và nhắm tới hai loại đối tượng khán giả hoàn toàn khác nhau đã khai phá thành công mùa phim thu.

Cuối năm ngoái, Bẫy Rồng chọn thời điểm ra mắt cùng với siêu bom tấn Avatar - ngày 18/12 - nhưng vẫn thành công khi thu về được hơn 11 tỷ đồng. Năm nay, bộ phim hành động hài Em hiền như ma sơ với sự tham gia của Siu Black và Anh Thư tiếp tục chọn thời điểm cuối tháng 12 để ra mắt với mong muốn cống hiến cho khán giả một mùa Giáng sinh vui nhộn. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng khán giả cũng được thưởng thức bộ phim lịch sử Vượt qua bến Thượng Hải vào ngày 17/12.

Mặt khác, năm qua khán giả cũng được thưởng thức nhiều thể loại phim đa dạng của điện ảnh trong nước, từ tình cảm hài (Để Mai tính), âm nhạc vũ đạo (Vũ điệu đam mê), hành động hài (Em hiền như ma sơ) cho tới tâm lý xã hội (Cánh đồng bất tận), tâm lý rùng rợn (Giao lộ định mệnh), cổ trang - lịch sử ( Long Thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long)

Tạo nên những ngôi sao

Trước đây, điện ảnh Việt Nam luôn cần các tên tuổi nổi tiếng, có thể là diễn viên, ca sĩ, người mẫu để đảm bảo cho thành công và doanh thu của mỗi bộ phim. Nhưng nay, chính phim Việt đã tạo nên thương hiệu cho sao Việt. Những tác phẩm điện ảnh VN trong năm qua đã góp phần lớn đưa tên tuổi của các diễn viên như Lan Ngọc, Thái Hòa, Quách Ngọc Ngoan... hay các đạo diễn mới như Phan Đăng Di đến gần hơn với công chúng.

Nữ diễn viên thế hệ 9x Ninh Dương Lan Ngọc chỉ qua vai diễn Nương trong Cánh đồng bất tận đã được coi là "ngọc nữ" mới của điện ảnh VN. Sở hữu vẻ đẹp thuần khiết, nét dịu dàng của người con gái Nam Bộ và lối diễn xuất tinh tế, để lại nhiều cảm xúc nơi người xem, Lan Ngọc đã đem lại cái “hồn” và đưa nhân vật Nương từ những trang sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bước lên màn ảnh rộng.

Ninh Dương Lan Ngọc -
Ninh Dương Lan Ngọc - "ngọc nữ" mới của màn ảnh rộng Việt Nam.

Thái Hòa là cái tên hút khách nhất năm qua. Nhiều khán giả tiết lộ họ đi xem Để Mai tính nhiều lần chỉ vì muốn chiêm ngưỡng "chị Hội" và được nhân vật này chọc cười. Vai diễn đồng tính của anh không gây phản cảm mà trái lại, còn là nhân vật được yêu thích nhất trong phim. "Chị Hội" của Thái Hòa được dự đoán sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho các giải thưởng điện ảnh VN trong thời gian tới như Cánh diều vàng hay Bông sen vàng.

Dustin Nguyễn tham gia cả hai bộ phim đình đám nhất là Để Mai tínhCánh đồng bất tận. Hai thể loại phim riêng biệt, hai vai diễn khác hẳn nhau nhưng đều đạt được thành công và giúp Dustin ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Ngoài ra, anh còn đảm đương rất tốt vai trò nhà sản xuất của bộ phim thứ nhất.

Đạo diễn Phan Đăng Di góp phần đem về vinh dự cho điện ảnh Việt Nam khi đạt được nhiều giải thưởng chính tại các đấu trường quốc tế với bộ phim độc lập Bi đừng sợ. Tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các LHP quốc tế như Cannes, Pusan, Phan Đăng Di đã mất hai năm để đưa ý tưởng mà mình ấp ủ lên màn ảnh rộng. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam mang đậm màu sắc của dòng phim tác giả và tạo nên một thương hiệu riêng cho đạo diễn 34 tuổi này.

Điện ảnh VN 2010 cũng chứng kiến sự lên ngôi của các đạo diễn Việt kiều. Đạo diễn Charlie đã đem tới cho khán giả một Để Mai tính lãng mạn, hài hước đúng theo "phom" phim hài tình cảm của Hollywood. Trong khi đó, tuy đạo diễn Victor Vũ vướng scandal đạo phim, nhưng không thể phủ nhận Giao lộ định mệnh là một bộ phim được thực hiện trau chuốt, tỉ mỉ và mang đến nhiều cái nhìn mới cho điện ảnh VN. Một số đạo diễn Việt kiều khác cũng đang dàn dựng tác phẩm để ra mắt vào năm sau như Stephane Gauger (Sài Gòn Yo !), Cường Ngô (Ngọc viễn đông)

Thái Hòa là một trong những cái tên gây ấn tượng nhất trong năm qua.
Thái Hòa là một trong những cái tên gây ấn tượng nhất trong năm qua.

Những cái tên ghi dấu ấn trên màn ảnh rộng Việt Nam trong năm qua còn có Trần Bảo Sơn với vai diễn ấn tượng về một kẻ bị mất trí nhớ và phải đấu tranh nội tâm dữ dội trong Giao lộ định mệnh, hay Quách Ngọc Ngoan - "mỹ nam cổ trang" đầu tiên của điện ảnh VN, Đình Toàn với vai vua Lê Long Đĩnh trong Khát vọng Thăng Long...

Tai tiếng

Năm 2010, điện ảnh VN có bao nhiêu thành công thì cũng đi kèm bấy nhiêu scandal gây xôn xao dư luận.

Khát vọng Thăng Long - bộ phim truyện chào mừng Đại lễ Nghìn năm - không thể ra mắt đúng dịp kỷ niệm vì tranh chấp bản quyền ý tưởng kịch bản, vướng nhiều lùm xùm trong quá trình thực hiện và kinh phí đầu tư. Nhiều dự án điện ảnh khác được chuẩn bị từ rất lâu để đón đầu 1000 năm Thăng Long cuối cùng cũng lỡ hẹn.

Kịch bản 'Khát vọng Thăng Long' từng gây tranh cãi trong một thời gian dài. Ảnh: N.Q.
Kịch bản Khát vọng Thăng Long từng gây tranh cãi trong một thời gian dài. Ảnh: N.Q.

Sự kiện Megastar bị các doanh nghiệp chiếu phim trong nước khiếu kiện hồi tháng 5 vì nâng giá thuê phim và áp đặt các điều kiện phát hành cũng gây phân cực trong dư luận. Chính sách của Megastar bị cho là vi phạm luật cạnh tranh, đe dọa xóa sổ các cụm rạp bình dân, tác động trực tiếp tới giá vé, ngăn cản nhu cầu thưởng thức phim ảnh của một bộ phận khán giả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng với cơ chế thị trường hiện nay thì điều này hoàn toàn bình thường. "Tôi nghĩ đơn giản thế này: đã ra kinh doanh thì chấp nhận luật chơi sòng phẳng" - một độc giả của VnExpress phát biểu. Sáu tháng sau, Megastar mới lần đầu công khai giải trình về vụ việc, nhưng vẫn bác bỏ cáo buộc của các doanh nghiệp chiếu phim.

Giữa tháng 10, Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ sau một tháng hốt bạc lại bị tố là "hàng đạo" từ bộ phim Shattered của Hollywood. Không chỉ giống nhau về mặt nội dung, ý tưởng về cái kết bất ngờ, mà ngay cả những góc quay cũng giống một cách kỳ lạ với tác phẩm điện ảnh có từ năm 1991. Đạo diễn Victor Vũ lên tiếng phủ nhận nhưng đến giờ, thực hư câu chuyện này ra sao vẫn còn là một ẩn số.

Sau khi được trình chiếu cũng trong khoảng một tháng, Cánh đồng bất tận lại gây xôn xao với vụ bản quyền ảnh trên poster. Đặng Minh Tùng là người chụp nhưng trên các poster chỉ đề tên nhiếp ảnh Trần Huy Hoan. Cuộc tranh cãi giữa nhà sản xuất là Hãng phim Việt, nhà phát hành là BHD và nhiếp ảnh gia bị "quên tên" đến giờ vẫn chưa đi tới hồi kết.

Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam là liên hoan phim quốc tế đúng nghĩa đầu tiên được tổ chức tại VN, với sự tham gia của các ngôi sao trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khâu tổ chức có nhiều sạn khiến sự kiện này để lại nhiều "thị phi" hơn là những ấn tượng đẹp.

Các buổi chiếu phim tham dự LHP gặp nhiều lỗi về phụ đề, âm thanh, cách tiếp đón các nghệ sĩ nước ngoài chưa được chu đáo. Những bạn trẻ được Ban tổ chức sắp đặt để "hò hét" tên của các ngôi sao trên thảm đỏ đã gọi nhầm tài tử Hong Kong Trương Gia Huy là... Trương Vệ Kiện trong đêm khai mạc. Mặt khác, nhiều sao Việt dù được mời nhưng vắng mặt, nên Ban tổ chức đã phải sắp xếp cho các vị khách tới tham dự đi lại hai lần trên thảm đỏ.

Diễn viên Kim Thư, tài tử Hong Kong Trương Gia Huy và người mẫu Trang Nhung trên thảm đỏ LHP Quốc tế VN lần thứ I. Ảnh: Hoàng Hà.
MC Ngô Mỹ Uyên (trái), Lại Văn Sâm không ăn ý trong khâu phiên dịch cho phần phát biểu của diễn viên Hong Kong Ngô Ngạn Tổ (phải). Ảnh: st.

Khâu dịch thuật cũng là một "hạt sạn" lớn của LHP. Đêm bế mạc được truyền hình trực tiếp nhưng phải thay phiên dịch nhiều lần giữa chừng. Khi tài tử Hong Kong Ngô Ngạn Tổ phát biểu trên sân khấu mà không có ai phiên dịch, MC Lại Văn Sâm buộc phải ứng biến dù không thông thạo tiếng Anh và đã gây ra một sự cố dở khóc dở cười cho Ban tổ chức.

Các phim Việt Nam ra mắt trong năm:

- Không cân sức
- Để Mai tính
- Tây Sơn hào kiệt
- Giao lộ định mệnh
- Long thành cầm giả ca
- Trung Úy
- Bi, đừng sợ
- Những bức thư từ Sơn Mỹ
- Vũ điệu đam mê
- Cánh đồng bất tận
- Khát vọng Thăng Long
- Vượt qua bên Thượng Hải
- Em hiền như ma sơ
- Hoa đào


Theo Vnexpress