Hoạt hình trong Cánh diều 2012

(TGĐA) - 13 bộ phim tham dự giải Cánh Diều vừa qua, có 12 phim do công ty TNHHMTV – Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất và có một phim do công ty TNHHMTV – Hãng phim Giải Phóng sản xuất. Hầu hết thực hiện trên công nghệ số gồm cả 3 thể loại: Phim 2D truyền thống, phim 3D và phim 2D thực hiện trên máy tính.

Cnh_trong_phim_Trn_Quc_Ton

Cảnh trong phim Trần Quốc Toản

Số lượng phim tham dự Cánh Diều lần này là một tín hiệu đáng mừng, nó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của thể loại này trong thời điểm kinh tế khó khăn. Nội dung đề tài các phim hoạt hình tham dự khá phong phú: Bảo vệ môi Trường (5 phim), lịch sử (2 phim – độ dài 90 phút), triết lý (1 phim), đồng thoại (5 phim) được thể hiện bằng các hình thức khá đa dạng.

Trong một vài năm gần đây, đề tài lịch sử đã được Hãng phim hoạt hình đặc biệt quan tâm. Ở Cánh Diều trước chúng ta đã gặp Giấc mơ Loa thành và lần này là Hào khí Thăng Long (60 phút) và Trần Quốc Toản (30 phút). Sự nỗ lực thể hiện tái tạo không khí, khung cảnh lịch sử là điều dễ thấy của tập thể các hoạ sỹ dàn dựng thực hiện trong các phim nói trên. Đặc biệt nét tạo hình mới mẻ đậm nét trang trí khoẻ khoắn trong Trần Quốc Toản. Tuy nhiên ở mảng đề tài đầy thách thức này người xem chưa được thuyết phục bởi nội dung các phim này phản ánh. Các nhân vật lịch sử, các sự kiện chính trong chiến công hiển hách ba lần chiến thắng Nguyên Mông của nhà Trần người xem đều thấy trên phim, nhưng không đọng lại tâm trí khán giả. Tạo hình nhân vật chưa rõ tính cách, nên các nhân vật như: Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư…na ná như nhau làm khán giả rất khó phân biệt. Các sự kiện, vai trò cá nhân trong phim chưa được khắc hoạ để trở thành hình hình tượng màn ảnh. Vai trò của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cũng như người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản chưa thật sự nổi bật. Hào khí Thăng Long, Trần Quốc Toản chỉ dừng lại minh hoạ các sự kiện, chưa khắc hoạ được tính cách tâm lý, số phận nhân vật làm nên các chiến công hiển hách đó. Các hạn chế này có lẽ phần lớn do kịch bản.

Cnh_trong_phim__Gic_m_Loa_Thanh

Phim Giấc mơ Loa thành

Môi trường là mảng đề tài hấp dẫn, gợi cảm hứng cho các biên kịch, đạo diễn hoạt hình. Cái vỏ chuối, Món khoái khẩu, Khoảng trời, Bò vàng, Có một khu rừng mỗi phim có một cách tiếp cận, xử lý khác nhau. Ở Cái vỏ chuối (đạo diễn Bảo Quang) có cách kể giản dị về sự ném rác ra đường thông qua số phận cái vỏ chuối được dẫn dắt khá hóm hỉnh, xếp đặt tình huống khéo léo để đưa ra thông điệp rõ ràng là: Ý thức bảo vệ môi trường kém cũng là một thứ rác cần loại bỏ. Với phong cách miêu tả gần hiện thực bộ phim để lại nhiều cảm tình cho người xem.

Món khoái khẩu (đạo diễn Vũ Duy Khánh) có phần ước lệ hơn, khoa trương hơn trong cách đặt vấn đề. Môi trường bị xâm hại không những cuộc sống con người bị đe doạ mà ngay với cả chuột một loài gậm nhấm có hại cũng bị tác động trực tiếp. Chuột không còn là món ăn quen thuộc của mèo nữa khi nó chứa đầy những chất độc hại do ăn rác bẩn, thuốc tăng trọng và chơi cả ma tuý. Tất cả tình huống trên được giới thiệu với người xem thông qua sự thất vọng, khiếp sợ của Mèo. Bộ phim có ý tưởng, nhưng nhân vật Mèo chưa được dụng công khắc hoạ rõ nét về tâm lý, hình thể, diện mạo đã làm phim giảm sự hấp dẫn và sức thuyết phục. Sự xâu chuỗi các tình huống “Chuột ô nhiễm” cũng chưa khéo tạo kịch tính cho tâm lý hoảng sợ và bế tắc của Mèo. Hình ảnh Mèo tần ngần bên chuột vi tính theo tôi nên để ở khuôn hình cuối phim thì tốt hơn khi xuất hiện ngay từ đầu phim.

Khoảng trời (đạo diễn Lê Bình) cho người xem cái nhìn khoáng đạt hơn, thơ hơn. Những mảng màu ngon mắt, cách xử lý tạo hình khoẻ khoắn mạnh bạo vốn có vẫn được anh duy trì phát triển trong phim này. Tốc độ đô thị hoá hiện đang diễn ra đã nhanh chóng xoá đi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá vốn có của làng quê, làm mất đi môi trường dung dưỡng tuổi thơ với những khung cảnh cánh đồng, bờ tre , mái rạ, cổng làng gần gũi là câu chuyện của Khoảng trời. Tuy nhiên bộ phim còn tham nhiều chi tiết mô phỏng hiện thực nên thiếu sự khái quát làm mạch phim bị dàn trải. Người xem thấy sự lưỡng lự, thái độ chưa thật rõ ràng của các tác giả giữa việc bảo tồn gìn giữ không gian văn hoá quá khứ và dựng xây cái mới cái hiện đại. Sự xung đột giữa mới và cũ chưa thật gay gắt, chưa thành hình tượng trên màn ảnh. Những mảng mầu tươi sáng nối tiếp nhau khi trình bày cả hai vế đối nghịch mới – cũ làm giảm đi sự cảm nhận chủ đề của phim. Sự sung sức của Lê Bình vẫn rất rõ , nhưng anh cần kiểm soát, điều tiết cảm xúc của mình chặt chẽ hơn.

Có một khu rừng (đạo diễn Hà Bắc) được thể hiện trên thể loại 3D. Câu chuyện về lũ thú rừng bị dồn đuổi xâm hại vì nạn phá rừng, bẫy thú tàn phá thiên nhiên. Sự giản đơn về mạch chuyện đã không cuốn hút được người xem. Phim không có sự lý giải, phát hiện gì sâu sắc trước hiện thực nóng bỏng trên. Trong phim cũng không tạo được nhân vật chính, tâm lý tính cách không xác định. Mối quan hệ giữa các nhân vật trước hiểm hoạ đang rình rập khắp nơi không rõ ràng, nên không thể tạo tình huống, hành động gây đột biến. Sự mơ tưởng ở phần cuối phim về một môi trường trong lành lại quá dài là một sự nhàm chán.

Bộ phim cuối mà tôi muốn nhắc tới ở đề tài môi trường là Bò Vàng (đạo diễn Trần Khánh Duyên). Đây là một phim gây ấn tượng mạnh với người xem. Từ một tin thời sự - Bò ăn cả rác thải mà Trần Khánh Duyên đã nhào nặn thành xây dựng thành một hình tượng màn ảnh hoạt hình hấp dẫn lôi cuốn. Từ một chú bò hiền lành ngây thơ trên cánh đồng cỏ xanh mướt, cũng bị tốc độ đô thị hoá dồn đuổi, thu hẹp khoảng xanh thiên nhiên, thu hẹp môi trường sống của chú bò. Hết cỏ xanh, bị rác thải lấn lướt, Bò Vàng chén cả rác, uống coca thừa trong lon, tu cả rượu cặn. Những núi rác, khu chung cư đô thị mới như muốn nuốt chửng chú Bò Vàng. Bò Vàng buộc phải thích nghi với môi trường độc hại mới, chú ăn rác với tốc độ, khối lượng ngày càng lớn. Bò Vàng biến dạng lớn dần thành một quái thú khổng lồ. Quái thú Bò Vàng không ăn bình thường nữa mà nó mọc ra những vòi hút lớn để hút rác. Xa xa đô thị sáng đèn rưc rỡ ở chân trời. Quái thú Bò Vàng xuất hiện nhô lên như một thế lực siêu nhiên với đôi mắt đỏ đầy oán hận đe doạ cuộc sống con người là hình ảnh cuối của bộ phim mang thông điệp cảnh báo đầy thuyết phục. Tất cả nội dung trên được đạo diễn và êkip làm phim thể hiện bằng ngôn ngữ hoạt hình hiện đại, giàu sức biểu cảm. Sự khoa trương, cường điệu mạnh mẽ phù hợp với sự phát triển của hình tượng nhân vật. Tuy không đoạt giải cao nhất của Cánh Diều cho phim lần này do chưa hội đủ sự đồng thuận của Ban Giám Khảo nhưng giải đạo diễn dành cho phim cũng là một sự ghi nhận xứng đáng. Với Bò Vàng, đạo diễn Trần Khánh Duyên đã định hình rõ nét phong cách sáng tạo ổn định với thể loại phim 2D trên máy tính.

Phim_Cng_to_cng_nh

Phim Càng to càng nhỏ

Càng to càng nhỏ (đạo diễn Trịnh Lâm Tùng) ở đề tài đồng thoại đoạt Cánh Diều Vàng có gây bất ngờ với các đồng nghiệp. Đây là một phim xinh xắn nhẹ nhàng phù hợp với tuổi thơ. Tên phim cũng gây sự tò mò, háo hức nhất định với sự đa nghĩa của nó. Chuyện phim kể về chú Cua con có hai chiếc càng một to một nhỏ. Chú băn khoăn về điều này và ngây thơ nghĩ tại sao hai chiếc càng lại không to bằng nhau có tốt hơn không? Quá trình tìm hiểu để giải quyết nỗi băn khoăn nói trên cùng các bạn, gặp những biến cố hiểm nguy chính đôi càng một to một nhỏ đã giúp các bạn và cũng giúp Cua con thoát hiểm trong gang tấc thoát khỏi chiếc mỏ gớm ghiếc của con Cò định xơi tái chú. Chuyện phim bình dị được thể hiện bằng chuỗi hình ảnh sinh động khá bắt mắt, diễn tả được sự hồn nhiên có tính cách của nhân vật. Bằng công nghệ 3D đạo diễn cùng ê kip đã tạo ra một không gian thiên nhiên gần gũi, với những khuôn hình, góc máy rõ nét ngôn ngữ điện ảnh. Người xem luôn cảm thấy được đồng hành cùng nhân vật, có cái nhìn thiên nhiên cảnh vật như Cua con. Các tình tiết được diễn tả phù hợp với tâm lý nhân vật mà giản dị. Dung lượng các cảnh, các trường đoạn vừa đủ tạo cảm giác thoải mái, gây xúc cảm hấp dẫn thị giác người xem. Âm nhạc và lời thoại được xử lý hài hoà làm tăng hiệu quả của hình ảnh. Nếu một số trường đoạn, đạo diễn tiết chế các toàn cảnh quá rộng, hoa lá hơi rậm để ống kính tập trung hơn vào nhân vật thì bộ phim còn tốt hơn.

Những gì mà Càng to càng nhỏ thuyết phục người xem chính là những giá trị giản dị, thân thuộc ở ngay bên cạnh mỗi chúng ta.

Một bộ phim nữa mà tôi muốn nhắc tới đó là Bù nhìn rơm (đạo diễn Phùng Văn Hà) – Một thể phim triết lý. Đây là một kịch bản tốt, có ý tưởng sâu sắc. Phim kể về vai trò của chú bù nhìn rơm trên cánh đồng. Chú hãnh diện với công việc canh giữ xua đuổi lũ chim, ngăn cản lũ chuột phá lúa của mình trên cánh đồng từ lúc lúa lên đòng cho đến lúc thu hoạch. Lúa chín, con người tận thu thóc lúa trên khắp cánh đồng chở về nhà. Con người thản nhiên bỏ mặc chú giữa cánh đồng trơ gốc rạ. Bù nhìn rơm cảm nhận được sự bạc bẽo đó, chú xơ xác trước những cơn gió lạnh, xiêu vẹo trong những cơn mưa rào xối xả. Một mình cô đơn, lợi dụng điều đó lũ chuột đói leo lên thân thể bù nhìn rơm cắn xé trả thù. Mùa mới sắp lại về , lũ chim bay lượn quanh Bù nhìn rơm và không ngại ngần làm tổ, đẻ trứng sinh sôi trên cơ thể chú. Bù nhìn rơm lúc này không còn vai trò đe doạ của mình nữa, chú thấy thấm thía điều đó.

Một câu chuyện để đọc người ta có thể hiểu và cảm nhận như vậy. Nhưng là một bộ phim hoạt hình không lời thoại để chuyển tải được ý tưởng trên là không dễ. Trong phim, đạo diễn Phùng Văn Hà đã có nhiều nỗ lực trong quá trình xây dựng hình tượng màn ảnh. Các chi tiết câu chuyện kể trên được anh thể hiện khá đầy đủ, nhiều trường đoạn rất sinh động nhất là nửa cuối phim. Điều làm phim chưa thành công như mong muốn chính là sự dàn trải, chưa dừng lại nhấn nhá khắc hoạ các chi tiết cần thiết. Độ dài ngắn giữa các trường đoạn, các cảnh, các sự kiện trong phim chưa tạo được một cấu trúc hình ảnh chặt chẽ phục vụ đắc lực cho chủ đề. Đặc biệt phần âm thanh của phim chưa thật tốt. Phim thiếu những khoảng lặng và tiếng động cần thiết mô tả sự cô đơn của Bù nhìn rơm trên cánh đồng. Phần âm nhạc cũng chưa góp phần đắc lực cho phim như nó cần phải có trong một phim hoạt hình không lời thoại. Đó là những sự tiếc nuối cho Bù nhìn rơm vì nó có đủ chất liệu để thành một trong những phim tốt nhất trong Cánh Diều lần này.

Một chùm phim ở thể loại đồng thoại còn lại như: Truyền thuyết hoa hướng dương, Đôi cánh, Tài biết bay của Ếch, Búp bê thiên thần, chưa được ghi nhận bởi còn nhiều hạn chế từ cấu trúc đến chủ đề kịch bản, hình thức thể hiện chưa mới, nhiều nhân vật, tiết tấu chậm. riêng ở Đôi cánhTài biết bay của Ếch còn gây nhiều băn khoăn ở kết cấu kịch bản. Sự nỗ lực để thoát ra khỏi kén để sâu thành bướm trong Đôi cánh có phần áp đặt, sự cổ vũ của các bạn cũng như thiên nhiên tươi đẹp qua sự nhận biết của sâu Bé là chưa đủ để Sâu bé quyết tâm thoát khỏi kén. Đôi cánh bé mỏng “tàn tật” của sâu Bé sau khi được trợ giúp thoát khỏi kén là cái kết hơi thô bạo thiếu nhân văn. Trong Tài biết bay của Ếch cũng gặp phải điều tương tự. Sự mơ ước được bay là mô tip hoạt hình thường xử dụng mô tả cái đẹp cái thiện, trong phim trên các tác giả lại xử dụng mô tip trên để nhạo báng những kẻ thích bay cao bay xa không bằng khả năng của mình mà phải hoàn toàn nhờ vào năng lực trợ giúp của kẻ khác thì sẽ gặp hoạ là một cách xử lý chưa đắt, giảm tính thẩm mỹ khi thưởng thức bộ phim nhất là đối với khán giả nhỏ tuổi.

Vài nét về hoạt hình trong Cánh Diều 2012 vừa qua. Chúng ta vui mừng thấy rằng: Một thế hệ đạo diễn – hoạ sỹ hoạt hình mới trẻ trung nhiều tiềm năng đã hình thành. Họ có khát khao, giàu ý tưởng, nắm vững công nghệ số, đó là những cái tên: Trần Khánh Duyên, Phạm Hồng Sơn, Lê Bình, Phùng Văn Hà, Trịnh Lâm Tùng, Vũ Duy Khánh…Hứa hẹn một mùa hoạt hình mới khởi sắc.

Đạo diễn – NSND Phạm Minh Trí