Nhà quay phim – NSUT Vũ Quốc Tuấn: Lặng lẽ và tỏa sáng

Hễ nhận lời làm việc với ai, nhận quay cho bộ phim nào dù là phim nhựa hay phim truyền hình ngắn, dài tập bao giờ anh cũng làm việc nghiêm túc, làm việc hết lòng và đầy trách nhiệm. Những người có may mắn làm việc với anh là có thể yên tâm hoàn toàn. Sự yên tâm này không chỉ ở kết quả mỹ mãn về hình ảnh mà còn yên tâm về cả con người cùng đức tính nghiêm túc, đứng đắn nói là làm không bao giờ gây khó dễ hay làm mình làm mẩy với nhà sản xuất hay với những người cộng sự.

(TGĐA) - Sinh năm 1962, tuổi mới ở đầu 4 nhưng đã để râu. Chòm râu chưa được dài nhưng lại thích vuốt những khi cần tính toán nghĩ ngợi trước một cảnh quay làm thế nào cho đẹp về góc máy nhưng lại chuyển tải được nội dung câu chuyện khi mà bối cảnh đa phần đều phải cải tạo cho phù hợp với giai đoạn lịch sử của phim…


…Do đó không gian bị bó hẹp, gây hạn chế nhiều cho góc độ máy của người quay phim. Đạo cụ thời đó tìm kiếm cũng rất khó khăn, thiếu thốn. Đúng là sự trêu ngươi, đánh đố tính "sáng tạo" của con người! Tính tình thì trầm lặng, ít nhời. Cả ngày quần quật trên trường quay chỉ lẳng lặng cùng các cộng sự của mình làm việc và làm việc. Chỗ nào chưa "được mắt" thì anh tìm cách quay tránh đi. Mỗi khi rảnh rỗi ngồi trà lá trong đám đông thì dường như anh rất kiệm lời và vì thế ít ai chú ý đến anh bởi người ít nói đôi khi thường hay phải chịu phần "thua thiệt". Người gây chú ý thường là những kẻ mồm to, nói nhiều, bẻm mép. "Si-nê mồm" bao giờ cũng hấp dẫn hơn người si-nê thật và thường được chú ý hơn người si-nê thật là lẽ đương nhiên. Nhưng chỉ trong công việc và chỉ có công việc thôi - chỉ ở chỗ đó mới thật sự bộc lộ ra rõ ràng mạch lạc nhất về bản ngã và lương tâm của người nghệ sĩ.





Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn là một người như vậy. Anh tốt nghiệp khoa quay phim năm 1986 trường ĐH sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Bạn cùng khóa với anh là những người có thể nói là cũng rất thành đạt và đã đóng góp nhiều công sức, diện mạo cho điện ảnh nước nhà. Đó là các nhà quay phim - NSUT Nguyễn Đức Việt, NSUT Lý Thái Dũng, NSUT Vũ Đức Tùng, Vi Linh... Phải nói rằng lứa quay phim này là nổi đình đám nhất, thành công nhất và sàn sàn một chín một mười nhất trong nhiều lứa quay phim được đào tạo tại trường SK-ĐA Hà Nội. Riêng Vũ Quốc Tuấn, anh đã để lại sau lưng mình một chuỗi những bộ phim truyện nhựa đáng nể như: Hoa của trời (1995), Đầm hoang (1996), Hà Nội mùa đông 46 (1997), Những người thợ xẻ (1998), Giải phóng Sài gòn (2000), Rừng đen (2008) và Nhìn ra biển cả (2009). Riêng phim video ngắn và dài tập làm cho truyền hình thì nhiều không đếm xuể... Tuy không coi thường lĩnh vực này nhưng để có tính đẳng cấp ở trong giới, các thành phần chủ yếu người ta chỉ quen kể về phim truyện nhựa mà thôi. Giống như trong thể thao cũng vậy, bóng đá là môn thể thao vua thì ở điện ảnh, phim truyện nhựa vẫn là đầu bảng. Đơn giản vì nó có "đất" để các nhà làm điện ảnh chuyên nghiệp thả sức tung hoành tài nghệ của mình. Và sự sang trọng, bề thế cũng như tính toàn cầu của nó thì khó có loại hình nào sánh bằng.



Chỉ nhìn vào những đầu phim mà anh là tay máy chính như đã kể ở trên ta cũng đủ thấy sự hoành tráng của nó. Hoành tráng về đề tài, hoành tráng về mức độ gặt hái thành công. Và, điều chú ý hơn cả là anh rất tâm huyết với những mảng đề tài khó trong việc phản ánh cuộc sống đương đại (Những người thợ xẻ, Rừng đen, Đầm hoang... ) còn khó hơn trong mảng phim truyền thống cách mạng (Giải phóng Sài gòn, Hà Nội mùa đông 46, Nhìn ra biển cả...). Nếu không có tình yêu và sự dấn thân chắc chắn nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn đã chẳng dám lao vào những bộ phim đầy thử thách như vậy. Và, như các cụ nói, "gái có công chồng chẳng phụ", trong lao đông nghệ thuật cũng như trong bất cứ thứ lao động nào khác, nếu lao động hết lòng thì sẽ được đền bù xứng đáng. Năm 1999, tại LHPVN lần thứ 13 tại T/P Huế anh đã được trao giải quay phim xuất sắc nhất cho 2 phim Hà Nội mùa đông 46 và Những người thợ xẻ. Đó là một vinh dự lớn không phải nhà quay phim nào cũng đạt được.



Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn là một trong không nhiều những nhà quay phim rất chịu nghiên cứu kịch bản phân cảnh. Anh đọc đến thuộc nó đã đành, trước mỗi cảnh quay bao giờ anh cũng nghiền ngẫm rất kỹ câu chuyện, lời thoại nhân vật để chỉ huy cộng sự cách đặt góc máy sao cho đẹp và hiệu quả. Bên cạnh mỗi cảnh diễn anh đều hí húi vẽ những khuôn hình dự tính và ghi chú những ký hiệu riêng. Vì thế, các nhà chuyên môn đánh giá cao hình ảnh của Vũ Quốc Tuấn: lãng mạn và hào sảng. Trong phim Giải phóng Sài gòn ít ai quên được cảnh những chiếc xe tăng của quân giải phóng đồng loạt đội đất chui lên. Cũng như cảnh chao đảo đến chóng mặt khi cả một rừng cây đại ngàn đồng loạt bị lâm tặc đốn ngã trong Những người thợ xẻ và Rừng đen. Gần đây nhất là những cảnh phim Nhìn ra biển cả quay trong tháng 11 và 12 vừa qua, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn kiên quyết phải đợi bằng được nắng để nước biển thật xanh mới chịu quay cảnh Nguyễn Tất Thành ngồi bên biển đọc sách và trò chuyện với cô học trò nhỏ của mình. Mặc nhà sản xuất sốt ruột nhìn trời ở Huế hết u ám lại mưa những ngày nắng nóng mới hiếm hoi làm sao. Biết chia sẻ khó khăn nhưng anh cũng rất biết bảo vệ chính kiến của mình dù chỉ bằng một giọng nhỏ nhẹ, không bao giờ "đao to búa lớn". Anh cho rằng những cảnh quay bao giờ cũng phải đạt được hai yếu tố: vừa đẹp lại vừa phải có thần. Đó mới là điều khó. Giống như cô gái, đã đẹp lại còn phải duyên dáng mặn mà nữa.



Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn sinh ra trong một gia đình làm điện ảnh. Thân sinh của anh là một nhà tổ chức sản xuất tài ba (nói theo ngôn ngữ bây giờ) còn trước kia ta vẫn quen gọi là Chủ nhiệm phim. Trong giới điện ảnh cả nước những thập niên trước đây không ai xa lạ gì với tên tuổi ông Vũ Văn Nha. Người cực kỳ tâm huyết với điện ảnh nhất là những đề tài lớn và khó. Điều này hẳn đã có ảnh hưởng không nhỏ đến niềm đam mê của người con trai của ông. Những phim lớn như Hà Nội 12 ngày đêm, Giải phóng Sài gòn.. .đều một tay ông Vũ Văn Nha cùng cộng sự xây dựng dự án từ việc mời người viết kịch bản cho đến việc chạy lo kinh phí sản xuất. Bây giờ người ta mới thấy (và thấm thía) việc lo được kinh phí sản xuất là quan trọng như thế nào! Ngày trước thói quen bao cấp ỷ lại cứ "đến hẹn là rót" nên chưa thấy quí và trân trọng công sức của người biết đi "quan hệ", biết làm đủ thứ công văn giấy tờ trình các cấp, chạy các ngả như đèn cù như ông Vũ Văn Nha ngày ấy.


Con ông - Vũ Quốc Tuấn thì lại khác. Anh không giống bố ở cái sự tháo vát , cái sự nghĩ ngợi ra những kế sách tối ưu để "chỉ huy" cũng như "thuyết phục" được thiên hạ. Anh chỉ thích chuyên tâm vào cái nghề quay phim mà anh đã lựa chọn từ khi vừa tốt nghiệp phổ thông. Nhiều người trong giới lo ngại lúc nào đó biết đâu anh sẽ giống một vài nhà quay phim giỏi khác, bỏ nghề quay lên nghề đạo thì chết. Bỏ một cái nghề giỏi để đi bắt đầu một cái nghề khác mà sự gặt hái thành công của nó còn ở tít mãi đâu xa lắc thật chẳng dễ dàng gì. Tất nhiên không hiếm những người giỏi ở cả hai lĩnh vực. Nhưng Vũ Quốc Tuấn chỉ cười lắc đầu nói rằng anh sẽ mãi mãi gắn bó với tay máy. Vợ anh, diễn viên Nguyễn Thị Ngọc (cùng học khóa hai với diễn viên Minh Châu, Thanh Quí, Diệu thuần, Phương Thanh...) nhưng chị lại sớm rẽ sang lĩnh vực khác là thư ký đạo diễn. Chị là một trong số hiếm trong vai trò thư ký đạo diễn giỏi, chuyên nghiệp, thành thạo của Hãng phim truyện VN. Đặc biệt chị có giọng đọc rất truyền cảm. Mỗi lần duyệt nháp các đạo diễn đều muốn nhờ chị đọc thoại giúp. Có giọng đọc của chị là thể nào phim cũng dễ "trôi" hơn. Bây giờ thì chị Ngọc đã xin nghỉ chế độ để chăm sóc gia đình cho chồng yên tâm rong ruổi theo đoàn phim hết vào Nam lại ra Bắc và lo cho đứa con gái duy nhất của anh chị đang học Đại học.



Đã gần hai mươi năm nay kinh tế đất nước đã chuyển dần sang cơ chế thị trường. Điện ảnh VN cũng không tránh khỏi guồng quay của nó. Kinh phí đầu tư cho phim ngày một ít đi nếu không nói là giảm sút rõ rệt. Thỉnh thoảng mới có được một phim Nhà nước đặt hàng để những nhà chuyên môn ở các lĩnh vực có cơ hội được rộng đường "sáng tạo" hơn. Nói vậy không có nghĩa rằng sự đặt hàng của Nhà nước là có thể thỏa mãn được mọi sáng tạo của nghệ sĩ bởi kinh phí cho phim vẫn chưa thể có nhiều được như mong muốn. Các nghệ sĩ vẫn phải làm việc trong tình trạng "cái khó ló cái khôn ". Dù vậy, nhưng nếu anh không biết tranh thủ những thời cơ thuận lợi hiếm hoi đó để trổ hết cái sự đam mê đầy trách nhiệm của mình cho nghệ thuật thì thật uổng. May sao, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn vẫn còn giữ được điều này. Bởi anh hiểu cơ hội được quay phim nhựa bây giờ không phải lúc nào cũng sẵn. Hơn nữa, cũng nói thẳng luôn là nếu chỉ cốt kiếm tiền người ta sẽ chẳng dại gì mà nhận quay phim nhựa, nhận làm phim nhựa! Ta cứ thứ nhìn xem trong suốt 8 năm (từ 2000 đến 2008) tay máy kỳ cựu Vũ Quốc Tuấn mới lại có cơ hội trở về với phim nhựa !Đó không chỉ là sự trở về của riêng anh mà còn là sự trở vế của điện ảnh VN hôm nay nữa.

Trước sự đổ vỡ của rất nhiều giá trị ảo, say mê ảo, tài năng ảo, nghệ sĩ ảo và rất nhiều những cái ảo khác thì sự chân chất mộc mạc, sự chắc chắn đứng đắn cốt lõi vẫn là điều đáng quí nhất. Thật trân trọng biết bao những nghệ sĩ điện ảnh hôm nay vẫn còn giữ được tình yêu với nghề như nhà quay phim - NSUT Vũ Quốc Tuấn..

Lưu Gia Khánh