(TGĐA) - Nhiều bộ phim được khán giả chú ý gần đây như Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ, Bạn gái tôi là Sếp, Ngày mai Mai cưới v.v… đều có điểm chung là, kịch bản mua của những nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… Thậm chí có phim không mua kịch bản chuyển thể và đạt doanh thu cao như Em chưa 18 cũng phảng phất đời sống giới trẻ học đường Mỹ. Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Tại sao phải mua của nước ngoài? Bài viết sau đây sẽ lý giải vấn đề trên.
Thứ nhất, do quan niệm của chúng ta về chức năng của văn hóa nghệ thuật (VHNT). Từ lâu, chúng ta luôn đặt ra cho VHNT những chức năng rất quan trọng là Giáo dục – Nhận thức – Thẩm mỹ. Vì vậy, những người làm công tác VHNT thực thi nhiệm vụ cũng hết sức nghiêm túc.
Phim Yêu đi đừng sợ - phiên bản Việt Nam |
Họ coi những bộ phim hoặc cuốn sách cần phải mang đến cho công chúng điều gì đó về nhận thức cuộc sống, về cảm nhận cái đẹp và phải giáo dục quần chúng theo ý tưởng họ đưa ra. Từ cách làm này, chúng ta đã sản sinh ra những tác phẩm giáo điều, nhạt nhẽo khiến công chúng quay lưng lại. Trong khi đó, theo tâm lý bình thường, tất cả những cái hay, cái đẹp mà công chúng cảm nhận được đều được diễn ra trong bầu không khí vui vẻ. Nghĩa là họ phải được giải trí trước đã. Nhưng tiếc thay, việc tạo ra không khí giải trí trong tác phẩm bị chính chúng ta không coi trọng. Hài kịch, phim hài bị coi là thứ hạng thấp. Tiểu thuyết có tính hài hước không được khích lệ. Chúng ta luôn coi trọng những tác phẩm có tính chính kịch. Trong khi đó, cuộc sống ngày càng rộng mở. Nhu cầu thưởng thức VHNT của công chúng ngày càng đa dạng. Những món ăn “nghiêm túc” không được đón nhận như xưa.
Đội ngũ viết văn , đội ngũ viết kịch bản phim hiện nay chia làm hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất, tuổi đời đã trên 60. Nghĩa là họ đã quá già nua để có thể sáng tạo những kịch bản phim giải trí. Thế hệ đó đã quen với việc sáng tác những kịch bản theo đơn đặt hàng của nhà nước. Nghĩa là họ làm những kịch bản phục vụ yêu cầu tuyên truyền, ca ngợi những tấm gương anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Thế hệ này không quen với việc xây dựng những câu chuyện thuần túy mang tính giải trí.
Và phiên bản Việt Nam Phim Em là bà nội của anh |
Xu hướng thứ hai là, những nhà biên kịch trẻ, tuổi khoảng 30-40 cũng khó có thể sáng tạo những kịch bản giải trí. Tại sao? Thứ nhất, những người này vẫn chịu ảnh hưởng của cách sáng tác kịch bản phim tuyên truyền, không nhiều thì ít. Thứ hai, những người này ít có điều kiện tiếp xúc hay thâm nhập thực tế đời sống giải trí của giới trẻ đô thị. Đất nước mở cửa, khoa học, công nghệ phát triển trong thế giới phẳng, việc nắm bắt thị hiếu của giới trẻ Việt Nam, cụ thể là ở các thành phố, là một công việc hết sức khó khăn. Mới nhìn, có thể thấy nó lộ thiên. Song đi sâu vào, ta sẽ như lạc giữa mê hồn trận.
Đời sống đô thị phát triển nhưng chưa định hình. Chúng ta có một thế hệ trẻ đông đảo sống trong các đô thị, nhưng quan sát họ, chúng ta vẫn cảm thấy có phần đáng lo ngại. Ấy là việc họ đón nhận những luồng văn hóa ngoại một cách nồng nhiệt. Họ ăn mặc thời trang theo phương Tây. Họ hát tiếng Anh hay hơn tiếng Việt. Họ thích dùng mỹ phẩm Hàn Quốc. Và họ nhảy nhót theo phong cách K-pop… Thế giới giải trí của lớp trẻ chúng ta giàu có hay nghèo nàn? Trong khi đó, một bộ phận khán giả khác lại đang chìm trong những giai điệu bolero mềm mại nhưng cũ kỹ. Rất nhiều chương trình nhạc trẻ được mở ra, được tung hô, được khích lệ v.v… nhưng tại sao vẫn không thu hút được tâm hồn của giới trẻ? Bởi cái gọi là nhạc trẻ đó, không xuất phát từ cội nguồn, từ tâm hồn Việt Nam .
Phim Sắc đẹp ngàn cân phiên bản Việt |
Chúng bắt chước nhạc nước ngoài, nghe rất khấp khểnh. Chúng không có giai điệu Việt. Ca từ của chúng nghe ngô nghê, hời hợt. Điều này không những thấy trong âm nhạc mà còn thấy trong văn học, điện ảnh. Nghĩa là giới trẻ làm nghệ thuật nhưng không có gốc rễ trong nền đất Việt Nam mà chỉ hớt những ngọn gió ngoại lai, mang về “xào xáo’’ vội vã rồi dán nhãn “Made in Việt Nam” vào.
Nhưng tại sao những phim giải trí mua kịch bản nước ngoài thành công không nhiều? Cái này thuộc về quan điểm làm phim của những nhà sản xuất. Họ quan niệm đơn giản. Kịch bản này ăn khách ở nước ngoài, tất sẽ ăn khách tại Việt Nam. Quan niệm này hết sức nông cạn, sai lầm. Kịch bản phản ánh đời sống thực tế và tâm hồn của người dân từng đất nước, từng dân tộc. Không có chuyện tất cả đều giống nhau. Cùng là cái ghen, nhưng mỗi dân tộc, mỗi thời đại thể hiện lại khác nhau. Cùng là tình mẫu tử, nhưng người Hàn thể hiện khác người Việt. Nghĩa là, khi mua kịch bản nước ngoài, chúng ta lại không có những chuyên gia giỏi, những nhà biên kịch tốt để Việt hóa tận cùng 100 phần trăm kịch bản. Vì vậy, nhiều bộ phim làm theo kiểu này, vẫn giống như “Tây ăn rau muống chấm… mắm tôm”.
Phim Ngày mai Mai cưới |
Để kết luận, người viết cũng xin thú thực một điều: tài năng của giới trẻ trong sáng tác VHNT còn quá hiếm. Đi theo con đường sáng tác kịch bản là một con đường cực kỳ gian khổ. Tuy học nghề, nhưng tỷ lệ làm được nghề, theo được nghề rất ít. Mà muốn làm được nghề, cần có kiến thức văn hóa rất sâu, rất rộng. Cần có ngoại ngữ để nhìn ra thế giới. Cần biết cách thâm nhập đời sống xã hội. Quan sát hiện thực, nghiền ngẫm hiện thực, tìm ra thông điệp cụ thể, nhân văn. Và ít nhất, cần có một tài khoản tài chính nhất định để nuôi dưỡng ý tưởng, câu chuyện của mình. Những cái này, ở những người viết trẻ, luôn thiếu.
Đoàn Tuấn