Tạp chí TGĐA phỏng vấn ông Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội ĐAVN

 

(TGĐA) - Các Hãng phim tư nhân hiện nay có nhiều, song số Hãng thực sự làm được phim còn ít. Do nội lực của các Hãng phim tư nhân chưa khỏe nên hiện các Hãng này chủ yếu chỉ sản xuất phim chiếu Tết hoặc dịp hè.


Kính thưa ông Trần Luân Kim, Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương một nền kinh tế thị trường có định hướng. Trong tình hình đó, ngành điện ảnh nước ta xác định hướng đi của mình như thế nào?

Ông Trần Luân Kim: Kinh tế Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc, văn hóa Việt Nam trong đó có điện ảnh tất nhiên sẽ cùng đất nước bước vào con đường hội nhập. Tuy nhiên tôi xin nhấn mạnh rằng văn hóa- Điện ảnh là lĩnh vực đặc biệt, không thể hội nhập một chiều mà phải thực hiện việc giao lưu toàn cầu nhằm đảm bảo đa dạng văn hóa trong hội nhập. Cần phải dồn sức tăng cường nội lực của điện ảnh nước nhà bằng cách phát triển hoạt động sáng tác- sản xuất và phổ biến phim. Trên cơ sở phát triển toàn diện, ta đẩy mạnh giao lưu quốc tế một cách năng động và hiệu quả.

Nhưng thưa ông, nền điện ảnh của chúng ta hiện đang có một sức khỏe không tốt bởi Nhà nước tài trợ quá ít?

Ông Trần Luân Kim: Có thể nói, điện ảnh nước ta thuộc diện được nhà nước đặc biệt quan tâm, nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Bởi tuy đã có chính sách rõ ràng nhưng tài trợ của Nhà nước còn nhỏ giọt, chưa tập trung, chưa đặt mục tiêu rõ rệt. Tình hình tài trợ như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng là điện ảnh không chết nhưng khó phát triển được. Vì vậy Hội điện ảnh Việt Nam đề nghị Nhà nước nên tài trợ xứng đáng với mục tiêu cụ thể để có đủ điều kiện sản xuất tốt và có thể phổ biến phim đến khán giả ở nông thôn và vùng xa.

Nhưng tình hình hiện nay, các Hãng phim Nhà nước đều ở trong tình trạng chuẩn bị cổ phần hóa?

Ông Trần Luân Kim: Cổ phần hóa là giải pháp tất yếu đối với các Hãng phim Nhà nước. Điều quan trọng là cần xác định các tiêu chí và nội dung cổ phần cụ thể đối với từng Hãng phim. Hãng nào thuộc doanh nghiệp công ích? Chủ trương cổ phần hóa đã có từ lâu mà đến nay vẫn chưa thực hiện thì quả là quá chậm. Tôi tin là thời điểm cổ phần hóa các Hãng phim quốc doanh đã tới, để lâu nữa sẽ gây khó khăn ngày càng lớn đối với hoạt động điện ảnh.

Còn các Hãng phim tư nhân, họ đã thực sự chiếm lĩnh thị trường?

Ông Trần Luân Kim: Các Hãng phim tư nhân hiện nay có nhiều, song số Hãng thực sự làm được phim còn ít. Do nội lực của các Hãng phim tư nhân chưa khỏe nên hiện các Hãng này chủ yếu chỉ sản xuất phim chiếu Tết hoặc dịp hè. Số lượng hạn chế, khả năng thẩm mỹ cũng còn phải phấn đấu hơn nữa, mới có thể thực sự chiếm lĩnh thị trường đang còn nhỏ hẹp trong nước. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng vài năm gần đây, sự cố gắng vươn lên của một số Hãng phim tư nhân khá nổi bật, đã sản xuất được những tác phẩm giành được giải thưởng cao trong nước, được một phần công chúng quốc tế biết và thích thú, phần nào giữ được thị phần trong nước, nhất là vào dịp Tết.

Đòi hỏi khách quan đang đặt ra là, cả phim quốc doanh lẫn phim tư nhân đều cần tăng cả số lượng lẫn chất lượng, phấn đấu để tiến tới xuất khẩu kinh doanh phim điện ảnh và phim truyền hình ở thị trường nước ngoài. Để đảo ngược tình thế hiện nay, cần được Nhà nước quan tâm cụ thể hơn nữa cần sự phấn đấu quyết liệt của giới làm phim cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng.

Trước thực trạng ấy, theo ông, chúng ta cần phải thực hiện những kế sách nào để có thể vực dậy nền điện ảnh?

Ông Trần Luân Kim: Như tôi đã nói ở trên, cụ thể là Nhà nước cần phải quan tâm và chăm sóc công tác đào tạo nhiều hơn nữa, vừa đào tạo mới vừa đào tạo lại những người có nghề, chẳng hạn đưa họ đi tham quan, thực tập hoặc kiến tập ở nước ngoài. Đào tạo lại bao gồm cả hai mặt: nâng cao chuyên môn và mở rộng tầm nhìn. Đây là công việc hết sức cấp bách nhằm tăng cường đội ngũ nghệ sĩ tài năng và từng bước xây dựng lực lượng nghệ sĩ điện ảnh chuyên nghiệp. Đó là những nghệ sĩ có chuyên môn cao, có ý thức nghề nghiệp sâu sắc, có ý thức công dân và ý thức nghệ sĩ tốt. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải đầu tư cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở trong việc làm phim hiện đại.

Ngoài những điều đã đề cập, còn một vấn đề nữa không thể không nhắc đến là khâu phát hành và chiếu phim cũng đang gặp khó khăn?

Ông Trần Luân Kim: Đúng là thị trường chiếu bóng của nước ta hiện nay quá eo hẹp. Hệ thống rạp ở thành phố chưa đủ. Trong khi đó, chúng ta lại bỏ trắng vùng nông thôn và các vùng sâu, vùng xa. Nước ta có dân số 86 triệu người, chủ yếu sống ở nông thôn. Tôi nghĩ, các hình thức chiếu phim trước đây vẫn phù hợp trong thời gian trước mắt. Giờ nên khôi phục lại và phát triển các buổi chiếu phim lưu động hoặc ở câu lạc bộ, ở nhà văn hóa huyện, xã v.v... cũng cần có kế hoạch dài hạn xây rạp ở nông thôn. Có thể kết hợp sự đóng góp giữa trung ương và địa phương để làm việc này phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh doanh với lợi ích tinh thần lâu dài của dân tộc. Mặt khác, cần quan tâm hỗ trợ điện ảnh nội địa trước làn sóng xâm nhập của phim nước ngoài.

Nhà nước có chủ trương mở rộng ngoại giao văn hóa. Nhiều vị đại sứ của ta ở nhiều nước mong muốn có một buổi chiêu đãi đoàn ngoại giao ở nước sở tại, một vài bộ phim Việt Nam mà gặp nhiều khó khăn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Trần Luân Kim : Từ lâu công tác tuyên truyền văn hóa đối ngoại của ta không tiến kịp đòi hỏi của tình hình. Để khắc phục điều này Nhà nước cần dành kinh phí thỏa đáng đầu tư cho việc giao lưu văn hóa. Làm sao để người nước ngoài không chỉ biết đến Việt Nam như một cuộc chiến tranh trong quá khứ, mà phải tạo điều kiện để họ nhận biết Việt Nam là một thị trường lớn năng động và là một dân tộc có truyền thống văn hóa đặc sắc. Tôi nghĩ ngoại giao văn hóa qua con đường Điện ảnh có nhiều thuận lợi nhất. Một tuần phim Việt Nam chiếu tại nước nào đó đâu có gì phức tạp. Nhiều nước như Pháp, Nhật, Đức họ vẫn tổ chức thường xuyên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh các đợt chiếu giới thiệu phim của họ đấy thôi. Điều quan trọng là phải có kế hoạch và có kinh phí hoạt động.

Được biết Hội cũng có đề án trình Chính phủ tổ chức Liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam?

Ông Trần Luân Kim: Đây là một việc làm rất cần thiết nhằm quảng bá và giới thiệu đất nước và con người Việt Nam. Đến lúc này, chúng ta đã hội đủ những điều kiện cần thiết để tổ chức LHPQT tại nước ta. Tôi cho rằng, chúng ta nên tổ chức không phải chỉ một mà là vài LHPQT cả ở cấp Trung Ương lẫn địa phương. Mỗi Liên hoan phim quốc tế có tiêu chí khác nhau nhằm vào những mục tiêu khác nhau. Các nước đều thực hiện như thế cả. Tôi tin rằng qua các LHP quốc tế đó chúng ta sẽ từng bước nâng cao vị thế của Điện ảnh Việt Nam cũng như quảng bá hình ảnh đất nước chúng ta ngày một sâu rộng hơn trên trường quốc tế.

Xin cám ơn ông. Nhân dịp Năm mới Kỷ Sửu chúc ông và gia đình hạnh phúc, dồi dào sức khỏe. Chúc ông lãnh đạo các công việc của Hội ngày càng hanh thông và Hội thực sự là ngôi nhà ấm áp của toàn thể hội viên.

Đoàn Tuấn

(thực hiện)