(TGĐA) - Có thể nói, bất kỳ quốc gia nào cũng coi văn hóa là bộ mặt của đất nước, dân tộc và thể chế. Với Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Iran, Thái Lan, Campuchia… những đất nước hoặc có nhiều nét văn hóa tương đồng hoặc quan hệ mang tính lịch sử với Việt Nam, điều này càng đặc biệt đúng.
Tuy nhiên trong khi những quốc gia nói trên đều lấy văn hóa làm phương tiện quảng bá, tôn vinh hình ảnh đất nước, trong đó điện ảnh được coi là “trọng pháo”, thì Việt Nam còn khá lúng túng trong cả mục tiêu và phương pháp khiến cho dòng phim chủ lưu (phim chiến tranh cách mạng, phim lịch sử, phim nghệ thuật nghiêm túc…) trở nên èo uột, không làm nổi nhiệm vụ phục vụ chính trị và định hướng thẩm mỹ cho xã hội. Cuối cùng là sự kiện cổ phần hóa vội vã đối với Hãng phim truyện Việt nam (Hãng PTVN) như “giọt nước tràn bờ” cho thấy nguy cơ triệt tiêu, vô hiệu hóa một dòng phim chủ đạo chính thống, dòng phim từng đem chân dung của một quốc gia anh hùng, thông minh và giàu bản sắc văn hóa riêng đến với công chúng và bạn bè năm châu.
Phim Tấm Cám: Chuyện chưa Kể |
Trước hết, xin được xem xét về thị trường điện ảnh Việt trong những năm gần đây. Hiện nay các nhà sản xuất phim tư nhân đã xuất hiện rất nhiều, khiến cho thị trường điện ảnh trong nước “có vẻ” sôi động. Nói là “có vẻ” bởi thực chất có nhiều nhà sản xuất tư nhân làm được một hoặc hai phim rồi lẳng lặng biến mất khỏi thị trường, để rồi lại xuất hiện những nhà/nhóm sản xuất khác... và lại biến mất! Nguyên nhân chính là việc điện ảnh vốn là một “trò chơi” tốn kém, đòi hỏi một nguồn vốn khổng lồ khiến các nhà đầu tư nhanh chóng cạn vốn sau một phim thất bại về doanh thu. Để đuổi theo doanh thu, đương nhiên dẫn đến việc các nhà sản xuất phim tư nhân phải chú trọng vào dòng phim giải trí, thậm chí khá “nhảm” để chiều chuộng khán giả, tạo nên một sự phát triển lệch tâm của thị trường điện ảnh Việt.
Cũng có một số nhà làm phim chú trọng đến nghệ thuật hơn, tạo nên những sản phẩm tuy còn nhỏ lẻ nhưng đã có được chút ít sự ghi nhận từ các Liên hoan Phim ở khu vực hoặc các Liên hoan Phim nhỏ khác, nhưng lại không có được sự nâng đỡ, động viên thích đáng từ cơ chế chính sách nên họ cũng khó có thể tiếp tục đi theo con đường làm phim nghệ thuật. Bên cạnh đó một số nhà làm phim độc lập đi sâu khai thác vào những mảng tối của xã hội, tạo cho công chúng trong nước và đặc biệt công chúng nước ngoài cái nhìn lệch lạc về xã hội Việt nam đương đại.
Về hệ thống phát hành phim, việc nhập phim nước ngoài ồ ạt, và hiện tượng “độc quyền” trong việc phát hành phim xuất hiện bởi các nhà phát hành tư nhân khổng lồ đến từ nước ngoài (CJ) đã khiến cả các nhà sản xuất phim lẫn hệ thống phát hành trở nên hoang mang, bởi nếu không chấp nhận ăn chia theo tỷ lệ do “ông độc quyền” này ấn định thì phim không thể vào rạp (như phim Tấm Cám: Chuyện chưa Kể của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và nhiều phim khác) dẫn đến thua lỗ tất yếu.
Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại hơn là cũng chính bởi sự vận hành không đúng cách của thị trường điện ảnh Việt Nam mà dòng chủ lưu của Điện ảnh Việt đang có nguy cơ bị triệt tiêu. Do một số phim tư nhân từng bội thu ở phòng vé (mà phần lớn là các phim mua kịch bản gốc của nước ngoài, do một nhà phát hành phim nước ngoài có cụm rạp rộng khắp các thành phố lớn công khai hoặc kín đáo đầu tư và trải thảm đón vào rạp của họ), một bộ phận công luận không hiểu thấu đáo hiện tượng này, đã bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của một dòng phim phục vụ được sản xuất bởi ngân sách nhà nước. Những câu hỏi về sự lỗ lãi của các dự án này đã tác động ngược lại đối với các nhà quản lý, đặc biệt là Bộ Tài chính, khiến cho nhà nước ngày càng cắt giảm nguồn vốn cho dòng phim chính thống. Có những giai đoạn ba bốn năm liền không có phim nào do nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng được thực hiện và được công chiếu phục vụ nhân dân.
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên |
Trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho điện ảnh ngày càng cạn kiệt, thì việc tổ chức các cuộc vận động sáng tác kịch bản cho phim đặt hàng cũng trở nên thiếu chuyên nghiệp. Ngay cả khi một kịch bản cho dòng phim này được duyệt thì kinh phí thực tế cũng không đủ cho sản xuất, hoặc thường được rót về cho cơ sở sản xuất rất muộn (rất cận ngày trước mỗi dịp kỷ niệm nào đó cần có phim để phục vụ công chúng) khiến cho việc vận hành sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là về thời gian. Bộ phim không được đầu tư thích đáng, lại không đủ thời gian cho việc chau chuốt từng công đoạn thì không thể đòi hỏi có phim hay.
Mặc dù cơ quan quản lý ngành luôn nói kịch bản do các hãng sản xuất trình lên, được thẩm định bởi một Hội đồng gồm toàn những chuyên gia điện ảnh có tiếng tăm, nhưng thực tế cho thấy các Hãng phim không có đủ điều kiện đầu tư cho một số kịch bản phục vụ cho dòng phim chính thống khi chưa biết chắc kịch bản đó có được Hội đồng thẩm định chấp nhận hay không. Ngoài ra, cách thẩm định kịch bản bộc lộ quan điểm cũ kỹ trong cách nhìn hiện thực, khai thác hiện thực… vì thế các Hãng cũng sẽ chỉ gửi lên trình duyệt những kịch bản “an toàn”, nghĩa là đảm bảo tính chính trị tốt là được. Sự cũ kỹ trong thẩm định này đúng cả với mảng phim tài liệu, khiến cho dù hàng năm Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương có tổ chức Liên hoan Phim tài liệu quốc tế rất đều đặn, nhưng các phim do Hãng thực hiện vẫn không thể có đột phá về góc nhìn cũng như nghệ thuật biểu hiện.
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên |
Nhưng trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ triệt tiêu dòng chủ lưu của điện ảnh Việt, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các nghệ sĩ khi thực hiện những dự án cho dòng phim chính thống không thực sự được chú trọng. Dù rất nỗ lực, nhưng tâm lý làm phim “cúng cụ” vẫn lấy tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu khiến các bộ phim ngày càng thiếu khí sắc, thiếu sự hấp dẫn cần có. Có lẽ rất hiếm các đạo diễn từ chối một kịch bản dở khi nó đã được duyệt đặt hàng. Và cũng rất hiếm các biên kịch chịu đào sâu suy nghĩ, sưu tầm tư liệu để có được những kịch bản xứng đáng với thời đại, từ đó có khả năng thuyết phục được khán giả đương đại. Tuy nhiên đây là một nội dung lớn cần được nêu ra trong một cuộc thảo luận nghiêm túc và đầy trách nhiệm, xin không đi sâu trong bài viết này.
Việc đầu tư về thiết bị, công nghệ (cả tiền kỳ và hậu kỳ) để điện ảnh thích ứng với thời đại công nghệ số gần như không được chú trọng khiến cho rất nhiều tác phẩm của dòng phim chính thống không thể tham gia vào hệ thống phát hành phim ngoài biên giới.
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên |
Từ những phân tích trên, người viết cho rằng cần xác định lại vị trí và vai trò của dòng phim chiến tranh cách mạng, lịch sử và nghệ thuật nghiêm túc trong mục tiêu định hướng chính trị và thẩm mỹ của xã hội Việt Nam đương đại.
Cần ngay lập tức dừng lại, xem xét thận trọng việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, bởi đây là con chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng, có truyền thống và từng là nơi hội tụ những nghệ sĩ có chuyên môn giỏi nhất. Cổ phần hóa không đúng đắn sẽ dẫn đến việc phá bỏ một giá trị truyền thống được tạo dựng qua thời gian với hàng trăm bộ phim mà ngày nay có hàng ngàn tỷ cũng không thể thực hiện lại được.
Cần ngay lập tức yêu cầu nhà cổ đông chiến lược (đang tạm quyền) trả lại những bộ phim, kho đạo cụ phục trang và các tài sản khác của Hãng phim truyện Việt Nam để một Ban quản lý lâm thời đứng ra bảo quản, bảo vệ và tiến tới thiết lập cơ chế bảo tồn, chuẩn bị cho một Bảo tàng Điện ảnh cách mạng xứng đáng.
Cảnh trong phim Đừng đốt |
Cần duy trì ít nhất một Hãng phim chuyên thực hiện các phim đặt hàng phục vụ chính trị bao gồm phim chiến tranh cách mạng, phim lịch sử tôn vinh các danh nhân, anh hùng của dân tộc, cũng như làm nhiệm vụ dẫn đường về mặt thẩm mỹ, đạo lý sống đẹp cho xã hội. Đội ngũ nhân sự (quản lý và nghệ sĩ) cần được đào tạo lại có bài bản, được chọn lựa kỹ càng với tiêu chí tài năng và nhiệt huyết. Họ có thể được đào tạo mới tại chỗ hoặc ở các chương trình thực tập sinh trong các cơ sở điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Đội ngũ nhân sự này cũng có thể bao gồm cả các chuyên gia đến từ nước ngoài, những người thuộc quốc tịch khác và Việt Kiều yêu nước có chuyên môn giỏi.
Việc xét duyệt các dự án từ lúc sơ khởi cần mạnh dạn mở rộng tầm nhìn, chấp nhận những tiếng nói phản biện xã hội mạnh mẽ mà không làm mất niềm tin vào chính thể. Đồng thời có cơ chế tưởng thưởng xứng đáng cho các phim nghệ thuật tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc do các nhà sản xuất phim tư nhân thực hiện, nhằm động viên họ tiếp tục đi theo con đường đã chọn.
Cảnh trong phim Đường thư |
Việc duy trì và phát triển dòng phim chính thống cần được thực hiện bởi một Quỹ phát triển điện ảnh mà nguồn kinh phí được trích từ một phần giá vé của các cụm rạp, bởi một sự thật hiển nhiên là các nhà phát hành phim khổng lồ từ nước ngoài đã thu lợi rất lớn từ khán giả nội địa. Họ cần có nghĩa vụ nộp ngân sách để tái sử dụng cho chương trình chấn hưng điện ảnh nội địa mà Nhà nước khởi xướng. Đây chính là điều tiên quyết giúp cho điện ảnh chính thống có đủ lực để tồn tại và phát triển một cách xứng đáng.
Trong thực tế, ngành Điện ảnh đã từng có một đề án phát triển ngành đệ trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhưng cho đến nay chưa được phê duyệt. Cần xem xét lại đề án này ở cấp cao hơn, cân nhắc và điều chỉnh để có một đề án thích hợp với thời kỳ mới và thúc đẩy để có nguồn kinh phí thích đáng cho đề án đi vào thực tiễn, có tính ứng dụng cao. Đây là điều kiện để Điện ảnh Việt Nam có cơ hội phát triển cân đối và đúng hướng.
Trịnh Thanh Nhã