(TGĐA) - Kỷ niệm 100 năm điện ảnh Triều Tiên nói chung và Hàn Quốc nói riêng diễn ra đúng lúc đạo diễn Bong Joon Ho mang về giải thưởng danh giá Cành cọ vàng đầu tiên cho điện ảnh xứ Kim chi tại Liên hoan Phim Cannes 2019 với bộ phim Parasite.
Điện ảnh Hàn Quốc: Từ 'Chuyến tàu sinh tử' đến 'Ký sinh trùng' |
Ông xem đây là quà tặng vô giá cho 100 năm điện ảnh Hàn và sự phát triển ngoạn mục của nó để trở thành kỹ nghệ điện ảnh lớn thứ 5 thế giới về số vé xem phim bán ra trong năm theo viện thống kê (Institute for Statistics) của cơ quan UNESCO thuộc Liên Hiệp Quốc. TGĐA xin bật mí vài khía cạnh thú vị về điện ảnh xứ Hàn mà có thể bạn chưa biết.
|
1. Nụ hôn đầu tiên trên màn ảnh Hàn Quốc diễn ra vào lúc nào?
Gần 6 thập niên sau khi nụ hôn đầu tiên trên màn bạc của điện ảnh phương Tây được thể hiện trong bộ phim The Kiss (1896), khán giả Hàn Quốc mới có dịp chứng kiến nụ hôn tương tự trong bộ phim The Hand of Destiny (1954). Nụ hôn chỉ dừng ở mức môi chạm môi chứ không sâu đậm như “nụ hôn kiểu Pháp” nổi tiếng và chỉ kéo dài trong vài giây ngắn ngủi, nhưng nó được xem là biểu tượng cho cuộc chiến giữa văn hóa phương Tây và truyền thống Khổng giáo của văn hóa Triều Tiên. Cả đạo diễn và nữ diễn viên của bộ phim đều gặp rắc rối dù cảnh hôn đã được người chồng của nữ diễn viên cho phép và được thực hiện trước mặt anh ta! Người chồng nổi giận bất ngờ sau khi xem phim và đã kiện đạo diễn. Vụ kiện đã được giải quyết ổn thỏa bên ngoài tòa án nhưng nội dung không tiết lộ. Trở thành điểm nóng của dư luận với số người ủng hộ và chống đối ngang bằng nhau, The Hand of Destiny đã thu hút hơn 50.000 người xem, một thành công lớn vào thời điểm đó mà công lao thuộc về… dư luận và truyền thông. Nhiều khán giả đi xem phim chỉ vì tò mò cảnh hôn còn nội dung là thứ yếu.
2. Chuyện miền Bắc bắt cóc hai người của điện ảnh miền Nam có thật không?
|
Ông Kim Jong Il, cha của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un hiện nay là lãnh đạo Bắc Hàn cho đến ngày ông qua đời năm 2011. Ông còn là người rất mê phim ảnh đến nỗi… cho bắt cóc nữ diễn viên Choi Eun Hee và đạo diễn – nhà sản xuất Shin Sang Ok, chồng cũ của cô. Hai người được tách riêng đưa đến miền Bắc vào thập niên 1970 và được yêu cầu phải làm 7 bộ phim cho đến khi trốn thoát thông qua sứ quán Mỹ ở thủ đô Vienna của nước Áo. Trong số 7 phim họ làm cho miền Bắc có Pulgasari, dựa vào truyện tranh Godzilla nổi tiếng của Nhật Bản và một phim truyện dài có cảnh hôn đầu tiên của điện ảnh miền Bắc. Hai người trở lại Hàn Quốc năm 1999 sau một thập niên sống tại Mỹ và được CIA bảo vệ. Câu chuyện của họ được kể lại trong bộ phim tài liệu The Lovers and the Despot được công chiếu tại Hàn Quốc sau khi Shin qua đời. Nhưng cho đến nay, miền Bắc không bao giờ xem đây là vụ bắt cóc. Choi qua đời năm 2018, khép lại một câu chuyện “khó tin nhưng có thật”.
3. Điện ảnh đóng góp vào đối thoại Nam - Bắc
|
Năm 2007, điện ảnh Hàn tìm lại được bộ phim câm Crossroads of Youth (1934) do Ahn Jong Hwa đạo diễn và phục chế nó. Đây là bộ phim Hàn xưa nhất còn giữ được đến hôm nay. Tất cả những bộ phim trước nó đều biến mất. Vì thế, nhiều người làm việc trong kỹ nghệ điện ảnh Hàn Quốc có ít nhất một lý do để cảm ơn tình yêu điện ảnh của cố lãnh đạo miền Bắc Kim Jong Il. Ông đã sưu tập được một số tác phẩm điện ảnh hiếm từ thuở khai sinh nền điện ảnh Triều Tiên trong bộ sưu tập riêng được bảo quản cẩn thận. Shin, đạo diễn bị bắt cóc đã chứng thực về bộ sưu tập quý này với gần 200 bộ phim, kể cả The Late Autumn do Lee Man Hee đạo diễn phát hành năm 1966. Được xem là một trong những bộ phim hay vào thời điểm đó, The Late Autumn đã biến mất tại miền Nam. Trong thực tế, Hàn Quốc có quá khứ bảo quản phim không tốt nên chỉ có 22% phim sản xuất vào thập niên 1950 và 44 % phim sản xuất vào thập niên 1960 là còn nguyên vẹn. Đáng tiếc nhất là Arirang (1926), bộ phim đầu tiên được làm dưới thời Nhật cai trị và là bộ phim ăn khách đầu tiên của điện ảnh Triều Tiên. Năm ngoái, các nhà làm phim Hàn Quốc đã thành lập một hội đồng đặc biệt phụ trách việc trao đổi phim ảnh giữa hai miền. Một trong những ưu tiên của hội đồng là chia sẻ danh sách những bộ phim xưa mà hai miền còn bảo quản được trong kho lưu trữ.
4. Phim nào khởi đầu cho điện ảnh xứ Kim Chi?
|
Có ý kiến khác nhau về sự xuất hiện của phim ảnh trên bán đảo Triều Tiên. Có người nói khi vừa bước sang thế kỷ 20, có người nói vào năm 1897. Nhưng bộ phim sản xuất nội địa đầu tiên là Uirijeok Gutu (Fight for Justice - 1909) được chiếu tại rạp Dansungsa Theater, nơi vốn chỉ chiếu phim ngoại nhập từ lúc khai trương vào năm 1907. Bộ phim Chunghyang-Jeon (1921) được tin là phim truyện dài đầu tiên của Triều Tiên nhưng có người nói chính bộ phim câm Arirang (1926) do Na Woon Gyu biên kịch, đạo diễn và đóng vai chính mới là một trong những sản phẩm quan trọng nhất của điện ảnh Triều Tiên lúc mới phôi thai. Khai thác chủ đề tinh thần yêu nước chống Nhật thời thuộc địa, đây là bộ phim đầu tiên thuộc loại này. Sau đó, chủ đề chống Nhật trong Arirang được làm lại nhiều lần nữa mà gần nhất là năm 2015 với bộ phim Assassination có doanh thu cao thứ 11 trong lịch sử điện ảnh Hàn nói về các kháng chiến quân tìm cách ám sát các tay sai của Nhật Hoàng tại thành phố Gyeongseong, tên cũ của Seoul.
5. Phim nào ăn khách nhất Hàn Quốc?
|
Bộ phim được xem nhiều nhất và đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc là bộ phim nói về việc Triều Tiên đánh bại cuộc xâm lược của Nhật Bản vào thế kỷ 16. The Admiral: Roaring Currents trở thành “hiện tượng” tại các rạp chiếu phim vào năm 2014, gom được gần 140 triệu USD tính chung cho toàn thế giới với hơn 17,6 triệu vé bán ra. Nội dung phim nói về đô đốc tư lệnh hải quân Triều Tiên Yi Sun Sin do Choi Min Shik (phim Oldboy) đóng và cuộc chiến của ông chống lại Hải quân Nhật trong trận hải chiến nổi tiếng Myeongnyang năm 1597. Về phim nước ngoài chiếu tại Hàn Quốc, kỷ lục của Avatar (2009) do James Cameron đạo diễn vừa bị phá vỡ bởi bộ phim mới The Avengers: Endgame, tập cuối cùng của Vũ trụ phim Marvel (MCU) với 13,8 triệu vé bán ra tính đến cuối tháng 5/2019 và còn nữa.
6. Điện ảnh Hàn dùng công nghệ để định hình tương lai
|
CJ là tập đoàn rất chịu đầu tư để hiện đại hóa điện ảnh nội địa. Nó là chủ nhân của cụm rạp phức hợp lớn nhất nước, cụm rạp CJ CGV và là chủ nhân của CJ E&M, một trong những công ty phát hành phim lớn nhất Hàn Quốc. Tập đoàn cũng đi tiên phong phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến chiếu phim 4DX, màn ảnh ScreenX, hai xu hướng tương lai của điện ảnh thế giới. 4DX do CJ 4Dplex phát triển đã cho khán giả trải nghiệm như được sống trong phim với cảm giác ghế rung, gió, mưa, ánh sáng, mùi vị giống ngoài đời thật. Kết hợp với màn hình ScreenX panorama 240 độ, công nghệ chiếu phim mới này được các chuyên viên của kỹ nghệ điện ảnh xem là “tương lai của điện ảnh” (future of cinema). 4DX đã có mặt tại nhiều rạp chiếu phim của 60 quốc gia và ScreenX có mặt tại 17 quốc gia.
Doanh thu tiền vé xem phim tại Hàn Quốc tuy vẫn còn bị thống trị bởi những bộ phim bom tấn Hollywood nhưng trong 2 thập niên qua điện ảnh trong nước đã từng bước vươn lên và năm 2018 chiếm lĩnh 50,9% thị phần lượng vé bán ra. Nhìn lại sự thành công của điện ảnh Hàn tại các liên hoan phim mới đây, nhiều nhà quan sát tin rằng thị phần tỉ lệ này sẽ còn tăng nữa. |
'Parasite: Ký sinh trùng' siêu hút khách, vượt mặt tất cả các phim Hàn từng chiếu tại Việt Nam (TGĐA) - Sau khi lập thành tích là phim Hàn có doanh thu cao nhất tuần ... |
Điện ảnh Hàn Quốc: Từ 'Chuyến tàu sinh tử' đến 'Ký sinh trùng' (TGĐA) - Trong vài năm trở lại đây, bên cạnh làn sóng Kpop trở thành ... |
Trung Nguyên