(TGĐA) - Tối 29/10, tại Nhà hát Thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM, Hội Điện ảnh TP.HCM và Đài truyền hình TP, tổ chức Lễ trao giải và bế mặc Liên hoan phim ngắn TP.HCM lần thứ nhất năm 2023.
Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất: Sân chơi màu mỡ cho tất cả các bạn trẻ | |
Tọa đàm: Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh |
Về phía Trung ương đến tham dự có ông Dương Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
Về phía TP.HCM có các ông: Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM; Nhà báo Cao Anh Minh, Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM…
Đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn |
Đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn thay mặt Hội đồng giám khảo chia sẻ: Đây là trọng trách lớn để chúng tôi thẩm định, đánh giá chất lượng 96 bộ phim ở 3 thể loại truyện, tài liệu và hoạt hình. BGK làm việc theo đúng điều lệ LHP và chấm dựa vào 3 tiêu chí: Phim phải có giá trị nội dung tư tưởng nghệ thuật. Phim phải có sự tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh và cách kể một câu chuyện. Và phim phải mang tính nhân văn, thể hiện vẻ đẹp trong tâm hồn Việt, vẻ đẹp của con người thành phố cùng với bản sắc văn hóa Việt Nam. Những bộ phim hy vọng mang đến tác động tích cực, hiệu quả đối với xã hội và người xem.
BGK làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, không đi sai lệch một tác động nào và điều này nằm trong quy chế LHP. BGK làm việc tập trung dân chủ có bàn bạc, có tranh cãi, thậm chí còn gay gắt để đi đến cùng của vấn đề và tìm sự thống nhất khi đánh giá các tác phẩm. Các đề tài như: bảo vệ môi trường, bi kịch gia đình, di chứng sau chiến tranh, những dằn vặt trăn trở của tuổi trẻ, bi kịch và hạnh phúc đan xen trong cuộc sống hôm nay… Tất cả bật lên nhiều câu chuyện lay động trái tim người xem. Hình ảnh người thiếu tá bộ đội nhận nuôi những trẻ mồ côi sau đại dịch để làm con trong cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, nhưng ông vẫn thương yêu như những đứa con ruột của mình. Hay như tình yêu của cô lao công với anh thợ sửa xe ở đường phố. Một tình yêu của người đàn bà đơn độc bế con tại trạm xe buýt trong đêm mưa gió với người đàn ông xa lạ. Hay bộ phim đi tìm sự thật sau bức ảnh ở Mỹ Lai để trả lại sự thật cho đúng với sự thật.
96 đề tài với nội dung vô cùng phong phú, đa dạng. Cách kể câu chuyện ở nhiều phim khá tốt, nhiều sáng tạo có ngôn ngữ điện ảnh. Vẫn biết làm một bộ phim là vô cùng khó khăn. Vẫn biết một bộ phim là một thế giới riêng biệt, sáng tạo. Tuy nhiên vẫn còn một số phim có cách khai thác còn sơ lược, nhiều phim có ý tưởng lạ, song lại không biết cách phát triển ý tưởng hay giải quyết vấn đề chưa ổn. Làm phim ngắn đã khó khăn, để được đánh giá phim ngắn hay lại càng khó gấp bội.
96 phim là 96 mảng màu riêng biệt và phong phú của cuộc sống ghép thành bức tranh của LHP ngắn lần thứ nhất. Mong từng tác giả vẫn tự hào về phim của mình và chính các bạn đã góp phần làm nên LHP theo chỉ đạo của UBND thành phố, là sự hỗ trợ phát triển tài năng cho đội ngũ kế cận phát triển nghề nghiệp và định hướng cho tương lai. LHP ngắn thực sự là một trải nghiệm, một sân chơi lớn cho sự sáng tạo, tái tạo lại hiện thực của cuộc sống. Trong sân chơi này, các bạn đang đi tìm giá trị của chính mình trong nghệ thuật.
Kết quả, Liên hoan phim ngắn lần thứ nhất năm 2023 đã trao 32 giải cho các hạng mục phim và cá nhân.
Phim Người đàn bà ở trạm xe |
Ba giải Vàng được trao cho các tác phẩm: Phim truyện (trị giá 40 triệu đồng) - Người đàn bà ở trạm xe (đạo diễn Linh Chi Na, Sản xuất Tinh Hoa Studio). Phim tài liệu (trị giá 30 triệu đồng) - Ký ức không phai (đạo diễn đồng sản xuất NSƯT Nguyễn Hoàng) và phim hoạt hình (trị giá 30 triệu đồng) - Phù du (đồng đạo diễn và sản xuất cặp đôi song sinh: Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát).
Ba giải Bạc thuộc về: Phim truyện (trị giá 30 triệu đồng) - Ai đã giết bánh bò (kịch bản, đạo diễn Trương Thế Thịnh, sản xuất: Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM). Phim tài liệu (trị giá 20 triệu đồng) Nguyễn Công Trung - Mãi xanh màu áo lính (kịch bản,đơn vị sản xuất Lê Thanh Đào); Phim hoạt hình (trị giá 20 triệu đồng) - Bức tranh của bố (kịch bản Nguyễn Ngọc Bảo Trang - Lê Như Minh Vỹ, đơn vị sản xuất: Đại học Văn Lang).
Chín giải Đồng (giải ba) thuộc về: Phim truyện (mỗi giải 20 triệu đồng) gồm 3 phim: Con gà mái mơ (kịch bản và đạo diễn Lê Văn Mỹ Thiện, đơn vị sản xuất - Đại học SK-ĐA TP.HCM); Gã hoàn lương (kịch bản: Trần Thị Bảo Châu, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Phương Điền, sản xuất Công ty TNHH dịch vụ MIA); Radio 528 Hz (kịch bản, đạo diễn Chu Diệu Linh, sản xuất Công ty truyền thông TPD).
Phim tài liệu (mỗi giải 10 triệu đồng) gồm 3 phim: "Con Ma" muốn sống (kịch bản, đạo diễn Phạm Hữu Trí); Cùng con bước tiếp (kịch bản: Thanh Bình, đạo diễn Phan Huỳnh Trang, sản xuất Công ty cổ phần Phim Giải Phóng và trường Đại học Văn Lang); Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (kịch bản, đạo diễn Nguyễn Khái Hưng, Đài Phát thanh truyền hình An Giang).
Phim hoạt hình (mỗi giải 10 triệu đồng) gồm 3 phim: Wish Cat (Nguyện ước của Mèo) - Kịch bản Nguyễn Lê Hoài Thương, đạo diễn: Nguyễn Lê Hoài thương, Nguyễn Ngọc Phương Nhi, sản xuất trường Đại học Văn Lang); Son (Kịch bản: Đặng Nguyễn Ánh Trúc, đạo diễn Võ Thủy Hồng Phúc, trường đại học Văn Lang); Những con số (Numbers): kịch bản, đạo diễn Nguyễn Lê Hải Yến, trường đại học Văn Lang.
Giải cá nhân |
Giải cá nhân: Đạo diễn xuất sắc (20 triệu đồng) - Linh Chi Na phim truyện Người đàn bà ở trạm xe, Biên kịch xuất sắc (15 triệu đồng) - Lê Văn Mỹ Thiện phim truyện Con gà mái mơ; Họa sĩ xuất sắc - Tiến Phất, phim truyện Nhìn - Đại học SK-ĐA TP.HCM); Âm nhạc xuất sắc (15 triệu đồng) phim hoạt hinh Wish Cat (Nguyện ước của Mèo). Nữ diễn viên chính xuất sắc (15 triệu đồng) - NSƯT Phi Điểu vai bà Ngọc phim Ai đã giết bánh bò, Nam diễn viên chính xuất sắc (15 triệu đồng) - Trần Phong vai Mạnh phim Đứng giữa lằn ranh (Công ty TNHH Lê Gai Pictures); Nữ diễn viên phụ xuất sắc (10 triệu đồng) - Nghinh Lộc vai Kim phim Nhìn; Nam diễn viên phụ xuất sắc (10 triệu đồng) - Hữu Khang vai Nhi phim Gã hoàn lương.
LHP ngắn còn trao 9 giải khuyến khích cho: 3 phim truyện: Nhìn (đạo diễn Phan Thị Mỹ Thắm), Linh hồn thứ 2 (đạo diễn Nguyễn Đoàn bảo Thịnh) và Đi thật xa mới đến nhà bạn cũ (đạo diễn Đinh Hoàng Long) (10 triệu mỗi phim); 3 phim tài liệu: Tiếng bom và tiếng chuông chùa (đạo diễn Cao Thanh Mai); Con nuôi (đạo diễn Nguyễn Xuân Giang) và Hồn lửa đại ngàn (đạo diễn K’Hưng) (5 triệu đổng mỗi phim); 3 phim hoạt hình: Chuyến tàu (đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Hoa); Đôi cánh kim cương và Chú cá Đuối kiêu ngạo (đạo diễn Đào Minh Uyển) (5 triệu đổng mỗi phim).
Đại diện BTC - bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM đã trao giải đặc biệt cho ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM và bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh vì có những đóng góp cho LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất năm 2023.
Cũng trong khuôn khổ LHP ngắn, BTC còn chấm thêm giải Thiết kế Poster nhằm động viên sự sáng tạo cho các tác giả. Kết quả: Phim truyện: Linh hồn thứ 2, Một mình trên tiểu hành tinh và Miệng đời; Phim tài liệu: Áo dài Việt, Hồn lửa đại ngàn và Cùng con bước tiếp. Phim hoạt hình: Bức tranh của bố, Chuyến tàu và Nguyện ước của Mèo.
Đạo diễn phim Người đàn bà ở trạm xe - Linh Chi Na chia sẻ: Được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Kịch bản ban đầu được gợi ý từ đạo diễn - biên kịch Việt Linh. Hai con người xa lạ đều mang trong mình những nỗi đau. Một người sợ đàn bà, một người sợ đàn ông. Mâu thuẫn như thế nhưng lại gặp nhau, rồi giúp đỡ nhau, xoa dịu vết thương lòng cho nhau. Sau khi đọc kịch bản tôi hiểu rằng chúng ta không bao giờ đơn độc trong cuộc sống này. Chặng đường nào ta bước qua, rồi cũng sẽ có người đồng hành. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ được xoa dịu bởi những điều tốt đẹp, bởi những con người tốt đẹp. Quá trình làm phim thì luôn có vô vàn khó khăn từ lúc tiền kỳ, on set cho đến hậu kỳ. Tôi luôn tâm niệm, để có được một tác phẩm hoàn chỉnh, đó là công sức của rất nhiều người tạo nên. Nên tôi vô cùng biết ơn những người đã bên cạnh hỗ trợ động viên khích lệ tôi có được tác phẩm tham dự LHP ngắn lần này.
Tôi thật sự vui mừng khi được xướng tên ở hai hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất và giải Vàng cho phim ngắn. Đó không chỉ là niềm vui của riêng tôi mà là của cả ekip, đặc biệt là gia đình tôi vì mọi người đã hỗ trợ tôi rất rất nhiều. Một tiết lộ nhỏ diễn viên nhí nhỏ tuổi nhất trong phim chính là cháu gái của tôi. Con chưa tròn 1 tuổi đã bị Dì bắt đi đóng phim đúng lúc đang bệnh lại quay khuya rất nhiều. Giải thưởng này tôi thật sự hạnh phúc và muốn dành cho cháu vì đó sẽ là món quà tuyệt vời cho cháu sau này lớn lên và nhìn lại. Thật quá tiếc khi nhận giải tôi đang bận lịch quay ở Hà Nội, không thể về tham dự được... đến giờ vẫn đang còn chút tiếc nuối, lẽ ra niềm vui sẽ được trọn vẹn hơn.
Vinh dự nhận giải Vàng thể loại phim hoạt hình phim Phù du, Chu Tất Thắng - 22 tuổi, sinh viên trường đại học Mỹ thuật TP.HCM thay mặt anh sinh đôi xúc động chia sẻ: Phim là dự án khởi đầu của anh em thực hiện trong gần một năm. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật nhưng chúng em đã nỗ lực cùng niềm đam mê bước đầu. Chúng em sẽ phải học hỏi thêm rất nhiều, hy vọng sẽ thực hiện thêm nhiều bộ phim hoạt hình nữa...
NSƯT - đạo diễn Nguyễn Hoàng chia sẻ: Điều gì đã thúc đẩy anh thực hiện bộ phim Ký ức không phai? Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, nhiều người hy sinh vì đạn bom, thảm sát, trong đó có sự kiện Mỹ Lai, Sơn Mỹ có hơn 500 người bị quân Mỹ thảm sát ngày 16/03/1968, trong khi trước đó chỉ có 1 lính Mỹ bị du kích Việt Nam bắn chết, ngay cả quân lính của chế độ cũ đã bức xúc và gửi thư tố cáo sự tàn bạo của quân Mỹ đối với đồng minh là Việt Nam Cộng hòa. Cũng trong sự kiện này ông Rôn Herbert, phóng viên quân đội Mỹ duy nhất chụp nhiều hình ảnh về vụ thảm sát này, trong đó có bức ảnh ông chụp được người anh che đạn cho em là Trần Văn Đức và Trần Thị Hà, ông ngỡ anh em này đã chết nhưng sau khi nghe Đức kể lại hiện trường thì ông Rôn khẳng định, họ có ở tại hiện trường lúc đó mới nói đúng và ông cho rằng Trần Văn Đức và Trần Thị Hà còn sống.
Bộ phim tài liệu để lưu lại cho thế hệ sau hiểu về cái giá của hòa bình mà mình đang hưởng. Hiện ông Rôn người chụp hình và anh em Đức và Hà đã già. Nếu họ mất đi thì ai là người nói lên sự thật này? Còn sống sau cuộc thảm sát là ân huệ của thượng đế, là nhân chứng sống để làm thành phim. Và ai cũng mong muốn một thế giới hòa bình. Cũng qua bộ phim, chúng ta cũng biết ơn vài phi công Mỹ có lương tri, họ ra tay cứu giúp hơn 40 người Việt Nam, bằng cách đưa ra khỏi nơi thảm sát. Tóm lại tôi làm phim tài liệu vì nó có ý nghĩa cho gia đình, xã hội, cho lịch sử, cho các dân tộc trên thế giới hiểu biết nhau, cùng gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh.
Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất: Sân chơi màu mỡ cho tất cả các bạn trẻ (TGĐA) - Tối 27/10, tại Nhà hát Thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin ... |
Tọa đàm: Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (TGĐA) - Sáng 28/10, nằm trong chương trình Liên hoan phim ngắn TP.HCM lần thứ ... |
Vũ Liên
Photo: Dũng Phương, Kiều Anh Dũng, Đoàn Đức Thắng, Kháng Trường