(TGĐA) - Người làm phim lo ngại việc tăng thuế sẽ kéo theo việc tăng kinh phí sản xuất, nhà đầu tư quay lưng với điện ảnh vì rủi ro thua lỗ quá lớn, thậm chí góp phần đẩy khán giả xa với phim Việt hơn.
NSX Thu Trang, Hoàng Quân... cùng hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh làm phim gửi văn bản 'kêu cứu' | |
Chính thức tăng thuế VAT 10% với lĩnh vực văn hóa, điện ảnh - khó càng thêm khó |
Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) (sửa đổi) chiều ngày 26/11 với tỷ lệ tán thành đạt 84,97%. Với bộ luật này, hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Luật này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Trước đó, mức thuế của những hoạt động này được quy định ở mức 5%. Như vậy, thuế VAT với ngành văn hóa đã tăng gấp đôi. Phần lớn những người làm điện ảnh, văn hóa, việc tăng thuế là tin buồn. Hiện tại, với nhiều người, việc tồn tại, phát triển trong ngành này vốn đã có nhiều khó khăn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng đang phát triển trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn. Trong đó có những khó khăn đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nước ngoài.
Thị hiếu và yêu cầu của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi những người làm văn hóa, nghệ thuật phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt là điện ảnh, không ít người nghĩ đây là lĩnh vực thuộc về giải trí, có cũng được, không có cũng được. Vì vậy trong thời gian sắp tới lĩnh vực điện ảnh cần tập trung tựu cứu mình trước khi được cứu.
Điện ảnh có một tin buồn và một tin vui. Buồn vì chính thức áp dụng thuế 10% với lĩnh vực văn hóa, trong đó có điện ảnh. Nhưng vui vì Quốc hội vừa mới thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đây là một tin rất vui, cũng là điểm nhấn của năm nay, hy vọng văn hóa sẽ có thêm nguồn lực để phát triển trong thời gian tới. Đây là thời điểm chúng ta cần nghĩ thật, nói thật, làm thật cho lĩnh vực văn hóa, trong đó có điện ảnh. Trong đó toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ làm văn hóa, nghệ thuật được hưởng lợi thật.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục |
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam
Tăng thuế là thách thức và gánh nặng cho người làm phim. Tôi lấy ví dụ câu chuyện của nhà sản xuất Trinh Hoan (HK Films) mỗi năm HK Films sản xuất nhiều phim Việt Nam. Số tiền nộp thuế nếu thuế VAT ở mức 10% lên đến hàng trăm tỷ. Số tiền ấy để làm nhiều đầu phim mới thì có giá trị hơn nhiều. Đáng lẽ, Quốc hội nên chờ 5 - 10 năm nữa để điện ảnh thực sự vươn lên thành ngành công nghiệp văn hóa, từ đó có thể thu về nguồn lợi đóng thuế nhiều hơn.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam |
Tôi cho rằng, trong số những đại biểu bấm nút, có một số các đại biểu cũng chưa thật sự hiểu, thông cảm và chia sẻ với những người làm văn hóa, nghệ thuật trong đó có điện ảnh. Đấy là điều đáng buồn với điện ảnh, đặc biệt là với hoạt động sản xuất và phổ biến phim. Nhưng quyết định đã thông qua và chúng ta phải thực thi.
Đạo diễn Charlie Nguyễn
Mức thuế VAT tăng lên 10% không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, nhà sản xuất, mà còn có những tác động đến chất lượng phim cũng như hệ thống phát hành. Khó khăn từ một khía cạnh nào cũng sẽ ảnh hưởng đến khía cạnh khác vì nó phụ thuộc và liên kết với nhau. Chẳng hạn với một dự án 25 tỉ đồng phải tăng lên thành 26 tỉ đồng hoặc vẫn giữ mức ngân sách đó nhưng phải cắt hoặc viết lại kịch bản. Đôi lúc chính vì điều đó mà nhà sản xuất không đủ điều kiện để có được dàn diễn viên hay những nhân sự như mong muốn.
Đạo diễn Charlie Nguyễn |
Nếu chúng ta muốn đuổi kịp thế giới, chất lượng phim và trình độ chuyên môn của chúng ta phải được nâng lên. Và để làm được như thế thì nhà làm phim không làm nổi một mình mà phải cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành. Một đạo diễn không thể làm nên một bộ phim mà cần cả một tập thể và rất nhiều cơ quan đứng sau hỗ trợ thì đạo diễn đó mới có thể làm ra một tác phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn.
Đạo diễn Phan Đăng Di
Trong tất cả những hoạt động văn hóa nghệ thuật có rất ít hoạt động có thể sinh lãi, hầu hết đều rất khó khăn trong việc ra lợi nhuận, điều đấy rất hiếm ngay cả trong giới làm phim cũng vậy. Chúng ta có thể thấy những phim thu về cả trăm tỷ và nghĩ rằng phim ảnh sống dễ nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Bởi, hầu hết tất cả các phim trong nước làm ra đều lỗ hoặc hòa vốn.
Tất cả những gì nhà nước đứng ra cam kết hỗ trợ để phát triển văn hóa và quyền lực mềm đều ở trên giấy, trong những văn bản chưa được thực thi.
Đạo diễn Phan Đăng Di |
Khi áp dụng tăng thuế đối với điện ảnh, vô tình biến hoạt động văn hóa chủ yếu là để kiếm tiền. Tất nhiên có những nhà làm phim 10% không ảnh hưởng nhiều đến họ, nhưng nếu đánh đồng như vậy là đang vô hình khuyến khích tất cả các hoạt động văn hóa bây giờ tập trung vào kiếm tiền. Nhìn nhận vấn đề như vậy là sai, vì có những hoạt động văn hóa rất cần thiết. Nếu đưa ra một thông điệp về thuế như vậy làm cho những người nghệ sĩ có thể tạo ra những sản phẩm khó tiếp cận thị trường nhưng lại rất cần thiết, cảm thấy sợ, khó khăn. Điều đó vô tình làm nhòe đi đời sống tình thần, bởi người ta cảm thấy đã khó khăn rồi còn không được hỗ trợ nữa sẽ rất khó để thực hiện, như vậy văn hóa đặc biệt là ngành điện ảnh sẽ không còn những tác phẩm đa dạng và những tiếng nói thú vị của nghệ thuật cũng dần phai nhạt.
“Bốn năm qua, để vận hành Genesi Creative là vô cùng khó khăn. Giờ mà tăng thuế từ 5% lên 10% thì những công ty làm điện ảnh non trẻ như chúng tôi không biết xoay xở cách nào”, đạo diễn Trần Thanh Huy than thở. |
NSX Hoàng Quân
Đối với công việc của một nhà sản xuất như tôi, ưu đãi thuế suất 5% trước đây là một trong số ít những sự động viên quý giá mà người làm phim cảm nhận được từ chính sách nhà nước.
Nhưng giờ đây, ưu đãi ấy đã không còn. Áp lực đang tăng lên, đặc biệt với những dự án đã triển khai giữa chừng, khi rủi ro về tài chính trở nên rõ ràng hơn. Với các dự án chưa triển khai, chúng tôi buộc phải tái cấu trúc phân bổ chi phí, cân nhắc kỹ từng hạng mục để phù hợp với tình hình tăng thuế mới.
NSX Hoàng Quân |
Dẫu vậy, tôi tin rằng những ai yêu điện ảnh sẽ không từ bỏ. Chúng tôi sẵn sàng thích nghi với một thị trường đầy cạnh tranh hơn, chật vật hơn, nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội mới để khẳng định giá trị của phim Việt.
Và cuối cùng, tôi luôn có niềm hy vọng lớn nhất vào sự ưu ái của khán giả dành cho điện ảnh nước nhà. Đó chính là nguồn động viên quý giá nhất, là lý do để chúng tôi không ngừng cố gắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
NSX Trần Thị Bích Ngọc
Chúng ta đều hiểu rằng tăng thuế là cần thiết đối với những khu vực điện ảnh đã được xã hội hóa. Tôi chỉ hy vọng, khi chúng ta nói điện ảnh sẽ xã hội hóa, các doanh nghiệp sống được trên các sản phẩm của mình, cũng cần quan tâm đến những phim nghệ thuật, những bộ phim ngân sách thấp hay những tác giả, đạo diễn đầu tay… họ vẫn cần được hỗ trợ.
NSX Trần Thị Bích Ngọc |
Bằng cách này hay cách khác, không qua công cụ thuế chúng ta cũng còn nhiều công cụ để hỗ trợ cho điện ảnh phát triển giống các quốc gia khác vẫn sử dụng như quỹ hỗ trợ văn hóa, quỹ điện ảnh, quỹ sản xuất... Một mặt cũng cần có sự quan tâm đến những khu vực khác, từ đó tập trung vào phát triển văn hóa là một vấn đề quan trọng để phát triển điện ảnh.
Tăng thuế VAT với hoạt động văn hóa, sản xuất phim lên 10% Chiều 26/11, Quốc hội thông qua luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Tại dự thảo luật vừa được Quốc hội thông qua, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, sẽ chịu mức thuế suất 10% thay vì 5% theo luật hiện hành. Trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về việc áp dụng mức thuế 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim. Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, các hoạt động văn hóa cần được ưu đãi, khuyến khích chủ yếu là các loại hình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa dân tộc mang tính truyền thống. Do đó, dự thảo luật đã quy định các "hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian" thuộc diện áp dụng thuế suất 5%. Với các loại hình giải trí, nghệ thuật khác, cơ quan soạn thảo cho rằng hiện nay cơ bản đã được xã hội hóa và mang tính thương mại cao. Đồng thời, một trong những mục tiêu chính của việc sửa luật Thuế VAT lần này là dần thu hẹp diện áp dụng thuế suất 5% để có thể tiến tới thống nhất một mức thuế suất là 10%. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo luật, quy định 10% đối với các hàng hóa, dịch vụ nói trên. |
NSX Thu Trang, Hoàng Quân... cùng hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh làm phim gửi văn bản 'kêu cứu' | |
Chính thức tăng thuế VAT 10% với lĩnh vực văn hóa, điện ảnh - khó càng thêm khó |
P.V