(TGĐA) - Nhân vật trong Beef đều được chú trọng đầu tư kĩ lưỡng trong từng phân cảnh, mỗi một mảnh trang phục ta thấy trong phim đều đại diện cho nội tâm con người họ.
Tại sao 'Beef'- phim kinh phí thấp 'lìu tìu' mà lại xuất sắc như vậy? | |
'Beef': Bức tranh chân thực về nỗi cô đơn trong cuộc sống khắc nghiệt |
Bộ phim Beef được hãng A24 kết hợp cùng Netflix ra mắt khán giả vào ngày 6/4 vừa qua. Dù mới được công chiếu gần hai tuần nhưng bộ phim đã đem về những thành tích khủng. Beef là một series hấp dẫn nắm bắt hoàn hảo những phức tạp trong cuộc sống của hai người xa lạ nhưng vô tình "đụng" nhau vì không thể kiểm soát cơn tức giận. Phản ứng hóa học thù địch giữa hai nhân vật Steven Yeun và Ali Wong khiến khán giả thích thú và bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng.
Ngoài sự xuất sắc của hai nhân vật, không khó để ta thấy được những thông điệp ngầm thông qua những trang phục của họ. Mỗi phân cảnh, mỗi tình tiết lại là những mảnh trang phục khác nhau truyền tải được những điều họ không thể hiện ra bên ngoài. Theo lời kể của nhà thiết kế trang phục cho Beef là Helen Huang: "Dù phim lấy bối cảnh là Los Angeles đương đại, diện mạo của Amy và Danny phải chứng minh họ đến từ hai thế giới khác biệt hoàn toàn. Một yếu tố quan trọng được nhấn mạnh trong kịch bản là hai người luôn hiểu lầm lẫn nhau".
Ý tưởng của Helen Huang là mỗi nhân vật đều có chủ đích khi mặc đồ lên người, nhưng cùng lúc cũng hoàn toàn không nhận ra cái "bong bóng" mà mình đang sống bên trong. Cùng xem nhà thiết kế tài năng này đã góp phần thành công to lớn cho Beef như thế nào:
Để làm những bộ trang phục cho Amy, Helen Huang đã lấy cảm hứng khá nhiều từ Instagram của một loạt các chủ shop hoa. Cô nghiên cứu rất kĩ và bị thu hút ngay bởi những trang cá nhân tối giản: mọi thứ đều mang màu be, trắng, và có một vật thể ở chính giữa đổ bóng. Tất cả những màu sắc tone be đó thể hiện cho cái lớp mặt nạ hoàn hảo của Amy, nhưng những gì đổ bóng mới đích thị là con người thật của cô ấy. |
Châm ngôn của Helen là trang phục phải nói lên được con người. Vì vậy dù ta thấy Amy và Naomi đều mặc tone màu tối giản giống nhau xuyên suốt bộ phim, thì họ vẫn phải toát lên những thần thái khác nhau. "Naomi là một cô gái xinh đẹp bạn sẽ thấy trên du thuyền, những nơi thể hiện rõ sự sang chảnh, với một trang mạng xã hội cá nhân tràn ngập bức ảnh checkin. Còn Amy thì lại mang chất nghệ sĩ nhưng giản lược lại chỉ còn màu sắc. Cô ấy là một bông hoa thú vị và được cắm một cách khéo léo". |
Nhân vật Amy luôn có một luồng cảm xúc dữ dội ở bên trong, và sự dữ dội này luôn thoắt ẩn thoắt hiện trong điểm nhấn của những bộ trang phục. Cách Helen thể hiện được điều đó cho Amy đó là sử dụng tông be, trắng cùng các điểm nhấn phụ kiện "lệch đi một tông" so với tổng thể. Helen có nói rằng: "Amy làm đủ thứ tồi tệ so với sự lịch thiệp bên ngoài của cô ấy trong phim này, vì thế tôi muốn cô ấy phải mặc những thứ trắng sạch tinh tươm, kiểu mà người ta phải giữ gìn và không dám làm bẩn. Lúc nào Amy cũng tỏ vẻ mình điềm tĩnh và kiểm soát được mọi thứ, nhưng thực chất "sâu bên trong nước mắt là biển động" đang chực chờ được giải phóng ra ngoài. Cặp màu be - trắng trở thành cái bong bóng hoàn hảo mà cô ấy tạo ra". |
"Amy là kiểu người sẽ mua hàng hãng xịn, nhưng quần áo không được có nhãn mác của bất kì hãng nào. Hai vợ chồng Amy và George là điển hình của những người sống bên bờ đông L.A - luôn cầu kì và cẩn trọng với những gì mình khoác lên người, đến cả con cái của họ cũng phải mặc đồ được 'tuyển chọn' cẩn thận". |
Ở giữa phim khi Amy được mời đến dự hội nghị ở Las Vegas, sau một đêm chơi "thả phanh" cô đã có một sự chuyển biến tâm lý. Đó là lý do tại sao hôm sau bạn bắt gặp cô ấy với mái tóc màu trắng táo bạo. Lúc này cô thấy mình tràn đầy quyền lực và năng lượng. |
Với Danny, mục tiêu là tạo ra một thế giới khác biệt hoàn toàn so với Amy - một thế giới "xuống cấp" hơn. Quần áo của Danny cơ bản đều là đồ mua ở siêu thị, nhưng những tông màu và kiểu dáng phải mang vẻ cũ kĩ, gần như không còn được bán ngoài thị trường nữa. Trang phục của anh phải nói lên được cái bối cảnh văn hóa mà anh được nuôi dưỡng và lớn lên - môi trường áp lực kinh tế khác biệt với Amy. Mặc một chiếc quần Dickies, một chiếc áo Puma "2hand" rất cũ lên người và Danny chỉ cần bước ra sân khấu là mọi người đều biết anh ấy thuộc nhóm dân thích trượt ván. |
Nhà thiết kế Huang nói rằng "rất nhiều đàn ông châu Á khi đến sống tại Mỹ, họ phải cố nhồi nhét cái sự 'Hoa Kỳ' lên người bằng cách gắn mình với một cái tiểu văn hóa nào đó. Một nhóm văn hóa nhỏ tồn tại song song, cũng giống như chính bản sắc dân tộc gốc Á của họ. Đó là điều tôi muốn truyền tải thông qua tràn phục của Danny". |
Trông thì có vẻ suồng sã nhưng Danny cũng khá chú trọng đến những chi tiết nhỏ. Anh luôn mặc thêm một cái áo lót trong cổ chữ V. Khi đi bar thì anh sẽ mặc áo DKNY hàng thùng, đi kèm với thắt lưng có logo hãng Structure. Một phong cách rất "phố", đặc tả con người và hoàn cảnh của Danny. |
"Một trong những niềm vui khi làm phim Beef là được thỏa thích lên đồ cho cánh đàn ông. Thông thường trong phim thì phục trang của nam sẽ không được chú trọng nhiều như các diễn viên nữ. Với Beef, có đủ kiểu đàn ông khác nhau, và cách họ gắn bó với từng thứ quần áo cũng đủ nói lên về bản thân, và nói về giai cấp kinh tế xã hội của mỗi người" - theo lời chia sẻ của nhà thiết kế Huang. |
Hồng Đào được khen nói tiếng Anh lưu loát trong bom tấn Netflix | |
Nhờ đóng phim mà Steven Yeun có thể nói tiếng Hàn lưu loát |
Diệu Anh (Tổng hợp)