(TGĐA) - Trong tập 82 Kính đa chiều, "sầu nữ phòng trà" Hương Giang tiết lộ lý do vì sao chị lại chọn lặng lẽ hoạt động phòng trà dù từng đạt nhiều thành tích chương trình âm nhạc truyền hình.
'Đời nghệ sĩ': 'Sầu nữ' Hương Giang trải lòng về biến cố mất chồng vì Covid-19 | |
Kỷ niệm 25 năm ca hát, ca sĩ Hương Giang lý giải tên gọi 'Một nửa' của liveshow |
Ca sĩ Hương Giang là giọng ca được yêu mến ở phòng trà trong suốt hơn 25 năm qua, chị cũng là vợ của cố ca sĩ phòng trà Phi Hải. Đến với chương trình Kính đa chiều, "sầu nữ phòng trà" Hương Giang có những chia sẻ về đặc trưng của một ca sĩ phòng trà.
Theo ca sĩ Hương Giang, đặc trưng của âm nhạc phòng trà chính là không gian gần gũi giữa khán giả và nghệ sĩ. Nghệ sĩ phòng trà có thể là một ngôi sao lớn nhưng cũng có thể là một người không quá nổi tiếng nhưng có một lượng người hâm mộ nhất định.
Nữ ca sĩ đùa rằng trong không gian phòng trà, khán giả có thể đếm được mụn của ca sĩ, có nghĩa khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả gần đến mức độ như thế và đầy chân thực. “Ca sĩ hát thật, ban nhạc thật, âm thanh thật, không gian thật và tình cảm giữa khán giả và ca sĩ cũng là thật. Đó là đặc trưng của phòng trà cho nên yêu cầu ca sĩ không cần phải diễn gì nhiều, chỉ cần họ đúng là chính họ từ ngoài đời cho đến khi hát”, "sầu nữ phòng trà" cho biết.
Dù ca sĩ Hương Giang được giới chuyên môn đánh giá cao và đạt nhiều thành tích như Giải nhất Tiếng hát truyền hình tỉnh Đồng Nai, Giải ba Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1997, Giải tư Tiếng hát truyền hình toàn quốc nhưng chị lại âm thầm cống hiến nghệ thuật tại các phòng trà.
Giải thích lý do gắn bó với âm nhạc phòng trà, ca sĩ Hương Giang chia sẻ bản thân thích thể loại nhạc này. Bên cạnh đó, sau một thời gian bước ra từ các cuộc thi âm nhạc cũng như biểu diễn nhiều nơi, từ sân khấu đến nhà hát thì ca sĩ Hương Giang cảm thấy bản thân đến một độ tuổi phù hợp với phòng trà, nơi mà chị có thể trải lòng, bộc lộ suy nghĩ cuộc sống mà ngày thường không thể thể hiện.
Tuy được host Minh Đức dành tặng danh xưng “nữ hoàng phòng trà” nhưng ca sĩ Hương Giang tỏ ra khiêm tốn và bày tỏ bản thân cảm thấy xấu hổ với danh hiệu này. “Thật ra tôi chỉ là sầu nữ vì tôi hát nhạc buồn, còn 'nữ hoàng' thì tôi không dám nhận. Vì vốn bài, số lượng ca khúc thuộc dòng nhạc phòng trà của tôi rất ít. Chẳng qua mỗi bài tôi xử lý và hát với cả tấm lòng nên khán giả thích nghe và nghĩ tôi là người rất rành rẽ hay lớn lên từ cái nôi nhạc này”, ca sĩ Hương Giang tâm sự.
"Sầu nữ phòng trà" Hương Giang cho biết chị lớn lên với chương trình 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền như bài hát Con đường có lá me bay hay những ca khúc quê hương đất nước. Đến năm 2001 – 2022, nữ ca sĩ chập chững bước vào phòng trà. Với sự tiếp thu học hỏi nhanh chóng, Hương Giang gắn bó với thể loại nhạc này đến tận thời điểm hiện tại.
Theo ca sĩ Hương Giang, để ca sĩ đến với sân khấu phòng trà cần có 3 yếu tố. Yếu tố đầu tiên cần có vốn bài hát nhiều. Thứ hai, giọng hát phải chuẩn. “Không cần giọng hát nội lực hay giọng khỏe, chỉ cần ca sĩ hát đúng, không phô. Vì khoảng cách gần với khán giả và ban nhạc đơn giản, không có techno hay remix nên không thể che lấp đi giọng hát hay âm thanh phô. Do đó, nếu ca sĩ hát không chuẩn thì không thể che lấp những yếu điểm trong giọng hát”, "sầu nữ phòng trà" Hương Giang cho biết.
Yếu tố thứ ba cũng là yếu tố mà chính ca sĩ Hương Giang cũng từng mắc phải khi được góp ý và tự rút ra từ kinh nghiệm bản thân chính là biểu cảm gương mặt khi thể hiện bài hát. Cụ thể khi hát, ca sĩ phải thể hiện gương mặt thiện cảm, phải nở nụ cười liên tục. Ngoài ra, ca sĩ phòng trà cũng không cần trò chuyện hay giao lưu với khán giả vì có thể ảnh hưởng đến thời gian biểu diễn của ca sĩ khác. Do ca sĩ không chỉ hát một phòng trà mà còn phải chạy show nhiều nơi nên nếu một ca sĩ nào đó vừa hát vừa trò chuyện với khán giả sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian của ca sĩ sau. “Nếu ca sĩ làm minishow riêng thì có thời gian để trò chuyện nhưng nếu ca sĩ đi hát hàng đêm ba bài thì chỉ có khoảng 12 – 15 phút. Nếu ca sĩ hát và trò chuyện sẽ lấn giờ của ca sĩ khác”, ca sĩ Hương Giang chia sẻ.
Nữ ca sĩ kể, có thời điểm chị chạy show biểu diễn nhiều đến độ chỉ kịp vuốt tóc bước lên sân khấu hát và xuống khoác áo để tiếp tục đến nơi khác trình diễn, thậm chí có khi chị cũng không kịp khoác áo vì gấp gáp. Về trang phục, ca sĩ Hương Giang chia sẻ chỉ cần ăn mặc đơn giản, sang trọng, phù hợp với bài hát biểu diễn, không cần phải diện đồ lòe loẹt. Đó chính là các yếu tố đủ để ca sĩ biểu diễn trong các phòng trà.
Có thể nói, biểu diễn trong các không gian phòng trà vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để nghệ sĩ có thể chinh phục trái tim của khán giả. Bằng giọng hát kể chuyện truyền cảm, đầy đằm thắm mặn mà, "sầu nữ phòng trà" Hương Giang đã chiếm trọn tình yêu thương của người hâm mộ trong suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Kính đa chiều – chủ đề tiếp theo Ứng xử trên không gian mạng với sự tham gia của host Lê Hoàng và Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A sẽ được phát sóng vào lúc 20h00 ngày 10/5 trên kênh VTV9.
'Đời nghệ sĩ': 'Sầu nữ' Hương Giang trải lòng về biến cố mất chồng vì Covid-19 (TGĐA) - Đời nghệ sĩ tuần này là cuộc gặp gỡ với nữ ca sĩ ... |
Kỷ niệm 25 năm ca hát, ca sĩ Hương Giang lý giải tên gọi 'Một nửa' của liveshow (TGĐA) - Liên quan đến chủ đề đêm nhạc kỷ niệm 25 năm ca hát ... |
Mi Ty