(TGĐA) - Câu chuyện Con chim vành khuyên phảng phất sắc màu huyền thoại xen quyện hiện thực, gợi cảm và kích động. Một vùng địch hậu. Một bến sông vắng. Một ông lái đò. Một cô gái nhỏ. Một túp lều nghèo. Một vườn dâu xanh. Một cánh diều cũ. Một cô cán bộ. Mấy tên thám báo… Ấy là những gì đã dệt nên bức tranh quê hiền hòa, gần gũi; đồng thời hết sức cam go, căng thẳng.
Con chim vành khuyên, bộ phim ngắn chứa tải một nội dung tư tưởng lớn, có khả năng gây tác dụng mạnh bằng lối kể bình dị, trực diện và chân thực. Bộ phim không nhiều nhân vật, và nhân vật nào cũng có vai trò riêng để tồn tại, trong đó bé Nga là trung tâm. Ở tuổi mới lớn, hồn nhiên, yêu đời, thương cha và quý mến cán bộ kháng chiến; bé Nga là hình ảnh thu nhỏ của con người Việt Nam yêu nước thời chiến tranh cứu quốc. Đặt lên đôi vai mỏng manh của nhân vật một hình tượng lớn, tác giả kịch bản chủ ý phóng đại ý nghĩa của hình tượng, làm cho nó trở nên mạnh mẽ và tiêu biểu. Hình ảnh hy sinh của bé Nga vào giây phút kết thúc câu chuyện tạo cơn chấn động mãnh liệt - mặc dù sự hy sinh đó không quá bất ngờ, đã khơi dậy tình thương cùng lòng căm thù, không vương bi lụy. Đó là hiệu quả đáng ghi nhận của nghệ thuật biểu hiện mang tính anh hùng ca. Cùng với bé Nga, con chim vành khuyên là một nhân vật có tiếng nói riêng. Nó hỗ trợ, tạo cộng hưởng, nâng hình tượng bé Nga và làm sâu sắc thêm chủ đề tác phẩm.
NSƯT Tố Uyên vai bé Nga trong Con chim vành khuyên
Với cấu trúc đơn tuyến và cốt truyện bán tự sự, chuyện phim được thuật kể gọn ngắn, súc tích, tinh tế với những chất liệu đơn giản, sống động, chân thực. Giá trị chân thực ở đây được nhận diện hài hòa: không nệ thực, cũng không vượt xa quá đà để sa vào tự nhiên chủ nghĩa. Tác giả đã chủ động lùi lại, để sự kiện và hình ảnh tự nói lên vấn đề; không chủ quan áp đặt các thủ pháp ám chỉ, cường điệu… can thiệp không tự nhiên vào quá trình hình thành hình tượng tác phẩm. Chính vì thế mà hình tượng của tác phẩm tỏa sáng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo được cùng lúc âm hưởng anh hùng lẫn nhân văn một cách tự nhiên, thân thương và hùng hồn. Cảnh trí trong phim được chọn lựa, dàn dựng phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý câu chuyện đem đến hơi thở ấm áp của làng quê Việt, của những con người chất phát một dạ yêu thương quê hương. Chính đó là sắc màu địa phương, sắc màu dân tộc thấm đượm trong cả nội dung lẫn hình thức biểu hiện của tác phẩm.
Không khoa trương, không nặng lời giải thích mà nhu lặng, tinh tế len sâu vào bản chất sự kiện cũng như tâm lý nhân vật để gián tiếp bày tỏ ý tưởng – chừng như đó vừa là thủ pháp vừa là phong cách thể hiện của các tác giả bộ phim. Lời nói hầu như mất chỗ riêng trong tác phẩm này. Ở đây hình ảnh, âm thanh, tình huống và nhân vật có vẻ đã chiếm chỗ và “độc quyền” biểu hiện. Giải pháp thể hiện này đã đưa tác phẩm đến gần với ngôn ngữ điện ảnh truyền thống quốc tế.
Đạo diễn - NSUT Phạm Văn Thông - Người tạo nên bài thơ Con chim vành khuyên
Đã có nhiều lời bàn về “chất thơ” trong Con chim vành khuyên. Cảm nhận “chất thơ” trong tác phẩm điện ảnh là cảm nhận tổng hợp từ hiệu quả nghe và nhìn. Có nghĩa rằng, chất thơ ấy phải được toát ra một cách hệ thống, nhất quán trong sự quyện hợp hài hòa, đồng bộ giữa hình ảnh với âm thanh. Chất thơ trong bộ phim mang dậm dấu ấn riêng của tác giả, từ kịch bản văn học đến tác phẩm điện ảnh, trở thành một phong cách mang dấu ấn tiên phong trong sáng tác phim truyện Việt nam. Đó là một thứ chất thơ thuần Việt, không pha hợp bởi các trường phái ngoại lai. Đó còn là chất bay bổng, tinh khiết của tinh thần, một thứ lãng mạn linh thiêng mà không siêu hình; nó gắn với thực tiễn và nâng cao thực tiễn. Cho nên, sẽ là hợp lý nếu có ai đó coi Con chim vành khuyên như một “bài thơ hình ảnh”, và bài thơ đó mang đặc chất Việt nam. Người xem không quên những cảnh quay đã góp phần dệt nên hồn thơ tác phẩm: bé Nga nhí nhảnh nhảy dây, cánh diều bay lượn trên nền trời trong vắt, con thuyền lướt nhẹ trên sông, tấm lưới phủ tràn mặt nước, đoàn bộ đội lặng lẽ hành quân dưới ánh chiều tà, bóng ông bố đưa đò in lên nền trời đầy mây, và dáng bé Nga băng qua nương dâu gục ngã bên bờ sông… Những hình ảnh này, cùng với khung cảnh đặc trưng thôn dã của địa điểm quay, vẽ nên bức tranh ấn tượng về sự tương phản giữa thiện với ác, lành với dữ.
Cảnh quay của Nguyễn Đăng Bảy phần lớn tĩnh tại, ngay khi quay động tác di chuyển cũng chủ yếu sử dụng động tác máy tĩnh tại. Ít sử dụng những cú di chuyển máy đặc hiệu, không có xu hướng lạm dụng kỹ thuật thu hình; tác giả chủ ý tạo nên điểm nhìn khách quan, gây cảm xúc chân thực. Hiệu ứng tạo hình, do đó phù hợp với phong cách thể hiện chung của tác phẩm là dung dị, nhu dịu, làm cho thấm sâu.
Poster phim
Trong phim, diễn xuất của Tố Uyên và Tư Bửu hỗ trợ nhau hiệu quả. Cái ngây thơ trong sáng của bé Nga được che chở, nâng đỡ nhờ vào sự dày dạn chắc chắn của người cha. Tố Uyên diễn tự nhiên thoải mái, như sống cuộc sống của nhân vật. Tư Bửu vững vàng, chuyên nghiệp. Thúy Vinh trong vai chị cán bộ, tuy thoáng qua, cũng để lại hình ảnh uyển chuyển, tự tin.
Con chim vành khuyên là một trong không nhiều tác phẩm phim truyện Việt nam ở giai đoạn đầu đạt tới sự hài hòa cần thiết giữa đặc tính văn học với đặc tính điện ảnh. Hình tượng văn học của kịch bản hiện hình rõ nét thông qua nghệ thuật biểu hiện ngôn ngữ nghe nhìn. Đó là kết quả phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa biên kịch với đạo diễn; mà ở phim này, tác giả kịch bản và đạo diễn phim là một. Có thể nhận ra thủ pháp thể hiện độc đáo của tác giả là đã chủ động tạo ra một nhịp điệu tư duy chủ quan, từ đó dẫn dắt người xem cảm nhận một cách trực quan những hình ảnh và hiện tượng tương phản, đối lập cạnh nhau: người cha to lớn, cô gái nhỏ xinh; địch dữ dằn với vũ khí trong tay, ta hiền lành tay không; sự sống bên này, còn bên kia là cái chết…
Ở tác phẩm này, cảnh kết được xem là “cảnh chốt”, quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt. Từ trên cao, ống kính nghiêng xuống gói trọn hình ảnh bé Nga trúng đạn địch lảo đảo, hai tay chới với như cố ghì lấy sự sống, thống thiết kêu lên “cha” rồi lảo đảo khụy xuống mép sông. Lúc này nhịp quay chậm lại và giọng nhạc trào lên lấp trọn không gian. Đó là sự vỡ òa thương tiếc, vỗ về cái bất tử của cô gái nhỏ anh hùng, làm bùng lên xúc cảm bi tráng chân thành. Ngôn ngữ điện ảnh, trong trường hợp này, đã được khai thác và diễn đạt tới cao độ, vừa đạt hiệu quả truyền cảm, vừa gây tác động nhận thức sâu sắc.
Ê kíp làm phim
Song, nhìn từ khía cạnh nghiệp vụ thể hiện, Con chim vành khuyên có những hạn chế nhất định: khung cảnh diễn đạt câu chuyện được tạo dựng quá thanh bình, không tiêu biểu cho hoàn cảnh nói chung của đất nước thời chiến, làm chùng giãn bầu không khí kịch tính cần có trong cuộc chiến âm thầm mà nảy lửa giữa các nhân vật. Mặt khác, nội tâm nhân vật trung tâm chưa được tập trung khắc họa rõ nét, chưa khoét đủ độ sâu để từ đó minh chứng xác đáng hành động cao cả của nhân vật (bé Nga). Vả lại, phong cách thơ được nhìn nhận rộng rãi từ tác phẩm này chưa phải đã thực sự nhuần nhuyễn trong suốt quá trình kiến tạo hình tượng tác phẩm; phần nào hạn chế độ thẩm thấu của hình tượng trong mạch cảm xúc của người thưởng thức.
Đã từng có ý kiến cho rằng hai cha con bé Nga sống trong một thế giới tách biệt với xung quanh, hành động của họ như là một thứ tự phát…nên nhiều phần lãng mạn hơn là hiện thực. Điều đó không hoàn toàn hợp lý, vì trong nguyên lý xây dựng hình tượng nghệ thuật, hiện thực trong tác phẩm không phải là hiện thực trần trụi, nguyên si của đời sống; mà là hiện thực “nhắc lại”, được tác giả nhào nặn, sáng tạo trên cơ sở của hiện thực đời sống. Vì vậy ở đây, tác giả hoàn toàn có thể và cần phải tự khuôn không gian, thời gian cũng như phạm vi của vấn đề mô tả trong một ranh giới nhất định để đào sâu, phản ánh theo ý tưởng và nhu cầu riêng của mình nhằm tránh dàn trải. Điều chính yếu là hiệu quả và tác dụng phản ánh đối với công chúng và xã hội, chứ không phải là sự ôm đồm cho đủ mọi khía cạnh của hiện thực cuộc sống.
Bộ phim được xây dựng trên nguyên tắc của phương pháp sáng tác hiện thực lãng mạn xã hội chủ nghĩa, trở thành một trong những viên gạch nền tảng kiến tạo nền phim truyện cách mạng Việt Nam, với nét đặc trưng riêng có của nó.