(TGĐA) - Con khỉ trong Truyền thuyết về Quán Tiên thuộc loài vượn và tại sao con khỉ không trêu bộ đội mà chỉ trêu các cô thanh niên xung phong?
'Truyền Thuyết Về Quán Tiên' 'chơi lớn' với hơn 1,2 tỷ kinh phí đầu tư cho âm nhạc và một MV 'chất hơn nước cất' | |
'Truyền thuyết về Quán Tiên': Chuyện 'diễn viên'... gà |
Lần đầu được xem phim Truyền thuyết về Quán Tiên tôi nhớ mãi. Là một người lính khi xem Truyền thuyết về Quán Tiên, tôi nhớ những chú khỉ, những đàn khỉ trên rừng Trường Sơn mà tôi gặp trong những lần hành quân. Những đàn khỉ thật tội nghiệp. Chúng cũng như người. Bị bom Mỹ từ trên trời ném xuống. Tan xác. Bị pháo từ ngoài biển bắn vào. Bị thương. Bị chính những khẩu súng bắn tỉa chĩa từ dưới lên. Tán loạn. Lại còn chất độc da cam. Đói khát. Vợ mất chồng. Con mất cha. Chồng mất vợ… Có một lần, chúng tôi ở trên đỉnh đồi 309. Buổi chiều, một trận bom dội xuống. Quả đồi xơ xác. Cây bật rễ đổ. Thú rừng không biết trốn vào đâu. Chúng nào có hầm hào. Sau trận bom, một chú khỉ bị thương, lọt vào hầm tôi. Chúng tôi nhìn vết thương ở chân nó. Khỉ nhìn cầu cứu. Anh y tá băng cho khỉ. Không làm thịt vì nó còn nhỏ quá. Cầm bàn tay khỉ lên, so với bàn tay mình. Tôi kinh hãi. Hai bàn tay giống hệt nhau. Cũng có hoa văn. Cũng có năm ngón. Lật sấp lại. Càng thương khỉ hơn. Năm ngón tay khỉ cũng có móng như ngón tay người. Tôi đã đưa bàn tay khỉ lên hôn vì thương cảm. Một số phận trong chiến tranh.
Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên |
Buổi tối, tưởng quả đồi chìm trong yên tĩnh. Bỗng trên vòm cây xơ xác, vọng xuống tiếng rên rỉ, nỉ non. Chúng tôi tưởng ma. Ngồi nghe mà rợn tóc gáy. Bỗng anh Dũng, người Quảng Bình, nói nhỏ: “Khỉ ru con đấy! Chắc con nó bị thương!”. Chúng tôi nghe, dịu lòng nhưng vẫn ái ngại. Ai băng cho khỉ con? Cầu mong khỉ mẹ tìm được lá rừng.
Quay trở lại với con khỉ trong Truyền thuyết về Quán Tiên. Liệu nó có thật không? Tôi tin là có thật. Nhưng con khỉ này thuộc loài vượn. Vượn bạc má. Tôi biết, loài vượn này chung tình lắm. Chuyện xưa kể, có người đi săn. Bắn chết một con vượn bạc má. Người đi săn chạy đến lấy xác. Bỗng thấy một con vượn bạc má khác, ngồi bên. Con này rút mũi tên từ con vượn chết, cắm vào ngực mình. Và chết theo. Người đi săn nhìn cảnh đó, bỗng thấy sợ. Từ đó, ông bỏ nghề săn bắn. Con vượn trong phim chỉ có một mình. Chắc vợ con của con vượn này bị bom chết hết. Trong phim không thấy nói về vợ con nó chết ở đâu. Nên nó vẫn quẩn quanh ở khu vực Quán Tiên.
Nhưng sao khỉ không trêu bộ đội mà chỉ trêu các cô thanh niên xung phong? Bộ đội phần đông là nam. Cùng giới, nó không thích. Cũng có thể nó sợ. Lơ mơ ăn đạn thì sao? Thôi thì cứ trêu các cô. Thấy các cô sợ, nó cũng thích. Hơn nữa, nó cũng có thẩm mỹ chứ. Thích phái đẹp thôi. Chẳng gì nó cũng đường đường là một nam nhi giữa Trường Sơn hùng vĩ. Nó không đơn giản là một con khỉ thuần túy. Nó là biểu tượng bản năng con người bị chìm lấp trong chiến tranh. Nó là hiện thân còn sót lại của thiên nhiên đang bị hủy hoại. Nó là tiếng vọng của cuộc sống đời thường. Nó là khát khao hòa bình. Gia đình và sinh nở. Và chính nó là tiếng gọi nơi hoang dã, đánh thức Tuyết Lan và anh Ku Xê đến với nhau.
Khi xem phim, tôi không thể nhận ra sự khác nhau giữa con khỉ thật và khỉ vẽ theo công nghệ 3D. Con khỉ thật diễn xuất đã nhẹ nhàng, uyển chuyển rồi, nhưng khỉ 3D cũng linh hoạt không kém. Hai đứa con nhà tôi, sau khi xem về, cũng không thể ngờ đấy là hai chú khỉ. Giống nhau như hai giọt nước. Không biết kỹ xảo vẽ khỉ họ có tham khảo đâu không? Nhưng tôi thấy, đây đúng là con khỉ Trường Sơn mà tôi hằng thấy. Chúc mừng bước tiến của các họa sỹ vẽ kỹ xảo.
Cuối cùng, số phận con khỉ cũng thật đau đớn. Có lẽ tôi không nên tiết lộ. Nhưng, quả thực, các nhà làm phim đã rất tài tình khi xây dựng hình ảnh một anh lính bị điếc. Anh ngăn con khỉ quấy rầy cô Mùi. Anh không nghe thấy tiếng rừng xào xạc. Không nghe thấy tiếng nước chảy. Không nghe thấy tiếng các cô gái vui đùa. Thậm chí không nghe thấy tiếng bom… Trước mặt anh ta, chỉ có con khỉ. Anh ta lại có cây súng trong tay. Muốn làm gì thì làm. Nói để bảo vệ cô Mùi cũng được. Nói để săn bắn cũng không sao. Nói để cải thiện bữa ăn cũng đúng. Và để chinh phục thiên nhiên cũng được. Người điếc, không thèm nghe ai. Chỉ làm theo ý mình. Sự nguy hiểm ở chỗ đó. Câu chuyện trong phim không dừng lại trong chiến tranh…
Poster Truyền thuyết về Quán Tiên |
Tại sao trong các thành phố lớn đều có Vườn Bách thú? Và trong vườn đều có khỉ? Các chuyên gia cho biết, ý tưởng về làm vườn bách thú trong thành phố là của Platon, một triết gia Hy Lạp cổ đại. Ông muốn nhắc nhở con người, dù sống tập trung ở các đô thị, nhưng hãy nhớ về rừng núi, thiên nhiên, nơi có những con vật cùng tồn tại. Chính nó làm nên hệ cân bằng sinh thái của Trái Đất chúng ta – Ngôi nhà chung cho muôn loài.
Cảm ơn phim.
Cảm ơn chú khỉ.
Sống mãi trong lòng tôi.
'Truyền Thuyết Về Quán Tiên' 'chơi lớn' với hơn 1,2 tỷ kinh phí đầu tư cho âm nhạc và một MV 'chất hơn nước cất' | |
'Truyền thuyết về Quán Tiên': Chuyện 'diễn viên'... gà |
Trung Phong