(TGĐA) - Chuỗi ngày làm phim vô cùng vất vả tại vùng rừng núi Quảng Bình đã kết thúc nhưng đạo diễn Đinh Tuấn Vũ dường như lại vương vấn cảm xúc khó tả của những tháng ngày ở trong Truyền thuyến về Quán Tiên.
Vừa kết thúc những tháng ngày làm việc miệt mài, thâu đêm suốt sáng tại rừng núi Quảng Bình để kịp hoàn thành công đoạn ghi hình tác phẩm chiến tranh – tâm lý Truyền thuyến về Quán Tiên chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ hiện giờ vẫn đọng lại nhiều cảm xúc khó tả, không chỉ là những kỷ niệm gian khổ, khó quên cùng ê-kíp gồm hầu như toàn người trẻ mà còn là những cung bậc, nỗi niềm, ý thức luôn giữ mình phải tỉnh táo trong thời gian còn lại để anh có thể lần đầu hoàn thành một bộ phim chiến tranh đúng nghĩa và mang tầm vóc lớn.
Chặng đường quan trọng (giai đoạn ghi hình) dự án phim Truyền thuyết về Quán Tiên đã hoàn thành trong sự nỗ lực không ngơi nghỉ của toàn bộ ê-kíp, anh hài lòng điều gì nhất? Có điều gì anh cảm thấy chưa hài lòng, hoặc nuối tiếc?
Cho đến giờ, tôi cảm thấy mình và ê-kíp đã làm tất cả những gì có thể rồi. Không có điều gì khiến tôi nuối tiếc hay chưa hài lòng cả, bởi nếu có, chắc chắn giai đoạn quay vẫn sẽ tiếp tục. Tất nhiên, đó là cảm giác của cá nhân tôi tại phim trường, còn trong quá trình dựng phim, tôi sẽ buộc phải trở thành một “khán giả nghiêm khắc nhất” để phim trở nên hoàn thiện.
Đinh Tuấn Vũ trong những ngày ghi hình Truyền thuyết về Quán Tiên |
Khán giả biết đến đạo diễn Đinh Tuấn Vũ gần đây nhiều nhất qua thể loại hài hay tình cảm. Vậy cơ duyên nào lại khiến anh chuyển hướng sang một thể loại khác biệt hoàn toàn đến vậy?
Tôi nghĩ đạo diễn nào cũng muốn thử sức mình ở nhiều thể loại phim khác nhau. Từ cuối năm 2015 tới giờ, tôi đã làm ba phim thể loại hài, tình cảm nhưng đến thời điểm này, tôi tự thấy cần phải làm điều gì đó khác biệt. Rất may mắn, tôi nhận được lời mời hợp tác từ công ty HongNgat Film và DV&H Creative trong dự án Truyền thuyết về Quán Tiên, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, tác phẩm tôi đã từng đọc cách đây gần 6 năm và vẫn còn bị ám ảnh kể từ ngày đó.
Kịch bản Truyền thuyết về Quán Tiên cuốn hút anh nhất ở điểm gì?
Cho đến giờ, chỉ riêng ý nghĩ mình đang làm một bộ phim chiến tranh, được kể một câu chuyện về những người anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân, cống hiến xương máu của họ cho đất nước này vẫn khiến tôi “gai người”.
Theo tôi, phải một người tinh tế như nhà văn Xuân Thiều mới có thể thấy, có thể hiểu và thấu cảm về sự hy sinh nhiều đau thương của 3 cô gái Thanh niên xung phong cũng là nhân vật chính trong truyện. Mỗi người một số phận nhưng điểm chung đều phải chịu đựng nỗi cô đơn tận cùng trong một hang sâu giữa rừng già mang vẻ đẹp kỳ lạ mà người binh trạm trưởng khi tìm ra đã phải thốt lên rằng: "Đúng là một cái Quán Tiên".
Truyền thuyết về Quán Tiên giúp anh có cơ hội được cộng tác, làm việc chung cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội và đầy kinh nghiệm của điện ảnh Việt, chắc hẳn một người trẻ như anh không tránh khỏi sự bất đồng quan điểm, anh làm thế nào để vượt qua điều này?
Tôi nghĩ mình vô cùng may mắn khi lần này được cộng tác với những nghệ sĩ gạo cội như GĐSX Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà biên kịch Đoàn Tuấn và Giám đốc hình ảnh là NSƯT Vũ Quốc Tuấn... Cá nhân tôi tự thấy mình là một người rất biết lắng nghe ý kiến của người khác. Ngược lại, những người cộng sự đầy kinh nghiệm cũng cực kỳ tôn trọng ý kiến của một đạo diễn trẻ như tôi. Những sự bất đồng quan điểm chỉ khiến chúng tôi "nảy ra" những ý tưởng tốt hơn chứ gần như không làm tôi phải khó nghĩ hay "cố gắng vượt qua".
Đinh Tuấn Vũ cùng NSƯT Vũ Quốc Tuấn trên trường quay trong những ngày nắng gắt |
Được biết, đây là lần cộng tác thứ hai của anh với diễn viên Thúy Hằng. Anh đánh giá Thúy Hằng có những thay đổi gì khác so với phim Cuộc đời của Yến (2015)?
Đã 4 năm kể từ khi tôi hợp tác với Thúy Hằng lần đầu tiên và thực sự đó là một diễn viên tôi luôn muốn có dịp tái hợp. Tôi nghĩ so với vai Yến thì nhân vật lần này hợp với Thúy Hằng hơn, đặc biệt là có nhiều "đất" để Thúy Hằng phát huy nội lực của mình hơn. Bản thân tôi cũng thấy Thúy Hằng rất yêu nhân vật cô chị cả Mùi trong 3 cô gái Thanh niên xung phong kể trên. Tôi còn trân trọng việc Thúy Hằng đã gác toàn bộ công việc để tập trung vào vai diễn.
Ngoài Thúy Hằng, tôi khá bất ngờ khi anh đang làm việc với một dàn diễn viên rất trẻ trong một tác phẩm lớn như vậy, có người còn chưa có kinh nghiệm đóng phim. Anh đánh giá thế nào về họ?
Ngay từ đầu, tôi đã xác định sẽ tuyệt đối chọn những người hợp với nhân vật, dù đó là những diễn viên trẻ, thậm chí có người chưa bao giờ đóng phim. Họ mang lại sự trong trẻo, hồn nhiên và rất chân thật trong diễn xuất. Ở ngoài, họ luôn gọi nhau bằng tên nhân vật trong phim và tôi cảm nhận đó là một trong những cách hóa thân hoàn toàn vào vai diễn. Tôi hy vọng sau này mình sẽ có nhiều dịp để nói về từng người trong số họ.
Đinh Tuấn Vũ chỉ đạo diễn xuất cho Thúy Hằng |
Theo anh, lợi thế của một đạo diễn trẻ khi làm phim về chiến tranh là gì?
Tôi nghĩ ai cũng sẽ nói rằng đạo diễn trẻ thì góc nhìn sẽ mới lạ. Nhưng tôi tự thấy góc nhìn mới hay lạ không phụ thuộc vào tuổi tác. Bản thân truyện ngắn Truyền thuyết về Quán Tiên của cố nhà văn Xuân Thiều cũng có góc nhìn cực kỳ mới lạ khiến tôi sững sờ lần đầu đọc. Riêng dự án này, tôi nghĩ lợi thế lớn nhất của tôi là tiếp cận và áp dụng những công nghệ kỹ xảo mới nhất để hỗ trợ cho hình ảnh của phim. Tất nhiên, đó cũng không phải là điều mà chỉ những đạo diễn trẻ mới làm được. Bởi vậy, tôi luôn duy trì sự tập trung cao độ và trăn trở nhiều để khắc phục những "bất lợi" của một đạo diễn trẻ hơn là những lợi thế.
Có nhà phê bình từng nhận định, Đinh Tuấn Vũ có điểm mạnh là nắm bắt tâm lý nhân vật, giữ tiết tấu phim tốt. Anh dự định sẽ phát huy điều này thế nào với Truyền thuyết về Quán Tiên?
Tôi vẫn xem lại những phim mình từng làm và vẫn nghĩ rằng “lẽ ra có thể làm tốt hơn”. Dù mỗi bộ phim lại có tiết tấu khác nhau, nhưng tất nhiên, khi đã làm nhiều dự án điện ảnh, cái quý nhất tôi có được là kinh nghiệm. Với Truyền thuyết về Quán Tiên, tôi đã mạnh tay và táo bạo hơn nhiều trong quá trình quay và chắc chắn cũng sẽ như vậy trong quá trình dựng phim. Hy vọng, điều đó sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho bản phim cuối cùng.
Anh nghĩ sao về “cơn khát” phim chiến tranh của điện ảnh Việt hiện nay?
Sự thật là đã gần 5 năm nay, chưa có bộ phim điện ảnh đề tài chiến tranh nào được làm ở Việt Nam. Và những bộ phim được làm của 5 hay 10 năm trước cũng không có được sự quảng bá rộng rãi để khán giả biết đến. Nhưng tôi tin là chỉ cần phim có chất lượng tốt thì dù đề tài nào, khán giả cũng sẽ theo dõi và ủng hộ!
Cảm ơn đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, chúc anh cùng ê-kíp nhiều hứng khởi hoàn thành tốt công đoạn hậu kỳ của Truyền thuyết về Quán Tiên!
Dựa trên truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, Truyền thuyết về Quán Tiên do biên kịch Đoàn Tuấn chuyển thể, là tác phẩm đề tài thời chiến được nhà nước tài trợ 70% kinh phí làm phim, dưới sự sản xuất của HongNgat Film và DV&H Creative. Phim đã kết thúc công đoạn ghi hình vào cuối tháng 5 và đang trong quá trình hậu kỳ. Chuyện phim kể về ba cô gái thanh niên xung phong hết sức xinh đẹp tên là Mùi (Thúy Hằng), Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh) và Phượng (Hồ Minh Khuê) sống ở một hang động trong rừng tại cao điểm của tuyến đường Trường Sơn, ngày ngày tiếp đón các anh lính tới nghỉ chân nên nơi đó còn được gọi là “quán Tiên”. |
'Truyền thuyết về Quán Tiên': Chiến tranh qua góc nhìn người trẻ! | |
'Truyền thuyết về Quán Tiên': Phim và Đời | |
Truyền thuyết về Quán Tiên: Chuyện 'diễn viên'... gà |
Vũ Anh