Đạo diễn Lý An – Người ở trong 'vùng xám'

(TGĐA) - Lòng yêu nghề cháy bỏng ẩn chứa trong trái tim của một con người có bộ óc chỉ dành để suy nghĩ về điện ảnh. Lý An trong con mắt của một nhà báo nước ngoài là như thế này:

'Đàn ông song tử': Khám phá công nghệ làm phim mới từ đạo diễn Lý An 'Đàn ông song tử': Khám phá công nghệ làm phim mới từ đạo diễn Lý An
Đạo diễn Lý An được trao giải DGA Honors 2018 Đạo diễn Lý An được trao giải DGA Honors 2018
Đạo diễn Lý An – Người ở trong 'vùng xám'
Đạo diễn Lý An

“Tôi giống như một đứa con trai đáng tự hào của Trung Hoa nhỉ”, Lý An – một đạo diễn được biết đến là người sinh ra ở Đài Loan đã nói như vậy. Trung Quốc hiển nhiên đã giành khá nhiều ưu ái cho các bộ phim của Lý An. Với những Ngọa Hổ,Tàng Long (Crouching Tiger, Hidden Dragon), Bão tuyết (The Ice Storm) và Ẩm Thực Nam Nữ (Eat Drink Man Woman) - các bộ phim đã giúp cho Lý An giành được sự ủng hộ rộng rãi của thế giới. Và tất cả các phim của ông cũng đã “rinh” về 8 giải Oscar. Sắc, Giới khi công chiếu tại Trung Quốc cũng đã chiếm vị trí dẫn đầu doanh thu. Năm 2005, khi “bản trường ca” về tình yêu đồng tính của những chàng chăn bò, Núi yên ngựa (Brokeback Mountain), cùng ông đoạt giải Oscar, báo chí Trung Quốc đã ví Lý An là “niềm tự hào của người Trung Quốc”.

Niềm tự hào Trung Quốc đó thể hiện theo những cách hơi khó hiểu một chút. Núi yên ngựa bị cấm chiếu ở Trung Quốc. Lời phát biểu trong lễ nhận giải của Lý An cũng bị các kênh truyền thông của nhà nước kiểm duyệt và lược đi một số phần. “Họ rất tự hào khi tôi giành giải Oscar, họ không cho phép chiếu bộ phim chỉ vì nó đề cập đến chủ đề đồng tính”, Lý An giải thích. “Cuộc sống đầy chặt những mâu thuẫn, và họ sống với điều đó”, ông nói. “Chẳng mấy ai nói rằng chúng tôi không tự hào về bạn bởi vì chúng tôi không thể chiếu phim của bạn, hoặc nếu chúng tôi có tự hào về bạn thì chúng tôi phải phá bỏ hoàn toàn những gì đang tồn tại. Không ai suy nghĩ và hành động như vậy cả. Họ nhìn bạn và cười một cách thiện chí”. “Tôi có nên giữ mãi sự bực mình vì người ta không thể công chiếu Núi Yên ngựa rộng rãi không?”, Lý An hỏi lại. “Nó chỉ vậy thôi”, ông cười, “Đời là thế đấy!” Ông nói thêm, với ngữ điệu như muốn bước vào một cuộc tranh luận lớn hơn: “Tôi sẽ không từ bỏ việc làm một bộ phim vì những chuyện như thế”.

Tôi đã gặp Lý An một lần trước đó, rất ngắn thôi, sau một buổi chiếu Sắc, Giới tại Hội Châu Á (ở) New York. Lý An đã có lần thú nhận mình là người hay xấu hổ và vụng về trong giao tiếp xã hội. Và buổi tối hôm đó, đứng trước một đám đông đang reo hò để được nói chuyện với mình, người đạo diễn này thật sự có vẻ hơi choáng váng vì những cơn mưa ánh flash. Các chi tiết nhỏ lần lượt kết nối lại, và ta có một câu chuyện khác hẳn với những gì vẫn thường nghe. Khi chúng tôi gặp nhau trong một tòa nhà văn phòng ở khu buôn bán của Manhattan, Lý An ăn mặc rất bình thường và ông đã chào hỏi tôi khá nồng hậu; ông thả mình xuống chiếc ghế dài và bắt đầu nói một tràng về những ý tưởng táo bạo. Lý An hay cười và nói tiếng Anh với ngữ điệu thường thấy của tiếng phổ thông. Thái độ của ông trước lệnh cấm chiếu Brokeback Mountain ở Trung Quốc có vẻ như hơi hờ hững, nhưng có lẽ Lý An chỉ đang chờ đợi thời cơ của mình mà thôi. Ai đó có thể lập luận rằng ông ấy đã chấp nhận một sự mạo hiểm thậm chí còn lớn hơn khi đưa phim Sắc, Giới về Trung Quốc. Với nhà cầm quyền, bộ phim này miêu tả một lát cắt “không mấy đẹp đẽ trong lịch sử dân tộc”. Việc làm thế nào để tái hiện sống động giai đoạn cấm kị này của Lý An dĩ nhiên là tạo nên sự tranh cãi dữ dội. Nhưng cốt truyện, dựa trên một sáng tác của nhà văn nữ Trương Ái Linh, thậm chí sẽ còn táo bạo hơn nữa. Bộ phim, với phần lớn bối cảnh là Thượng Hải dưới sự chiếm đóng của người Nhật trong những năm 40 của thế kỉ trước, kể câu chuyện về một sinh viên Trung Quốc yêu nước có nhiệm vũ quyến rũ một tên gián điệp làm việc cho Nhật.

Kế hoạch là dụ kẻ phản bội trở nên thân thiết rồi sau đó trừ khử hắn ta. Nhưng sau một chuỗi những lần chạm chán “say đắm và nồng nàn” (phim xếp loại NC-17 ở Mỹ; các cảnh “nóng bỏng” đều bị cắt trong bản phim chiếu ở Trung Quốc), người phụ nữ trẻ nhận thấy nhiệm vụ của mình dần trở nên khó khăn hơn. “Trong Sắc, Giới, tôi đặt bản năng giới tính đối chọi lại với lòng yêu nước”, Lý An giải thích. “Điều đó quả thực quá điên rồ”. Lòng yêu nước của người Trung Quốc không dễ bị lung lay. “Với chúng tôi, đó là hai chuyện trắng đen rõ ràng”, Lý An nói. “Bạn hi sinh bản thân – làm thế nào bạn có thể khiến Trung Quốc thất vọng được?”. Sự chào đón nồng nhiệt của Trung Quốc với Sắc, Giới có lẽ cho thấy một nhận thức đang lớn dần rằng tình yêu đối với tổ quốc có thể mang nhiều sắc thái. “Giờ đây, ít ra họ có thể cân nhắc đến vấn đề con người thay vì chỉ nói về một vài ý tưởng to tát về chủ nghĩa yêu nước”, Lý An giải thích. “Tôi không có ý nói chủ nghĩa yêu nước là không đúng”, ông nói, nhưng, “nên đặt con người lên trước”.

Đạo diễn Lý An – Người ở trong 'vùng xám'
Cảnh trong phim Sắc, Giới

Sắc, Giới đã thu về hơn 15 triệu USD tại Trung Quốc. Có vẻ, nó đã không gặp phải tình trạng kém sáng sủa như ở Mỹ, nơi bộ phim nhận được mọi lời khen chê khác nhau và chật vật đạt mức doanh thu 4,3 triệu USD. “Việc bộ phim vẫn được chào đón ở Trung Quốc, thậm chí việc nó vẫn được trình chiếu, đã là một sự động viên rất lớn rồi”, Lý An nói. “Nó không bị ngưng chiếu…cũng có sự phản đối dữ dội, nhưng chúng không đủ lớn để bộ phim phải biến mất khỏi rạp, điều đó có ý nghĩa rất tích cực với tôi”. Dường như, Lý An cảm thấy rằng thành công của một bộ phim đã gây tranh cãi như thế ở Trung Quốc có thể coi như là một chất xúc tác – để chính quyền “nới lỏng” hơn, để người dân mở rộng quan niệm hơn và có nhiều nhà làm phim phản ánh sự thật hơn.

Mục tiêu lớn hơn của Lý An là đưa những hình ảnh trong quá khứ của Trung Quốc, thậm chí là một số mặt sai lầm về chính trị, lên màn ảnh lớn. “Tôi cố gắng làm sống lại những gì đã xảy ra trước đây, và không ai có thể làm điều đó một mình được”. Ông nói thêm: “Nếu tôi không làm việc đó ngay bây giờ, năm năm nữa có thể nó sẽ không còn nữa. Bởi vì những người còn nhớ về nó sẽ qua đời hết”. “Tôi thực sự tin rằng cuộc sống là một cái gì đó tiếp diễn”, Lý An nói. “Bạn không thể chặt đứt lịch sử và bắt đầu một cái mới”. Những người cộng sản Trung Quốc thực sự đã làm điều đó, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng văn hóa bắt đầu vào năm 1966 khi các chứng tích lịch sử đã bị phá hủy.

Nói về Cách mạng văn hóa, Lý An thẳng thắn: “Tôi chưa bao giờ thấy một nền văn hóa nào lại căm ghét bản thân đến vậy”. “Bạn phải có nguồn cội từ một nơi nào đó”, ông nói. “Đó là văn hóa của bạn, là xương sống của bạn, bạn là thế đó. Bạn không thể vứt bỏ nó đi đâu được. Và cách tốt nhất để truyền đạt (điều này) cho lớp trẻ là thực hiện những bộ phim sinh lợi có liên quan tới quá khứ”. Một trong những phim kiểu này là tác phẩm đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, Ngọa Hổ Tàng Long, một cuộc phiêu lưu võ đạo sáng tạo có bối cảnh vào thời nhà Thanh đầu thế kỷ 19. Bộ phim đã không gây được tiếng vang ở đại lục, nhưng tại Mỹ ít ra đó cũng là một thành công đáng kể. Có lẽ, khán giả phương Tây dễ dàng bật dậy khỏi ghế hơn khi chứng kiến những mà đấu kiếm dàn dựng khéo léo, các cao thủ bay trên không hay suýt xoa trước những khu rừng trúc tao nhã. Với Ngọa Hổ Tàng Long, Lý An đã làm nhiều hơn là việc đưa những hình ảnh truyền thống ra các rạp chiếu của thế giới. Bằng những hiệu quả đặc biệt được tổ chức hợp lý, ông đã khiến cho những tạo hình xưa cũ của Trung Hoa trở nên tuyệt vời đến mức kinh ngạc.

Sự nhấn mạnh của Lý An về một Trung Quốc cổ xưa bắt nguồn từ nếp giáo dục của gia đình. Quê hương của bố mẹ ông vốn ở đại lục, nhưng cuộc nội chiến năm 1949 đã đưa họ đến Đài Loan, nơi Lý An chào đời sau đó vào năm 1954. “Ở Đài Loan, chúng tôi vẫn duy trì ngọn đuốc của văn hóa cổ truyền Trung Hoa, của xã hội phong kiến, nên nói theo một cách nào đó, chúng tôi đã không đi qua Cách mạng văn hóa và chủ nghĩa cộng sản”, Lý An nói. “Ở Hồng Công và Đài Loan, chúng tôi được nuôi dạy theo cách truyền thống, còn ở Trung Quốc thì đã thay đổi rất quyết liệt…Tôi vẫn lớn lên gần giống với cách mà bố tôi được dạy dỗ”. Lý An nói với tôi rằng, việc lớn lên ở Đài Loan cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông theo những cách khác nhau. Lý An nói, trong những bộ phim của mình, ông luôn ở “phía thua cuộc” (“Ai đó qua đời, ai đó thất bại… những chàng chăn bò đồng tính – họ sẽ không chiến thắng”, ông giải thích). Bạn có thể sẽ băn khoăn rằng tất cả những chuyện này thì có can hệ gì tới Đài Loan. “Tôi lớn lên ở Đài Loan, chúng tôi luôn luôn thua cuộc”, Lý An nói. Ông cười rất tự nhiên. “Không ai thắng cái gì cả, tôi lớn lên như thế đấy. Chúng tôi luôn ở phía thua cuộc. Bố mẹ tôi đã bị những người ở bên thắng lợi đánh, họ thoát được đến Đài Loan. Đó là một hòn đảo nhỏ, hầu như không ai chú ý đến nó cả. Mãi đến cuối những năm 80 tôi vẫn còn gặp chuyện này: Tôi đến đây (Mỹ), họ hỏi “Anh từ đâu đến vậy?”, tôi nói “Đài Loan”, mọi người nói: “Ồ, tôi thích đồ ăn Thái đấy!”.

Theo Lý An thì “đang có sự chia rẽ” giữa những người có đầu óc độc lập hơn với những người “có một quãng thời gian khó khăn khi tin rằng họ không thuộc về Trung Hoa”. Lý An ở đâu giữa hai bên? “Từ trong tim, tôi vẫn là người Trung Quốc. Đó là những gì tôi được nuôi dạy. Quê hương của bố mẹ tôi ở Trung Quốc, chúng tôi là những người ngoài cuộc”. “Tôi nghĩ, mình cùng có chút gì đó của một người bản xứ và phần nào đó của một người khách. Công việc của Lý An cũng không khỏi bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị giữa Đài Loan và đại lục. Như trường hợp xảy đến ở Liên hoan phim quốc tế Venice một vài tháng trước đây chẳng hạn. Đài Loan chỉ trích những câu chữ đề cập tới Sắc, Giới trong danh sách đều bắt đầu với cụm “Đài Loan, Trung Quốc” thay vì hai từ “Đài Loan” như mọi khi. “Tôi ước thế giới giống như bài hát (của John Lennon): ‘Tưởng tượng rằng không có quốc gia nữa… ”Lý An cười và nói. “Tôi thích mình ở trong vùng xám, giữa đen và trắng, nơi mọi người nhìn tôi như mọi thứ đã nói ở trên”.

Việc Lý An không thích bị phân loại giúp giải thích câu nói trên, sau khi thực hiện một loạt các phim nói tiếng Hoa thành công như Pushing Hands, Tiệc Cưới, Ẩm Thực Nam Nữ, ông chuyển hướng vào điện ảnh Mỹ, với Sense and Sensibility (1995) và hai năm sau là phim bi về đề tài ngoại ô Bão tuyết (The Ice Storm). Sau đó đến câu chuyện về nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ trong Ride With the Devil (1999) và tham gia “cuộc tấn công” vào việc chuyển thể phim từ truyện tranh với Hulk (2003). “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ bay nhảy khắp nơi trong cả sự nghiệp của mình”, ông nói. “Tôi thích sống trong sự lấp lửng, một vùng màu xám, tôi nghĩ đó là cuộc đời”. Lý An có lẽ không muốn được coi là một người phát ngôn, hoặc muốn phim của mình bị coi là “đại diện” cho một nền văn hóa nhất định, nhưng đó là điều khó từ chối được.

Ông nhắc đến Ẩm Thực Nam Nữ (1994), một bộ phim dành phần lớn các cảnh quay cho bữa ăn thừa dư và có phần xa xỉ vào Chủ nhật của một gia đình. “Có lẽ với một phần lớn của thế giới, ấn tượng ít ỏi của họ về Đài Loan là bộ phim đó. Họ hỏi tôi: Anh có ăn như thế vào mỗi Chủ nhật không? Nó giống gì nhỉ, tôi có thể dùng từ hiện tượng không?” “Tôi tìm đến thử thách sau mỗi thử thách vì tôi cứ thích sống ở vùng màu xám”, Lý An nói, “và trung thành với cuộc sống”. Ông dừng lại, sau đó cười mỉm, “có thể là như thế”.

Sự theo đuổi “vùng xám” của Lý An là điều khiến cho các bộ phim của ông mạnh mẽ. Trong những rạp chiếu từ Tây sang Đông, công việc của Lý An làm phép thử cho những hình ảnh trắng-và-đen trong xã hội của một chàng chăn bò, một người yêu nước hay thậm chí là một phim võ thuật. “Là một nghệ sĩ, tôi nghĩ dũng cảm và thành thật là quan trọng”, ông nói.

Và tại sao cần dũng cảm hơn trong một vùng màu xám? “Bởi vì bạn thách thức những gì đang tồn tại, những thứ đã được thiết lập”, ông trả lời. “Sự kiến lập nào cũng chỉ phù hợp với một thời. Đến khi nó đạt tới giới hạn của sự kiến lập, nó trở nên cứng nhắc. Và như một quy luật của cuộc sống, khi một thứ trở nên cứng nhắc, nó sẽ tiêu vong”.

Đạo diễn Lý An khởi động dự án phim 'Song tử sát tinh' Đạo diễn Lý An khởi động dự án phim 'Song tử sát tinh'
Phim mới của đạo diễn Lý An ấn định ngày ra rạp Phim mới của đạo diễn Lý An ấn định ngày ra rạp

P.V