Đạo diễn Nguyễn Minh Cao: Duyên trầu cau sẽ không đến nỗi làm cho khán giả phải “chuyển kênh”

(TGĐA) - Với một câu chuyện phim giàu tính nhân văn, đạo diễn Minh Cao và ekip phim Duyên trầu cau gồm các diễn viên Thanh Thức, Kim Va, Xuân Hiệp, Phương Hằng, MiO Kiều Chinh, Đức Nhã, Đình Hiếu, Trung Dân, Hồ Lê Nguyên Khôi, Phi Phụng… đã cùng dựng nên một bức tranh sinh động về những người trẻ tìm cách bám trụ làng nghề truyền thống: trồng trầu cau vùng ven thành phố đang từng ngày phải đối diện với cơn lốc đô thị hóa. Và khi vùng đất trồng trầu cau truyền thống có nguy cơ bị phá bỏ để xây dựng những khu chung cư cao cấp và trung tâm thương mại, thì những con người trẻ tuổi ấy, cùng với kiến thức và tình yêu quê hương, đã quay về tìm cách xây dựng và phát triển quê hương trên nền tảng những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Đạo diễn Minh Cao và ekip làm phim Duyên trầu cau

Bối cảnh chính của phim Duyên trầu cau được thực hiện tại nhà vườn trầu cau xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Câu chuyện về những người trẻ và làng nghề truyền thống trồng trầu cau đã được đưa vào phim dưới góc nhìn mô tả với nhiều hiện trạng chân thực về tình cảnh cơn lốc đô thị hóa đang phổ biến hiện nay. Từ nơi ấy, có những người trẻ rời bỏ quê hương nghèo khó tìm đến xứ xa chân trời mới như Đài Loan với những mơ mộng tìm kiếm được giàu sang, phú quý. Bên cạnh đó, vì phim có đề cập đến cuộc sống của các cô dâu Việt ở Đài Loan, nhằm đem đến cho người xem nét phác thảo sinh động và chân thực nhất, đạo diễn Minh Cao cùng đoàn làm phim của Hãng phim truyện Nhà văn Việt Nam (VnFilm) đã có mặt tại Đài Loan để thực hiện những cảnh quay quan trọng cho bộ phim với các bối cảnh được thực hiện tại các thành phố Đài Bắc, Đài Trung, Cao Hùng của Đài Loan. Một số địa điểm nổi tiếng đoàn đã có mặt quay như: tòa nhà Taipei 101, nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn, đền Lungshang, núi Yangmingshan, trang trại hoa Calla Lily, chợ đêm Sỹ Lâm, dòng sông Tình Yêu… Thế giới điện ảnh có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Minh Cao.


Kịch bản phim Duyên trầu cau có điều gì thu hút anh?

Duyên trầu cau kể về chuyện quy hoạch trên vùng đất giàu truyền thống trồng trầu cau và phản ứng của người dân ở đó. Một đề tài được coi là chính luận và ít nhiều có phần kén khán giả, vậy nên khi nhận kịch bản Duyên trầu cau, tôi đã có phần đắn đo. Làm phim mà không có khán giả thì chán lắm! Tôi đã tự đặt cho mình một câu hỏi: “Làm thế nào để làm phim chính luận nhưng vẫn lôi kéo được khán giả?”. Và tôi đã chọn cho Duyên trầu cau một cách làm- phim- chính- luận theo phong cách “dễ xem”. Duyên trầu cau đặt cho tôi một thách thức. Tôi cần phải cân đong lại khi quyết định tăng giảm một lượng gia vị mới, sao cho “nồi canh” của mình có thể trông hấp dẫn hơn, ít nhất là ở hình thức!

Vậy anh có thể bật mí về những gia vị đã được đem vào Duyên trầu cau?

o_din_Minh_cao_ang_ch_o_din_xut_cho_din_vin_phim_Duyn_tru_cau

Đạo diễn Minh Cao đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Duyên trầu cau

Một chút hài, một chút bi, một chút hình sự, hành động…cả một chút nhẹ dạ, ngớ ngẩn để khán giả bực mình hay tiếc nuối. Nhìn chung kịch bản Duyên trầu cau đã có đủ các nguyên liệu cơ bản để từ đó tôi có thể chế biến thành một món ăn có vẻ cũng ngon ngon, phù hợp với nhiều đối tượng thực khách.

Đề tài bảo tồn những nét văn hóa truyền thống từ lâu đã trở nên hiếm trong phim Việt. Đó có phải là lý do để anh làm bộ phim này như một cách góp phần củng cố ý thức hệ, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ? Anh có điều gì muốn gửi gắm thông qua bộ phim này?

Quy hoạch, phát triển là quy luật tất yếu của xã hội. Nhưng quy hoạch không đồng bộ, không quan tâm đến đời sống của người dân, chạy chọt, đút lót, ỷ quyền cậy thế để ép người dân…đều là những yếu tố đã trở thành ung nhọt cần phải bị loại bỏ! Tôi không có tham vọng củng cố hoặc thay đổi ý thức hệ cho giới trẻ với chỉ qua một bộ phim như thế này. Tôi chỉ hoang mang, tội nghiệp cho những người nông dân quen bám vào đất đai, nuôi trồng…bỗng phải leo lên sống trên một khoảng không xa lạ, tù túng. Không có việc làm, tay chân thừa thãi, thì tệ nạn xã hội ắt sẽ đến. Những người nông dân hiền lành, chân chất của bao đời nay e rằng cũng vì thế sẽ tuyệt tích dần. Với Duyên trầu cau, tôi khâm phục ý chí và sự hi sinh của những nhân vật như Hai Hùng, Trúc, v.v…những trí thức trẻ muốn làm giàu cho người dân, cho quê hương mình mà vẫn giữ được truyền thống trồng trầu trồng cau ấy. Duyên trầu cau cũng phê phán những kẻ vô công rỗi nghề, ăn bám vào mảnh đất cha ông, nhưng luôn muốn “đẻ” ra các loại quy hoạch đầy tính áp đặt vô lý để hưởng tiền đền bù, thỏa sức ăn chơi, lêu lỏng, bất chấp tương lai của cả cộng đồng.

Có thể nói phim truyền hình Việt hiện đang ở giai đoạn nở rộ, vậy với Duyên trầu cau, anh có bí quyết gì để bộ phim có nét riêng, có sức hấp dẫn đối với người xem?

Phim truyền hình Việt đang nở rộ, tuy nhiên ai cũng thấy cũng biết là chất lượng đang bị bỏ ngỏ với mức độ lình bình, điều ấy khiến cho khán giả màn ảnh nhỏ xứ mình đã bắt đầu bị bội thực và bão hòa. Và phải nói thẳng là thật khó để tạo nên một nét riêng nào đó trong tình hình như hiện tại, để thu hút khán giả. Dẫu sao, khi làm Duyên trầu cau, tôi may mắn được cùng làm việc với một e-kip có nghề và có tâm. Chúng tôi có chung một quan niệm rằng: “Phải tôn trọng người khác bằng cách làm tốt nhất công việc của mình”. Và một khi tôi đã xem đoàn phim như đại gia đình của mình, mọi công việc liên quan với nhiều thành phần làm phim cũng trở nên nhẹ nhàng và hứng thú hơn.

Anh có nhận xét gì về dàn diễn viên đảm nhận vai chính trong phim Duyên trầu cau?

o_din_Minh_Cao_v_mt_s_din_vin_ang_thc_hin_cc_cnh_quay__i_Loan

Ê kíp đang thực hiện cảnh quay ở Đài Loan

Phải nói rằng chuyện đáng để ghi nhận nhất khi tôi nhớ về quãng thời gian làm việc với tất cả các diễn viên trong phim chính là đạo đức nghề nghiệp của họ. Từ Kim Va, Thanh Thức cho đến Phương Hằng, Mio Kiều Chinh, Đức Nhã… tất cả các bạn đã nghiên cứu kỹ kịch bản, học thoại tốt và phối hợp với nhau rất nhịp nhàng trên trường quay. Tuy mỗi người một tính cách khác nhau, nhưng khi bước vào trường quay, tất cả đều rất hòa đồng, vui vẻ. Thanh Thức và Kim Va rất thích hát, và hay hát để “tra tấn” người khác. Phương Hằng nhỏ nhắn dễ thương và luôn tươi cười như hoa. Mio Kiều Chinh thì đằm thắm và luôn muốn tự mình thực hiện những cảnh quay khó, không cần Cascadeur. Đức Nhã mạnh mẽ và vui tính, những lúc rảnh rỗi, anh lại đi chọc ghẹo hết người này đến người khác, tạo một không khí thật vui trong đoàn. Mỗi người một kiểu nhưng khi hóa thân vào nhân vật, các bạn rất tập trung. Thậm chí, đôi khi tôi chỉ sợ các bạn nhập tâm…quá đà, hơn mức cần thiết!

Xin lỗi ngắt lời, nhưng có vẻ hơi kỳ kỳ vì hiếm khi đạo diễn lại sợ diễn viên của mình nhập tâm vào vai quá, như anh?

Tôi có lý do và sẽ kể ngay sau đây. Như cảnh quay Trúc (Kim Va) bị đụng xe. Trước đó, tôi đã quay đủ các góc máy Trúc bị đụng xe, Hai Hùng (Thanh Thức) chạy đến đỡ Trúc lên, rồi Phương (Xuân Hiệp) chạy xe hơi đến, cùng Hai Hùng bồng Trúc lên xe đưa đi bệnh viện. Mọi chuyện đều rất tốt đẹp, chỉ còn cú máy cuối cùng, tôi và quay phim chỉ yêu cầu Trúc chạy xe đến sát máy, thắng xe lại. Thế là đủ, không cần phải té ngã gì cả. Rồi máy, rồi diễn, Trúc chạy xe đến sát bên máy, thắng ét… “rầm”! Trúc ngã xuống, vẫn đau đớn diễn tiếp, máy quay thấy Trúc diễn đạt quá nên vẫn lia máy theo. Tôi linh cảm có điều gì chẳng lành, ra hét lớn: “Trúc có sao không?”, lúc đó Kim Va mới gào lên đau đớn: “Đau quá anh ơi!”. Chúng tôi chạy đến nâng Kim Va lên thì ôi thôi, lưng bàn chân của Kim Va bị hoét một lỗ sâu hoắm. Thật khủng khiếp. Thanh Thức vội vàng lái xe cùng với ba người khác tức tốc đưa Kim Va đi bệnh viện cấp cứu. Kim Va phải ngưng quay 10 ngày để “dưỡng thương”. Đó có thể là kỉ niệm nhớ đời của diễn viên Kim Va khi đóng phim truyền hình. Đức Nhã cũng không kém phần “bạo lực”. Trong một cảnh quay “anh hùng cứu mĩ nhân”, Hai Long (Đức Nhã) nhìn thấy một bà sồn sồn đang đánh ghen người yêu của mình. Anh chạy xe đạp tới rồi buông xe lao thẳng đến, xô bà ta ngã. Kết quả là bà ấy ngã bật ngửa, đập cả hông và đầu xuống đất (cũng may là đang đội nón bảo hiểm). Cảnh quay thật đẹp và…sống động. Xong cảnh quay, Đức Nhã đến xin lỗi chị diễn viên. Tuy chị vui vẻ bảo không sao, nhưng Đức Nhã vẫn cứ đắn đo, hối hận về điều đó mãi.

Việc đầu tư bối cảnh ngoại trong Duyên trầu cau quả là một quyết định can đảm của nhà sản xuất cũng như ekip làm phim. Có phải anh và ekip làm phim muốn phá bỏ định kiến lâu nay cho rằng phim truyền hình của chúng ta còn hời hợt, cẩu thả, chưa chú trọng đến yếu tố nghệ thuật?

Anh Trần Trí Minh (Giám đốc VnFilm - PV), có nói với tôi là rất mong muốn phim của mình phải được đầu tư về bối cảnh thật tốt để phim được phong phú, bắt mắt. Quả thật, nhà sản xuất VnFilm đã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng tôi không phải chịu nhiều áp lực khi làm việc. Cụ thể như việc đầu tư ghi hình một số bối cảnh quan trọng tận bên Đài Loan, không “giả cảnh” như thường thấy để tiết giảm kinh phí sản xuất bằng mọi giá. Có thể nói rằng, việc VnFim quyết định đầu tư cho Duyên trầu cau quay ở Đài Loan như đã nói, là một quyết định rất can đảm. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc trong cách nhìn nhận về việc làm phim truyền hình, từ hãng phim này. Trong bối cảnh chung về thực trạng sản xuất phim truyền hình Việt của một số đông các nhà đầu tư khác luôn muốn o ép về kinh phí, VnFilm đã tạo ra được một cú hích rất lớn về tâm lý làm nghề cho e-kip làm phim này. Để đáp lại, tôi và đoàn phim đã phải dụng thêm nhiều công hơn, nhiều “Tâm” hơn và dành nhiều sự tôn trọng hơn cho chính sản phẩm của mình. Bởi, chúng tôi thừa biết là khán giả Việt hiện nay đang ngày càng mất lòng tin vào phim Việt vì cách làm cẩu thả, vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng khán giả. Và tôi cũng chỉ mong khi mình đã làm hết mình hết sức thì Duyên trầu cau sẽ không đến nỗi làm cho khán giả phải khó chịu “chuyển kênh” hoặc truyền thông ngoảnh mặt quay lưng, khi nhìn thấy tên tôi và các diễn viên, lúc phim phát sóng!

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Duyên trầu cau

Tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa, Trúc (Kim Va) trở về làm cán bộ xã với hoài bão từ lúc nhỏ: bảo tồn văn hóa làng nghề trầu cau quê mình. Trúc thầm thương Hai Hùng (Thanh Thức) - chàng kỹ sư nông nghiệp ham học hỏi và có cùng chí hướng phát triển kinh tế quê hương từ nghề trồng hoa kiểng và trầu cau sẵn có. Hai Hùng lại yêu cô gái bán trầu cau Út Mơ (Phương Hằng) hiền lành chịu thương chịu khó, nhưng vì gia đình nghèo Út Mơ đã lấy chồng Đài Loan nhằm tìm cách phụ giúp kinh tế một cách tốt hơn cho mẹ. Em của Hai Hùng là Thảo (Mio Kiều Chinh) cũng ham giàu sang danh tiếng nên đã chê chàng trai chân chất Long (Đức Nhã) là “quê mùa” để lấy chồng Đài Loan. Nhưng Thảo bị lừa bán cho ông già vùng quê hẻo lánh và bị hành hạ dã man đến mức phải tự tử. Út Mơ sang Đài Loan may mắn được gia đình chồng thương yêu, có cuộc sống hạnh phúc. Cô cùng chồng luôn tìm cách giúp đỡ những người phụ nữ Việt không may bị lừa bán sang Đài Loan trở về quê hương…

Phim đang phát sóng trên HTV 7, lúc 20h từ Chủ nhật đến thứ Năm hàng tuần.

Thục Vân