Đạo diễn 'Nhà không bán' xúc động khi thấy hàng ngàn khán giả xếp hàng chờ xem phim

(TGĐA) - Lần đầu thử sức với thể loại phim kinh dị trên màn ảnh rộng, lại ra mắt trong dịp Tết vốn được xem là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất của điện ảnh Việt, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đã vượt qua rất nhiều áp lực khác nhau để tạo nên “món lạ” gây dấu ấn bất ngờ trong mùa Tết.

'Cô Trinh' Nam Em và 'cậu Huy' Bạch Công Khanh tình tứ trong cinetour 'Nhà không bán' mùng 2 Tết 'Cô Trinh' Nam Em và 'cậu Huy' Bạch Công Khanh tình tứ trong cinetour 'Nhà không bán' mùng 2 Tết
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường tâm đắc khi 'Đại kê chạy đi 2' luôn đạt tab thịnh hành Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường tâm đắc khi 'Đại kê chạy đi 2' luôn đạt tab thịnh hành

Những ngày đầu tiên phim ra rạp gặp nhiều áp lực so với các phim Việt Nam lẫn nước ngoài cùng thời điểm Tết. Lúc đó tâm trạng anh ra sao?

Vì lần đầu tiên làm phim ra rạp ngay dịp Tết mà thể loại lại là kinh dị nên tôi thật sự rất lo lắng là phim mình có đủ sức để cạnh tranh với những phim Tết mang nội dung dễ tiếp cận với khán giả hay không. Ngay cả những người trong nghề và các rạp đều cho đây là một nước cờ mạo hiểm của nhà sản xuất cũng như là đạo diễn. Ngày 29 Tết, khi các rạp lên lịch chiếu là tinh thần của toàn thể êkíp rất hoang mang và lo lắng là Nhà không bán sẽ không có cơ hội tới với khán giả vì suất chiếu chỉ bằng 1/5 của các phim khác. Nhưng thật sự tôi và nhà sản xuất – chị Vũ Thị Bích Liên, công ty MEGA GS vẫn tin rằng nếu phim có cơ hội tới với khán giả thì tình hình sẽ khả thi hơn.

Đạo diễn 'Nhà không bán' xúc động khi thấy hàng ngàn khán giả xếp hàng chờ xem phim

Sau 1 tuần công chiếu, là người trực tiếp đến các rạp tiếp xúc với khán giả, anh có kỷ niệm gì đặc biệt không?

Đúng hơn là sau 2 ngày công chiếu, khi thấy số lượng suất chiếu tăng nhanh, phim được bình luận tốt, đoàn phim gặp khán giả ở các buổi giao lưu trực tiếp trong rạp chiếu phim (cinetour) thì khán giả đã nhiệt tình ủng hộ phim. Tôi nhớ nhất kỷ niệm là nhìn thấy hàng người hào hứng xếp hàng vào xem Nhà không bán.

Nhà không bán được nhiều khán giả khen là không chỉ nhát ma hoặc gây cười mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc. Nhiều người tò mò đây là chuyện có thật hay hoàn toàn hư cấu?

Thật ra đây là câu chuyện hoàn toàn hư cấu, nhưng trong kịch bản cũng có những câu chuyện kể dân gian được lồng ghép vào.

Nhiều khán giả dự đoán bộ phim có kết thúc mở nên sẽ có phần tiếp theo. Anh nghĩ sao và có dự định xây dựng vũ trụ riêng cho thể loại này?

Sẽ không có phần 2, nhưng tôi dự định làm phim kinh dị vẫn sẽ là một trong những kế hoạch sắp tới ở đề tài điện ảnh nếu có nhiều khán giả yêu thích dòng phim này.

Tại sao anh lại chọn kịch bản Nhà không bán làm phim điện ảnh?

Tôi ấp ủ cái tứ này từ rất lâu, phát triển kịch bản cùng tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc. Hai chị em đã chỉnh sửa 9-10 lần mới có được bản cuối cùng ưng ý. Tôi rất cảm ơn chị Ngọc đã dành thời gian cho Nhà không bán.

Anh có gặp áp lực với thành công của phim trước đó là Xóm trọ 3D?

Hai phim có màu sắc khác nhau. Mỗi dự án mới tôi đều cố gắng làm tốt nhất có thể. Còn phim có đúng nhu cầu, thị hiếu của tất cả khán giả hay không thì lại thuộc phạm trù khác. Tôi chỉ tập trung làm cho tốt tác phẩm của mình chứ không lấy bất kỳ điều gì để so sánh.

Áp lực lớn nhất của anh khi làm phim kinh dị?

Điều quan trọng nhất đối với một bộ phim kinh dị là phải tạo được cảm giác sợ hãi khi khán giả đến rạp. Để làm phong phú hơn cho thể loại kinh dị thì tôi phải gán ghép nhiều mảng giải trí cho khán giả chứ không hoàn toàn là kinh dị như mình mong muốn.

Mặc dù là phim kinh dị nhưng phim là câu chuyện về luật nhân quả qua các thế hệ trong một gia đình. Quá khứ của gia đình đó đã ảnh hưởng đến các thế hệ sau, đặc biệt là quá khứ không tốt đẹp thì phải tìm cách quên đi, vượt lên trên để không phạm phải những sai lầm như vậy. Như thế thì các đời sau mới có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đạo diễn 'Nhà không bán' xúc động khi thấy hàng ngàn khán giả xếp hàng chờ xem phim

Quá trình phục dựng lại bối cảnh ngôi nhà cổ được thực hiện như thế nào?

Tôi viết kịch bản dựa trên một ngôi nhà ở Gò Công, Tiền Giang nhưng trong thời gian chuẩn bị quay thì căn nhà đã bị cải tạo không còn như xưa. Đây là vấn đề đau đầu nhất, ưu tư nhất của tôi trước ngày bấm máy. Rất may mắn chúng tôi đã có duyên khi tìm được một ngôi nhà cổ còn nguyên hiện trạng ở Bình Chánh, TP.HCM. Chỉ một lần đi xem bối cảnh là tôi ưng ý ngay. Ở đó rất nhiều góc, không gian có thể cải tạo thành những khung hình mà tôi đã định trước cho bộ phim. Thậm chí trên khu đất rộng chúng tôi còn xây được giếng nước, ngôi nhà của nhân vật cô Thuý thợ may…

Khi phục chế lại giai đoạn 1950, chúng tôi phải phục chế lại nhiều chi tiết bị sập, vỡ… từ trong ra ngoài của ngôi nhà. Đây là công sức rất lớn từ nhóm thiết kế của anh Mã Phi Hải. Đó là một quá trình mất thời gian và tốn kém cho đoàn phim, nhiều hạng mục như ngôi nhà của cô Thuý thợ may, cái giếng, nhà kho, và rất nhiều góc khác phải dựng lên. Vì giãn cách 5 tháng nên bối cảnh vô tình lại thật hơn, những bối cảnh trải qua thời gian mưa nắng trông giống thật chứ không phải là vừa mới xây. Điều này giúp hình ảnh lên phim tốt hơn. Đây là bất ngờ lớn cho đoàn phim.

Phần kỹ xảo tốn khá nhiều thời gian và phát sinh các vấn đề không lường trước được nên tôi rất cảm ơn nhóm kỹ xảo đã bỏ thời gian, công sức trong thời gian gấp để thể hiện được hết những ý tưởng trong kịch bản. Kỹ xảo nổi bật nhất trong phim là con rắn to ẩn hiện trong ngôi nhà, ông Tây bị bẻ gãy tay, xe đụng… là các cảnh khó phải chăm chút nhiều để tạo hiệu ứng hình ảnh chân thật cho người xem.

Anh có thể cho biết về tiêu chí chọn diễn viên trong phim?

Đầu tiên phải hợp vai, gương mặt diễn viên có nét giống với điều mình tưởng tượng trong kịch bản. Thứ hai là khi tiếp xúc để tham khảo kịch bản để tôi biết rõ hơn diễn viên chưa từng làm việc. Tôi quan tâm về tâm tánh của người diễn viên đó và họ có thực sự thích kịch bản, có sẵn lòng lăn xả cùng đoàn phim, dành thời gian hoàn toàn cho phim…

Diễn viên đầu tiên là Betty do Tôn Nữ Khánh Uyên thể hiện. Tôi muốn tìm một gương mặt mới chưa từng đóng phim nào nên đã chọn diễn viên cho vai này đầu tiên. Người cuối cùng là cô Trinh vì nhân vật này rất khó. Cô Trinh phải là người mang nét đẹp đài các kiểu xưa, có sức hút người khác ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

Anh thấy diễn viên nào có sự đột phá trong phim này?

Việt Hương làm mới mình trong vai Thuý Liễu rất nhiều để không trùng lặp với các vai diễn trước đó. Hữu Tín cũng đã thay đổi rất nhiều. Ngay từ khi thảo luận kịch bản, tôi đã muốn Hữu Tín xuất hiện trong phim phải là người khác so với các bộ phim trước đây. Tôi muốn phải có một Thạch Dên khác biệt.

Tôi đã thích anh Minh Hoàng từ các bộ phim truyền hình trước đây với vẻ đẹp của một người Nam Bộ chất phác, hiền từ. Tôi chưa làm việc với anh ấy trước phim này nhưng tôi nghĩ anh ấy là tiền bối nhiều kinh nghiệm nên sẽ có thể đảm nhiệm được nhân vật ông Cả, ông Ngà với tính cách khác biệt bên trong một con người.

Phát hành phim kinh dị vào thời điểm Tết có phải là thử thách với anh?

Đó là lo lắng của tất cả mọi người, từ đoàn phim, nhà sản xuất đến phát hành. Tuy nhiên theo đánh giá của mọi người thì vài năm gần đây thị hiếu của khán giả có sự thay đổi. Mặc dù phim kinh dị nhưng cũng mang lại tiếng cười và cảm xúc về tình cảm gia đình nên tôi nghĩ khán giả dễ đón nhận.

Dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là điện ảnh. Anh có phương thức nào để thích nghi với tình hình này?

Không ai biết được thời gian dịch bệnh sẽ kéo dài như thế nào, nhưng ngành giải trí là món ăn tinh thần cho mọi người nên êkíp trong ngành này vẫn luôn cố gắng để thực hiện tác phẩm mới gửi đến khán giả. Bởi vì nhu cầu của khán giả ngày một nâng cao. Có thể sẽ khó khăn hơn nhưng mong rằng sau một thời gian thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường, tốt đẹp hơn.

Các diễn viên nói trên phim trường anh là người rất khó tính. Anh có đính chính gì không?

Khi làm việc, tôi rất tập trung vì luôn muốn các diễn viên phải thể hiện đúng tính chất của nhân vật. Tôi luôn muốn bảo vệ diễn viên, lo cho họ để họ có thể chuyển tải tốt nhất những gì họ có để khán giả chấp nhận và tin vào nhân vật của họ. Đây là áp lực rất lớn đối với diễn viên. Có thể các diễn viên nói giỡn vậy thôi chứ tôi nghĩ mọi người đều hiểu. Tôi giống như một người đầu bếp, phải giữ cho nguyên liệu thật tươi, thật tốt thì mới có thể tạo ra một món ăn ngon. Một bộ phim hay là công sức của diễn viên, quay phim, trang điểm, phục trang… thì với vai trò người đầu tàu phải bẻ thuyền, bẻ lái nên không thể lơ là. Đó là áp lực. Với lại chắc tôi ít cười nên mọi người nghĩ tôi khó tính, chứ thật sự thì…

Đạo diễn 'Nhà không bán' xúc động khi thấy hàng ngàn khán giả xếp hàng chờ xem phim

Đối với các nhân tố mới, anh đặt tiêu chí gì cho các bạn?

Tôi chọn các bạn vì tâm huyết, yêu thích công việc này, mong muốn giữ lửa nghề… sau đó trong quá trình nhập vai thì tôi sẽ hỗ trợ một chút về suy nghĩ, kỹ thuật diễn xuất để họ lấy được cảm xúc. Lúc nào tôi cũng khuyến khích các em hãy là chính mình, hãy lấy những gì mình có trong người chứ không phải là “diễn”. Tất cả những kinh nghiệm đó lấy từ đâu, áp dụng như thế nào thì mất nhiều thời gian nhưng nếu chịu khó chú ý lắng nghe, thực hành thì sẽ có kết quả tốt.

Nhìn lại chặng đường từ ngày đầu về nước đến nay, anh hài lòng với điều gì và còn mong muốn gì cho sự nghiệp làm phim (điện ảnh và truyền hình) của mình?

Tôi chưa dám hài lòng với bản thân vào lúc này. Tôi còn phải cố gắng cải thiện nhiều hơn để khi ra sản phẩm mới được khán giả và anh em trong nghề đón nhận - đó là điều mong ước lớn nhất của tôi. Với hy vọng phim Việt ngày một phát triển, chúng tôi luôn cố gắng thực hiện những sản phẩm chỉn chu nhất để gửi tới khán giả. Ngoài ra, có một yếu tố quan trọng khác là sự tin tưởng và ủng hộ của khán giả dành cho điện ảnh Việt Nam. Điểm tựa khán giả sẽ giúp các nhà làm phim có động lực, niềm tin khi sáng tạo, cũng như ý thức cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm.

Gia đình hỗ trợ cho anh như thế nào trong sự nghiệp?

Tất nhiên lúc đi làm thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến chuyện nhà: con cái có được chăm sóc tốt không, bà xã đảm đương được không. Gia đình có yên ổn thì tôi mới yên tâm đi làm. Cũng may mắn là con gái rất ngoan, bà xã luôn thu vén gia đình rất tốt nên là động lực giúp tôi không bị phân tâm trên phim trường để tập trung tối đa. Thật sự tôi rất cảm ơn bà xã và con gái.

Anh gặp rất nhiều người đẹp trong công việc. Bà xã có phòng hờ và lo lắng không?

Trước mắt thì tôi không thấy điều đó nhưng chắc là có mà giấu không cho mình biết. Phụ nữ nào thương chồng thì cũng lo thôi.

Bí quyết để bà xã yên tâm khi anh đi làm xa thường xuyên là gì?

À… bí quyết là… đừng làm gì hết để bà xã lo.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

'Cô Trinh' Nam Em và 'cậu Huy' Bạch Công Khanh tình tứ trong cinetour 'Nhà không bán' mùng 2 Tết 'Cô Trinh' Nam Em và 'cậu Huy' Bạch Công Khanh tình tứ trong cinetour 'Nhà không bán' mùng 2 Tết

(TGĐA) - Mùng 2 Tết Nhâm Dần (2/2/2022), đoàn phim Nhà không bán đã đến ...

'Nhà không bán' tung OST 'chất như nước cất' 'Nhà không bán' tung OST 'chất như nước cất'

(TGĐA) - Nhân ngày mở các suất chiếu đặc biệt (30/1/2022 - 28 tháng Chạp), ...

P.V