Đạo diễn NSND Vũ Lệ Mỹ - Làm phim với cả tấm lòng

(TGĐA) - Gần 50 năm gắn bó với điện ảnh, chị đã làm đạo diễn gần 40 bộ phim tài liệu, khoa học và đã nhận gần 20 giải thưởng trong và ngoài nước. Đặc biệt các tác phẩm phim tài liệu nói về thời kỳ hậu chiến ở Việt Nam như bộ phim Nơi chiến tranh đã đi quavà phim Vì cuộc sống bình yên đã làm rung động lòng người trong và ngoài nước vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 (1997-2004). Hai bộ phim này,chị đã đoạt 04 giải thưởng quốc tế trong đó có 02 giải nhất qua các kỳ LHP tại các nước CHLB Đức- Canada- Nhật Bản - Brazin và nhiều giải thưởng trong nước. Ngay sau khi tu nghiệp đạo diễn ở CHDC Đức về, tên tuổi Vũ Lệ Mỹ đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến qua bộ phim Trẻ em vẽ với 02 giải thưởng quốc tế LHP lần thứ 13 tại Macxcova Liên Xô cũ (1983)và giải bông Sen bạc trong nước năm 1982. Năm 1986 chị làm đạo diễn bộ phim Sự sống và cái chết của kim loại hợp tác với Ủy ban Điện Ảnh Xô Viết (Liên Xô cũ). Dưới đây là tâm sự của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ về những ngày làm phim đầy gian nan vất vả nhưng đã trở thành phần ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời làm đạo diễn của chị.

(TGĐA) - Gần 50 năm gắn bó với điện ảnh, chị đã làm đạo diễn gần 40 bộ phim tài liệu, khoa học và đã nhận gần 20 giải thưởng trong và ngoài nước. Đặc biệt các tác phẩm phim tài liệu nói về thời kỳ hậu chiến ở Việt Nam như bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua và phim Vì cuộc sống bình yên đã làm rung động lòng người trong và ngoài nước vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 (1997-2004). Hai bộ phim này,chị đã đoạt 04 giải thưởng quốc tế trong đó có 02 giải nhất qua các kỳ LHP tại các nước CHLB Đức- Canada- Nhật Bản - Brazin và nhiều giải thưởng trong nước. Ngay sau khi tu nghiệp đạo diễn ở CHDC Đức về, tên tuổi Vũ Lệ Mỹ đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến qua bộ phim Trẻ em vẽ với 02 giải thưởng quốc tế LHP lần thứ 13 tại Macxcova Liên Xô cũ (1983)và giải bông Sen bạc trong nước năm 1982. Năm 1986 chị làm đạo diễn bộ phim Sự sống và cái chết của kim loại hợp tác với Ủy ban Điện Ảnh Xô Viết (Liên Xô cũ). Dưới đây là tâm sự của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ về những ngày làm phim đầy gian nan vất vả nhưng đã trở thành phần ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời làm đạo diễn của chị.

Một kỷ niệm khó quên nhất là trận bão biển lúc làm bộ phim Đất Hạ Long năm 1984, khi đó tôi phải thay đạo diễn Nguyễn Lương Đức tổ chức quay các đảo và hang Trinh Nữ. Vì đạo diễn Lương Đức phải đi Tiệp Khắc, Hung Ga Ri và Đức cùng với cục trưởng cục Điện Ảnh xây dựng đề án xưởng phim Khoa Học.Cả đoàn hôm đó có 22 người, trong đó 16 thủy thủ. Tàu kèm xà lan, trên xà lan chứa 01 ôtô tải, 1 máy phát điện cỡ lớn 100kva, 8 đèn pha chiếu sáng chuyên dùng, loại 10 và 05kw, các loại giây cáp và nhiều vật dụng khác.


daodienVuLeMy2

Đạo diễn Vũ Lệ Mỹ


Khi tàu ra giữa vịnh thì trời đổ mưa tầm tã, mưa như trút nước, gió, bão cấp7, sóng đánh dữ dội làm nước biển tràn vào xà lan, nếu chìm xà lan, con tàu sẽ bị đắm. Thuyền trưởng ra lệnh không ai được ngồi trên tàu mà phải xuống cứu xà lan. Lúc ấy mệt quá, tôi xin phép thuyền trưởng ở lại trên tàu, chỉ làm một việc là bê đĩa xôi, con gà, đã làm sẵn đặt lên trước buồng lái, khấn cầu cho cả đoàn tai qua nạn khỏi. Rồi nằm lăn ra giường với ý nghĩ “nếu chết thì mình đã ngủ rồi”. Sau vài tiếng đồng hồ, thật hoàn hồn khi ông chủ nhiệm phim Nguyễn Văn Ngũ gọi “Cô Mỹ ơi, sống rồi, dậy thôi”. Khi tôi bật dậy cũng là lúc tạnh mưa, gió ngớt.

“Nhiều người từng hỏi, ngay cả NSND Lương Đức người thầy, người đồng nghiệp đã từng công tác với tôi trên 40 năm, từ 1967 đến nay, có lần anh hỏi (Tôi không hiểu tại sao “cậu” lại say sưa với những đề tài “gai góc” như vậy? Tôi thản nhiên trả lời: Đơn giản thôi vì tôi là một người mẹ, tôi thấu hiểu nỗi đau của những bà mẹ có con nghiện hút, mại dâm, có con bị nhiễm chất độc da cam và những trẻ em vô tội phải chết hoặc đui mù, què quặt vì bom mìn còn sót laị sau chiến tranh.

Trong dân gian thường nói: có đứa con như có mặt trời ở trong nhà, thế mà “mặt trời” đó lại bệnh hoạn, thì ngôi nhà đó không thể sáng, mà lòng người mẹ cũng đoạn trường đứt khúc.

Kịch bản ban đầu của Nơi chiến tranh đã đi qua tên là Nỗi đau sau cuộc chiến nói về vùng đất Quảng Trị và những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam đang được các tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ phục hồi chức năng. Ngay từ khi mới chào đời các em đã bị tước đi quyền sống làm người, để rồi trở thành những sinh vật dị dạng, méo mó... Không chỉ có 5-7 em mà nhiều nhiều lắm, đâu đâu cũng gặp những hình ảnh xót xa, đau lòng và hầu hết rơi vào hoàn cảnh gia đình nghèo khó.

Nỗi đau sau cuộc chiến tôi đã làm xong, đã được hãng phim và hội đồng quốc gia (cục Điện Ảnh) duyệt đưa vào sản xuất. Phim tuy làm xong nhưng những hình ảnh thương tâm ấy cứ lẩn quất, quay cuồng bên tôi và thực sự tôi chưa hài lòng với đứa con tinh thần ấy. Điều làm tôi trăn trở nhất là phim chưa nêu bật được vấn đề, chưa có điểm nhấn, chưa khắc họa được dấu ấn cho người xem. Có lẽ vì thiếu thông tin, thiếu tầm nhìn bao quát chăng? Tôi muốn tìm tài liệu để mở rộng tầm nhìn về những nạn nhân chất độc da cam trên đất nước mình một cách cụ thể hơn, sâu sắc hơn và muốn được quay bổ xung cho phim hoàn chỉnh hơn.


DaodienVuLeMy_

Đạo diễn Vũ Lệ Mỹ và đồng nghiệp quốc tế


Những suy nghĩ ấy tôi trình bày với NSND Lương Đức và được anh đồng tình, tán thưởng .Vì anh là tác giả kịch bản, là quay phim là xưởng trưởng, là sếp của tôi. Sau đó chúng tôi đến tổng cục chính trị bộ quốc phòng và đến hội Chữ thập Đỏ TW tìm hiểu. Rất may lại gặp GS Hoàng Đình Cầu, ông cũng đang nghiên cứu về vấn đề chất độc da cam ở VN. Đặc biệt, ông cho chúng tôi xem cuốn sách “Cha và Con” của một đô đốc hải quân Mỹ viết nói về bố con ông đã từng chiến đấu trong quân đội Mỹ tại nam Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, họ trở về, sinh con đẻ cái cũng bị dị dạng, quái thai do nhiễm chất độc da cam. Nên các cựu binh Mỹ đã đấu tranh đòi chính phủ Mỹ và đã được chính phủ bồi thường cho con cái họ. Những ý nghĩ ấy một lần nữa cứ canh cánh trong lòng, thúc giục tôi phải làm gì để vạch trần tội ác chiến tranh của chính phủ Mỹ ở Viêt Nam. Đặc biệt loại chất độc màu da cam để đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế giới hiểu sự tác hại của chúng. Đồng thời kêu gọi những người có lương tri trên toàn thế giới cùng chung tay giúp đỡ và đấu tranh đòi chính phủ Mỹ phải bồi thường cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam, như họ đã bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ và con cháu họ. Nhưng khó quá; làm sao bây giờ? - Bộ phim Nỗi đau sau cuộc chiến sản xuất rồi, tiền đâu và ai cho đi quay bổ sung? Hai anh em bàn với nhau, chỉ có một cách duy nhất là viết kịch bản, gửi sang truyền hình xin làm phim cho họ, mới có điều kiện kết hợp bổ sung nhanh nhất. Rất may, phòng tài liệu, ban chuyên đề đài truyền hình VN chấp nhận kịch bản, cho chúng tôi quay bộ phim Số phận người lính. Làm xong phim Số phận người lính, tôi lại đi lùng, tìm bổ sung thêm những cảnh phim tư liệu mới.

Lần quay Nơi chiến tranh đã đi qua tại nhà vợ chồng anh Lớp, một cựu binh bị di chứng chất độc da cam mù cả hai mắt ở tỉnh Thái Bình. Chúng tôi làm việc đến hơn 12 giờ trưa mới xong. Anh em đã dọn dẹp, đóng máy, ra khỏi cổng, bỗng sực nhớ mình bỏ quên cuốn vở ghi chép trong nhà. Tôi vội quay laị, thì thấy vợ chồng anh Lớp đang ngồi ăn cơm. Trên mâm chỉ có duy nhất một bát canh rau nấu với muối, đặt chỏng chơ giữa mâm gỗ cũ đã sờn xung quanh. Thấy vậy lòng tôi quặn đau, trào rơi nước mắt. Tôi vội chạy đuổi theo mọi người và yêu cầu đoàn quay tiếp cảnh bữa cơm của vợ chồng anh lớp. Anh, một cựu chiến binh, khi xuất ngũ, còn rất trẻ, khỏe, đẹp trai, nhưng năm tháng trôi đi, mắt anh cứ mờ dần, rồi không nhìn thấy gì nữa. Chỉ vì anh bị nhiễm chất độc màu da cam ở chiến trường miền Nam VN. Người vợ xấu số của anh, chín lần chửa, không một lần đẻ, chỉ được bốn, năm tháng, thai lại chết lưu trong bụng…Chị chỉ khóc, không còn nói được điều gì hơn. Hôm ấy mọi người trong đoàn làm phim đói lả, mãi đến 2giờ chiều mới tìm được chỗ ăn cơm trưa.

Khi trình chiếu bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua tại LHP Quốc tế tổ chức ở CHLB Đức cho ban giám khảo, đồng nghiệp các nước và hàng ngàn khán giả sở tại xem. Chiếu phim xong cả hội trường im phăng phắc, chỉ nghe thấy tiếng thổn thức, nghẹn ngào vọng lại. Mãi vài phút sau, tiếng vỗ tay mới rầm rầm vang lên, làm tôi hồi hộp, thót cả tim.

Bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua không chỉ gây xúc động mạnh cho khán giả, mà còn chinh phục được hội đồng ban giám khảo gồm 11 thành viên đại diện nền điện ảnh các nước Anh,Tây Đức, Pháp, Mỹ, Uc, Áo, Nhật Bản v.v. Và được ban tổ chức LHP tặng giải Nhất cho bộ phim tài liệu Nơi chiến tranh đã đi qua (thể loại phim ngắn), kèm theo 10.000 đôla Mỹ.

Nhiều đồng nghiệp đặt câu hỏi “Chính phủ Mỹ đã có chính sách gì đối với các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam?” Và họ quả quyết, bộ phim này phải được chiếu rộng rãi trên đất nước Mỹ, ngay cả chính phủ Pháp và chinh phủ Đức cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ngay sau đó đại diện một đài truyền hình CHLB Đức xin được chiếu bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua trên các kênh truyền hình ở nhiều bang trên đất nước họ.

Ông Sato Tadao chủ tịch Ban giám khảo LHP “Môi trường toàn cầu” trong lễ trao giải Nhì cho bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua tại Tokyo – Nhật Bản năm 2001 nhận xét: “chị làm phim bằng cả tấm lòng”. Trong lúc quay phim chất độc da cam ở Quảng Trị, tôi đã có ý tưởng làm bộ phim Vì cuộc sống bình yên. Trên đường tôi bắt gặp rất nhiều người dân đi đào, bới, có người dùng máy rà mìn tự chế, tìm sắt vụn và cả những quả bom, đạn, chưa nổ để bán lấy tiền đong gạo nuôi gia đình. Có người vì lòng tham, mang những quả bom, quả đạn chưa nổ, chất đầy trong vườn để tháo hoặc cưa cắt, bán sắt vụn. Nhiều người đang tháo kíp nổ hoặc đang cưa bom, thì chúng phát nổ. Người không may mắn đã bị chết, và không ít những người còn sống, nhưng lại bị cụt chân, cụt tay, mù lòa suốt đời.


IMG_2869

Nhận giải nhất bộ phim Vì cuộc sống bình yên tại LHPQT tại Brazil tháng 6/2004


Có lần vào trung tâm Cồn Tiên Dốc Miếu ở tỉnh Quảng Trị để quay bom, mìn còn sót lại (nơi có hàng rào điện tử Mac-Na-Ma- Ra của quân đội Mỹ ngày xưa). Khi trở ra mọi người phát hoảng vì con đường lúc đi vào nhẵn thín chẳng thấy gì ,vậy mà giờ đây trên đường đi ra, vẫn lối mòn ấy lại trơ ra ngay dưới chân mình những quả đạn M79 vàng óng như mới và những quả bom Bi bên ngoài đã gỉ, tròn như quả ổi giống hệt cục sỏi, nếu vô tình đạp phải là nổ ngay.

Nguy hiểm là vậy, nhưng không hiểu sao lúc đó chúng tôi cứ lần tìm và nghĩ cách thể hiện, lia từ quả nọ sang quả kia hoặc dùng chân của mình để lần tìm trong đám cỏ cây, còn nhiều đạn, bom nằm ẩn mình trong đó. Cốt chỉ để minh chứng qua tác phẩm của minh cho mọi người dân hiểu và phòng tránh. Còn đối với tôi và cả anh em đoàn làm phim không mảy may tính toán, đến bây giờ nghĩ lại mới thấy kinh hoàng.

Nhiều lần đi dự LHP quốc tế ở châu Á, châu Âu, nhưng chưa bao giờ tôi đi xa tới Brazin, một nước Nam Mỹ bên kia bán cầu. Đoạn đường dài phải đi mất 2 ngày, 2 đêm để mang bộ phim Vì cuộc sống bình yên tới Goias – Brazin dự LHP quốc tế Fica - III. Chuyến đi quá vất vả, xong cũng cực kỳ thú vị, vì lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn đất nước rộng lớn, dân cư thưa thớt. Người dân hiền hòa, dễ thương và đặc biệt được ngắm nhìn cánh rừng Ama –zonn đẹp, thơ mộng, từ trên máy bay xuống. Cho đến thời điểm đó, điện ảnh Việt Nam, nhất là điện ảnh phim tài liệu hầu như ít xuất hiện trên đất nước Brazin. Bởi vậy mọi người dân hồ hởi, nhiệt liệt chào đón bộ phim Vì cuộc sống bình yên như một thông điệp mới mẻ về Việt Nam. Cũng là lần đầu tiên khán giả bàng hoàng chứng kiến tận mắt những nạn nhân do bom, mìn của quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam, sau mấy chục năm vẫn chưa chấm dứt.

Trong rạp người xem đứng, ngồi chật cứng cả đường đi lối lại. Ngoài rạp còn rất nhiều người xếp hàng chờ đợi vào xem. Kết thúc phim, không khí nặng nề, lắng xuống một lúc lâu, chừng vài chục giây. Bỗng tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo và tiếng kèn đồng vang dậy. tưởng chừng như kết thúc một trận đá rất hay của đội bóng ngoại hạng Brazin. Nhiều khán giả ôm chầm lấy tôi, bày tỏ sự xúc động, còn GS. Christophe -vị giám khảo người Mỹ nắm chặt tay tôi nói:“Vietnam number one”. Đó là phần thưởng cao quý nhất mà khán giả chia sẻ, đồng thời ban tổ chức LHP còn trao giải nhất (thể loại phim ngắn) cho bộ phim tài liệu Vì cuộc sống bình yên, kèm theo một cây Bon sai bằng đồng, nặng tới 10kg và 10.000 USD. Hai bộ phim Nơi chiến tranh đã đi quaVì cuộc sống bình yên đã được chiếu cho nhân dân nhiều bang ở nước Mỹ và chiếu cho nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà điện ảnh, truyền hình của Mỹ, tới thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nhân dịp tổng thống Mỹ Bin Clinton tới thăm bảo tàng bộ tư lệnh công binh, đại diện bộ đã tặng tận tay vợ chồng tổng thống Mỹ cuốn băng video phim Vì cuộc sống bình yên. Uỷ ban hình ảnh trái đất, cơ quan tổ chức LHP “Môi trường toàn cầu” Tokyo Nhật Bản đã lựa chọn bộ phim Vì cuộc sống bình yên đưa vào danh sách những bộ phim hay nhất từ 1992 – 1999. Và xin phép làm bản thuyết minh tiếng Nhật cả hai bộ phim để chiếu rộng rãi trên đất nước Nhật và cả vùng Châu Á từ năm 2000 đến 2004, không mang tính lợi nhuận.

Bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua còn được Uỷ ban bảo vệ trẻ em làm phụ đề tiếng Pháp, tiếng Anh để chiếu ở các hội nghị trong nước cũng như quốc tế, tuyên truyền gây quỹ, ủng hộ trẻ em nghèo khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đồng thời hội chữ thập đỏ Việt Nam đã in hàng trăm băng VHS phim Nơi chiến tranh đã đi qua chiếu và tặng các đại biểu dự hội nghị quốc tế về chất độc da cam, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 1997. Hội hữu nghị Đức-Việt và Hội Việt kiêu ở Pháp đã xin phụ đề tiếng Đức, tiếng Pháp cả hai bộ phim chiếu nhiều năm liền cho hầu hết các bang trên đất nước Đức và Pháp để gây quỹ giúp trẻ em khuyết tật và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở VN.

Nay 70 tuổi mà chị vẫn trèo đèo, lội suối, lên rừng ,xuống biển ra dàn khoan dầu khí nơi mà rất ít phụ nữ đặt chân đến và đứng trên quang treo, để cẩu từ nóc dàn khoan, xuống tàu thủy dưới mặt biển. Sóng đánh mạnh làm chao đảo cả con tàu và chính chị cũng chao đảo như muốn ngã. Đó là cuộc hành trình không ngơi nghỉ của đạo diễn NSND Vũ Lệ Mỹ.

Kim Thanh (ghi)