Đạo diễn, NSƯT Lê Hồng Chương: “Điều quan trọng đã đặt hết vào tác phẩm rồi”

(TGĐA) - Sau 5 năm làm việc tại Pháp với tư cách Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đạo diễn – NSƯT Lê Hồng Chương trở về Việt Nam và được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Điện ảnh. Trong khuôn khổ giải thưởng Cánh diều 2014, Lê Hồng Chương là thành viên ban giám khảo phim Tài liệu – Khoa học.

Anh có nhận xét gì về chất lượng phim Tài liệu – Khoa học tranh giải Cánh diều năm nay?

Về cơ bản là được! Các phim vẫn bám sát cuộc sống, vẫn phản ánh được tất cả các mặt của cuộc sống. Ví dụ như biển đảo hay các vấn đề mà xã hội và cuộc sống đang trăn trở như tệ nạn tảo hôn trên vùng cao, các cô giáo vùng cao đi dạy học ra sao... Có thể nói, từ các bộ phim đã xem, tôi thấy hiện nay, điện ảnh tài liệu đang bám vào tất cả các mặt của cuộc sống, phản ánh những vấn đề nóng, tâm tư, những điều mà xã hội đang trăn trở. Tuy nhiên, số lượng phim khoa học tham dự cánh diều năm nay hơi ít nên đề tài không được đa dạng lắm. Phim khoa học là những phim có ích nên tôi nghĩ cần phải đẩy nó đa dạng hơn.

o_din_-_NST_L_Hng_Chng

Đạo diễn - NSƯT Lê Hồng Chương

Với tư cách là nhà làm phim tài liệu, anh có nhận xét gì về phim tài liệu của chúng ta hiện nay nói chung?

Từ trải nghiệm của một người đã từng sống gần 5 năm ở nước ngoài và đã có nhiều lần mang phim Việt Nam ra thế giới, trong đó có tài liệu, tôi cho rằng phim của chúng ta còn nhiều hạn chế. Phim tài liệu của chúng ta khó có thể chen chân vào các Liên hoan phim vì họ đã chuyển ngôn ngữ điện ảnh đi trước hơi xa so với mình. Đương nhiên, chúng ta cũng đã phát triển. Hiện nay có thể quay đồng bộ, thu tiếng trực tiếp... Ngoài ra, chất liệu kỹ thuật số cho phép chúng ta quay dài hơn, còn trước đây chúng ta làm phim nhựa bị khống chế về số lượng phim nên chỉ quay những cảnh ngắn. Đấy cũng là lí do vì sao trước kia đa số phim tài liệu là phim ngắn. Và vì nhiệm vụ chính trị, phim tài liệu là loại phim được làm để chiếu trước khoảng thời gian chiếu phim truyện, thường có độ dài 10 – 30 phút. Trong khi đó, phim tài liệu nước ngoài ngoài hiện nay dài từ 60 – 90 phút và chiếu trong một buổi chiếu riêng. Phim dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, cấu trúc khác chứ không phải cứ kéo dài thời gian là thành phim dài. Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là quan trọng nhất. Tôi đã dự nhiều LHP trên thế giới và thấy rằng các nhà làm phim, khán giả quốc tế rất quan tâm đến đề tài trong phim Việt Nam, chỉ có điều họ không quen với ngôn ngữ làm phim của chúng ta. Rõ ràng yêu cầu hiện nay là phải đổi mới ngôn ngữ đó đi, vì chúng ta không thể tồn tại một mình được. Điệt là thế giới ngày càng quan tâm tới việc người làm phim phải có cái gì đó của riêng mình chứ không nên bắt chước. Kỹ thuật làm phim, cách làm có thể giống nhau nhưng vấn đề cuối cùng vẫn là người đạo diễn ấy, tên tuổi ấy phải khác biệt như thế nào và phải có gì đó riêng của mình.

Nhưng đa số phim tài liệu của chúng ta hiện nay vẫn là làm nhiệm vụ chính trị, do Nhà nước đặt hàng, được sản xuất bằng ngân sách nhà nước cấp?

Cho nên tôi muốn nói, đổi thì đổi nhưng vẫn phải có cái để khán giả Việt Nam chấp nhận được. Tôi cũng hiểu, phim do nhà nước đầu tư phải đạt được mục đích nhất định, do nhà nước đề ra. Nước ngoài cũng thế thôi, nếu đã nhận tiền làm phim của đài truyền hình là họ cũng có ý kiến, họ cũng yêu cầu người làm phải theo ý họ. Người làm phim đương nhiên phải chịu sức ép của sản xuất. Vì sản xuất liên quan đến thị trường, đến mục đích của người làm phim, liên quan đến khán giả. Vì vậy, tôi đề xuất chúng ta nên có những quỹ tài trợ về điện ảnh để những người làm phim có cơ hội phát triển ngôn ngữ, cách làm riêng của mình. Nhưng đồng thời phải gắn với nhiệm vụ chúng ta đang làm. Ở đây không đơn giản là nhiệm vụ chính trị mà là nhiệm vụ tổng thể mà bộ phim phải giải quyết. Thế nên mới có những bộ phim thị trường và những phim đặt hàng. Hội Điện ảnh là hội nghề nghiệp thì lại càng nên có quỹ để phát triển ngôn ngữ điện ảnh, thúc đẩy phát triển tài năng trẻ.

Ở trên, anh có đề cập đến cái riêng của người làm phim trong mỗi bộ phim. Vậy anh có nhìn thấy điều đó trong các bộ phim tham dự giải Cánh diều 2014 không?

Có chứ! Cụ thể là tính tác giả khá lớn. Ví dụ, đến bây giờ nếu xem phim của đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh thì tôi nhận ra ngay. Nhưng đấy mới chỉ là cái riêng trong cách làm, chứ không phải cái riêng để thế giới cảm thấy thuyết phục, đẩy tầm mình lên trên cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện. Cái đó ở tầm lớn hơn!

B_Phm_Th_Tuyt_o_hng_i_din_hng_phim_TLKHTW_nhn_gii_thng_Cnh_diu_Vng_2014_cho_phim_Git_nc_mt_gia_i_dng

Bà Phạm Thị Tuyết (áo hồng) đại diện hãng phim TLKHTW nhận giải thưởng Cánh diều Vàng 2014 cho phim Giọt nước mắt giữa đại dương

Lý do vì sao BGK lại trao giải cao nhất cho phim Giọt nước mắt giữa đại dương?

Giải thưởng là do BGK quyết định. Mỗi LHP, Giải thưởng đều có tiêu chí chấm giải và phim nào gần với tiêu chí thì sẽ xứng đáng được trao giải.

Theo anh, thế mạnh của điện ảnh tài liệu Việt Nam hiện nay là gì? Anh đề xuất nên khai thác ở khía cạnh nào?

Phải bám vào cuộc sống, tránh những đề tài giống nhau, cách khai thác giống nhau. Tất cả những áp đặt chủ quan đều sai lầm, người làm phim nên đi, nên nhìn cuộc sống theo cách của mình và cùng khán giả giải đáp những vấn đề đó. Thế giới đang làm như vậy.

Điều anh thích nhất ở một bộ phim?

Điều khiến tôi thích nhất là bộ phim đó có thể khiến người xem xúc động. Để có thể truyền được cảm xúc đó cho người xem thì tính nhân văn của bộ phim là yếu tố quyết định thể hiện ở chủ đề, tư tưởng... Chúng ta có làm như thế nào, chọn kể câu chuyện gì đi chăng nữa cũng phải có tính nhân văn, cũng cần có sự xúc động thật của mình vì như thế mới có thể truyền được cảm xúc đến với người khác, mà ở đây là người xem.

Anh có nhìn thấy điều đó trong các bộ phim tham gia cánh diều 2014?

Hiện nay thì chưa. Nói đúng ra là cũng có nhưng tôi chưa thật sự hài lòng lắm. Tuy vậy, để có được phim như thế thì phải là những tác phẩm lớn mà tác phẩm lớn thì đâu phải năm nào cũng có đâu. Phim giành giải Cánh diều Vàng là vì đã đạt được một số tiêu chuẩn nhất định theo tiêu chí của Hội và của Ban giám khảo.

Từ trải nghiệm nghề nghiệp, anh cho rằng, khó khăn lớn nhất và thường trực của người làm phim tài liệu là gì?

Là không lặp lại mình. Mỗi phim của tôi làm thì không thể là cái cũ được. Những phim đã làm, tôi đã bỏ hết tâm lực, ngón nghề vào đó rồi. Cho nên khi làm phim mới cần phải bỏ công sức tìm tòi. Ai cũng vậy thôi, lớp trẻ hay già đều thế.

Anh có ý định trở lại với công việc làm phim không?

Đó là giấc mơ. Người nghệ sỹ bao giờ cũng khắt khe với sáng tạo, cũng muốn làm cái mới. Đã là dân điện ảnh chẳng có gì thích bằng được sáng tạo, được tiếp tục công việc mình làm. Tôi cho là về điểm này, ông nghệ sỹ nào cũng giống nhau thôi, chẳng để ý gì đến chiến sỹ thi đua, chẳng để ý gì đến danh hiệu. Điều quan trọng đã đặt hết vào tác phẩm rồi.

Vân Thảo