(TGĐA) - Đất rừng phương Nam về bản chất là một phim thị trường tốt, nhưng tốt ở đây, vẫn còn một số điều cần phải rút kinh nghiệm.
NSƯT Trọng Phúc cất tiếng hò da diết trong nhạc phim 'Đất rừng phương Nam' bản điện ảnh | |
Cuộc hội ngộ giữa hai thế hệ diễn viên tại buổi công chiếu 'Đất rừng phương Nam' |
(Bài viết dựa nhiều trên quan điểm cá nhân)
Những điểm tốt đầu tiên
Đất rừng phương Nam được đạo diễn bởi Nguyễn Quang Dũng, đồng sản xuất Trấn Thành – đều là những cái tên bảo chứng cho doanh thu phòng vé với những con số trăm tỷ. Thế nên, họ hoàn toàn có tư duy để làm ra sản phẩm chiều lòng khán giả thông thường. Đại cảnh hoành tráng, hành động hấp dẫn, diễn viên mang nhiều sắc thái và diễn không rập khuôn…, gần như đều có ở Đất rừng phương Nam.
Bộ phim theo như lời giới thiệu, mang màu sắc lịch sử, nói về tinh thần yêu nước của những con người miền Tây Nam bộ, tuy vậy phim không hề “khô khan”, có nhiều điểm mới lạ so với bản truyền hình năm 1997 của đạo diễn Vinh Sơn. Điển hình như nhân vật Út Lục Lâm của Tuấn Trần, theo đánh giá riêng của người viết, Tuấn Trần diễn duyên dáng, hài hước, mặc cho có những cảnh mà người xem khó tính cảm thấy hơi “thô thiển”, nhưng dù thế nào xét dưới góc độ phim thị trường dành cho đại chúng để giải trí, vẫn có thể “tạm” chấp nhận.
Tuấn Trần và bé Hạo Khang là điểm sáng của phim |
Dàn diễn viên nhí trong phim diễn chân thật và không đọc thoại kiểu trả bài. Bé Hạo Khang trong vai An sáng khung hình, phần nào tạo ra hình thái khác so với phiên bản của Hùng Thuận năm 1997. Đó là chưa kể âm nhạc và cảnh quay cũng được đầu tư chỉn chu, chiều lòng đôi tai và con mắt người xem. Hiếm có khi phim nào đại cảnh lại hoành tráng, diễn viên quần chúng đông đảo, không phải "robot" đi qua đi lại, tạo nên được sức sống cho cảnh quay.
Bối cảnh hoành tráng là một điểm cộng |
Người viết thấy được nhịp phim tốt, không gây cảm giác nhàm chán mà Nguyễn Quang Dũng từng phát huy trong Tiệc trăng máu. Trấn Thành là nhà sản xuất, anh ta đầu tư tiền tỷ và dĩ nhiên sẽ hiểu thị trường muốn gì để phim mình thu hút như Nhà bà Nữ và Bố già.
Dĩ nhiên, Đất rừng phương Nam có nhiều “sạn” như là đôi khi vai chính bị lu mờ, hay nhân vật hành động không nhất quán, nhưng có lẽ trong bài viết này khoan bàn tới điều đó.
Phải cẩn trọng với lịch sử
Hồi Trấn Thành làm ra Bố già hay Nhà bà Nữ, có thể vướng nhiều tranh cãi, nào là hóa trang giả trân, ngôn ngữ chợ búa, hay những phát ngôn có thể không đúng lắm trong mắt nhiều người. Nhưng quanh đi quẩn lại khó thể coi Bố già hay Nhà bà Nữ là phim dở, nhất là khi hai phim này thâu tóm gần như mọi giải thưởng danh giá trong nước, được đông đảo khán giả xem đi xem lại nhiều lần. Quang Dũng cũng vậy, anh có nhiều phim được số đông công nhận và hầu như đều là phim tốt, như Tiệc trăng máu rồi Tháng năm rực rỡ.
Nhưng với Đất rừng phương Nam thì khác, Trấn Thành hay Quang Dũng đang đi nước đi mạo hiểm. Mạo hiểm đầu tiên là lấy cảm hứng theo tác phẩm gốc đã quá nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi, với những ấn tượng sâu nặng về tinh thần yêu nước bất khuất, không cam chịu ách đô hộ của người dân Nam bộ vào khoảng những năm 1945 - 1946, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam bộ. Bộ phim truyền hình kinh điển Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn có cải biên, thêm thắt vài ba yếu tố nhưng nhìn chung vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm. Một trong những thay đổi đáng nhớ nhất của bản truyền hình, chính là đưa vào nhân vật Út Trong để thể hiện rõ tính cách người miền Tây chân chất, đôn hậu nhưng luôn mạnh mẽ và kiên cường chống lại thực dân Pháp, bất chấp tính mạng.
Tiếp đến, dù Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là tiểu thuyết và không tránh khỏi có tính hư cấu, nhưng đi vào lòng bao thế hệ, được nhiều chuyên gia về lịch sử, văn học công nhận là xuất sắc, chính là vì bối cảnh lịch sử chân thật qua việc mô tả quá trình giác ngộ cách mạng của bé An, bằng việc được nuôi lớn bằng tình yêu nước nồng nàn của người Nam bộ, của dân tộc Việt Nam. Có thể nói nhân vật do Đoàn Giỏi sáng tạo ra, nhưng từ đầu chí cuối ông luôn tôn trọng lịch sử.
Nói về nhà văn Đoàn Giỏi, nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: “Nhà văn Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”.
Thế nên khi có bản quyền tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, ê-kíp đạo diễn Quang Dũng không khác nào có trong tay nguồn tư liệu lịch sử quý giá, nền điều mạo hiểm thứ hai mà người viết nhấn mạnh, chính là làm phim điện ảnh Đất rừng phương Nam là không thể “chơi đùa” với lịch sử, phải rất cẩn trọng.
Làm phim có yếu tố lịch sử phải rất cẩn trọng |
Giá như tỉnh táo hơn
Như đã nói ở trên, chính vì không thể “chơi đùa” với lịch sử nên khi làm phim hư cấu trên bối cảnh lịch sử có thật, phải rất tỉnh táo. Như đạo diễn Quang Dũng nói, phim lấy bối cảnh những năm trước 1930 – quả thực đây là một thời điểm khá nhạy cảm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc mới đây khi trả lời báo điện tử Dân Việt, đưa ra phân tích khi nói về tổ chức Thiên Địa hội, đã được mô tả trong phim điện ảnh Đất rừng phương Nam như một tổ chức yêu nước và chống thực dân Pháp: “Tổ chức này trong thực tế có sang Việt Nam ở Nam bộ rất đông khi nhà Thanh sụp đổ. Nhưng tinh thần của tổ chức chống Pháp có phải là Thiên Địa hội không thì chắc chắn là không phải. Nó không được hiểu theo nghĩa một tổ chức chính trị, hay hoạt động một cách có mục tiêu chính trị. Sau này, Thiên Địa hội đã có khuynh hướng Việt Nam hóa rất nhiều với khái niệm hội kín. Còn nếu dựng lại nguyên vẹn như Thiên Địa hội hay Nghĩa Hòa đoàn là tổ chức của Trung Quốc thì rõ ràng làm sai lệch nhận thức xã hội".
Thêm vào đó, tiến sĩ Hà Thanh Vân cũng có các dẫn chứng trên báo điện tử VTC News về các tư liệu lịch sử từ bộ Lịch sử Việt Nam mới nhất gần đây, xuất bản năm 2017 do Viện Sử học biên soạn cùng với những tên tuổi như GS. Trần Văn Giàu, học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Sơn Nam… đều cho rằng lúc đó có hai hình thức hội kín của Thiên Địa hội, một là hội kín yêu nước kháng Pháp có cả người Hoa và người Việt tham gia thì đã chấm dứt hoạt động kể từ năm 1916.
Biên kịch phim là Trần Khánh Hoàng đưa ra lời giải thích: “Phim Đất rừng Phương Nam có hướng phát triển nội dung tương đồng với phim truyền hình Đất Phương Nam 1997, đưa bối cảnh phim từ không gian và thời gian về những năm 1920-1930 so với trong tiểu thuyết Đất rừng Phương Nam là 1945. Lý do thay đổi vì bộ phim muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, tiếp xúc nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau. Trong đó có Nghĩa Hòa thuộc Thiên Địa hội của ông Năm, ông Tiều”.
Poster phim |
Dựa trên nhận định của chuyên gia, cũng như như lời giải thích của biên kịch Trần Khánh Hoàng, có thể nói ê-kíp Đất rừng Phương Nam không tỉnh táo để nghiên cứu kỹ, đưa vào trong phim Thiên Địa hội – tổ chức không được các tư liệu lịch sử chính thống ghi chép là tổ chức yêu nước, chống thực dân Pháp.
Có ý kiến khác chỉ ra, giá như ê-kíp Đất rừng Phương Nam chọn lọc tư liệu kỹ, đưa vào đó Thanh niên Cao vọng Đảng, còn được biết đến với tên Hội kín Nguyễn An Ninh, là một tổ chức chính trị chống chính quyền thực dân Pháp hoạt động ở Nam Kỳ từ năm 1923 đến 1929, do chí sĩ Nguyễn An Ninh sáng lập và tổ chức. Đây được xem là tổ chức chính trị đầu tiên của giới bình dân, có ảnh hưởng rộng khắp Nam Kỳ trong suốt thập niên 1920 (theo Wikipedia).
Đó là chưa kể, chính vì có Thiên Địa hội, nhiều cảnh phim thực sự rất không nên có, như bé An đã tự nguyện cắt máu ăn thề, rồi thề rằng “sống là người Nghĩa Hòa đoàn, chết làm ma Thiên Địa hội”, rất dễ làm khán giả trẻ, nhất là những thiếu niên mới lớn đang tìm hiểu về lịch sử hiểu sai tầm ảnh hưởng của hai tổ chức này.
Thiết nghĩ nếu biên kịch Trần Khánh Hoàng để tên khác ngay từ đầu thay vì Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn, cũng như ê-kíp chỉ ra rõ bối cảnh phim ngay từ đầu ở khâu quảng bá, rằng sẽ có nhiều phần tương ứng với nhiều thời kỳ trong lịch sử (điều này ê-kíp đã định hướng đây một hành trình dài và mơ ước về một franchise), thay vì quảng bá trên truyền thông rằng đề cao tinh thần yêu nước của người dân Nam bộ từ cảm hứng tác phẩm Đất rừng phương Nam. Khó thể nói như vậy mà làm phim mô tả Thiên Địa hội là một tổ chức yêu nước, trong khi đó hình ảnh người dân Nam bộ lại khá mờ nhạt.
Sáng tạo trong nghệ thuật, nhưng đôi khi cũng phải có giới hạn!
Gần đây, có ý kiến bênh vực phim, cho rằng khán giả bất bình về Đất rừng Phương Nam là đang làm quá lên, bởi dù gì đây vẫn trong phạm trù của sự sáng tạo, không tranh cãi nhau một vài chi tiết đúng sử hay sai sử, cho dù nó được tuyên bố là lấy cảm hứng từ một cuốn tiểu thuyết văn chương hư cấu. Tuy nhiên, như những phân tích kể trên, có những thứ thuộc thuộc về lịch sử là khó thể động tới và cũng không nên lấy phim nước ngoài ra để so sánh, bởi nếu vậy thì nhiều vô kể mà cũng chẳng đi tới đâu.
Nghệ sĩ có quyền sáng tạo nhưng khán giả - những người đón nhận tác phẩm của nghệ sĩ cũng có quyền tổn thương vì dù gì họ bỏ tiền mua vé. Tổn thương ở đây là làm ảnh hưởng tới hình tượng tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi mà họ yêu mến.
Đạo diễn Charlie Nguyễn từng làm phim Dòng máu anh hùng, đi vào lòng bao thế hệ yêu điện ảnh, là dòng phim giải trí và lực lượng chống thực dân Pháp trong phim không được nhắc đến cụ thể tên là gì. Nhân vật trong phim cũng đánh võ rất đẹp mắt, nếu người viết nhớ không nhầm là lấy cảm hứng từ võ Vovinam, và không ai nói phim làm liên tưởng tới phim võ thuật Trung Quốc.
Hồi đạo diễn Victor Vũ làm phim Thiên mệnh anh hùng, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn – tác phẩm hư cấu và đặt trong sự kiện vụ án Lệ Chi Viên. Nhưng Victor Vũ không nói đây là phim lịch sử, anh khẳng định đây là phim võ hiệp, giả tưởng. Xem phim không ai muốn “bắt lỗi” Victor Vũ, cùng lắm chỉ là không hợp gu vài cảnh võ thuật tựa như phim kiếm hiệp Trung Quốc, bởi Victor Vũ nói rằng: “Trước khi bước vào dự án này, sự hiểu biết của tôi về Nguyễn Trãi và thời đó rất hạn chế. Tôi đã phải tìm đọc qua sách vở về lịch sử vì dù là phim hư cấu, dã sử nhưng dù sao cũng là mượn chất liệu lịch sử, phải làm sao cho hợp lý để không tạo cảm giác là có sự khác biệt nhiều quá. Đó là một thử thách rất lớn khi thực hiện Thiên mệnh anh hùng”.
Dù sao ê-kíp Đất rừng phương Nam đã có tinh thần cầu thị, khi Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, trong cuộc họp và đối thoại chiều 14/10, đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn, thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài là Nam Hòa đoàn và Chính Nghĩa hội. Thế nên nếu đã có sửa đổi, phim vẫn xứng đáng nhận được sự quan tâm.
Cuộc hội ngộ giữa hai thế hệ diễn viên tại buổi công chiếu 'Đất rừng phương Nam' | |
Tuấn Trần lịch lãm chuẩn ‘nam thần’ thu hút mọi ánh nhìn |
Quỳnh Anh