(TGĐA) - Một cộng đồng với sự đa dạng về sắc dân, sự phong phú về văn hóa, sự hấp dẫn cùng vẻ đẹp của cảnh quan, Asean đang là nơi hội tụ những thế mạnh để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp sản xuất và phát hành phim ra thế giới. Việc lựa chọn cách thức đi ra quốc tế như thế nào là điều vô cùng quan trọng để giữ được bản sắc mà vẫn hội nhập với thế giới. Đây cũng chính là chủ đề của hội thảo thứ nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, được tổ chức vào sáng 25/11/2017.
Hội thảo có sự tham dự của NSND Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo LHP Việt Nam lần thứ 20, Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục điện ảnh – Trưởng ban Tổ chức LHP, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu. Nhà phê bình điện ảnh Philip Cheah - Phó Chủ tịch NETPAC dẫn dắt hội thảo với sự tham dự của Phó Tổng thư ký Asean Vongthep Arthakaiwalvatee và các khách mời quốc tế tại LHP Việt Nam lần thứ XX gồm: Giám đốc Quỹ điều hành phim Asean Miguel Dela Rosa; Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Ba Lan Jacek Bromsky; Đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Yun Ha và đại diện điện ảnh Việt Nam là ông Đỗ Duy Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Các nhà làm phim tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo gồm: Đạo diễn Hồng Ánh (phim Đảo của dân ngụ cư, Việt Nam); Đạo diễn phim Turah người Indonesia Wicaksono Wisnu Legowo; đạo diễn phim Trôi dạt, Zuhir Bin Assri, của Malaysia.
|
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định chủ đề mà hội thảo đặt ra không chỉ thể hiện sự quan tâm của điện ảnh Việt Nam nói riêng mà còn là của cả nền điện ảnh các nước Asean. Cộng đồng Asean là một cộng đồng đoàn kết thống nhất, đa dạng vì thế mong muốn đưa điện ảnh Asean ra thế giới cũng là mong muốn chung của Asean. Với việc tổ chức Hội thảo tại LHP Việt Nam lần thứ 20, Việt Nam cũng như các nền điện ảnh thuộc Asean mong nhận được những sáng kiến, đề xuất, thậm chí hợp tác để góp phần phát triển của mỗi quốc gia thành viên cũng như điện ảnh Asean nói chung. Từ sự hỗ trợ lẫn nhau này, các sản phẩm điện ảnh của Asean sẽ có chất lượng hơn và mở rộng ra thị trường thế giới.
|
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTT&DL, đặc biệt là Cục Điện ảnh đã có sáng kiến và đưa giải thưởng Phim Asean lần thứ nhất vào LHP Việt Nam lần thứ 20, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Phạm Sanh Châu nhấn mạnh sáng kiến này là biểu hiện sinh động sự đóng góp của Việt Nam trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Asean. Trong 3 trụ cột xây dựng cộng đồng Asean thì trụ cột văn hóa là quan trọng, thể hiện kết nối con người bởi trong những năm qua, Asean đã thể hiện nhiều nỗ lực của mình để quyết tâm xây dựng cộng đồng lấy con người làm trung tâm, một cộng đồng gắn kết xây dựng yêu thương nhau và hiểu nhau hơn.
Cuối cùng, ông Phạm Sanh Châu tin tưởng rằng Hội thảo sẽ mang lại điểm mới, tìm được các biện pháp cụ thể để điện ảnh không chỉ riêng từng nước mà cả cộng đồng Asean sẽ có những bước tiến đột phá.
Phó tổng thư ký Asean Vongthep Arthakaiwalvatee nhấn mạnh về vai trò của Điện ảnh trong việc xây dựng cộng đồng Văn hóa – Xã hội Asean. Bởi con đường hội nhập của Asean không thể thành công nếu không đề cập đến khía cạnh bản sắc Asean. Điện ảnh chính là một hình thức nghệ thuật để đưa con người đến gần nhau hơn, để mọi người hiểu được nhau dễ dàng và nhanh hơn nữa. Các quốc gia Asean muốn biết về nhau có thể thông qua các loại hình nghệ thuật trong đó có điện ảnh.
|
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban tổ chức LHP VN lần thứ 20 khẳng định Giải thưởng Điện ảnh Asean sẽ giúp các quốc gia trong khu vực có sự kết nối thường xuyên và giúp phát triển bản sắc văn hóa nói chung, điện ảnh từng nước nói riêng. Sáng kiến giải thưởng điện ảnh Asean đã được hiện thực hóa tại LHP VN lần thứ 20 mang ý nghĩa lớn đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á.
Giám đốc Quỹ điều hành phim Asean Miguel Dela Rosa, Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Ba Lan mang đến hội thảo tham luận xây dựng cộng đồng điện ảnh Asean trên cả ba lĩnh vực: Sản xuất, phát hành và chiếu phim nhằm tạo sức mạnh vươn ra thế giới. Nếu mỗi nước, với thế mạnh khác nhau hoặc về kinh phí hoặc về công nghệ hay bối cảnh, cùng hợp tác thực hiện thì tác phẩm điện ảnh có thể có sức lan tỏa lớn hơn.
Ông Đỗ Duy Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho rằng muốn đưa được điện ảnh Asean ra thế giới cần có những tác phẩm điện ảnh tốt. Sau khi nêu một vài dữ liệu về tình hình sản xuất và phát hành phim Việt Nam trong 2 năm trở lại đây với trung bình khoảng trên 40 phim/năm; sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp phát hành phim trong nước và nước ngoài; việc ban hành thông tư về phân loại phim, ông Đỗ Duy Anh đã đề xuất một vài ý kiến để đưa phim các nước Asean ra nước ngoài. Cụ thể:
Về sản xuất phải có những đề xuất cụ thể để hợp tác sản xuất phim bởi khi có đối tác sản xuất thì việc đưa phim ra thị trường thế giới sẽ thuận lợi hơn. Tiếp đến, ngoài tăng cường chất lượng phim thì khâu phát hành phim cũng phải có sự hợp tác chặt chẽ.
|
Đại diện điện ảnh Ba Lan, một nền điện ảnh ở châu Âu cũng đang chịu sự xâm lấn của Hollywood, ông Jacek Bromsky - Chủ tịch Hội điện ảnh Ba Lan chia sẻ những chính sách đã giúp điện ảnh Ba Lan phát triển, trong đó có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ. Ba Lan cũng ban hành bộ luật về bảo vệ các sản phẩm nghe nhìn, bảo vệ bản quyền, nội dung… Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, điện ảnh Ba Lan còn hợp tác với Ủy ban văn hóa châu Âu như một kênh quan trọng để thúc đẩy và phát triển nền điện ảnh trong nước có thể dễ dàng hội nhập trong liên minh châu Âu.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền điện ảnh phát triển mạnh ở khu vực châu Á. Phim Hàn Quốc không chỉ được người dân trong nước yêu thích mà còn thu hút số lượng lớn người xem tại thị trường các nước Asean. Đại diện Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc Yun Ha đã giới thiệu tổng quan về công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc cùng các chính sách hỗ trợ phát triển phim Hàn Quốc ra nước ngoài. Ông Yun Ha cũng tự tin cho rằng thị trường phim Asean sẽ phát triển ở Hàn Quốc bởi các quốc gia có sự tương thích về văn hóa.
|
Phần 2 của buổi hội thảo là chủ đề thú vị: Kinh nghiệm đưa phim ra thế giới dưới góc độ đạo diễn phim với những trải nghiệm từ chính các nhà làm phim có phim tham dự tại LHP Việt Nam lần thứ 20. Đạo diễn Hồng Ánh chia sẻ kinh nghiệm khi thực hiện phim Đảo của dân ngụ cư (tham gia hạng mục Phim dự thi); Đạo diễn người Indonesia Wicaksono Wisnu Legowo chia sẻ kinh nghiệm khi làm phim Turah (phim đại diện cho Indonesia tham dự Oscar và tham gia hạng mục Giải thưởng Điện ảnh Asean); đạo diễn Zuhir Bin Assri của Malaysia chia sẻ kinh nghiệm phim Trôi dạt (tham gia hạng mục Giải thưởng Điện ảnh Asean). Dưới sự kết nối của một người khá am hiểu điện ảnh Đông Nam Á là ông Philip Cheah, các nhà làm phim đã mang đến Hội thảo những trải nghiệm cá nhân hết sức quý báu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố như nội dung (câu chuyện phim phải đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa riêng của mỗi quốc gia nhưng có tầm bao quát lớn); Tiêu chuẩn kỹ thuật phải đáp ứng được mặt bằng chung thế giới; Và cần có sự hợp tác giữa các nước với nhau để việc phát hành phim được thuận lợi hơn.
Đây có lẽ cũng là con đường mà điện ảnh Asean nên đi trong tương lai để đến được với nhau và để nắm tay nhau đi ra thế giới.
V. T