(TGĐA) - Tháng 3 năm 1968, tại Đồi Chè, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Định phối hợp với Điện ảnh Khu 5 quyết định thành lập Đội chiếu bóng tỉnh Bình Định để phục vụ các nhiệm vụ cách mạng, đây là đơn vị tiền thân của Điện ảnh Bình Định sau này. Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển (1968 - 2018), Điện ảnh Bình Định luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và có những đóng góp xứng đáng cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tháng năm “khói lửa”
Đội chiếu bóng đầu tiên của tỉnh Bình Định được thành lập gồm 6 người do đồng chí Trần Văn Tuân làm Đội trưởng và các thành viên: Lý Hồng Xum, Đỗ Hữu Lý, Bùi Quang Châu, Hồ Văn Hòa và Ngô Văn Duyên. Đây là những hạt nhân đầu tiên của ngành Điện ảnh Bình Định.
Băng rôn giới thiệu đợt phim mừng Đảng, mừng Xuân 2018 |
Được trang bị đơn giản gồm 1 máy chiếu phim 16mm, loa, tăng âm, máy phát điện và một bộ phim Khúc ruột Miền Trung, những năm tháng chiến tranh khốc liệt, với hành trang là gùi cõng máy chiếu, phim ảnh và vũ khí, đội chiếu bóng không ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm băng rừng, vượt suối đến các vùng giáp ranh, vùng tranh chấp phục vụ chiếu phim tuyên truyền, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Dù bất cứ tình huống nào, Đội chiếu bóng Bình Định cũng bám phim, bám máy, bám địa bàn, nhằm truyền tải những giá trị đích thực của Điện ảnh cách mạng đến với lực lượng chiến sĩ đang ngày đêm đối đầu với mưa bom, bão đạn trên chiến trường.
Giữa thời điểm chiến tranh ác liệt trên chiến trường Bình Định, trong lúc làm nhiệm vụ chiếu bóng phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, một cán bộ của Đội chiếu bóng đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất chiến hào khói lửa, đó là liệt sĩ Ngô Văn Duyên.
Ngày 09/3/1976 UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định sáp nhập Chiếu bóng Bình Định và Chiếu bóng Quảng Ngãi thành Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình, với yêu cầu nhiệm vụ mới vừa phải phục vụ chính trị, vừa phải tạo nguồn thu đóng góp vào ngân sách Nhà nước, góp phần xây dựng phát triển sự nghiệp của ngành.
Bà con Xã Hoài Sơn đang xem phim |
Trong tình hình chung của đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, ngành Điện ảnh tỉnh nhà đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đưa những tác phẩm điện ảnh vào đời sống của quần chúng nhân dân, tuyên truyền, quảng bá những bộ phim về đề tài xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, ca ngợi những tình cảm cao đẹp, tính nhân văn của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bộ phim như: Mối tình đầu, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà... đã để lại dấu ấn sâu đậm, cảm hóa tâm tư tình cảm người xem, mang lại luồng gió mới về tư tưởng và nhận thức cho nhân dân trong tỉnh.
Từ những năm 1980, nhà nước chú trọng đầu tư công tác phát hành và phổ biến phim, điện ảnh bắt đầu phát triển ổn định. Điện ảnh Nghĩa Bình cũng có nhiều khởi sắc, lực lượng cán bộ và nhân viên được đào tạo công tác chuyên môn và quản lý.
Ngoài hoạt động chiếu phim, còn tổ chức những hoạt động văn hóa khác nhằm quảng bá điện ảnh, được đồng nghiệp các tỉnh bạn và đông đảo các tầng lớp nhân dân, thanh thiếu niên hưởng ứng như: “Dạ hội Điện ảnh”, mời các nhà làm phim, các diễn viên và đồng nghiệp các tỉnh bạn về giao lưu; thành lập “Câu lạc bộ Điện ảnh” sinh hoạt thường kỳ vào tối thứ 7 hàng tuần, đây là nơi gặp gỡ và giao lưu cho các bạn trẻ yêu thích điện ảnh; “Hội thi Kể - Vẽ theo phim”, là hoạt động thường niên được tổ chức vào các dịp hè, luôn thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia.
Có thể nói, giai đoạn này Điện ảnh Nghĩa Bình đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân phù hợp với quan điểm xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Giám đốc sở Văn Hóa Khai mạc lớp phổ biến phim 2017 |
Cuối năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Thời gian này Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình được đổi tên thành Công ty Điện ảnh Bình Định. Có thể nói, đây là thời kỳ đỉnh cao của ngành Điện ảnh Bình Định, các rạp chiếu bóng được nâng cấp, xây dựng mới như rạp chiếu bóng Lê Lợi, rạp chiếu bóng 1-4 (hiện nay là 31-3), rạp chiếu bóng 1-5. Các cơ sở chiếu bóng ở Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn… là những tụ điểm giải trí được đông đảo nhân dân tìm đến thưởng thức điện ảnh, có lúc tổ chức từ 5 đến 6 suất chiếu/ngày và lượng khán giả đến rạp tấp nập phải xếp hàng mua vé vào xem.
Đặc biệt những Đội chiếu bóng lưu động luôn phải hoạt động hết công suất, có những bộ phim phải chiếu chạy hai đến ba điểm chiếu trong một đêm, có phim hay phải chiếu liên tục 3 đêm liền tại một điểm chiếu mới phục vụ hết nhu cầu của khán giả. Điện ảnh Bình Định cũng đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền các đợt phim, tuần phim, đáp ứng được nhu cầu của khán giả, doanh thu cao vượt kế hoạch hằng năm, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh hoạt động chiếu bóng, công tác phát hành tuyên truyền phim đặc biệt được chú trọng, góp phần tổ chức thành công chương trình Ngày màn ảnh và thu hút người xem qua thuyết minh phim. Về công tác đào tạo, Điện ảnh Bình Định đã liên kết với Trường Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh mở lớp Tuyên truyền phim tại Bình Định, đào tạo những hạt nhân bổ sung cho lực lượng chiếu bóng các địa phương hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Ngoài ra thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa bổ ích để đưa nghệ thuật điện ảnh đến gần với khán giả như: Câu lạc bộ Điện ảnh, Dạ hội Điện ảnh, Kể - Vẽ theo phim, Hội thi tìm hiểu Điện ảnh...
Điện ảnh Bình Định trong thời kỳ đổi mới (2001 - 2010)
Giao lưu làng Ka Bông |
Năm 2006, UBND tỉnh Bình Định quyết định tổ chức lại Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định thành Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định, là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định).
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã tiến hành kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, bổ nhiệm lại các chức danh quản lý, sắp xếp lại lao động, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và kinh doanh dịch vụ theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, đảm bảo việc làm và ổn định đời sống cán bộ, viên chức và người lao động. Trung tâm thực hiện việc liên doanh, liên kết đầu tư kinh doanh dịch vụ để tạo việc làm cho cán bộ, viên chức, tăng thêm nguồn thu cho đơn vị, hỗ trợ chiếu bóng lưu động, góp phần nộp ngân sách Nhà nước.
Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân các vùng, miền trong tỉnh, các Đội chiếu bóng lưu động đã tổ chức đi sâu rộng khắp các địa bàn, kể cả những vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh. Trước buổi chiếu phim chính, đều tổ chức phổ biến các văn bản của địa phương, Trung ương và các phim chuyên đề xây dựng nông thôn mới, cách làm trang trại, an ninh trật tự, gia đình văn hóa… Các buổi chiếu phim lưu động kết hợp với hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng góp phần bảo tồn văn hóa dân gian của mỗi bản làng, tạo mối quan hệ gần gũi với bà con.
Song song với phục vụ các đối tượng chính sách, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã tổ chức phục vụ định kỳ các Trường Dân tộc Nội trú, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân Trại giam Kim Sơn thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an ở huyện Hoài Ân…, đồng thời phục vụ chiếu phim tuyên truyền chủ quyền biển đảo tại xã đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải và Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2016, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định đã tổ chức làm phim tài liệu Làng Kà Bông, xã Canh Liên, huyện Vân Canh được Cục Điện ảnh Việt Nam đánh giá cao về hoạt động chiếu bóng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tại tỉnh Bình Định, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.
Giám Đốc Trung tâm phát hành phim Bình Định tặng quà các em nhỏ |
Nhìn lại qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Điện ảnh Bình Định đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý:
- Huân chương Giải phóng hạng ba (năm 1973);
- Huân chương Lao động hạng ba (năm 1979);
- Huân chương Lao động hạng nhì (năm 1991);
- Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1991);
- Cờ thi đua của Bộ Văn hoá Thông tin 3 năm liền là đơn vị dẫn đầu các Công ty Điện ảnh toàn quốc (1991 - 1992 - 1993);
- Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017;
- Cờ thi đua của UBND tỉnh Bình Định, đã có thành tích xây dựng và phát triển ngành điện ảnh Bình Định năm 1968 - 1993;
- Bằng khen của Bộ Văn hóa, đã có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ năm 1984 - 1985 - 1986;
- Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động điện ảnh tại địa phương năm 2013 và 2016;
- Và nhiều Bằng khen của các cấp, ngành.
Đi qua tháng năm thăng trầm của lịch sử, Điện ảnh Bình Định có những bước thăng trầm, nhưng dù trong hoàn cảnh nào đơn vị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Trong thời gian tới, Điện ảnh Bình Định sẽ tiếp tục vươn lên, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, xứng đáng với danh hiệu Đảng và Nhà nước phong tặng: “Các đội chiếu bóng lưu động luôn là đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.
Võ Văn Tiễn