Điện ảnh là hình thức quảng bá, lan tỏa văn hóa nhanh, mạnh nhất

(TGĐA) - Hội thảo “Điện ảnh – Kết nối và lan toả giá trị văn hoá” diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VI đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu về tầm quan trọng của điện ảnh trong công cuộc truyền bá văn hoá địa phương đến với khán giả trong nước và quốc tế.

Trò chuyện cùng kiều nữ điện ảnh Kazakhstan tại LHP Quốc tế Hà Nội Trò chuyện cùng kiều nữ điện ảnh Kazakhstan tại LHP Quốc tế Hà Nội
Cơ hội nào để điện ảnh Việt Nam theo kịp Hàn Quốc? Cơ hội nào để điện ảnh Việt Nam theo kịp Hàn Quốc?

Là một trong các hoạt động quan trọng của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Hội thảo “Điện ảnh – Kết nối và lan toả giá trị văn hoá” diễn ra vào ngày 10/11 đã thu hút nhiều đại biểu là những người đại diện các cơ quan quản lý văn hoá, nghệ sĩ, người hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước đến tham dự. Xuyên suốt Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết về tầm quan trọng của điện ảnh trong việc truyền bá văn hoá và xa hơn là phát triển du lịch địa phương.

Điện ảnh là hình thức quảng bá, lan tỏa văn hóa nhanh, mạnh nhất
Hội thảo “Điện ảnh – Kết nối và lan toả giá trị văn hoá”

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định việc điện ảnh kết nối và lan toả giá trị văn hoá là một điều hiển nhiên, không cần phải chứng minh. Ông đưa ra nhiều ví dụ về những bộ phim điện ảnh đã tác động đến thời trang, ẩm thực, phong cách, chẳng hạn như việc các cô gái trẻ thập niên 70 đua nhau cắt tóc tém giống nhân vật trong phim Chiến hạm nổ tung ở cảng.

“Giá trị văn hoá được lan toả bằng nhiều con đường, bằng nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng đặc biệt đối với điện ảnh thì sự lan truyền này nhanh hơn rất nhiều”, ông Hùng Tú chia sẻ. Chính vì vậy, theo ông, điện ảnh Việt Nam nên học hỏi các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, đưa những nét văn hóa đặc sắc, hiện đại vào các bộ phim để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của đất nước.

Điện ảnh là hình thức quảng bá, lan tỏa văn hóa nhanh, mạnh nhất
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú khẳng định việc điện ảnh kết nối và lan toả giá trị văn hoá là một điều hiển nhiên, không cần phải chứng minh

Cùng ý kiến với ông Hùng Tú là nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy. Lấy ví dụ về tác phẩm Chuyện của Pao, nhà văn đã chỉ ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ của một bộ phim đến với vùng đất, văn hoá và con người tại địa phương đó. Theo bà, bên cạnh việc đóng góp cho địa phương những địa điểm du lịch, thu hút du khách, phim điện ảnh còn có tác động ngược lại với bà con dân tộc tại địa phương đó, giúp họ nhận ra giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà họ nắm giữ và từ đó càng thêm tự hào, và nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa hơn.

Điện ảnh là hình thức quảng bá, lan tỏa văn hóa nhanh, mạnh nhất
Nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy cho biết điện ảnh giúp bà con dân tộc thêm tự hào, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa

Cũng trong buổi hội thảo, ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết địa phương đã thực hiện rất nhiều hoạt động quảng bá văn hoá, thế nhưng sức ảnh hưởng của những hoạt động này lại không bằng một bộ phim điện ảnh: “Một bộ phim điện ảnh nổi tiếng có thể tạo ra hẳn một trào lưu và người ta sẽ đổ xô đến xem địa phương đó như thế nào, bối cảnh quay phim ra làm sao”. Ông lấy ví dụ về những bộ phim được quay ở Huế như Mắt biếc, Gái già lắm chiêu III, IV. Những bối cảnh trên phim sau đó đã trở thành những địa điểm checkin nổi tiếng mà du khách nào đến Huế cũng muốn ghé qua. “Riêng về góc độ du lịch thì điện ảnh đóng một vai trò vô cùng quan trọng”, ông Phan Thanh Hải nhận định.

Để thu hút các đoàn làm phim đến với địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều chính sách, chẳng hạn như miễn phí vé vào cửa tại các di tích, tạo điều kiện cho việc sắp xếp bối cảnh, từ đó thúc đẩy quảng bá văn hoá địa phương. “Huế xác định điện ảnh là nền công nghiệp văn hóa chủ lực của địa phương. Vì vậy, chính sách của địa phương là tạo mọi điều kiện cho các nhà làm phim đến Huế, xây dựng phim trường lớn. Những đoàn làm phim đến Huế làm bối cảnh cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Huế cũng phát triển du lịch MICE. Có cơ sở vật chất rất tốt phục vụ cho du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện. Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người đến Huế” - ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

Điện ảnh là hình thức quảng bá, lan tỏa văn hóa nhanh, mạnh nhất
Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế mặc áo dài ngũ thân phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh những ý kiến của các đại biểu, hội thảo cũng giới thiệu tiềm năng về việc cung cấp các dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó nhấn mạnh đến các chính sách khuyến khích đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Việt Nam thực hiện sản xuất phim theo Luật Điện ảnh mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Các địa phương, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cùng các đơn vị, các nhà làm phim đã trao đổi nhiều ý kiến, bày tỏ mong muốn kết nối, hợp tác… để có thêm nhiều hơn nữa những tác phẩm điện ảnh góp phần truyền bá, kết nối văn hoá.

Trò chuyện cùng kiều nữ điện ảnh Kazakhstan tại LHP Quốc tế Hà Nội Trò chuyện cùng kiều nữ điện ảnh Kazakhstan tại LHP Quốc tế Hà Nội
Cơ hội nào để điện ảnh Việt Nam theo kịp Hàn Quốc? Cơ hội nào để điện ảnh Việt Nam theo kịp Hàn Quốc?

Linh Trần