(TGĐA) - Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Hàn Quốc” với không gian đối thoại mở dành cho những doanh nghiệp, nhà làm phim Hàn Quốc với các nhà làm phim, nhà sản xuất phim Việt Nam, đã đưa đến góc nhìn mới mẻ về đường đi nước bước, cách phát triển có tầm nhìn vững chắc của nền điện ảnh xứ Kim chi
Khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI: Đại tiệc điện ảnh cho khán giả thủ đô! | |
Lan Phương khoe nhan sắc đỉnh cao 'chặt chém' Hoa hậu Đỗ Thị Hà trên thảm đỏ Haniff 2022 |
Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Hàn Quốc” là một trong những hoạt động tiêu biểu, nhận được sự quan tâm hàng đầu, bởi không phải lúc nào các nhà làm phim, nhà sản xuất Việt Nam cũng có dịp lắng nghe những doanh nghiệp, nhà làm phim nước ngoài như Hàn Quốc chia sẻ về đường hướng phát triển và tầm nhìn vững chắc của nền điện ảnh xứ Kim chi. Đến tham dự Hội thảo, còn có ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Hàn Quốc” với sự tham gia đóng góp tham luận và ý kiến của doanh nghiệp điện ảnh, nhà làm phim Hàn Quốc |
Mở đầu Hội thảo, ông Park Ki Young – Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) đã có những chia sẻ về chìa khóa thành công của điện ảnh Hàn Quốc. Người ta vẫn thường biết tới Hàn Quốc với những bộ phim “tiệm cận” Hollywood nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Về điểm này, ông Park Ki Young nhấn mạnh: “20 năm trước, trong giai đoạn mới phát triển điện ảnh, chúng tôi hết sức băn khoăn, không biết làm thế nào để có những phim hay như Hollywood, nhưng dù có cố gắng ra sao chúng tôi cũng khó thể theo kịp họ. Chi phí làm phim Mỹ gấp Hàn Quốc từ 10 – 100 lần nên kể cả có cố gắng ‘bắt chước’, cũng là bất khả thi. Chính vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh vào nét đặc trưng của nước mình.
Ông Park Ki Young – Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) chỉ ra cách thức hoạt động cho Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh |
Bản sắc văn hóa vẫn luôn rất quan trọng
Trên thực tế, những bộ phim như Ký sinh trùng không hề mang tính toàn cầu mà chủ yếu là những hình ảnh, câu thoại mà chưa chắc người nước ngoài đã hiểu. Thế nhưng bộ phim lại đạt được những thành tựu rất đáng mong đợi. Chúng tôi mới nhận ra có lẽ không quá phải ‘toàn cầu hóa’, hay có bất kỳ sự bắt chước hay gồng mình nào. Khi làm nghệ thuật, nên chú trọng vào tính độc đáo. Để phát triển những nền điện ảnh như Việt Nam, hãy tìm lấy thứ mà chỉ có Việt Nam mới sở hữu, đề từ đó lan tỏa ra thế giới”.
Bên cạnh đó, KOFIC cũng là tổ chức hoạt động với bộ máy không phải là những quan chức, cán bộ nhà nước, mà chủ yếu đều là những nhà nghệ thuật và những người đang làm phim. Ông Park Ki Young cũng đã chia sẻ cách để KOFIC lấy tiền hoạt động từ những phương thức khác nhau, như trích phần trăm doanh thu bán vé tại các rạp phim, sau đó hỗ trợ cho nhiều dự án phim trong nước: “Để thu được tiền hỗ trợ cho Quỹ Phát triển điện ảnh thực sự không hề dễ dàng, tuy nhiên yếu tố quan trọng để hai bên có thể ‘vui vẻ’ làm việc, chính là cùng thấy được mục tiêu phát triển ra sao. Đó là một mối quan hệ 2 chiều vì muốn thị trường phát triển, chúng ta sẽ phải có những bộ phim hay nhưng nếu phim hay mà không có thị trường tốt, thì cũng chẳng hề có tác dụng gì, cho nên chúng ta cần phải xây dựng những mối quan hệ song song. Dù vậy, cũng phải chờ tới một chút ‘hi sinh’ của các đơn vị chiếu phim cho sự đóng góp của của điện ảnh nói chung”.
Được biết từ năm 2007, KOFIC thu 3,3% trên 1 vé xem phim để đóng góp cho Quỹ điện ảnh. Đến năm 2019, họ thu về 54,5 tỷ won, đến năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid, số tiền thu được còn 11 tỷ won. Một số dự án phim độc lập sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí nhưng với phim thương mại, họ sẽ thu lại phần trăm và tái đầu tư vào Quỹ.
Nghiên cứu đối tượng khán giả, đẩy mạnh thị trường và tăng cường công tác đào tạo
Cũng có mặt trong buổi hội thảo, ông Koo Jae Soo – Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam đưa ra ý kiến: “Tôi nghĩ rất nhiều yếu tố làm nên thành công cho điện ảnh Hàn có thể áp dụng được tại Việt Nam. Việc nghiên cứu đối tượng khán giả, không chỉ các bạn trẻ mà còn những đối tượng khán giả khác, như tuổi trung niên cũng rất quan trọng. Đó là điều mà CJ CGV luôn trăn trở, nên chúng tôi đã thành lập Quỹ Hỗ trợ văn hóa của CJ, để có những bộ phim không chỉ được chiếu ở những thành phố lớn, mà còn những tỉnh thành nhỏ hơn. Ngoài ra, không thể thiếu những chương trình tìm kiếm tài năng trẻ để phát triển hơn nữa nguồn nhân lực điện ảnh nước nhà.
Khi mà so sánh về tỉ lệ xem phim, một người dân của chúng tôi xem trung bình 4,4 phim/năm còn người Việt là 0,56 phim/năm. Và với chiến lược mà CJ CGV mở rộng rạp chiếu trên khắp các tỉnh thành Việt Nam thì đến năm 2030, số lượng người xem phim ở Việt Nam sẽ càng tăng hơn”.
Ông Koo Jae Soo – Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam mong muốn đối tượng xem phim tại Việt Nam được mở rộng |
Ông Jung Tae Sun – Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ HK cũng có những chia sẻ thẳng thắn về một trong những điểm yếu của thị trường phim Việt hiện giờ: “Trong 10 năm làm việc tại Việt Nam, tôi thấy rằng dù điện ảnh Việt Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn tồn tại điểm yếu. Hệ thống mạng lưới rạp chiếu phim Việt Nam phát triển mạnh ngang ngửa với Hàn Quốc nhưng vẫn còn thiếu sót nhiều về nội dung.
Hiện nay tỉ lệ xem phim của người Việt Nam rất ít nhưng họ vẫn thường không ưu tiên phim nước nhà và hình thành nên định kiến không hay về điện ảnh Việt. Để khắc phục điều này, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam nên có nhiều hỗ trợ hơn nữa, để chúng tôi có thể dễ dàng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và làm phim.
Yếu tố về đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng, giới trẻ Việt Nam rất nhiệt huyết và nhiều nỗ lực trong công việc. Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện hết sức để phát triển tài năng trẻ, nhưng hệ thống đào tạo của các bạn vẫn còn rất hạn chế. Một bộ phim hay thường dựa vào 4 yếu tố: kịch bản, quay phim, diễn xuất và biên tập phim. Các yếu tố này vẫn còn chưa đồng đều với phim Việt. Như ở các nước khác, họ không ngại mời những đạo diễn có tiếng trên thế giới về nước mình để hỗ trợ công tác đào tạo”.
Ông Jung Tae Sun – Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ HK nhận định thị trường phim Việt chưa phát triển là do khán giả có định kiến với phim nước nhà |
Ông Lee Jin Sung – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Entertainment khẳng định năng lực làm phim ở Việt Nam không hề thua thế giới, ông nói thêm: “Chi phí sản xuất phim Hàn Quốc cao hơn Việt Nam thường khoảng 10 lần nhưng giả sử, chúng tôi đưa lại chi phí đó cho người làm điện ảnh của Việt Nam sản xuất phim, tôi hoàn toàn nghĩ các bạn có thể làm tốt hơn chúng tôi. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể làm được điều đó khi thị trường phim Việt chưa đủ lớn để thu hút nhiều sự đầu tư. Để thay đổi điều này, chúng ta cần mở rộng cơ hội trình chiếu phim Việt trong nước lẫn nước ngoài”.
Ông Lee Jin Sung – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Entertainment |
Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức điện ảnh Hàn Quốc cũng đưa ra cam kết sẵn sàng có những sự giúp đỡ và hợp tác để điện ảnh Việt có thể phát triển hơn nữa trong tương lai, và họ cũng mong rằng Chính phủ Việt Nam có thể tạo ra nhiều sự hỗ trợ và những điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển này.
Anh Vũ