Điện ảnh Nhà nước bao giờ mới hết kêu khó?

(TGĐA) - Dẫu không còn ai phân biệt điện ảnh Nhà nước với Tư nhân, nhưng rõ ràng với những khó khăn vướng mắc chưa thể tháo gỡ như hiện nay, các hãng phim trực thuộc sự quản lý của Nhà nước đang đi chậm hơn rất nhiều so với các hãng phim Tư nhân.    

dien anh nha nuoc bao gio moi het keu kho 'Sống cùng lịch sử' chiếu khai mạc trong đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn
dien anh nha nuoc bao gio moi het keu kho Nhìn lại công tác điện ảnh năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ ngành 2019

Điều đáng nói là khó khăn mà những đơn vị này đang gặp phải lại không thể tự gỡ bởi vướng mắc đến từ cấp quản lý. Đây là thực tế mà các Hãng đã nêu ra trong "Hội nghị Sơ kết công tác Điện ảnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019" do Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì vào cuối tuần qua.

dien anh nha nuoc bao gio moi het keu kho
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác Điện ảnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019

Báo cáo tổng kết hoạt động nửa đầu năm 2019 cho biết, Cục Điện ảnh chủ yếu tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thực hiện kế hoạch đặt hàng phim năm 2018 – 2021; Tổ chức xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh và các công tác chuẩn bị tổ chức LHPVN lần thứ 21 tại Vũng Tàu. Trong công tác quản lý, đến giữa tháng 6/2019, Cục Điện ảnh đã tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 15 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 80 phim truyện nước ngoài, 06 phim truyện video, 02 phim tài liệu nhựa và 06 phim tài liệu video. Điều đáng nói, 15 phim truyện chiếu rạp sản xuất trong nước vẫn hoàn toàn là sản phẩm của các hãng phim tư nhân. Như thế để thấy rằng, dòng chủ lưu của điện ảnh Nhà nước vẫn chưa thực sự được khơi thông.

Mặc dù, theo chia sẻ của Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà, “Thị trường điện ảnh Việt được bạn bè quốc tế đánh giá là một thị trường năng động, sức tăng trưởng cao trung bình trong những năm qua là 20 - 30%. Và con số đó vẫn chưa phản ánh đúng bởi điện ảnh Việt là một thị trường trẻ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là Hàn Quốc, Ba Lan rất quan tâm tới thị trường cũng như chính sách và Luật Điện ảnh của Việt Nam” nhưng nhìn từ thực tế hiện nay, với nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều, có thể nói, điện ảnh Nhà nước vẫn chưa thể tự đứng lên trên đôi chân của mình. Cụ thể như sau:

Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho biết: “Vẫn phải có những tác phẩm để phục vụ định hướng xã hội chủ nghĩa, giáo dục tuyên truyền vì vậy vẫn cần ngân sách và các phim đặt hàng của Nhà nước. Nhưng thực tế từ năm 2015 cho tới nay, Hãng chỉ nhận được một phim điện ảnh nhà nước đặt hàng”. Còn đại diện của Hãng phim truyện 1 cho rằng: “Điện ảnh Việt Nam vẫn đang nằm trong tình trạng mê sảng, rất khó khăn. Các hãng phim của Nhà nước dù ở hình thức nào thì vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao. Từ năm 2015 những phim của Nhà nước so với tư nhân bị tụt hậu quá xa. Chính vì vậy, để có những tác phẩm cùng tham gia trong việc phát hành, tuyên truyền cũng như nhóm “bếp lửa tinh thần” để thắp lên những ngọn lửa đam mê, tình yêu nghề nghiệp của anh chị em nghệ sĩ, nên chăng Cục Điện ảnh cần quan tâm nhiều hơn nữa cho việc sản xuất phim điện ảnh, tài liệu, hoạt hình.

Ngoài vấn đề đặt hàng làm phim ít và chưa được khơi thông, các Hãng còn đang gặp phải khó khăn về tình trạng chậm kinh phí và vướng mắc ở khâu thẩm định kịch bản làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của các đơn vị sản xuất. Đạo diễn NSND Nguyễn Như Vũ – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và KHTƯ cho biết từ 2 năm nay Hãng chưa nhận được ngân sách hoạt động. Bên cạnh đó, Hãng đã gửi kịch bản tới Cục điện ảnh từ năm ngoái đến nay vẫn chưa được duyệt. Ông Vũ cho rằng hiện nay Cục Điện ảnh đang bị quá tải trầm trọng, nhiệm vụ cũ vẫn phải làm mà ngày càng có thêm nhiệm vụ mới. “Tôi xin kiến nghị riêng mảng sản xuất nên chăng giao cho các đơn vị sản xuất càng nhiều càng tốt và hiện nay Cục Điện ảnh quản lý sản xuất theo kiểu quá cũ,” ông Vũ đề xuất.

Bà Trần Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần – Hãng phim Hoạt hình Việt Nam nêu rõ do phải chờ đợi, nhận kết quả giám định kịch bản từ Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim giai đoạn 2019-2021 nên việc đảm bảo thời gian cho kế hoạch sản xuất của hãng bị ảnh hưởng không nhỏ. Bà Hiền cho biết: “Hiện tại công ty đã gửi 2 kịch bản từ tháng 12/2018 và 7 kịch bản gửi từ tháng 5/2019 đến nay vẫn chưa có giám định kịch bản. Hãng mong Hội đồng thẩm định kịch bản phim ngắn TW và các bộ phận có liên quan thực hiện việc thẩm định và ra giám định kịch bản theo đúng thời gian quy định, tránh kéo dài tạo điều kiện cho công ty chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện, sửa chữa và thay thế kịch bản đáp ứng những kịch bản có chất lượng cao phục vụ cho kế hoạch sản xuất phim hàng năm.”

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, tất cả những vấn đề từ khâu đặt hàng sản xuất, kịch bản, cho đến việc phát hành để giải quyết rất cần nỗ lực từ nhiều phía. Thứ trưởng yêu cầu Cục Điện ảnh rà soát lại hội đồng duyệt phim để sao cho hợp lý về các bước duyệt, thành phần của hội đồng duyệt. Phải nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với những bước làm phim. Cục cũng phải tạo điều kiện tốt nhất cho những nhà sản xuất, ngoài vấn đề kinh phí cho các phim đặt hàng thì phải có những chính sách tạo điều kiện cho những nhà sản xuất có điều kiện tốt nhất để sản xuất được những bộ phim hay.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, muốn phim hay thì kịch bản phải tốt. Vấn đề này không chỉ liên quan đến Cục Điện ảnh mà liên quan đến tất cả các hãng phim. Mục đích của chúng ta là làm ra được những bộ phim hay và được khán giả công nhận đó mới là thành công. Nhưng các đơn vị phải cân bằng được giữa thị trường và nghệ thuật, không nên quan niệm phim thị trường thì không nghệ thuật và ngược lại. Bộ VHTT&DL cũng tạo mọi điều kiện để điện ảnh phát triển nhất là trong việc đặt hàng. Tuy nhiên, các đơn vị điện ảnh chỉ nên coi nguồn kinh phí của nhà nước đó là nguồn kích cầu, thời hạn hưởng nguồn đó chưa thể biết là bao giờ. Chính vì vậy, nội lực của những người làm điện ảnh rất quan trọng. Các đơn vị điện ảnh cố gắng bằng nội lực của mình nhìn lại quan điểm sản xuất phim, nguồn kịch bản, chất lượng con người. dùng sức mạnh tập thể để tạo đà cho điện ảnh phát triển.

dien anh nha nuoc bao gio moi het keu kho 'Sống cùng lịch sử' chiếu khai mạc trong đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn
dien anh nha nuoc bao gio moi het keu kho Nhìn lại công tác điện ảnh năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ ngành 2019

Thảo Nguyên