Điện ảnh phim nhựa đi về đâu?

Sau 133 năm tồn tại Tập đoàn Eastman Kodak mới đây đã phải chính thức đệ đơn xin phá sản. Để được công bố lá đơn này từ nhiều tháng nay Kodak đã phải tuyên bố tái cơ cấu và vận động nhiều đối tác và Citigroup đã đồng ý cho công ty này khoản tín dụng ưu đãi 950 triệu USD. Theo luật Mỹ, khi đã đăng ký thủ tục phá sản, công ty được ngưng lo đối mặt với đòi hỏi của các chủ nợ để có thời gian tái cơ cấu các khoản nợ hoặc bán một số cổ phần của doanh nghiệp. Điều đó cho phép Kodak vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục ra sản phẩm trong các điều kiện rất eo hẹp và khốn khó. Nguyên nhân chính dẫn đến sự phá sản của tập đoàn này nằm trong lĩnh vực phim chụp ảnh, không cạnh tranh nổi với các thương hiệu máy ảnh kỹ thuật số như Canon, Nikon… Nhưng tờ đơn xin phá sản mang con dấu Kodak đã làm ảnh hưởng đến một tên tuổi lớn trong lĩnh vực văn hóa giải trí thế giới.

(TGĐA) - Điện ảnh phim nhựa đi về đâu khi bước vào kỷ nguyên điện ảnh công nghệ số?

dienanhnhua

130 năm đồng hành cùng con người Kodak đã chính thức phá sản

Những tin bài đăng trên báo và phát trên truyền hình trong và ngoài nước vài tháng qua khiến công chúng điện ảnh trên thế giới không thể không lưu tâm. Họ vẫn luôn hân hoan chờ đón các siêu phẩm mới từ Hollywood, Tây Âu, luôn hồi hộp ngắm nhìn phút đăng quang của những ngôi sao trên thế giới. Bởi lẽ đây là hãng đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản suất phim nhựa mà hơn 80 bộ phim đoạt giải Oxcar được quay bằng phim Kodak. Phải chăng nền điện ảnh ghi hình bằng phim nhựa đang ở phút lâm chung? Lời kết về một ngành công nghiệp khổng lồ và truyền thống có hơn trăm tuổi vẫn còn đang để ngỏ. Nhìn lại quá trình tồn tại và phát triển của phim điện ảnh nói chung mới thấy thảm đỏ dẫn đến những Oscar, LHP Cannes,Venice… đã phải trải qua quá nhiều chông gai và thách thức.

Điện ảnh ra đời những năm cuối thế kỷ 19 đã nhanh chóng tập hợp những ưu thế của kỹ thuật và tiếp thu những tinh hoa từ các lĩnh vực nghệ thuật tạo hình và biểu diễn trước đó là hội họa, nhiếp ảnh cũng như sân khấu. Sức hấp dẫn mới đã nhanh chóng tôn vinh điện ảnh là “Nghệ thuật thứ 7”, trở thành một lĩnh vực nghệ thuật quảng đại nhất nửa đầu thế kỷ 20. Nhận thấy ưu thế truyền thông hình ảnh và sức mạnh tuyên truyền của của phim thời sự và tài liệu điện ảnh, V.Lê nin đã từng ghi nhận “Điện ảnh là nghệ thuật quan trọng nhất trong số các lĩnh vực nghệ thuật”. Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, bộ mặt thế giới hiện đại đổi thay hoàn toàn mà một phần dấu ấn của sự thay đổi ấy được phản ánh trong các di sản phi vật thể của G.Méliès, D.W.Griffith, S.Eisenstein, Walt Disney, Orsen Welles, R.Rossellini…

Cong_nghe_moi_chua_chac_da_giet_chet_nen_dien_anh_phim_nhua

Bước vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước sức mạnh của truyền hình đã thật sự thách thức điện ảnh. Bước đầu là mảng tin tức phóng sự, sau nữa là phim tài liệu truyền hình. Số lượng khán giả vào rạp xem phim càng vợi đi hơn khi phim truyện truyền hình bắt đầu phổ biến. Những phim truyền hình dài tập Trên từng cây số, 17 khoảnh khắc của mùa xuân từng vượt qua biên giới Bungari, Liên xô cũ để chinh phục khán giả ở Việt Nam xa xôi. Năm 1983 bộ phim Ngày hôm sau (The Day After) là phim truyền hình Mỹ đầu tiên đạt kỷ lục 100 triệu người xem. Các serie phim dài tập trên màn ảnh nhỏ đã không chỉ giữ chân các bà nội trợ mà ngay cả giới trẻ trên thế giới trong đó có Việt Nam cũng dần có thói quen ngồi nhà xem tivi để khóc cười cùng Maria, H. Carlos trong Đơn giản tôi là Maria của México.Có bộ phim truyền hình dài tập khiến tới cả ba thế hệ liên tiếp mới xem hết được như serie phim Một đời để mà sống (One Life to Live) phát sóng 7/1968 và kết thúc 20/1/2012 mới đây… Các chương trình trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế vv… cũng góp phần đưa vô tuyến truyền hình dẫn đầu về số lượng khán giả trong lĩnh vực nghe nhìn và giải trí. Những năm trước và sau 1980 bình quân mỗi người dân ở các nước phát triển một năm 12 lần vào rạp xem phim. Hiện nay không ít thanh niên thành phố lớn cả năm không hề vào rạp, mà chỉ biết đến phim ảnh qua màn hình vô tuyến hoặc đĩa hình. Các kênh truyền hình đầy ắp các hình thái trò chơi, truyền hình thực tế, thể thao…đã khiến điện ảnh trở nên thời thượng dành cho số một số công chúng đến thưởng ngoạn giá trị nghệ thuật của hình ảnh và âm thanh. Mặt khác các nhà sản xuất cũng phải chạy theo thị hiếu để sản xuất các dòng phim giải trí, thương mại nhằm dẫn dụ khán giả trẻ vào rạp.

Cong_nghe_moi_chua_chac_da_giet_chet_nen_dien_anh_phim_nhua_2

Kỹ thuật sản xuất hình ảnh không ngừng được nâng cao với sự phát triển của phim màn ảnh rộng 70 mm, hệ thống rạp Imax chiếu phim khổ ngang để phát huy tối đa bề mặt phim chiếu. Kodak cũng nằm trong đội ngũ đi tiên phong trong lĩnh vực nâng cao khả năng tái hiện hình ảnh với phim quay T-Grain có chất lượng hình ảnh cao. Phim độ nhạy sáng cao thuộc chủng loại này vẫn bảo đảm hình ảnh trong và mịn của công nghệ in tráng tân tiến. Lĩnh vực điện tử phát triển vượt bậc với sự số hóa dữ liệu trong xử lý tín hiệu hình ảnh và âm thanh đã đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp điện ảnh trong kỹ xảo cũng như hậu kỳ phim. Hàng loạt bộ phim với kỹ xảo tuyệt đỉnh của Hollywood đã chinh phục hàng tỷ khán giả điện ảnh năm châu như: Kẻ hủy diệt (Terminator), Chúa Nhẫn trở về (The Return Of The King), Harry Potter, Cướp biển vùng Caribe (Pirates Of The Caribbean), Tranfomers, Avatar vv…đem lại cho Hollywood những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Thuong_hieu_Kodak_mot_thoi_da_lui_lai_sau_lung

Kỹ thuật số thúc đẩy điện ảnh phát triển vượt bậc. Nhưng nền sản xuất phim nhựa bị cạnh tranh quyết liêt khi các thiết bị ghi hình độ phân giải cao liên tiếp xuất hiện. Các chủng loại máy quay phim truyền hình độ nét cao xuất hiện trước năm 2000 cùng các kênh HDTV ngày một phổ cập. Tiếp đó là các loại camera 24P (chuẩn điện ảnh) như : Sony HDCAM Series, Red One, Arri flex D20,21 và Alexa, Panavisions Genesis, Silicon Imaging SI-2K… ra đời đã nhanh chóng gia nhập các đoàn phim. Kể từ năm 2002 hình ảnh video độ phân giải cao thuộc hệ thống Sony đã đạt xấp xỉ điện ảnh về độ sắc nét. Phương cách ghi hình và tái hiện hình ảnh kỹ thật số theo chuẩn điện ảnh của các tập đoàn sản xuất hàng đầu cũng khác nhau. Red one và Arri digital thiết kế máy quay sử dụng công nghệ CMOS để xử lý tín hiệu ánh sáng và tái hiện hình ảnh, màu sắc. Dòng máy Genesis của Panavision sử dụng 1 chip CCD 12,4 triệu pixel, khác biệt với dòng Cine Alta của Sony với 1 tuyp 2/3 CCD. Các dòng máy quay Dalsa Origin, Red định dạng hình ảnh máy quay 4k, SI-2K trong khi các máy quay của Arri chỉ cho phép hình ảnh đầu ra với độ phân giải 2k để sau đó nâng cấp hình ảnh quay thông qua hệ thống Arri laser khi in lên bề mặt phim nhựa…
Các nhà làm phim đã dần có thói quen sử dụng thiết bị ghi hình kỹ thuật số. Sau thành công về doanh thu của Cuộc tấn công của người vô tính (Star Wars II 2002) được quay bằng máy quay kỹ thuật số Sony F23 và Siêu nhân trở lại (Superman Return 2005) được quay bằng Panavision Genesis, đến năm 2009 Giải Oscar dành cho quay phim xuất sắc đã được trao cho phim Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog Millionaire) với nhiều trường đoạn quay bằng máy SI-2K của Hãng P+S Technik (Đức). Vừa mới đây tập đoàn Arri nổi tiếng của Đức cũng hân hoan công bố trong số 11 phim được đề cử các giải Oscar 2012 có 4 phim sử dụng máy quay phim arri và 2 phim trong số đó sử dụng máy quay kỹ thuật số Arriflex Alexa.

Slumdog_Millionaire_voi_nhieu_truong_doan_quay_bang_may_SI-2K_cua_Hang_PS_Technik

Dẫu vậy, nhìn toàn cảnh điện ảnh Mỹ và trên toàn thế giới cũng như ngay tại Việt Nam, hiện tại các bộ phim có đầu tư lớn việc ghi hình chủ yếu vẫn bằng phim nhựa 35 và 65mm (là phim quay khi in ra thành 70mm để chiếu rạp). Máy quay kỹ thuật số chuẩn 24P thường được tham gia trong các cảnh quay kỹ xảo và đặc biệt. Nhưng các phim ngân sách eo hẹp máy quay kỹ thuật số được lựa chọn vì giá cả phải chăng, thao tác đơn giản. Các nhà làm phim dùng máy quay số cũng thích thú khi biết trước kết quả và hiệu quả hình ảnh ngay sau khi thực hiện cảnh quay. Các dòng máy quay truyền hình định dạng DV cũng như các loại máy ảnh kỹ thuật số hiện cũng được các nhà làm phim truyện truyền hình, phim truyện ngắn và quảng cáo ưa chuộng. Với rất nhiều lý do trên thị phần của ngành sản xuất vật liệu ghi hình bằng phim nhựa mỗi ngày thêm bị thu hẹp. Không những trong phạm vi sản xuất phim, nhiều rạp chiếu cũng đua nhau lắp đặt thêm máy chiếu phim kỹ thuật số. Số lượng rạp kỹ thuật số ở Mỹ đã lên con số 4000 và sẽ còn tăng hơn nữa. Hệ thống phát hành kỹ thuật số cũng giản tiện hơn vì bộ phim có thể chuyển tới rạp bằng ổ cứng hoặc qua đường intrernet. Các tập đoàn Kodak của Mỹ và Fuji của Nhật vốn đã bị đẩy lùi trong trong lĩnh vực phim chụp ảnh, phải chuyển vốn sang kinh doanh máy ảnh số, nay lại phải cầm cự ngay trên lĩnh vực sở trường của mình là phim nhựa negative ghi hình, phim in dương bản positive hậu kỳ và phim chiếu hàng loạt.

Liệu bao giờ phim nhựa bị thay thế hoàn toàn bởi phim kỹ thuật số? Đã có những chuyên gia nước ngoài nhận định chỉ cùng lắm mười năm hay 20 năm nữa. Nhưng phỏng đoán vẫn chỉ là phỏng đoán. Và “ngày tận thế” của điện ảnh phim nhựa sẽ không dễ và không hẳn trở thành hiện thực. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của nghệ thuật nhiếp ảnh, ưu thế phổ cập của nó đã không thể bóp chết được nghệ thuật hội họa, trái lại các tác phẩm của các họa sĩ tài ba mỗi ngày một đắt giá hơn. Điện ảnh và truyền hình ngày một phát triển rộng rãi nhưng các nghành nghệ thuật biểu diễn như sân khấu, múa vẫn sẽ còn tồn tại dù số lượng người xem ít đi. Nói rộng hơn nữa, đài phát thanh đã không thay thế được báo giấy, truyền hình cũng không xóa bỏ được phát thanh. Con người trong xã hội hiện đại không chỉ đòi hỏi nhu cầu về thông tin thông qua các phương tiện nghe và nhìn đơn thuần,mà còn yêu cầu ngày một đa dạng khắt khe hơn những giá trị thẩm mỹ và văn hóa trong tác phẩm nghệ thuật.

Chất lượng hình ảnh của phim nhựa hiện vẫn là đích để hình ảnh số hóa phấn đấu. Chất liệu phim nhựa cho phép tái hiện được tới 800 triệu màu sắc so với 17 triệu của khuôn hình video chuẩn điện ảnh. Đế phim nhựa có thể chuyển tải những chi tiết tinh vi của ánh sáng và màu sắc và thể hiện một cách tốt nhất mối quan hệ giữa vùng sáng nhất với vùng tối nhất trong khuôn hình. Hình ảnh quay bởi máy quay KTS chuẩn điện ảnh 24P của Sony có tỷ lệ tương phản tối đa 150:1, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 1000:1 của phim nhựa. Như vậy hình ảnh phim nhựa chuyển đổi trung thành hơn từ màu này qua màu khác, từ độ chói này qua độ chói khác. Nhìn những hình ảnh quay bằng máy số, những cảnh râm và nắng lỗ chỗ do bóng cây hay khoảng tối sáng xen kẽ trong công trình kiến trúc không thể so với hình ảnh quay trên máy quay phim nhựa. Nhìn bình thường cũng thấy trên màn ảnh video chuẩn HD những phần thừa sáng mất hẳn chi tiết và trở nên bạc phếch. Để bảo tồn và lưu trữ hình ảnh động, phim nhựa vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Phương thức ghi hình bằng chất liệu phim nhựa và làm hậu kỳ bằng công nghệ kỹ thuật số là giải pháp tối ưu nhất đối với công nghiệp sản xuất phim điện ảnh hiện nay.

Lam_phim_o_Viet_Nam

Kodak phá sản nhưng chưa phải là sụp đổ. Ở Mỹ những năm đầu 90 Hãng xe Ford danh tiếng từng bị người Nhật mua lại, nhưng xe ô tô Ford hiện nay vẫn là một thương hiệu được kính trọng bậc nhất. Kỹ thuật điện ảnh của Mỹ và thế giới chưa khi nào lỗi thời, vẫn đang tập hợp những lĩnh vực đỉnh cao của kỹ nghệ như hóa học, cơ khí chính xác và công nghệ na-no, hiện vẫn đang ứng dụng những tiến bộ mới nhất của điện tử, công nghệ thông tin để tự hoàn thiện mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là Giám đốc điều hành của Kodak, Antonio M. Perez nói “quyết định xin được bảo hộ theo thủ tục phá sản là điều đúng đắn cần làm cho tương lai của Kodak".

Trình độ nghiệp vụ cũng như mặt bằng công nghệ sản xuất phim của Việt Nam còn thấp hơn so với mặt bằng thế giới. Nhận thức đi tắt đón đầu là cần thiết để tránh được những thiệt thòi về bài toán tài chính cũng như tránh phải nhập khẩu những thiết bị không phù hợp hoặc lỗi thời để rồi xếp xó.Điều quan trọng nhất vẫn là đào tạo cơ bản kỹ thuật viên chuyên nghành có bài bản thay vì kiêm nghiệm, nghề chuyền tay như hiện nay. Mấy năm gần đây không ít những kỹ thuật viên máy quay, kỹ thuật hình, ánh sáng có tay nghề của các hãng phim phải cố theo học tại chức quay phim để có văn bằng đại học. Ngoài lý do thu nhập cá nhân để chuyển hệ lương, đi học là để họ thoát khỏi mặc cảm là… công nhân.

Kỷ nguyên điện ảnh công nghệ số mở ra nhiều phương án sản xuất và hậu kỳ phim cũng như đòi hỏi bản lĩnh của những nhà làm phim. Thói quen bóc ngắn cắn dài, nóng vội trong việc thay đổi công nghệ theo dự án từng đã gây ra nhiều sự hoang phí với những đống thiết bị không phát huy hết hiệu quả và một số máy móc đắt tiền hiện vẫn bị xếp xó. Do thiếu thông tin về điện ảnh hiện đại có người đã lầm tưởng chỉ có dòng máy quay của Red One là hiện đại bậc nhất trong hàng ngũ máy quay kỹ thuật số tiêu chuẩn điện ảnh.Gần đây, các bộ phim Việt Nam quay bằng loại máy này đã được tung hê quá mức cả về phương diện kỹ thuật lẫn nghệ thuật hình ảnh. Nhìn ra thế giới loại máy quay này được ưu tiên hơn đối với các đoàn phim có kinh phí không cao, hoặc với các phim truyền hình phát sóng chuẩn HD.

Sự sáng suốt của các cấp lãnh đạo ngành điện ảnh cũng như văn hóa cùng những quyết sách thượng tầng có thể làm cho nền điện ảnh vững vàng vượt qua khó khăn để tồn tại, thậm chí có thể đạt được những thành công ngoài dự kiến. Ngược lại sai lầm từ chính sách cũng có thể gây ra tổn hại không dễ gì khắc phục. Còn nhớ, chúng ta đã vội vã từ bỏ việc in tráng phim nhựa đen trắng và điện ảnh Việt nam đã không làm phim đen trắng từ suốt 20 năm qua. Trên thế giới phim đen trắng vẫn tiếp tục tồn tại với minh chứng từ Bản danh sách của Schinder 1993 - Phim đoạt 6 giải Oscar, đứng thứ 8 trong danh sách 100 phim Mỹ hay nhất do Viện phim Mỹ bình chọn và The Artist, bộ phim đen trắng của điện ảnh Pháp với giải thưởng Oscar danh giá vừa qua.

Nhà quay phim-NSƯT Phạm Thanh Hà

Bình luận