(TGĐA) - Đoàn Điện ảnh Công an Nhân dân vũ trang (CANDVT) được thành lập ngày 15/6/1968 trên cơ sở hợp nhất các đội chiếu bóng (1959) và bộ phận quay phim (1960); năm 1980 đổi thành Đoàn Điện ảnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP); năm 2005 đổi thành Điện ảnh BĐBP, ngày 10/12/2013, đổi tên thành Điện ảnh - Truyền hình BĐBP trực thuộc Cục Chính trị BĐBP.
Ngay từ khi mới triển khai hoạt động, các đội chiếu bóng đã vượt đường xá xa xôi, địa hình phức tạp |
Những ngày đầu
Ngày 25/9/1959, Cục Chính trị đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh CANDVT thành lập 12 đội chiếu bóng và 20 đội ảo đăng (đèn chiếu) làm công tác chiếu bóng tuyên truyền trên các tuyến biên giới. Sau đó thành lập “Đoàn chiếu bóng Công an NDVT” trên cơ sở thống nhất các đội chiếu bóng toàn lực lượng.
Ngay từ khi mới triển khai hoạt động, các đội chiếu bóng đã vượt đường xá xa xôi, địa hình phức tạp, khí hậu miền núi khắc nghiệt để đến với từng đơn vị, từng bản làng biên giới. Không thể nói hết được những vất vả, gian khổ của các chiến sĩ Điện ảnh CANDVT thời kỳ này. Nhưng ở bất cứ đâu, các anh cũng được đón nhận sự quan tâm và tình cảm yêu mến của người xem. Khi màn ảnh bật sáng, đồng bào thấy được hình ảnh của Bác Hồ, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện lên sống động gần gũi, làm cho ai nấy đều xúc động, nghẹn ngào.
Hàng vạn buổi chiếu bóng đã được thực hiện như vậy làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về Đảng, Nhà nước, góp phần cổ vũ, động viên bà con một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng.
Ngay khi mới thành lập tổ quay phim, Bộ Tư lệnh đã cử 03 đồng chí tham gia lớp đào tạo quay phim khóa I của Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam |
Ngay khi mới thành lập tổ quay phim, Bộ Tư lệnh đã cử 03 đồng chí tham gia lớp đào tạo quay phim khóa I của Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Từ năm 1961 - 1968, bất chấp khói lửa, đạn bom, tổ quay phim đã tỏa đi các ngả đường bám sát các mặt trận kịp thời ghi lại những thước phim nóng bỏng, chân thực về cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh và anh dũng của quân và dân ta. Tiêu biểu như các phim tài liệu: Trên thao trường, Lũng thép Quảng Bình, Công an NDVT làm theo lời Bác, Một ngày bình thường; các phim truyện: Trên vĩ tuyến 17, Lửa rừng và hàng trăm cuốn phim thời sự. Các phim này đều được giới chuyên môn của Điện ảnh nước nhà ghi nhận và đánh giá cao.
Để đảm bảo thống nhất trong chỉ huy chỉ đạo, nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng tuyên truyền, ngày 15/6/1968 Bộ Tư lệnh CANDVT đã ban hành Quyết định số: 40/ QĐ-BTL về thành lập Đoàn Điện ảnh CANDVT, trên cơ sở hợp nhất các đội chiếu bóng (1959) và bộ phận quay phim (1960).
Các đội chiếu bóng tiếp tục gắn bó thường xuyên với các địa bàn biên giới, khắc phục khó khăn gian khổ để tiến hành công tác. Nhiều đội đã bám sát các đơn vị chiến đấu, phục vụ kịp thời cán bộ, chiến sĩ. Có đội chiếu bóng hành quân theo mũi tiến quân vào Quảng Trị, phục vụ kịp thời cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng.
Những thước phim do các tổ phóng viên của Điện ảnh CANDVT được in tráng và sản xuất ngay tại đơn vị |
Sau ngày 30/4/1975, các đội chiếu bóng của CANDVT đã kịp thời triển khai phục vụ nhân dân biên giới, bờ biển vùng mới giải phóng, đem tiếng nói, hình ảnh Cách mạng đến với Nhân dân, góp phần tuyên truyền về Đảng, Bác Hồ, Quân đội, củng cố niềm tin của nhân dân với chế độ mới.
Sau khi được thành lập, Đoàn Điện ảnh CANDVT, công tác sản xuất phim được trên quan tâm bổ sung biên chế, và các trang thiết bị, như: Máy quay phim, dựng phim và làm hậu kỳ hiện đại nhất thời kỳ bấy giờ. Đội ngũ quay phim được gửi đi đào tạo cấp tốc tại Trường Điện ảnh Việt Nam, Điện ảnh Quân đội các lớp “phóng viên quay phim mặt trận”.
Với những kiến thức và trang bị có được, các phóng viên Điện ảnh CANDVT đã đến khắp mọi miền đất nước để thực hiện những thước phim mang đầy hơi thở cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta. Năm 1977, 1978 các tổ làm phim được triển khai vào biên giới Tây Nam ghi lại hình ảnh chiến đấu bảo vệ biên giới của quân và dân ta trước tội ác dã man của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng xary. Đầu năm 1979, các phóng viên của Điện ảnh Công an NDVT đã bám sát từng Đồn Biên phòng, từng làng bản biên giới để phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Một số hình ảnh hoạt động của Phóng viên Điện ảnh - Truyền hình BĐBP |
Những thước phim do các tổ phóng viên của Điện ảnh CANDVT được in tráng và sản xuất ngay tại đơn vị đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người xem khi được công chiếu, đó là các phim: Cảnh Dương sẵn sàng chiến đấu, Sóng Cát, Ngọn cờ Hiền Lương, Chặng đường biên giới, Hướng tới chiến trường xa, Theo chiến sĩ an ninh vào Quảng Trị, Đi giữa mùa xuân đại thắng, Quê hương tôi giải phóng, Huân chương mang tên Bác, Tiếng hát chiến sĩ biên phòng, Trên biên cương phía Bắc…
Trong hơn 10 năm (1968 - 1979), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Đảng ủy Cục Chính trị, Đoàn Điện ảnh CANDVT đã trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Các phóng viên, nghệ sỹ luôn có mặt ở khắp các địa bàn nóng bỏng để thực hiện nhiệm vụ. Các tác phẩm điện ảnh ra đời trong thời kỳ này đã khẳng định vững chắc vị trí của Điện ảnh CANDVT trong nền Điện ảnh nước nhà và Điện ảnh lực lượng vũ trang cách mạng, góp phần vào thực hiện thành công nhiệm vụ công tác Tư tưởng - Văn hóa của Đảng.
Phóng viên Điện ảnh - Truyền hình BĐBP trong phòng thu |
Năm 1979, Đoàn Điện ảnh CANDVT được đổi tên thành Đoàn Điện ảnh Bộ đội Biên phòng. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất phim phóng sự, tài liệu phục vụ tuyên truyền, Đoàn Điện ảnh BĐBP còn có thêm một nhiệm vụ rất quan trọng: quay phim, lưu trữ các tư liệu phim nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ, đấu tranh giữ gìn biên giới lâu dài của Đảng, Nhà nước.
Trong hơn 10 năm (1980 - 1991), Đoàn Điện ảnh vẫn sản xuất phim nhựa. Ngoài ra còn bám sát nhiệm vụ chính trị của Quân đội và lực lượng BĐBP, bám sát thực tế công tác, chiến đấu bảo vệ biên giới vùng biển để quay phim và xây dựng các tác phẩm phim tài liệu, phóng sự đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền.
Điện ảnh Truyền hình BĐBP tham gia trại sáng tác kịch bản |
Thời gian này nhiều phim mang dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả lần lượt ra đời, đó là hai bộ phim truyện Con ngựa bốn vó trắng, Đường suối con và hàng chục phim tài liệu, phóng sự tiêu biểu như: Pắc Pó, Thăm lại đầu nguồn, Khúc ca hữu nghị, Chiến sĩ biên phòng và con chó nghiệp vụ, Nụ cười Bay - on, Chiều trên đảo, Lời giao ước, Con tàu chúng tôi, Miền đất nơi chân sóng, Miền quê biên giới, Sóng gió biển Kiên Giang…
Từ đầu những năm 1990, trước xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, Đoàn Điện ảnh BĐBP nhanh chóng tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại. Sau những chập chững ban đầu, từ năm 2002, Đoàn Điện ảnh BĐBP đã bước sang thời kỳ làm phim bằng công nghệ mới và gắn việc tuyên truyền, truyền bá tác phẩm của mình trên sóng truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quân đội, Công an và các chương trình chuyên đề khác của VTV. Cũng từ đây, bên cạnh việc tham gia các Liên hoan của ngành Điện ảnh, Đoàn Điện ảnh BĐBP cũng tích cực tham gia các Liên hoan Truyền hình toàn quốc, toàn quân, công an và gặt hái được nhiều thành công.
Đoàn Điện ảnh BĐBP trên Đảo Trường Sa |
Từ năm 1992 đến 2005, mỗi năm Điện ảnh BĐBP sản xuất hàng chục phim phóng sự, tài liệu phát sóng truyền hình và cung cấp cho phát hành phim Quân đội sản xuất băng đĩa phát hành trong toàn quân, tiêu biểu là các phim: Trăn trở vùng biên cương, Đứng gác trên đỉnh cao 3000, Lửa rừng Cha Lo, Chống buôn lậu ở vùng biển Đà Nẵng, Có một làng như thế, Ngược dòng, Nói với Hồ Vải, Kỹ sư địa đạo, Đảo xa nhớ Bác, Biên cương mùa vàng, Cây đàn Trơ bon, Người lính trên đảo đèn, Nạn buôn người qua biên giới…đã đạt giải Vàng, Bạc trong các kỳ liên hoan Truyền hình toàn Quốc, toàn Quân và ngành Công an.
Giai đoạn này, Đoàn Điện ảnh BĐBP cũng phối hợp với Hãng phim truyện truyền hình Việt Nam sản xuất các phim truyện video như phim: Người từ nước Mỹ trở về, Mặt trận không tiếng súng, Đốm lửa biên thùy, Biên cương ngày thường.
Một số phim tiêu biểu của Điện ảnh BĐBP |
Đặc biệt, với sự quan tâm của Đài truyền hình Việt Nam, từ năm 2005, Đoàn Điện ảnh BĐBP được đặt hàng sản xuất chương trình truyền hình “BĐBP tiếng Mông” phát trên kênh truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) với tần xuất một tháng 2 chương trình (30 phút/1 chương trình) và tham gia “Đề án phát triển Truyền hình tiếng dân tộc 2006 - 2010”. Có thể nói từ năm 1980 - 2005, Điện ảnh BĐBP có sự biến đổi và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đơn vị đã mạnh dạn thay đổi phương thức hoạt động, công nghệ sản xuất mới phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành Điện ảnh - Truyền hình nước nhà, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.
Tự hào Điện ảnh – Truyền hình Bộ đội Biên phòng
Ngày 01/12/2005, Đoàn Điện ảnh BĐBP đổi tên thành Điện ảnh BĐBP. Và ngày 10/12/2013, lấy tên chính thức như hiện nay Điện ảnh - Truyền hình BĐBP, chuyên trách thực hiện công tác tuyên truyền trên truyền hình, hoạt động theo quy định của Luật báo chí, dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục Chính trị.
Khối lượng tác phẩm do đơn vị sản xuất lên đến hơn 2000 cuốn phim nhựa, hàng chục nghìn cuốn băng Vidieo, hàng vạn file dữ liệu hình ảnh động chất lượng cao |
Trong giai đoạn này, mặc dù với quân số hạn chế, lực lượng chuyên môn mỏng, phần lớn là anh em trẻ còn thiếu kinh nghiệm (đội ngũ sáng tác giàu kinh nghiệm phần lớn đã hết tuổi phục vụ, được giải quyết nghỉ hưu theo chế độ), song đơn vị đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác tuyên truyền của lực lượng.
Để thực hiện hiệu quả các chương trình truyền hình, cán bộ phóng viên, biên tập viên của Đơn vị luôn có mặt ở hầu hết các tuyến biên giới, biển đảo để phán ánh kịp thời các hoạt động, công tác, chiến đấu của quân và dân ta. Mặc dù hoạt động trên lĩnh vực truyền hình (báo chí) nhưng các tác phẩm luôn mang đậm chất “điện ảnh” trong từng khuôn hình, từng cảnh quay và bố cục tác phẩm. Trong những năm qua, với sự tham mưu và hướng dẫn chuyên môn tích cực của Đơn vị đến nay đã có 41/44 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo”, “Biên phòng toàn dân” của BĐBP các tỉnh, thành phố được sản xuất và phát sóng định kỳ thường xuyên trên Đài phát thanh & Truyền hình địa phương, đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền.
Vinh dự đón nhận huân chương Tổ Quốc hạng nhì |
Đơn vị cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các Kênh của các Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, VTV24, VTC, VOV, HTV7, VTV9, QPVN, ANTV… thường xuyên cung cấp các tin tực thời sự và các phim phóng sự, tài liệu để phát sóng tuyên truyền được các kênh và các Đài Truyền hình đánh giá cao.
Chủ đề được phản ánh trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình do Đơn vị sản xuất trong giai đoạn từ 2006 đến 2018 rất phong phú và đa dạng. Đến nay đã sản xuất, phát sóng được 249 số chương trình Tạp chí truyền hình “Biên giới biển đảo” trên Kênh VTC1; 362 số chuyên đề truyền hình “BĐBP tiếng mông” trên kênh VTV5, 65 số chuyên đề truyền hình “Biên giới, biển đảo quê hương” trên kênh VTV9.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, cho dù phải đối diện với muôn vàn gian khổ, hy sinh nơi khói lửa chiến tranh, hay nỗ lực vượt qua những khó khăn của thời kỳ phim nhựa thoái trào, bắt tay vào chinh phục công nghệ sản xuất thời kỹ thuật số đầy thách thức Điện ảnh CANDVT trước đây và Điện ảnh - Truyền hình BĐBP ngày nay vẫn luôn vững vàng và phát triển.
Một số Nghệ Sỹ, chiến sỹ tiêu biểu của Điện Ảnh - TH BĐBP |
Các thế hệ Cán bộ, nghệ sỹ, phóng viên, công nhân viên một lòng đoàn kết, yêu nghề, và cháy hết mình vì nghệ thuật, đam mê cống hiến cho nghệ thuật, kết hợp giữa nghệ thuật điện ảnh với truyền hình một cách nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo. Khối lượng tác phẩm do đơn vị sản xuất lên đến hơn 2000 cuốn phim nhựa, hàng chục nghìn cuốn băng Vidieo, hàng vạn file dữ liệu hình ảnh động chất lượng cao hàng năm liên tục được bổ sung thêm. Đây thật sự là kho tư liệu vô giá về hoạt động xây dựng và bảo vệ biên giới cửa quân và dân ta, về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP, đồng thời là những tài liệu hình ảnh động quan trọng phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới của Nhà nước.
Thu Thủy