(TGĐA) - Tháng 8 làm cho Đoan Trường nhớ về nước Nga, nhớ rừng bạch dương, nhớ những điệu dân ca và đặc biệt nhất là nhớ mùa thu vàng nước Nga. Chỉ những ai đã từng một lần ngắm nước Nga vào mùa thu mới cảm nhận hết được vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng. Cũng vào ngày này năm ấy, đúng 36 năm về trước, lần đầu tiên anh đã đặt chân đến Moskva trong cái se lạnh mùa thu đầu tiên.
Thổ Nhĩ Kỳ - Quốc gia vừa xảy ra trận động đất trong ký ức đẹp của ca sĩ Đoan Trường | |
Đoan Trường: Đợi chờ 9 năm trở lại Paris chỉ để mặc áo dài Việt Nam! |
Trước ngày khai giảng năm học mới sắp đến, Đoan Trường bồi hồi nhớ lại: “Tôi háo hức chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Công nghệ Hóa Tinh Vy Lômônôsôv Moskva (MITXT) sau khi thi đậu lọt top 10 trường ĐH Bách Khoa TP.HCM với số điểm 27/10 cho 3 môn Toán, Lý, Hóa. Đối với tôi, gần 8 năm sống, học tập và làm việc tại nước Nga là ngần ấy những kỷ niệm buồn vui mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Đó cũng là thước đo cho sự trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm để vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống của tôi đến tận ngày hôm nay! Ngày ấy tôi chỉ mới mười chín, đôi mươi nên lần đầu tiên xa gia đình để bắt đầu cuộc sống tự lập vừa nôn nao, tự hào nhưng cũng vừa lo lắng muộn phiền vì theo quy định thì lưu học sinh chỉ được về phép thăm nhà sau khi đã hoàn tất các môn học năm thứ 2”.
Trong cuốn nhật ký, anh viết: “Khi ấy tôi còn chưa từng được đi máy bay và thậm chí còn chưa từng đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi vẫn nhớ như in khi bước lên chuyến xe buýt từ nhà ga ra thang máy bay vào buổi chiều muộn ngày 17/8/1987 tự nhiên trời mưa mù mịt làm nhiều bạn bật khóc nên tôi cũng khóc theo”.
Chuyến bay IL 86 của hãng HK Aeroflot đã đưa 300 lưu học sinh miền Nam đáp xuống sân bay Sheremenchevơ vào buổi sáng đầu thu khá lạnh |
Bộ Đại học Liên Xô và ĐSQ VN ra tận sân bay đón đoàn về ở tạm ký túc xá số 4 của trường ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva. Từ đây niên khóa 1987 của cả 2 miền Nam - Bắc tỏa nhau về học khắp các ngôi trường tại nhiều tỉnh thành và các quốc gia trong Liên bang Xô Viết.
Vì làm trưởng đoàn nên anh có may mắn giữ lại được chiếc vé máy bay ngày 17/8/1987 cho đến tận hôm nay |
Phía bên trường Đại học cử đại diện là một anh sinh viên người Việt năm thứ 5 và một cô giáo người Nga có gương mặt phúc hậu ra đón. Anh được đưa về ký túc xá nằm ngay cạnh trường ở phía Tây Nam thành phố tại tuyến Metro màu đỏ Yugơzapatnaia trên một ngọn đồi cao bên cạnh là những cánh rừng thông bạt ngàn.
Cô Lêna cũng chính là giáo viên chủ nhiệm dạy tiếng Nga cho sinh viên Việt Nam |
Tranh thủ trước ngày khai giảng, anh dạo chơi trong những cánh rừng bạch dương, thưởng thức các món ăn Nga, tham quan nhiều danh thắng nổi tiếng như quảng trường Đỏ, điện Kremlin và lăng Lênin.
Những tấm hình thời kỳ đó chụp trắng đen vẫn còn được anh gìn giữ cẩn thận hơn 36 năm |
Tấm thẻ sinh viên được phiên âm tên anh sang tiếng Nga là Доан Фыок Чыонг học khoa “Cao su tổng hợp” khóa chính quy cấp đúng ngày 1/9/1987. Nước Nga lấy ngày 1/9 là ngày khai giảng năm học mới gọi là День знаний và ngày này cũng được chọn là ngày đầu tiên chính thức bắt đầu mùa thu.
Anh cho biết đây là vật bất ly thân trong suốt quá trình 6 năm học vì nó được công nhận là giấy tờ tùy thân thay cho hộ chiếu. Thẻ này còn được sử dụng để mua hàng thời bao cấp |
Đoan Trường được cấp tem phiếu ăn trưa tại trường, tiền sinh hoạt cho cuộc sống mỗi tháng, vé cho các phương tiện giao thông công cộng. Anh được cô giáo Nga đưa đi mua trang phục thu đông như mũ lông, khăn choàng, giày, ủng, tất, găng tay, áo len, áo khoác. Tất cả đều cùng kiểu, cùng màu y như đồng phục và thêm số tiền 100 rúp dùng để mua dụng cụ học tập, đồ dùng thiết yếu và thực phẩm cho mỗi tân sinh viên.
Ký túc xá có phòng rộng 40m vuông dành cho 2 sinh viên và 60m vuông dành cho 3 sinh viên. Từ năm thứ 2 trở đi, anh đã chủ động xin được ở chung phòng với các bạn Nga để nâng cao khả năng ngoại ngữ.
Anh bồi hồi nhớ lại tiệc sinh nhật đầu tiên của mình vào ngày 19/9/1987 khi chỉ vừa trở thành tân sinh viên năm nhất.
Anh lập kỷ lục 3 năm liên tiếp (1989, 1990, 1991) đoạt giải nhất Tiếng hát sinh viên Việt Nam tại Nga. Trong suốt thời gian ở đây, anh luôn được vinh dự xuất hiện trong các chương trình kỷ niệm các ngày lễ Quốc Khánh, tổng kết năm học, Tết… do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức cùng với ban nhạc Đêm Huyền Trắng.
Lúc đó anh vẫn lấy tên thật của mình là Phước Trường. Nghệ danh Đoan Trường sau này khi về nước do 2 ca sĩ Lê Tuấn và Quang Linh đồng gợi ý vào năm 1998.
Đoan Trường chia sẻ thêm nhiều biến cố xảy ra: “Và rồi nền kinh tế và chính trị của nước Nga có nhiều biến động to lớn như xóa bỏ chế độ bao cấp, tem phiếu, học bổng để chuyển qua cơ chế kinh tế thị trường. Những cuộc đảo chính liên tục xảy ra. Vào cuối năm 1991, Liên Xô chính thức tan rã khi tôi đang học năm thứ 4. Nó cũng đã kết thúc thời gian 4 năm sinh viên vô tư và vui vẻ chỉ lo ăn lo học của tôi. Cuộc sống của tôi ngày càng khó khăn hơn trước vì vật giá leo thang, tiền học bổng trở nên ít ỏi. Để có tiền trang trải cho việc học và phụ giúp thêm cho gia đình nơi quê nhà, tôi đã phải tranh thủ làm thêm nhiều công việc như bán quần áo ngoài chợ trời, nhân viên phục vụ nhà hàng, ca sĩ, MC, lồng tiếng phim, mua bán ngoại tệ, bán băng đĩa nhạc. Ngoài đường hỗn loạn, phố xá đầy rẫy những băng đảng đầu trọc đi trấn lột cướp bóc. Tôi cũng bị cuốn vào cơn lốc đổ xô đi buôn bàn là, nồi cơm điện, thuốc men, tủ lạnh, nồi áp suất để gửi về quê nhà phụ giúp gia đình. Vốn có sức đề kháng yếu ngay từ nhỏ nên tôi bị viêm phổi nhẹ, tự mình vào nằm trong bệnh viện gần một tuần và trốn ra viện khi không có tiền để đóng viện phí. Tôi lại tiếp tục ban ngày lên lớp với đôi mắt thâm quầng và buổi tối đi hát các phòng trà ca nhạc, câu lạc bộ, vũ trường, nhà hàng với đồng lương tuy ít ỏi nhưng cũng đủ giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhiều hôm hát xong đi về lại ký túc xá dưới trời tuyết lạnh - 30 độ mà nước mắt như muốn tuôn trào.
Từ năm 1987 đến 1990 toàn bộ sinh viên Việt Nam học tại Liên bang Xô Viết được cấp học bổng là 90 rúp/1 tháng (1kg thịt heo và 1kg gạo thời bao cấp có giá chỉ 1 rúp). Còn anh thì tiết kiệm hơn nên cũng dư ra được 30 rúp nên 2 năm dành dụm là có thể mua vé máy bay 2 chiều 700 rúp về thăm quê. Cho đến năm 1991 thì tăng lên 100 rúp và sau khi Liên Xô tan rã vào 1991 thì Liên bang Nga Nga vẫn tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam cho đến năm 1992 thì ngưng hoàn toàn vì đã xóa chế độ bao cấp. Tiền rúp mất giá, giá cả thì tăng vọt, phải cần khoảng 200 rúp mới có thể sống tạm trong một tháng”.
Anh đã hoàn thành xuất sắc chương trình học trong 6 năm (1987-1993) với tấm bằng Thạc sĩ Khoa học và Công nghệ chuyên ngành Hóa |
Tốt nghiệp năm 1993, tôi thấy mình cần thêm thời gian để kiếm chút vốn và tích lũy kinh nghiệm sau này nên quyết định nhận lời đề nghị ở lại thêm 2 năm và ký hợp đồng làm ca sĩ độc quyền cho một nhà hàng người Việt bên đó với mức lương khá cao. Hóa ra chính cái nghề ca sĩ lại nuôi sống tôi ngay từ thời sinh viên khó khăn này!
Chúng tôi tổ chức thực hiện chuỗi chương trình Moscow by night, mời các nghệ sĩ hải ngoại và Việt Nam qua biểu diễn như Kim Anh, Lệ Thu, Nhã Phương, Cẩm Vân, Hoa hậu Lý Thu Thảo, Y Phụng, Ngọc Ánh... |
Đoan Trường cho biết thêm: “Sau khi tốt nghiệp năm 1993, tôi được cho ở căn hộ riêng nhưng bị trộm vào cuỗm sạch đồ đạc và trang phục biểu diễn. Ơn trời, tôi được nhiều bạn bè thân thiết và khán giả yêu thương cưu mang cho ăn nhờ ở đậu vài ngày. Có lần tôi bị trấn lột hết sạch tiền ngoài phố khi đi hát về khuya nên không thể chi trả tiền thuê nhà mà phải vào nhà hàng ngủ tạm qua đêm trên… những chiếc ghế. Chuyện tôi chưa bao giờ kể ra là tôi cũng bị công an bắt nhốt vào đồn một đêm khi quên mang theo giấy tờ tùy thân trước ngày bảo vệ luận án tốt nghiệp, phải nhờ trường xác nhận mới được cho về. Tôi ham đi du lịch lắm mà không có tiền nên tranh thủ các kỳ nghỉ hè và đông tôi thường tự đi khám phá nhiều quốc gia như Ucraina, Belarus, Uzbekistan, Kazakhstan, Latvia, Litvia, Estonia… Nhiều lần tôi đi 'chui' bằng cách 'nhảy' lên tàu hỏa mà không mua vé. Đến mỗi nơi thì xin ăn ở nhà bạn bè vài ngày miễn phí”.
23 năm sau, cũng vào mùa thu ngay đúng ngày sinh nhật mình 19/9/2018 anh mới có dịp được trở lại nước Nga yêu dấu trong một chuyến đi du lịch. Và ngay khi xuống sân bay, anh đã tự mình về lại ký túc xá, ghé qua căn phòng 40m vuông mình đã sống và vào thăm lại trường xưa.
Anh đã bật khóc y như cái lần đầu anh đã khóc vào cái ngày 17/8/1987, khi anh bước lên máy bay khi nhìn thấy tấm băng rôn màu xanh “Chào đón các tân sinh viên năm mới”.
Đây là lá thư báo tin anh được trúng tuyển đi du học nước ngoài mà anh luôn trân quý bảo quản đến tận bây giờ.
Thổ Nhĩ Kỳ - Quốc gia vừa xảy ra trận động đất trong ký ức đẹp của ca sĩ Đoan Trường (TGĐA) - Ca sĩ Đoan Trường, một trong số ít du khách Việt đầu tiên ... |
Đoan Trường: Đợi chờ 9 năm trở lại Paris chỉ để mặc áo dài Việt Nam! (TGĐA) - Ca sĩ Đoan Trường vừa có chuyến đi du lịch 9 ngày qua ... |
Mi Ty