Dựng phim và kỹ xảo 3D, những “người anh em” trong thế giới hậu kỳ

(TGĐA Online) - Dù thuộc nhóm ngành kỹ thuật, nhưng dựng phim và kỹ xảo 3D không hề là những công việc khô khan. Ngược lại, bạn cần phải có trí tưởng tượng cùng khả năng cảm thụ hình ảnh đặc biệt nhạy bén nếu muốn làm tốt những công việc này. Đó là những gì mà hai khách mời của chương trình Hành trang điện ảnh là anh Brian Simard (chuyên gia dựng phim) và anh Nguyễn Minh Hoàn (chuyên gia kỹ xảo 3D) đã chia sẻ vào cuối tuần qua, ngày 18/10. Chương trình do trường Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn tổ chức.

Khach_moiNDP

Có thể được xem những nghề nghiệp có mối quan hệ “anh, em” với nhau, dựng phim và kỹ xảo 3D giống nhau ở đặc tính thiên về kỹ thuật và được tiến hành độc lập với những khâu còn lại trong quy trình làm phim.

Người dựng phim ngoài việc lắp ghép các hình ảnh với nhau một cách đầy dụng ý, anh ta còn phải là người cảm được nhạc và chọn bài nhạc phù hợp cho phim. Thậm chí ở những dự án nhỏ và trung, nhà sản xuất đôi khi yêu cầu người dựng phim phải biết và đảm nhận cả công tác canh chỉnh âm thanh, ánh sáng.

Brian_Simard

Chuyên gia dựng phim Brian Simard

Theo chuyên gia dựng phim Brian Simard, cái khó của người dựng phim là khả năng cảm nhận giá trị hình ảnh. Trong khi tư liệu quay lên đến vài trăm giờ đồng hồ nhưng thời lượng chương trình chỉ 20 phút, anh ta phải biết chắt lọc những hình ảnh giá trị nhất, đảm bảo nội dung và chất lượng khuôn hình để có thể truyền tải trọn vẹn ý đồ của người biên tập hay đạo diễn.

Nếu dựng phim là việc lắp ghép hình ảnh đầy dụng ý, thì kỹ xảo 3D là việc biến những hình ảnh từ không thành có. Bước ra từ bộ môn hội họa, 3D đầu tiên giúp hình ảnh từ dẹt trở nên có chiều sâu và trông thực nhất có thể.

Ứng dụng 3D hiện nay cũng rất rộng rãi, từ việc thiết kế mô hình kiến trúc, bất động sản, tạo hình nhân vật cho game đến một bậc cao hơn là kỹ xảo điện ảnh. Theo chuyên gia kỹ xảo 3D Nguyễn Minh Hoàn, để có thể trở thành một người làm kỹ xảo điện ảnh, bạn cần phải: thích xem phim, có trí tưởng tượng (thậm chí hoang tưởng), và đặc biệt là thích xem phim hoạt hình. Khi vận dụng được trí tưởng tượng, người kỹ thuật viên sẽ có thể cho ra đời những hình ảnh đầy sáng tạo và gây được ấn tượng cho khán giả.

Chia sẻ về lý do kỹ xảo 3D tại Việt Nam hiện nay chưa tốt, anh Minh Hoàn cho biết: đó là do sự không đồng bộ giữa người quay, đạo diễn với người xử lý hậu kỳ, đồng thời cũng do thời gian để hoàn thành phim khá gấp rút. Anh tin chỉ cần có thời gian và kinh phí, giới trẻ Việt Nam vẫn có thể làm nên điều hoàn hảo.

Nguyen_Minh_Hoan

Chuyên gia kỹ xảo Nguyễn Minh Hoàn

Chia sẻ vui về 3D, anh Nguyễn Minh Hoàn cho rằng đây là một nghề “oan ức”. Khi mà sản phẩm trông không thật, người xem sẽ nhìn ra và người thiết kế 3D sẽ bị “ném đá”, nhưng một khi sản phẩm tốt, kỹ xảo trông như thật, người xem không phân biệt được đâu là thật đâu là giả, thì lúc đó không ai biết đã có sự “nhúng tay” hay ghi công người làm kỹ xảo. Nhưng dù có là một nghề “oan ức”, những ai yêu thích công việc tạo hình, “làm đẹp” cho phim chắc chắc vẫn sẽ chọn 3D để thỏa mãn trí tưởng tượng và niềm đam mê của mình

Dựng phim và 3D gần như là 2 ngành “anh, em” luôn song hành và hỗ trợ nhau. Nếu bạn yêu thích công việc đòi hỏi sự chi tiết, chi ly và nghệ thuật khéo léo, bạn có thể chọn 3D. Còn nếu bạn yêu thích công việc của kỹ thuật tổng thể, xử lý toàn bộ hình ảnh của phim, bạn hãy chọn dựng phim. Đây thực sự là những ngành nghề hái ra tiền mà bạn có thể tìm thấy sự hứng thú và sáng tạo trong đó. Đặc biệt khi công nghệ truyền thông, truyền hình ngày một lớn mạnh như hiện nay, cơ hội để bạn trở thành một kỹ thuật viên hình ảnh là điều hoàn toàn trong tầm tay.

KhangiaNDP

Thông tin chương trình Hành trang điện ảnh phần kế tiếp: Nghề sản xuất

Khách mời: Nhà điều hành sản xuất Quách Mạnh Kha

Thông tin chi tiết xem tại: http://sifs.edu.vn/hanh-trang-dien-anh-phan-4-nghe-san-xuat.html

P.V