‘Flow’ – Tác phẩm hoạt hình đầy suy ngẫm

(TGĐA) - Tại giải Oscar 2025, Flow đã xuất sắc đánh bại nhiều đối thủ rất mạnh như Inside Out 2, The Wild Robot để lên ngôi cao nhất tại Hạng mục phim hoạt hình. Bộ phim không có lời thoại, chỉ cho người xem cảm nhận những âm thanh của cuộc sống, nhưng vẫn đủ làm bất cứ ai xúc động và có cho mình nhiều suy ngẫm.

'Đóa hoa mong manh' tung trailer kịch tính, hé lộ nhiều góc khuất hậu trường phận đời người nghệ sĩ 'Đóa hoa mong manh' tung trailer kịch tính, hé lộ nhiều góc khuất hậu trường phận đời người nghệ sĩ
(Review) 'Đóa hoa mong manh': Bản tình ca 'khiếm khuyết' (Review) 'Đóa hoa mong manh': Bản tình ca 'khiếm khuyết'

Flow do đạo diễn Gints Zilbalodis thực hiện, kể về hành trình của một chú mèo xám đen sống đơn độc trong rừng. Sau khi xảy ra một trận lũ lớn nhấn chìm khu rừng, chú mèo buộc phải lên đường tìm kiếm nơi ở mới.

Chú gặp gỡ với nhiều người bạn động vật, mỗi người có một tính cách riêng. Đó là chó Labrador vàng, vượn cáo đuôi vòng, chuột lang nước và một chú chim lớn. Họ cùng nhau vượt qua nhiều thử thách nguy hiểm để tồn tại trong thế giới ngập nước.

Bộ phim này có kinh phí sản xuất thấp kỷ lục là 3,6 triệu USD (khoảng 85 tỷ đồng). Tuy nhiên, với khả năng kể chuyện hấp dẫn, kỹ thuật đồ họa tốt, đạo diễn Gints Zilbalodis đã tiếp tục chinh phục khán giả trong câu chuyện phiêu lưu của một nhóm động vật, với nhân vật chính là một chú mèo. Bộ phim Flow gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem nhờ vào những hình ảnh tuyệt đẹp và một câu chuyện sâu sắc về sự thích nghi và tình đoàn kết.

Trên sân khấu nhận giải, đạo diễn Gints Zilbalodis của Flow chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên một bộ phim từ Latvia được đề cử, vì vậy chiến thắng này có ý nghĩa vô cùng to lớn với chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy đầy cảm hứng và hy vọng sẽ sớm trở lại”.

‘Flow’ – Tác phẩm hoạt hình đầy suy ngẫm
Phim Flow

Có một điều thú vị là, dự án Flow kéo dài khoảng năm năm rưỡi. Năm đầu tiên, Gints viết kịch bản, học Blender và tìm kiếm tài trợ. Năm 2020, anh có được tài trợ và làm việc trong không gian chung với các nghệ sĩ và nhà phát triển sử dụng Blender, nơi anh kết nối với Mārtiņš Upītis và Konstantīns Višņevskis, những người đóng góp quan trọng cho dự án, đặc biệt trong việc mô phỏng nước và các hiệu ứng khác.

Đạo diễn Gints Zilbalodis đã chứng minh cho cả thế giới thấy, một bộ phim không cần lời thoại vẫn có thể chạm đến cảm xúc sâu thẳm của người xem. Với phần mềm đồ họa miễn phí Blender, anh đã tạo nên một thế giới hậu tận thế đầy mê hoặc, nơi các loài vật khác nhau tìm thấy sự đồng cảm và đoàn kết giữa biển nước mênh mông.

Xem Flow, đa phần khán giả sẽ thấy hình ảnh của chính mình trong nhân vật chính – chú mèo đen trải qua thế giới tận thế. Nhân vật trôi dạt giữa một thế giới tưởng như vắng lặng, đôi lúc cô đơn nhưng thực ra là đang sống với bản năng thuần khiết của mình. Giữa thế giới chỉ có âm thanh, chỉ một cơn gió nhẹ qua mặt biển mênh mông cũng đủ làm trái tim ta thắt lại. Lúc đó gần như ai cũng giật mình, tự hiểu hiểu rằng chỉ cần có niềm tin vào nhau, giữa muôn trùng giông bão thì bất cứ đâu cũng sẽ là nhà.

Bên cạnh đó thì, điều biến Flow trở thành một viên ngọc hiếm hoi trong nền công nghiệp phim hoạt hình hiện tại chính là khả năng khơi gợi những điều không thể diễn đạt bằng những câu thoại, hay nói đúng hơn là tiếng người.

Việc loại bỏ tiếng nói con người cũng giúp câu chuyện trở nên phổ quát hơn. Không bị giới hạn bởi rào cản ngôn ngữ hay văn hóa, bộ phim cho phép người xem tiếp cận điện ảnh theo một cách rất nguyên bản. Tuy nhiên, đó lại là sự nhắc nhở rằng nhu cầu được kết nối, được thấu hiểu và được sinh tồn là điều vượt lên trên mọi giới hạn của giống loài và ngôn từ.

Cho dù vậy, bộ phim không cố tình nhân cách hóa các loài vật. Song, ta có thể nhận ra mỗi loài vật mà mèo đen gặp gỡ trong suốt hành trình đều mang một cá tính khác biệt, đại diện cho những kiểu người khác nhau trong xã hội.

‘Flow’ – Tác phẩm hoạt hình đầy suy ngẫm

Chú chó Labrador trung thành, đáng tin cậy, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Vượn cáo nhanh nhẹn, sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm những điều mới. Chuột lang nước điềm tĩnh, thận trọng, có sức chịu đựng dẻo dai…

Trong nhiều phỏng vấn và những bài post của bản thân trên mạng xã hội, Gints chia sẻ rằng anh chọn làm phim hoạt hình từ khi học trung học vì bản thân vốn có ít kinh phí để làm phim. Đồng thời, anh cũng tin rằng chính hoạt hình có thể truyền tải những tầng nghĩa sâu xa hơn thông qua những lớp hình ảnh đẹp mắt so với phim người đóng.

Việc thực hiện đứa con tinh thần với một chi phí ít ỏi thực chất không hề cản trở khả năng sáng tạo, mà còn là cách để anh và đội ngũ làm phim học hỏi, tìm tòi và bứt phá khỏi những giới hạn của việc sáng tạo. Anh tin rằng việc Flow đạt được nhiều giải thưởng danh giá về điện ảnh là cách anh có thể truyền cảm hứng cho những nhà làm phim hoạt hình tiềm năng mạnh mẽ vượt ra khỏi những khuôn khổ bản thân, như chính tinh thần của bộ phim này.

‘Flow’ – Tác phẩm hoạt hình đầy suy ngẫm

Hình ảnh lặp đi lặp lại quan trọng trong tác phẩm, đó là hình bóng phản chiếu dưới nước/gương và những con thú chạy theo vòng tròn. Chi tiết soi mình (trong nước hay gương) là hành vi thể hiện khả năng tự nhận thức của các nhân vật. Ở đầu phim, ta thấy con mèo soi bóng nó dưới nước một mình, đến cuối phim, mèo không còn một mình nữa mà là hình bóng cả nhóm bên nhau, cho thấy quá trình chuyển mình từ chủ nghĩa cá nhân sang gắn kết tập thể.

Hình ảnh những con hươu chạy theo vòng tròn trong giấc mơ của con mèo, cũng như bầy cá khi mèo lặn xuống nước, cũng là biểu tượng cho tính gắn kết cộng đồng đang dần lớn mạnh trong nó. Giấc mơ là tiếng gọi hối thúc con mèo thay đổi, thay vì sợ hãi tự cô lập, nó phải biết mở lòng, hợp tác để vượt qua nghịch cảnh. Ngoài ra, Flow còn mang tính tâm linh. Ngoài giấc mơ của con mèo, nó còn thể hiện ở điểm đến bí ẩn của chim thư ký, liên quan đến vòng lặp Trái Đất.

Tựu chung lại, Flow mang đầy niềm hy vọng cho thiên nhiên, nhưng là lời cảnh báo đối với loài người. Không có con người, Trái Đất vẫn tiếp tục vòng tuần hoàn của nó, tạo sinh và huỷ diệt. “Flow” (dòng chảy) với ý nghĩa nói rằng, mỗi người đều có lúc cảm thấy mất phương hướng giữa dòng đời. Nhưng càng đi, ta lại càng hiểu rõ về bản thân, và rồi ta nhận ra rằng cuộc sống thực sự không phải chỉ là về đích đến, mà quan trọng là ở hành trình ta đã trải qua.

‘Flow’ – Tác phẩm hoạt hình đầy suy ngẫm
'Lạc trôi': Hiện tượng hoạt hình chấn động chính thức công bố lịch chiếu tại Việt Nam 'Lạc trôi': Hiện tượng hoạt hình chấn động chính thức công bố lịch chiếu tại Việt Nam