(TGĐA) - Được đầu tư sân khấu hoành tráng, mời được nhiều nghệ sĩ có tên tuổi tham gia, trò chơi truyền hình thuần Việt đang được nâng tầm bởi sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Dự báo sẽ “bùng nổ”
Khoảng hai năm nay, trò chơi truyền hình (gồm cả gameshow, truyền hình thực tế) định dạng thuần Việt xuất hiện ngày càng nhiều, có thể điểm danh như: Vợ chồng mình hát, Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng boléro, Tôi là diễn viên, Tiếng hát mãi xanh, Người hát tình ca, Tình bolero, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm, Hò xự xang xế cống, Tiếu lâm tứ trụ,Làng hài mở hội, Sao nối ngôi, Hoán đổi, Tuyệt đỉnh song ca, Ngôi sao phương Nam, Phái mạnh Việt, Lò võ thiếu lâm, Vui cùng hoa lúa… Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, có thêm một số trò chơi thuần Việt mới lên sóng như: Điệp vụ đối đầu, Cặp đôi hài hước, Đường đến danh ca vọng cổ, Tạp dề tí hon, Hát cùng mẹ yêu, Tình Bolero hoan ca, Ai sẽ thành sao, Gương mặt truyền hình, Gương mặt điện ảnh…
|
Nếu trò chơi truyền hình có định dạng nước ngoài nặng về thi thố và giải thưởng có giá trị vật chất rất cao thì trò chơi thuần Việt chủ yếu là giải trí lành mạnh, có giá trị tinh thần là chính. Chẳng hạn như Tiếng hát mãi xanh,bên cạnh việc phát hiện những giọng ca hay là những câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn đời thường để thỏa đam mê ca hát của những người không có cơ hội làm ca sĩ. Hát cùng mẹ yêu giúp người xem không chỉ biết thêm về tài năng của một số nghệ sĩ trung niên “đá chéo” sân mà còn hiểu hơn tình cảm mẹ con của họ, sự “hy sinh” của các mẹ dành cho con của mình, và tình yêu thương mà các con dành cho mẹ - người nổi tiếng với công chúng. Sao nối ngôi là sợi dây kết nối tình cảm giữa các thế hệ trong những gia đình nghệ sĩ, và còn góp phần vực dậy những loại hình nghệ thuật như cải lương, tuồng cổ để khán giả hiểu và yêu thương, đồng hành hơn trong việc giữ gìn cho các thế hệ mai sau. Đường đến danh ca vọng cổ đã tạo được một sân chơi đặc biệt cho những người trẻ yêu cải lương, góp phần đem đến hơi thở mới cho sân khấu cải lương… Có thể nói, tôn vinh những giá trị gia đình, văn hóa, cộng đồng, xã hội và định hướng người xem đến các tiêu chí chân - thiện – mỹ là ưu điểm đáng kể của hầu hết trò chơi truyền hình thuần Việt.
|
Trò chơi thuần Việt đang cần đến sự hỗ trợ như phim Việt cách đây 10 năm, khi Nhà nước có những quy định về khung giờ “vàng” và tỷ lệ phát sóng hằng ngày cho phim nội. Nhưng trên hết, để có được chỗ đứng vững chắc và lâu dài, trò chơi thuần Việt phải có sự sáng tạo, đổi mới không ngừng, đa dạng về hình thức thể hiện lẫn nội dung. |
Một điều đáng kể nữa là trong khi rất nhiều trò chơi định dạng nước ngoài xem việc gây scandal “ầm ĩ” là chiêu trò để thu hút khán giả, thì trò chơi thuần Việt lại nói “không” với cách thức “câu kéo” kiểu này. Hữu xạ tự nhiên hương, nên tuy chủ yếu được phát sóng vào các buổi tối ngày thường trên các kênh truyền hình địa phương hay khu vực miền Nam như HTV7, VTV9, Vĩnh Long 1… nhưng trò chơi truyền hình thuần Việt đang chứng tỏ một vị thế mới, khi rất được khán giả ưa thích. Ví như Đường đến danh ca vọng cổ phát sóng trên kênh không quá “hot” ( HTVC Thuần Việt), song đã tạo được một sân chơi cho các fan của cải lương, và mời được nghệ sĩ Ngọc Huyền, cùng một số ngôi sao cải lương nổi danh làm giám khảo, nên thu hút rất đông khán giả khi lượng xem trên YouTube chiếm đến con số hàng chục triệu lượt view/tập. Theo Kantar Media,Sao nối ngôi (phát sóng trên TH VL1) nằm trong top 3 trò chơi truyền hình có tỷ suất người xem cao nhất năm 2016 tại thị trường TP.HCM. Trên các trang mạng xã hội, mỗi tập Sao nối ngôi thu hút gần 50 triệu lượt tiếp cận tin tức, hình ảnh, video clip. Và cũng chính Sao nối ngôi đã giành được giải Mai Vàng 2016 từ bình chọn của khán giả, chứ không phải trò chơi truyền hình đình đám nào khác. Hiện đang phát sóng trên THVL1, Tình bolero hoan ca có tập đạt 24,10% lượt chia sẻ tại TP.HCM (nguồn Vietnam Tam tháng 3/2017) hay Ngôi sao phương Nam phát sóng ngày 7/4/2017 trên THVL 1 đạt 23,16 % lượt chia sẻ – đứng đầu Top 20 chương trình giải trí ăn khách ở TP.HCM, trong khi Hòa âm ánh sáng có định dạng nước ngoài đang phát sóng trên VTV3 chỉ đạt 5,65%...
Gameshow Tình Bolero hoan ca |
Theo dự báo, trò chơi truyền hình thuần Việt sẽ xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực từ giải trí đến văn hóa, kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục... trong thời gian tới.
Thuận lợi và thách thức
Trước đây để thuyết phục nghệ sĩ tham gia một trò chơi thuần Việt sẽ khó khăn hơn so với định dạng nước ngoài vì họ chưa hình dung được nội dung, chất lượng, mức độ ăn khách cũng như những yếu tố giúp họ nổi tiếng hơn khi tham gia chương trình. Còn hiện nay, trước hiệu ứng khán giả quá tốt của Sao nối ngôi, Tình Bolero hoan ca, Ngôi sao phương Nam… khiến các nghệ sĩ hào hứng hơn, từ có tên tuổi đến còn trẻ, vô danh đều nhiệt tình tham gia. Đây là một thuận lợi đáng kể cho trò chơi thuần Việt trong xu hướng “ bùng nổ” hiện nay.
|
Ngoài ra, nắm bắt xu thế, một số “đại gia” về gameshow Việt ngoài tiếp tục mua fomat nước ngoài thì cũng đầu tư lớn vào các trò chơi truyền hình định dạng thuần Việt như Phái mạnh Việt, Hoán đổi… (BHD); Người hát tình ca, Ai sẽ thành sao (Tập đoàn Đất Việt) bên cạnh các công ty chuyên tập trung gameshow thuần Việt như Khang Media (Tình Bolero hoan ca, Ngôi sao phương Nam, Cười xuyên Việt), Jet Studio (Sao nối ngôi, Làng hài mở hội, Gặp nhau cùng cười), May Q Media (Tiếng hát mãi xanh, Vợ chồng mình hát).
Gameshow Sao nổi ngôi |
Ngoài Đài truyền hình Vĩnh Long hai năm gần đây nổi lên nhờ gameshow thuần Việt thì từ đầu năm 2017 đến nay, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh cũng đã mở rộng cửa cho một loạt chương trình như: Hát cùng mẹ yêu, Điệp vụ đối đầu, Gương mặt truyền hình, Đường đến danh ca vọng cổ… lên sóng.
|
Được khán giả, nghệ sĩ, nhà sản xuất và cả nhà Đài ủng hộ, song xu hướng “bùng nổ” của trò chơi thuần Việt cũng đang tiềm ẩn một số nhược điểm. Bên cạnh một số trò chơi có sự mới lạ về hình thức lẫn nội dung thể hiện, thì vẫn có khá nhiều trò chơi thuần Việt “na ná” nhau như: Cười xuyên Việt, Tiếu lâm tứ trụ, Cặp đôi hài hước… đều thi tài năng diễn hài thông qua các tiểu phẩm; hay tập trung vào thi tài năng ca hát như Cùng nhau tỏa sáng, Ngôi sao phương Nam, Tình Bolero, Ai sẽ thành sao, Tuyệt đỉnh song ca… Chính việc nhập khẩu quá nhiều những trò chơi truyền hình định dạng thi tài năng nghệ thuật na ná giống nhau cách đây vài năm đã khiến cho thị trường gameshow nước ngoài bị bão hòa, và khán giả nhàm chán.
|
Một vấn đề nữa là việc mặt sản xuất các trò chơi thuần Việt ngoài phải bắt đầu từ con số 0 khá vất vả, tốn kém thì tính “thử nghiệm”, chưa có tiền lệ đo nhiệt của khán giả cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều gameshow “na ná” các chương trình nhập khẩu ví như Gương mặt truyền hình 2017 có format như The Voice, chỉ khác đây là đào tạo MC giỏi; Ai sẽ thành sao có các vòng thi na ná như Mặt nạ ngôi sao, Giọng hát Việt, Gương mặt thân quen… Dù có thông cảm thì câu hỏi là, nhưng “na ná” đó liệu có đánh bật được các trò chơi định dạng nước ngoài vẫn đang áp đảo và chiếm hầu hết khung giờ vàng trên các kênh có nhiều người xem của các đài truyền hình, nhất là VTV?
Đan Khanh