Nghệ sỹ hài Quang Thắng
| Năm 2000, nhờ GNCT mà thị trường hài phía Bắc từng “làm mưa làm gió” trong suốt nhiều năm | |
Chào sân năm 2000, Gặp nhau cuối tuần (GNCT) ngay lập tức trở thành món ăn tinh thần độc đáo, thú vị của truyền hình cả nước vào mỗi sáng thứ 7, từng là chương trình hài kịch được yêu thích nhất của Đài truyền hình Việt Nam. Gala cười, Gặp nhau cuối năm, Táo quân... cũng theo đó ra đời cũng như làm nên tên tuổi cho hàng loạt diễn viên hài như Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh, Hiệp Gà, Quang Tèo... Thậm chí, rất nhiều gương mặt hài phía Nam thời điểm đó cũng ra Hà Nội, góp mặt ở GNCT, Gala cười như Trấn Thành, Hồng Tơ, Tiết Cương, Bảo Quốc, Hồng Vân, Việt Hương.. |
Nghệ sỹ chúng tôi ai cũng có một chương trình để đời, ghi dấu trong sự nghiệp, với tôi đó là GNCT. Năm 2000, nhờ GNCT mà thị trường hài phía Bắc từng “làm mưa làm gió” trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên làm mãi cũng phải đến lúc dừng lại “nhường sân” cho các bạn phía Nam. Theo tôi hài Bắc giờ đây cũng không hẳn là yên ắng vì sau đấy chúng tôi vẫn làm Gala, cũng mời diễn viên hài miền Nam ra đây làm cùng. Khôi phục lại chương trình là một điều tốt nhưng mình giờ thuộc lớp già rồi, nên nhường lại cho các bạn trẻ kế tục. Nếu có chăng cũng phải xem kịch bản có phù hợp với mình không mới tham gia, quan trọng nhất khán giả còn quý thì còn làm.
| Khôi phục lại chương trình là một điều tốt nhưng mình giờ thuộc lớp già rồi, nên nhường lại cho các bạn trẻ kế tục. Nếu có chăng cũng phải xem kịch bản có phù hợp với mình không mới tham gia, quan trọng nhất khán giả còn quý thì còn làm. | |
NSƯT, Diễn viên Công Lý
GNCT đã tạo ra một sân chơi cực kỳ giá trị đối với sân khấu hài truyền hình, làm nên thương hiệu trong lòng khán giả. Khi chương trình không sản xuất nữa chúng tôi thực sự nuối tiếc. Tuy nhiên theo tôi, nếu giờ khôi phục lại không còn phù hợp nữa, mà có thể vẫn lấy tên đó nhưng thay bằng format mới như người ta nói “bình cũ rượu mới” có lẽ sẽ hấp dẫn hơn.
| Sau 10 năm khán giả đã quen với một hình thái xem hài khác. VFC chắc chắn không thiếu cách để xây dựng một format hài hay và mới. Tôi không ngại ngần gì nếu được mời tham gia, cũng không nghĩ đến việc sợ bị nhàm chán. | |
Sau 10 năm khán giả đã quen với một hình thái xem hài khác. VFC chắc chắn không thiếu cách để xây dựng một format hài hay và mới. Tôi không ngại ngần gì nếu được mời tham gia, cũng không nghĩ đến việc sợ bị nhàm chán. Bởi trước khi VFC làm gì, bao giờ cũng tính toán kỹ lưỡng, không phải “làm ra rồi để chết non”. Bất cứ việc gì cũng phải đi từ những bước đầu tiên, thành công hay thất bại sẽ là những kinh nghiệm để họ xây dựng những format khác tốt hơn.
NSƯT, Diễn viên Vân Dung
Tên tuổi diễn viên hài miền Bắc chúng tôi hầu như đều từ GNCT, Gặp nhau cuối năm, Gala cười mà nên. Thực tế, làm GNCT và Gặp nhau cuối năm cực kỳ ít tiền nhưng VFC gọi là chúng tôi lên đường không kể ngày đêm. Đó là sự biết ơn, bởi có VFC, có chú Khải Hưng, anh Đỗ Thanh Hải tên tuổi chúng tôi mới được biết đến như ngày nay. Khi GNCT khép lại, chúng tôi rất buồn và tiếc – tiếc nuối trong sự thèm muốn chứ không hề chán nản. Bản thân tôi luôn mơ ước có được những chương trình chất lượng về nội dung, diễn viên và đạo diễn như GNCT. Tuy nhiên, nếu khôi phục lại GNCT, yếu tố quan trọng nhất là kịch bản phải dồi dào, hấp dẫn, phải được làm theo format mới, cập nhật xu hướng mới theo thời cuộc. Kịch bản không hay thì diễn viên có giỏi đến đâu cũng chỉ có thể dừng ở mức hoàn thành vai diễn. Ngày xưa bắt đầu đã khó giờ lại càng khó hơn khi phải làm thế nào để hay hơn cũ. Nếu trước đây chương trình nghèo nàn, không có nhiều sự lựa chọn, khán giả có gì xem nấy thì hiện nay, mở tivi ra là hàng trăm chuyên mục phong phú, gu thưởng thức của khán giả ngày càng cao, họ có những so sánh và đòi hỏi rất chính đáng. Khán giả có yêu cầu cao thì những diễn viên như chúng tôi mới có động lực để nỗ lực cố gắng và trưởng thành hơn. Vậy nên ekip làm GNCT mới phải là đội quân tinh nhuệ, những cái đầu giỏi từ đạo diễn tới diễn viên.
NSƯT, Đạo diễn Đỗ Thanh Hải (Giám đốc VFC, Từng trực tiếp sản xuất Gặp nhau cuối tuần)
Chúng tôi đã từng nghĩ đến việc khôi phục lại, nhưng phải tính toán kỹ đến chất lượng kịch bản hay gương mặt nghệ sỹ... bởi khán giả hiện nay đòi hỏi cao hơn nhiều. Hiện chúng tôi chưa tập trung vào việc triển khai nó nên chưa thể chia sẻ nhiều nhưng chắc chắn, sẽ phải lấy nội dung làm cốt lõi với những tiếng cười thâm thúy, không dễ dãi.
| Chúng tôi đã từng nghĩ đến việc khôi phục lại, nhưng phải tính toán kỹ đến chất lượng kịch bản hay gương mặt nghệ sỹ... bởi khán giả hiện nay đòi hỏi cao hơn nhiều. | |
Kịch bản và diễn viên là 2 yếu tố rất quan trọng nhưng lại luôn thiếu để duy trì một chương trình phát sóng định kỳ. Chúng ta cũng thiếu các đạo diễn có tố chất làm hài. Ngoài ra, nhiều nghệ sỹ tâm tư vì diễn hài rất vất vả, không dễ... nhưng về mặt nghề nghiệp thì lại bị đánh giá thấp hơn so với các diễn viên đóng chính kịch. Họ không được thừa nhận ở những giải thưởng nghề nghiệp nên nhiều diễn viên hài phải chuyển sang đóng thể loại khác. Đã 10 năm kể từ ngày GNCT dừng phát sóng. Từ đó đến nay, đã có một lớp nghệ sỹ hài trẻ dần thay thế. Nhưng phải nói thật, chúng ta có rất ít nghệ sỹ hài vừa có duyên sân khấu, vừa thành thạo kỹ năng gây cười và có một tầm văn hóa để nhận thức hiệu ứng gây cười. Vì vậy mà gần đây có một số nghệ sỹ hài nổi lên qua một số chương trình truyền hình, được khán giả yêu mến đã vội vàng bộc lộ những thói xấu, ứng xử lố hoặc tự đưa mình lên rất cao với những đòi hỏi vô lý, thậm chí coi thường khán giả.
| Một hình ảnh của GNCT ngày xưa | |
Tôi không dám nhận mình là người làm hài giỏi. Khi công việc yêu cầu, chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể. Thời điểm làm GNCT, mọi thứ đơn giản và ít chương trình giải trí nên có thể khán giả ưu ái. Bây giờ làm khó hơn nhiều và phải đầu tư thời gian. Đó là hạn chế mà tôi có muốn cũng không làm được.
NSND Đạo diễn Khải Hưng (nguyên Giám đốc VFC - người được coi như “cha đẻ” của GNCT)
| Gắn bó với GNCT qua hàng trăm tiểu phẩm hài nhưng khi khán giả thấy chán, chúng tôi dừng sản xuất. | |
Còn nhớ, từ chương trình hài Bắc Nam cùng cười của nhà hát Tuổi trẻ, tôi đề xuất việc xây dựng GNCT. Sau khi được ban lãnh đạo đài đồng ý, tôi lên format chương trình và được duyệt ngay, nhưng vấn đề là làm thế nào. Phần đầu và cuối của chương trình là những tiểu phẩm hài, phần giữa là talk show. Thời gian đầu, tôi làm toàn bộ chương trình, sau đó chỉ làm phần tiểu phẩm hài.
| Logo quen thuộc của GNCT | |
Gắn bó với GNCT qua hàng trăm tiểu phẩm hài nhưng khi khán giả thấy chán, chúng tôi dừng sản xuất. Tôi cho đó là quyết định chính xác nhưng để hài miền Bắc cứ mãi chìm quá như hiện nay cũng không ổn. Mong muốn thực sự của tôi là được làm lại GNCT nhưng phải bằng format khác và đương nhiên nó phải tạo nên tiếng cười xuất phát từ đời sống xã hội và khiến khán giả thích thú. Ngoài vấn đề format và kịch bản, khó khăn ở đây còn là vấn đề diễn viên hài.
| Những gương mặt quen thuộc của GNCT, Gala cười ngày nào | |
Mười mấy năm nay vẫn những khuôn mặt ấy, Quốc Khánh, Quang Thắng, Vân Dung, Công Lý, Xuân Bắc… đều là những gương mặt tôi chọn từ những tiểu phẩm… Họ giờ già hết rồi trong khi thế hệ trẻ chưa đủ độ chín. Tuy nhiên nếu làm tiếp vẫn phải là họ, đan xen những gương mặt mới kế thừa. Bên cạnh đó, còn phải tính đến vấn đề kinh phí, thu có đủ bù chi không… Không phải tự phụ nhưng tôi dám khẳng định chỉ có tôi và đạo diễn Đỗ Thanh Hải mới có thể làm được GNCT. Nói như vậy bởi người đạo diễn cần phải có sự nhạy bén, khi diễn viên ra sân khấu chưa được duyên, được hay, mình phải lái, phải sáng tác ngay làm sao để bật được tiếng cười. Điều này cần có năng khiếu bẩm sinh, nhiều người thậm chí làm hài nhưng chẳng ai cười nổi.