(TGĐA) - Sự đổ vỡ là nỗi đau khủng khiếp với người đàn ông, chỉ có điều, họ không khóc được thôi - Diễn viên Giang còi chia sẻ.
Giang còi là gương mặt quen thuộc của làng hài miền Bắc. Anh được nhiều khán giả yêu thích với lối diễn xuất tự nhiên, chân chất.
|
Ở ngoài đời, Giang còi luôn khiến người đối diện thoải mái với cách nói chuyện dí dỏm, hài hước. Dù là "trai phố cổ" nhưng gương mặt quen thuộc của Gặp nhau cuối tuần tự hào vì có thể được coi là một nông dân chính hiệu. Ngoài giờ diễn, tự tay anh xắp xếp, vun vén cho cơ ngơi rộng 10,000m2 ở ngoại thành Hà Nội với vườn cây, ao cá. Anh có thể thao thao bất tuyệt về việc trồng cây nhãn ra sao, làm thế nào để cây xoài ra trái nhiều và ngọt hay cách huấn luyện những chú chó biết nghe lời.
Tuy vậy, Giang còi gần như không chia sẻ với truyền thông về cuộc sống gia đình, về những lần đổ vỡ trong hôn nhân. Đây có thể coi là lần đầu tiên anh mở lòng về vấn đề này.
- Gần đây thấy anh liên tục chia sẻ niềm vui trên trang cá nhân. Anh có thể tiết lộ cụ thể điều gì khiến anh có tâm trạng đó?
Tôi đang chuẩn bị làm lễ cưới cho cậu con trai thứ 2. Phải một tuần nữa, lễ đón dâu mới diễn ra nhưng mọi thứ trong nhà đã được chuẩn bị đâu vào đấy. Cuối năm, tôi bận trăm công nghìn việc, lại vừa phải mổ khối u đại tràng nhưng vẫn cố làm cho con cái lễ tươm tất.
Anh con trai cả đã "đẩy" tôi lên chức ông nội cách đây hơn một năm. Giờ con trai thứ yên bề gia thất. Với một người cha như tôi, không có gì hạnh phúc hơn.
|
- Anh luôn xuất hiện trong các tiểu phẩm hài, mang tiếng cười tới cho đông đảo khán giả nhưng ít ai biết rằng, anh đã phải xoay sở rất nhiều để có thể một mình chăm sóc bốn người con. Anh có thể chia sẻ về điều này?
Tôi có bốn người con nhưng chúng cũng cách xa nhau nên vất vả thì có nhưng cũng đủ sức chống đỡ (cười).
Tôi sợ nhất khoảng thời gian vào đầu những năm 1990, hai cậu con trai đầu của tôi còn nhỏ nhưng khu nhà tôi ở lại có nhiều người bị nghiện. Tôi luôn phải để ý tới con. Hồi đó, tôi có đi đóng phim Người chiếu bóng. Phim quay ở vùng cao nhưng vì các con đang nghỉ hè, tôi phải lôi theo cả hai đứa cho tiện chăm sóc và dạy dỗ.
Khổ nhất là những dịp khai giảng, họp phụ huynh của hai đứa đầu gần như đều trùng ngày. Tôi phải chạy show đi họp cho chúng nó vì đứa nào cũng nằng nặc "bố phải đi họp cho con, nếu không cô giáo mắng".
Bây giờ khi nhìn lại những khoảng thời gian đã qua, nhiều lúc tôi cũng phải tự khen mình tài thật, không biết lấy đâu ra nhiều thời gian và sức khỏe để lo nhiều việc cùng một lúc (cười).
- Thông thường, khi vợ chồng chia tay, các con sẽ ở với mẹ, điều gì khiến anh nhận chăm sóc các con?
Tôi nghĩ, khi đứa trẻ còn nhỏ nên ở với mẹ nhưng khi nó đã cứng cáp một chút rồi thì nên ở với cha. Chỉ có người cha mới giúp con trở nên cứng cáp, mạnh mẽ và biết các kỹ năng sống. Sống với mẹ, những đứa trẻ dễ trở nên yếu đuối vì được nuông chiều quá mức.
Cũng may, các con tôi có tính tự lập cao. Một phần do bố rèn, một phần do hoàn cảnh buộc chúng phải thế.
|
- Anh có thể chia sẻ về khoảnh khắc đầu tiên khi anh lên chức bố?
Khi đó, tôi 27 tuổi và đang học năm cuối trường Điện ảnh. Cả lớp tôi tổ chức một đoàn gọi là Nhà hát Sân khấu Điện ảnh và đi diễn dọc đất nước. Tôi thì vừa diễn vừa lo lắng tình hình vợ đang mang bầu những tháng cuối ở nhà.
Khi đoàn vào diễn ở miền Trung, vợ tôi sắp đến ngày sinh nở nên tôi xin đi sau. Vợ tôi đẻ mổ. Lúc cô ấy sinh, các bác sĩ không cho người nhà vào. Tôi phải lấy ghế, lén nhìn vào chỗ cửa kính không bị dán kín phía trên.
Cách đây mấy chục năm, chúng tôi làm gì có điều kiện đi siêu âm để biết mặt mũi con như bây giờ. Vậy nên khi con trai ra đời, tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể đưa vợ con về phòng nghỉ, nhờ bà nội chăm sóc rồi tất tả chạy ra ga Hà Nội, bắt chuyến tàu vào Đà Nẵng để tối hôm đó diễn kịch cùng anh em trong đoàn, phục vụ khán giả.
Đêm đó, tôi và các đồng nghiệp diễn rất thăng hoa. Thằng lớn được cả lớp tôi coi là con. Ai nó cũng gọi là bố mẹ hết (cười).
Tôi rất thương con, chỉ tiếc là tôi không giữ được cho con một gia đình hạnh phúc, có đủ cả bố lẫn mẹ. Đấy là điều khiến tôi luôn day dứt và ân hận.
- Vậy anh đã vượt qua giai đoạn chia tay và bù đắp cho con như thế nào?
Tôi và người vợ đầu ở với nhau được 12 năm, khi đã có 2 đứa con trai. Khi chia tay, tôi bị mất thăng bằng một thời gian dài. Tôi dồn hết tình yêu cho các con.
Tôi vừa làm cha, vừa nghe ngóng và học hỏi vì tôi sợ, phương pháp giáo dục của mình sai. Đứa trẻ thiếu hụt đi bàn tay chăm sóc của mẹ, tôi dành hết tình yêu cho con nên sợ con bị yếu đuối, còn mình trở thành người cha nhu nhược. Nhiều lúc, tôi bị dồn vào thế bất lực hoàn toàn. Có những đêm tôi nằm khóc vì thương mình, thương con.
Tôi trải qua nhiều đổ vỡ nên biết cái giá của hạnh phúc. Tôi thực lòng khuyên các bạn trẻ đừng nên vì bất cứ lý do gì mà để sự đổ vỡ xảy ra. Điều đó đau đớn lắm. Nỗi đau ấy dai dẳng tới mức 30 hay 50 năm sau, thậm chí tới khi mất đi, các bạn cũng không quên được.
Khi tổ chức lễ cưới cho các con, tôi rất đau lòng. Tôi và vợ đầu đã ly hôn được gần 20 năm. Khi con cưới, chúng tôi buộc phải xuất hiện cùng nhau với tư cách là thân sinh của chú rể. Sẽ có quay phim, chụp ảnh nhưng những tấm ảnh ấy treo ở đâu? Cô ấy không thể mang về nhà chồng hiện tại để treo. Nếu không thể treo thì chụp để làm gì? Nhưng nếu không chụp thì lại sợ các con buồn lòng.
Đó, vết thương cũ, tưởng như đã liền sẹo nhưng lại có dịp rỉ máu. Sự đổ vỡ là nỗi đau khủng khiếp với người đàn ông, chỉ có điều, họ không khóc được thôi.
|
- Anh đã trải qua những sự đổ vỡ. Vậy theo anh, lý do là vì đâu?
Có lẽ là vì sự vỡ mộng. Khi yêu nhau, người ta coi người mình yêu là nhất, cái gì cũng hoàn hảo nhưng khi sống với nhau, có rất nhiều thứ sẽ xảy ra.
Tôi không muốn đổ lỗi cho người khác. Tôi quan niệm, vì bất cứ lý do gì, khi sự đổ vỡ xảy ra, người đàn ông phải nhận trách nhiệm về mình đầu tiên. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, tôi không bao giờ muốn và cũng đã làm hết sức để các con phải chứng kiến cảnh cha mẹ chia tay. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn xảy ra, có lẽ là do số phận.
- Làm thế nào anh có thể khiến các con yêu thương nhau, dù chúng không chung mẹ?
Cái này không bắt buộc được. Chúng ta không thể dắt một đứa trẻ tới rồi nói với nó đây là anh/em con, các con phải yêu thương nhau.
Tình yêu luôn phải bắt đầu bằng sự tự nguyện. Tôi dạy các con cách nhìn mọi thứ xung quanh bằng con mắt nhân ái, biết yêu thương mọi người. Có lẽ vì thế khi gặp nhau, chúng tự khắc sẽ yêu thương nhau.
Tôi chứng kiến nhiều cảnh khi người bố hoặc người mẹ đi lấy chồng khác, người trong nhà thường nói đùa với đứa nhỏ là: Bố (hoặc mẹ) có vợ (hoặc chồng) mới rồi, sẽ có em bé khác và cháu sẽ ra rìa. Riêng với nhà tôi, tôi cấm tuyệt đối điều đó.
Tôi không dạy con tính ích kỷ từ bé hay thói quen xin xỏ. Nhiều người cho đứa nhỏ một món đồ nhỏ nhưng bắt con cúi rạp người xuống xin, thậm chí còn lấy lại, bắt chúng xin tiếp mấy lần nữa như thế. Con nhà tôi không bao giờ làm thế. Ai cho gì nó sẽ lễ phép nói cảm ơn, thế là xong.
|
- Mối quan hệ hiện tại giữa anh và những người phụ nữ từng đi qua cuộc đời anh hiện tại như thế nào?
Chúng tôi vẫn giữ sự tôn trọng dành cho nhau. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì họ vẫn là mẹ của các con tôi.
Theo VTC