(TGĐA) - Tại LHP QT Singapore 2018, hai đạo diễn trẻ phim tài liệu Việt Nam đã được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Dự án phim triển vọng (Dự án phim Đông Nam Á). Đây là tín hiệu tốt đối với thể loại tài liệu độc lập của Việt Nam. Nhân bàn về sự khởi sắc của phim tài liệu Việt, Thế giới điện ảnh đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Trần Thanh Hiệp – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Ông cũng là tác giả của cuốn “Giáo trình bậc đại học Phim tài liệu” giành giải thưởng Cánh diều Vàng cho Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình do Hội điện ảnh Việt Nam trao tặng tháng 4/2018.
'Người truyền cảm hứng': Chuyện về người thầy giáo mang quân hàm xanh | |
'Park Hang Seo - Người truyền lửa': Bộ phim dành tặng người hâm mộ đội tuyển bóng đá Việt Nam |
Thưa ông, nếu như các phim tài liệu truyền thống thường được sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nước và chủ yếu được trình chiếu trên truyền hình, thì các phim độc lập như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong đã xuất hiện tại các rạp chiếu thương mại. Điều đó cho thấy dấu hiệu bứt phá của phim tài liệu độc lập. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Tôi cho rằng mỗi giai đoạn đặt ra cho phim tài liệu sứ mệnh lịch sử riêng. Nếu trong thời quá khứ, phim tài liệu có vai trò quan trọng, kịp thời phản ánh sự thật khốc liệt của chiến tranh, quyết tâm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của con người Việt Nam, vẻ đẹp con người Việt Nam trong chiến tranh… có thể nói những thước phim tài liệu thời chiến như một sứ giả của sự thật, mang đến cho bạn bè thế giới biết về của chiến tranh Việt Nam thì trong thời bình phim tài liệu vẫn thực hiện những sứ mệnh riêng của nó.
|
Tuy nhiên, ngày nay nhu cầu xem phim của khán giả đã thay đổi, họ đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với những nhà làm phim tài liệu. Nếu anh vẫn cứ đi theo lối mòn tư duy cũ, nặng về tuyên truyền, áp đặt sẽ không thể giữ chân khán giả. Tài liệu là dòng chảy cuộc sống, nó phải tự nhiên để thuyết phục người xem bằng chính sự thô ráp và trần trụi đó. Cho nên những phim làm theo cách của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong được người xem đón nhận đó là điều tất yếu, nó như luồng gió mới, một món ăn ngon để gửi đến khán giả yêu điện ảnh. Phim tài liệu cần những gương mặt, những sắc màu đa dạng để làm phong phú nền điện ảnh tài liệu quốc gia. Tôi đánh cao cách làm phim này.
| |
Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng |
| |
Cảnh trong phim Đi tìm Phong |
Mới đây, tại Liên hoan phim quốc tế Singapore 2018, phim tài liệu Việt Nam đã gây ấn tượng và được vinh danh ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Dự án triển vọng”. Ông có cho rằng sau đây, những gương mặt mới này sẽ góp phần làm nên một thời kỳ mới của phim tài liệu Việt?
Chúng ta rất mừng khi những bạn trẻ, làm phim với tấm lòng yêu nước, yêu dân tộc và yêu văn hóa, đã mang những bộ phim đậm chất Việt đến với thế giới, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và nhận được nhiều giải thưởng cao quý, đó là điều chúng ta nên khuyến khích. Nhưng khi nhìn vào sự phát triển của điện ảnh, cần nhận thấy tính quy luật của nó, sự tiếp thu những cách làm phim mới, những khuynh hướng mới là điều tất yếu nhưng chọn cái gì, chọn đến đâu thì là cả một câu chuyện của mỗi nền điện ảnh, bản lĩnh của từng nền điện ảnh và không nên nghĩ rằng tuyệt đối hóa một cách làm phim mới nào.
Ông có cho rằng việc các nhà làm phim đa phần là ngoại đạo nhận được giải thưởng tại các LHP Quốc tế ngay lần đầu thử sức đã phần nào phản ánh những bất cập về đào tạo hiện nay không?
Vừa qua, tại Liên hoan phim sinh viên quốc tế châu Á 2018, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh có 3 tác phẩm dự thi thì cả 3 đều nhận được những giải thưởng quốc tế quan trọng. Đây là niềm vui lớn với thầy và trò của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và cho thấy, các sinh viên được đào tạo chính quy đã được cung cấp đúng và đủ các kiến thức cần thiết để làm nghề. Trở lại với câu hỏi trên, thực tế tôi cũng đã gặp nhiều nhà làm phim ngoại đạo rất thành công với những tác phẩm nhân văn. Ở đây không phải ai học ai, mà điều quan trọng là sự nhiệt huyết, chân thành, đam mê của mỗi người và phải sống thật với cuộc đời của chính mình. Đó là chất xúc tác để mỗi nhà làm phim tài liệu sáng tạo ra những thước phim để đời. Dù có được đào tạo trên trường lớp giỏi đến mấy nhưng nếu không có niềm đam mê, không đi sâu đi sát vào thực tế cuộc sống để phản ánh thì không thể thành công được.
Theo ông, lý do nào khiến những bộ phim tài liệu độc lập của Việt Nam có sức lan tỏa và được ban giám khảo quốc tế trao giải?
Mỗi một Liên hoan phim lại có một tiêu chí chấm giải riêng, kể cả trong nước hay quốc tế. Tôi cho rằng các bộ phim tài liệu độc lập của Việt Nam đã làm hài lòng được ban giám khảo quốc tế bởi sự chân thật và nhân văn trong tác phẩm. Ngoài ra, họ còn thấy được niềm đam mê, tình yêu của các tác giả Việt với “những đứa con tinh thần” của mình, bởi khi có đam mê người nghệ sĩ mới thực sự thăng hoa.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng của phim tài liệu Việt Nam hiện nay khi thực tế thể loại này chỉ được nhắc nhiều hơn tại các Liên hoan phim Quốc gia hay Giải thưởng Cánh diều. Bên cạnh đó, số lượng các phim tài liệu chiếu rạp đúng là vẫn đếm được trên đầu ngón tay?
Hiện nay, phim tài liệu của ta vẫn giữ theo cung cách làm phim cũ, đó chính là lý do khiến khán giả Việt thờ ơ với thể loại này. Khán giả xem phim ngoài rạp chủ yếu độ tuổi khá trẻ và không phải ai cũng thích xem phim tài liệu. Cộng thêm thói quen ra rạp xem phim tài liệu của khán giả lâu nay vẫn ì trệ, các rạp chiếu phim e ngại. Cùng đó, phim tài liệu ở Việt Nam muốn ra rạp phải biết chọn đề tài, đối tượng và thời điểm.
Thực tế, làm phim tài liệu vốn khó khăn, vất vả, mà đưa phim ra rạp lại càng gian nan hơn. Tôi cho rằng các nhà làm phim tài liệu hiện nay họ đã nhận ra được yếu điểm này và đang không ngừng nỗ lực với mong muốn thúc đẩy làn sóng làm phim tài liệu theo hướng hiện thực, hiện đại nhằm thay đổi quan niệm của khán giả về phim tài liệu. Tuy nhiên, bài toán về đầu tư sản xuất lẫn đầu ra của phim tài liệu vẫn luôn khiến các nhà sản xuất “đau đầu” mỗi khi bắt tay làm một bộ phim.
|
Đâu mới là hướng đi tốt nhất cho phim tài liệu hiện nay thưa ông?
Phim tài liệu sống được, có hiệu quả xã hội phải phụ thuộc rất lớn vào khán giả. Làm phim ra có ai xem hay không mới là vấn đề đặt ra hiện nay. Trước đó, chúng ta có nhiều phim tài liệu do nhà nước đặt hàng được khán giả đón nhận và dành nhiều lời khen ngợi như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Đường mòn trên biển Đông… Làm thế nào để người xem tin vào những sự thật do phim tài liệu mang lại, để khán giả cảm thấy đấy là nhu cầu tinh thần của họ thì đó lại là câu chuyện mà các nhà làm điện ảnh cần suy nghĩ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
GS.TS. Trần Thanh Hiệp là tác giả hai công trình nghiên cứu Điện ảnh của nhu cầu phát triển văn hóa – Giải A – Giải Cánh diều Vàng – Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2003 và cuốn Năng khiếu, tài năng và vấn đề tuyển chọn sinh viên – Giải Cánh diều Vàng – Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2013. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của những phim: - Mùa xuân toàn thắng – Giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam; Giải 5 năm Bộ Quốc phòng. - Khoảnh khắc mùa xuân – Giải A – Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam; Giải 5 năm Bộ Quốc phòng. - Đi tìm đồng đội – Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam; Giải 5 năm Bộ Quốc phòng Chủ biên nhiều chương trình đào tạo điện ảnh… |
Đạo diễn – Biên kịch Lê Thị Thanh Bình: 'Mỗi đề tài, mỗi câu chuyện đều thú vị' | |
Ngôn ngữ điện ảnh tài liệu Việt Nam qua các kỳ Liên hoan phim và phim tài liệu hiện nay |
Thu Hà