Khoảng hơn 10 năm về trước, ở nước ta, có một số cơ sở làm phim tài liệu có tín nhiệm như Hãng phim Tài liệu – Khoa học Trung ương, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh… Một số phim của Hãng phim Tài liệu – Khoa học Trung ương, tuy còn một vài khía cạnh chưa được như mong đợi, song ít ra, chúng đã gây nên những suy nghĩ, bàn luận mạnh mẽ trong công chúng. Đặc biệt, Đài Truyền hình TP. HCM đã đi đầu trong việc làm những bộ phim dài tập như Mekong ký sự, Ký sự hỏa xa v.v… Thiết tưởng, những bộ phim ký sự sẽ làm nên “thương hiệu” cho thể loại này của Đài, nhưng rất tiếc, những bộ phim càng làm về sau, càng yếu dần về cả nội dung lẫn hình thức. Con đường vận động theo đồ thị đi xuống không chỉ xảy ra ở Đài Truyền hình TP. HCM, không chỉ xảy ra ở một tập thể mà còn là căn bệnh chung đối với nhiều cá nhân cũng như nhiều đơn vị làm phim ở nước ta.
| Mekong ký sự là một trong những loạt phim thành công của HTV | |
May thay, đất nước Việt Nam, một đất nước thuộc dạng quốc gia “đang phát triển”, một đất nước trì trệ trong thời bao cấp dài lâu vừa tưng bừng đổi mới và mở cửa, một đất nước vừa thoát khỏi lệnh cấm vận và lao vào hội nhập thế giới với tốc độ của chiếc BMW trên đường đua “Formula One”, một đất nước “đi tắt đón đầu” trong việc sử dụng internet… đã cung cấp cho các nhà làm phim những mỏ vàng vô giá và vô tận. Nhưng tiếc thay, chỉ có một vài đơn vị nắm bắt được cơ hội này và khai thác một cách tương đối hiệu quả.
| Cảnh trong phim tài liệu Hai đứa trẻ | |
Trước tiên, cần cảm ơn những người làm phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam. Đầu tiên là những bộ phim tài liệu – khoa học khám phá thiên nhiên và di tích lịch sử của các đạo diễn như Nguyễn Hoàng Lâm, Nguyễn Hoài Nam… Họ mang đến người xem một cách làm phim không theo lối cũ. Nghĩa là họ bám sát hiện thực đến độ chạm vào hiện vật để gây lòng tin của người xem. Sau đó là sự tôn trọng khán giả. Họ đưa thông tin để người xem suy nghĩ chứ không áp đặt hay giảng giải. Loạt phim tiếp theo của Đài là loại phim thuộc chương trình “VTV đặc biệt”. Đài đã mạnh dạn mua hình thức làm phim (Format) của Đài Truyền hình Nhật Bản “NHK Special”. Cách làm mới này đã giúp Đài Truyền hình sản xuất được những bộ phim ấn tượng như Hai đứa trẻ, Đường về… Song bên cạnh điểm mạnh, chương trình cũng bộc lộ ngay những điểm yếu như: nhiều ekip làm phim không đồng đều, nhiều câu chuyện khai thác chưa kỹ, và “nhà đài” có phần chỉ quan tâm đến chiều rộng của các vấn đề mà ít quan tâm đến chiều sâu, tức là cách thể hiện vấn đề thiếu thuyết phục. Nếu không có những nhà làm phim dũng cảm và am hiểu tường tận câu chuyện của mình, có thể, trong thời gian tới, những bộ phim này sẽ khó có thể dán mác “đặc biệt” nữa.
| Cảnh trong phim tài liệu Trong quên lãng của đạo diễn Đoàn Hồng Lê | |
Một trung tâm làm phim tài liệu mới nổi lên trong dăm năm gần đây là VTV Đà Nẵng. Ở thành phố biển này có hai nữ đạo diễn thành công với nghề. Người thứ nhất là Dương Mộng Thu với phim Chiếc chiếu của bà Bứa, đoạt giải phim tài liệu ở Nhật Bản. Người thứ hai là Đoàn Hồng Lê với nhiều tác phẩm công phu như Trong quên lãng, Hãy nhớ bạn đang sống, Lời cuối của cha… Điểm nổi bật của hai nhà làm phim này là họ đã dũng cảm khai thác những đề tài hiện thực gai góc với cảm xúc mạnh mẽ và những góc máy trần trụi, đầy biểu cảm – đặc trưng sinh động của phim tài liệu. Họ nắm được tinh thần của thể loại. Họ yêu câu chuyện của mình với cả trái tim và theo đuổi nó như “tình nhân” trong một thời gian dài. Và tình yêu nghề, yêu con người, yêu nhân vật của họ đã được đền đáp một cách xứng đáng.
| Cảnh trong phim tài liệu Việt Nam thời bao cấp | |
Và công chúng vẫn nhớ mãi những bộ phim du ký đầy cảm xúc như Ký sự Biên phòng, Ký sự Biển Đảo, Nước Nga – Mùa Thu Vàng… của đạo diễn Trần Tuấn Hiệp. Phong cách làm phim mới mẻ, nhân vật gần gũi, cách dẫn truyện sinh động của anh đã lôi cuốn người xem theo từng giai điệu trên đường. Khi anh làm phim tài liệu, vẫn giữ được phong cách giản dị, chân thực, đưa người xem vào ngay trọng tâm câu chuyện. Những phim như Việt Nam thời bao cấp, Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, Thủy điện Sông Đà… đã tạo dấu ấn đậm nét cho phong cách làm phim luôn nóng hổi hơi thở cuộc sống và sâu đậm tâm lý thời đại.
| NSND Phạm Khắc và ekip làm phim Mekong ký sự | |
Đã gọi là phim tài liệu thì yêu cầu đầu tiên của thể loại phải là tính Chân thực. Người xem phải có lòng tin vào câu chuyện, lòng tin vào nhân vật, lòng tin vào người kể chuyện – thì họ mới xem. Đừng dùng những tiểu xảo của mình để lừa dối khán giả. Bài học đầu tiên của các bậc thầy dạy các nhà làm phim trẻ là “khán giả luôn thông minh hơn người làm phim”. Hiện thực của thể loại phim tài liệu thường ít khi đẹp mà nó hiện ra một cách khắc nghiệt, đôi khi khiến người xem se lòng. Nhưng đó mới là cảm xúc mà trái tim người làm phim muốn “đi đường thẳng” đến trái tim khán giả. Đương nhiên, muốn thành công, người làm phim cần có thẩm mỹ của cảm xúc. Và một điều quan trọng nữa đối với người làm phim tài liệu, đó là lòng dũng cảm. Không có đề tài nào gọi là cũ nếu nhà làm phim có góc nhìn mới và cách thể hiện mới. Nhà văn Pháp Albert Camus từng nói: “Ở đâu có nhiều nguy hiểm nhất thì ở đó có nhiều hy vọng nhất”. Khi bà I. Gandi lên làm Thủ tướng Ấn Độ, một nhà báo ngoại quốc hỏi: “Bà có bao nhiêu vấn đề cần giải quyết?”. Bà Gandi trả lời: “Nước tôi có 700 triệu dân. Mỗi người đã có bao nhiêu vấn đề rồi”. Mỗi quốc gia, mỗi con người đều có vấn đề riêng của mình. Nhưng với người làm phim tài liệu thì bất cứ vấn đề nào, nếu phản ánh hấp dẫn, đều vừa là vấn đề riêng của nhân vật, của đất nước mình, vừa là vấn đề chung của nhân loại. Các xung đột biên giới, sắc tộc, thế hệ, các mâu thuẫn xã hội như giàu – nghèo, già – trẻ, thành thị - nông thôn v.v… luôn gắn liền với sự vận động của xã hội, của hiện thực tâm lý và tình cảm con người… Người làm phim tài liệu cần phải huy động mọi sức mạnh của mình để phản ánh hiện thực một cách trung thực. Nếu không, anh chỉ là kẻ chạy theo nhạt nhẽo.
Người làm phim tài liệu cần phải huy động mọi sức mạnh của mình để phản ánh hiện thực một cách trung thực. Nếu không, anh chỉ là kẻ chạy theo nhạt nhẽo. |
| 5 ‘bí quyết’ để làm ra một phim tài liệu ‘ăn khách’ (TGĐA) - Sriracha (2014) thuộc số phim tài liệu độc lập có lãi từ khi được ... |
| 12 bộ phim tài liệu phải xem năm 2020 (TGĐA) - Phim truyện luôn chiếm lĩnh màn bạc thế giới trong danh sách những bộ ... |