(TGĐA) - Sau những chiếc áo dài trắng tinh khôi trong Cô gái đến từ hôm qua, lẽ ra khán giả Việt đã được quay ngược thời gian, ngắm nhìn những tà áo dài Sài Gòn xưa thập niên 1960 nếu Cô Ba Sài Gòn không đổi lịch công chiếu. Nhưng có hề gì, bởi trong suốt chiều dài điện ảnh Việt, tà áo dài luôn phấp phới trong phim, không chỉ đơn thuần tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ mà với mạch phim, nó còn mang tính tượng trưng, như là một nhân vật đóng góp vào dòng chảy ngầm của tác phẩm. Còn với nghệ sỹ Việt, đã từ lâu, áo dài ra với thế giới, còn hơn một biểu tượng, đó là niềm kiêu hãnh, sự tự hào…
Phim Cô Ba Sài Gòn |
Chuyện áo dài trên phim Việt
Trong suốt hành trình đồng hành cùng phim Việt, các nhà thiết kế trang phục đã làm rất tốt công việc tái hiện lịch sử và văn hóa của chiếc áo dài Việt trên phim.
Không chỉ là trang phục làm tôn vẻ đẹp Việt, tái hiện hiện thực đời sống hàng ngày mà với bối cảnh thời gian, vùng miền, văn hóa… chiếc áo dài còn chính là “bộ nhận diện” cho bất kỳ tác phẩm nào.
Nhìn vào mầu sắc, kiểu dáng, chất liệu và hoa văn, khán giả có thể “đọc vị” ngay bộ phim đang nói về thời kỳ nào, vùng miền nào, thậm chí cả tính cách nhân vật cũng như hành trình biến đổi của nhân vật đó.
Ví dụ những chiếc áo dài trắng trong Vị đắng tình yêu của học sinh Sài Gòn khác với áo dài trắng của miền Bắc thời chiến tranh; áo dài nhung đen kiểu cách của các bà Nghị, “me Tây” khá được ưa chuộng khi mô tả các nhân vật phản diện thời Pháp thuộc; áo dài của nhân vật Cầm trong Long thành cầm giả ca thì khắc họa hành trình của nhân vật từ nhỏ tới khi trưởng thành, trở thành ca nương bậc nhất kinh kỳ…
Chiếc áo dài trắng trong phim Cô gái đến từ hôm qua |
Với chiếc áo dài trắng, đó hẳn là những ký ức đẹp đẽ nhất về một thời lãng mạn, “nhất quỷ nhì ma” – sự ẩn dụ này luôn được ưa chuộng trong những bộ phim về thời chiến, giữa ngổn ngang bom đạn, nhắc về hậu phương với sự tinh khôi trong vắt.
Cũng là màu trắng đó, là sự đối lập khao khát nhìn thấy được trong ước mơ của cô gái điếm trong Ba mùa (Tony Bùi) mong muốn có được một cuộc sống bình thường; hay màu trắng như bản hùng ca lãng mạn sáng trong của những nữ biệt động mặc áo dài trong ngày xử bắn trên sông Hàn với diễn xuất của Trà Giang, Lê Khanh, Diễm My trong Dòng sông hoa trắng.
Chiếc áo dài trắng, là ấn tượng ban đầu về vẻ đẹp tinh khiết của người con gái Việt với chàng trai Hàn trong Cô dâu Hà Nội; là vẻ đẹp mỏng manh, bí ẩn của Phượng trong Người Mỹ trầm lặng…
Diễn viên Hải Yến với hình ảnh áo dài trong Người Mỹ trầm lặng |
Và nhắc về áo dài trên phim, hẳn cũng không thể nhắc tới bộ phim Áo lụa Hà Đông (2006) của đạo diễn Lưu Huỳnh.
Bỏ qua những sai lầm chết người về bối cảnh lịch sử trong kịch bản phim cũng như tiết tấu dài lê thê cùng motip làm phim quen thuộc thì đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt dùng chiếc áo dài làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt phim, hình tượng hóa nó để chuyển tải vẻ đẹp, sự bền bỉ cùng đức hy sinh của người phụ nữ Việt.
Người xem có thể chưa thoải mái với cách xử lý của đạo diễn khi dùng hình ảnh bé Ngô phất chiếc áo dài trắng như ngọn cờ trong dòng người chạy loạn nhưng lại khá lưu luyến với hình ảnh hai đứa trẻ thay phiên nhau đổi áo dài để đi học hay xúc động với đoạn văn bé An đọc về chiếc áo dài trước lớp…
Hồng Ánh chia sẻ, cô luôn diện áo dài mỗi khi xuất hiện tại các LHP trên thế giới |
Không chỉ là quốc phục
Nhắc đến các nhan sắc của điện ảnh Sài Gòn một thời như nghệ sỹ Thanh Nga, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Mộng Tuyền… thì những bức hình đẹp nhất của họ đều gắn với áo dài dù thời điểm đó, những bộ đầm tân thời đang cực kỳ thịnh hành. Không chỉ xuất hiện trên phim, trên những bích báo, bộ lịch mà trong những chuyến xuất ngoại, hình ảnh của họ cũng không thể rời những chiếc áo dài truyền thống.
Những Diễm My, Thủy Tiên, Thu Hà, Việt Trinh, Diễm Hương… một thuở cũng rực rỡ tuổi thanh xuân trong những tà áo dài, hiện diện trong các bộ lịch khắp dải đất hình chữ S này.
Diễm My - Nữ hoàng ảnh lịch một thời nền nã trong trang phục áo dài |
Và ở phía Bắc, gần như tuyệt đối, trong các sự kiện quan trọng, các nữ nghệ sỹ tài sắc một thời như NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSND Ngọc Lan, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Thanh Loan, NSND Hoàng Cúc… đều chọn áo dài để tôn lên vẻ đẹp của mình cũng như thể hiện sự trang trọng khi xuất hiện.
Sự tiếp nối, sự tự hào và cả vẻ đẹp của chiếc áo dài còn hiện diện nhiều hơn ở các thế hệ nghệ sỹ ngày nay dù thế giới showbiz phù hoa có quá nhiều sặc sỡ sắc màu đồ hiệu để mà se sua, để mà trưng diện. Chưa bao giờ tà áo dài vắng bóng trong các sự kiện điện ảnh từ lớn đến nhỏ với sự góp mặt của nhiều nữ nghệ sỹ.
Sài Gòn, anh yêu em hay Cô Ba Sài Gòn trong những lần họp báo ra mắt phim đều biến không gian của mình thành buổi trình diễn thời trang áo dài của các nghệ sỹ Việt.
Vì yêu thích áo dài nên Ngô Thanh Vân đã quyết đầu tư làm bộ phim về áo dài Sài Gòn thập niên 1960 |
Không chỉ diện áo dài ở những sự kiện trong nước, hầu hết nghệ sỹ đều thể hiện lòng tự tôn, vẻ đẹp Việt ở khắp các sự kiện trên thế giới như Trương Ngọc Ánh ở Liên hoan phim Việt Nam tại Pháp; Đỗ Hải Yến tại Liên hoan phim Venice vào năm 2009; Hoàng Thùy Linh và Phạm Quỳnh Anh tại Liên Hoan Phim Quốc tế Gwangju, Hàn Quốc; Nhã Phương tại Lễ trao giải phim truyền hình Seoul Drama Awards 2016; Hồng Ánh, Ngọc Thanh Tâm tại LHP Cannes 2017…
Kể chuyện về chiếc áo dài xuất hiện ở các Liên hoan phim nước ngoài, NSND Ngọc Lan đã từng chia sẻ câu chuyện tham dự LHPQT Matxcova với bộ phim Lửa trung tuyến.
NSND Trà Giang và NSND Ngọc Lan trong trang phục áo dài tại LHPQT Hà Nội |
Năm đó, bà vinh dự đại diện cho đoàn Điện ảnh Việt Nam cùng đạo diễn Liên Xô tài danh Sergei Bondarchuk kéo cờ tại lễ khai mạc.
Và hình ảnh cô diễn viên người Việt nhỏ nhắn trong chiếc áo dài màu tím đó đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng các đại biểu tham dự.
“Năm 1977, khi tôi đi dự LHPQT ở Nga thì bà chị tôi chuẩn bị cho tôi hai va li đầy toàn áo dài. Tôi còn nhớ, mỗi khi tôi xuất hiện là bạn bè quốc tế cứ trầm trồ nhìn theo. Đặc biệt, cái hôm được mời lên kéo cờ, tôi diện một bộ áo dài màu trắng. Và khi bước lên sân khấu, đứng cạnh các minh tinh quốc tế tôi nổi bật hẳn và mọi người ở dưới ai cũng hướng ánh nhìn về mình. Phần lớn những người bắt tay trò chuyện với tôi đều dành tặng lời khen về bộ áo dài”, NSƯT Thanh Tú chia sẻ. |
Còn với NSND Trà Giang, bà cũng đã từng chia sẻ: “Năm 1963, khi qua dự LHPQT Matxcova, vì lúc đó còn khó khăn nên tôi chỉ chuẩn bị được 7 bộ áo dài, mỗi ngày thay một bộ áo dài khác nhau.
Trong buổi khai mạc, khi tôi vừa diện áo dài bước lên thảm đỏ thì bao ống kính máy quay chĩa hết vào tôi. Lúc đó, dù nhiều người chưa biết Việt Nam cũng có tham gia Liên hoan phim nhưng nhìn thấy tôi mặc áo dài họ đã kêu tên Việt Nam. Trong giây phút đó tôi cảm thấy tự hào vô cùng”.
Nghệ sỹ Thẩm Thúy Hằng trong chiếc áo dài |
NSND Hoàng Cúc cũng chia sẻ nhiều lần bà được mời tham dự Liên hoan phim ở nước ngoài và bà đã tự hào đến rơi nước mắt khi thấy bạn bè quốc tế gọi tên Việt Nam khi vừa nhìn thấy chiếc áo dài bà mặc. “Người đẹp lá ngọc cành vàng” Thu Hà cũng chia sẻ: “Tôi còn nhớ một kỉ niệm khi tôi tham dự Liên hoan phim tại Quế Lâm, Trung Quốc.
Nhìn những nước bạn, mỗi lần họ xuất hiện là rào rào những tràng vỗ tay, tôi cảm thấy mình chỉ như một đứa trẻ con đi hội. Nhưng đến hôm khai mạc Liên hoan phim, tôi bước lên thảm đỏ với chiếc áo dài tím vẽ họa tiết hoa thạch thảo thì bất ngờ vì tất cả các ống kính dồn về phía mình.
“Từ xưa tới nay, Vân vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt với tà áo dài truyền thống. Hơn 17 năm qua, bất kể tham dự một sự kiện quan trọng nào, nhất là trên thảm đỏ các sự kiện quốc tế, Vân luôn chọn mặc áo dài để thể hiện sự tự tin về nét đẹp dân tộc Việt” – Ngô Thanh Vân.
|
Họ chưa biết mình là ai, đóng vai gì, vì với quốc tế mình chưa là gì, nhưng rõ ràng cái đẹp, cái lạ của tà áo dài có sức hút rất lớn”.
Tự dưng, tôi nhớ lời bài hát Một thoáng quê hương của nhạc sỹ Thanh Tùng – Từ Huy: “Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu, Paris, London, hay ở miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…”.
Thành Sơn