(TGĐA) - Xã hội hóa điện ảnh có thể lấy dấu mốc từ năm 2007, khi Luật điện ảnh bắt đầu có hiệu lực nhưng thực chất, dấu hiệu này đã bắt đầu được manh nha từ vài năm trước đó. Hơn một thập kỷ xã hội hóa, điện ảnh Việt chúng ta có gì? Đó là tựa đề của hàng trăm bài báo cũng như công trình nghiên cứu trong nước đã thống kê theo cái nhìn được và mất. Bắt đầu từ số báo này, Tạp chí Thế giới điện ảnh xin giới thiệu đến bạn đọc một góc nhìn khác từ bên ngoài biên giới thông qua nghiên cứu tựa đề Điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh xã hội hóa của Phó giáo sư, Tiến sĩ Anatoly Sokolov – Nhà Việt Nam học đến từ Viện Đông phương học – Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kaity Nguyễn: Bước tiến trong diễn xuất từ nữ sinh kẹo ngọt đến 'gái già' trưởng thành | |
'Em và Trịnh' gây thương nhớ với những thước phim đầu tiên |
Trăm phim đua nở - Điện ảnh dân tộc mất dần vị thế!
Hiện nay, tình trạng thương mại hóa toàn diện diễn ra trong nền điện ảnh Việt Nam, khiến cho các tổ chức văn hóa của nhà nước lẫn các nhà làm phim lo lắng. Tháng 1 năm 2007, Luật Điện ảnh bắt đầu có hiệu lực. Trong khuôn khổ chính sách nhà nước về xã hội hóa ngành, Luật phải thúc đẩy việc thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài. Nhà nước quyết định cổ phần hóa các hãng phim quốc gia để họ tự kiếm tiền sản xuất các sản phẩm của mình. Thiết nghĩ, những biện pháp này sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc, và khán giả sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu những thành tựu của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, kết quả của thập kỷ vừa qua thật bất ngờ: nền điện ảnh dân tộc mất dần vị thế trong nước, các hãng phim nhà nước đứng trên bờ vực sụp đổ về tài chính, sản xuất phim điện ảnh thực sự rơi vào tay các hãng phim tư nhân, hoạt động phát hành phim trong nước bị các công ty nước ngoài kiểm soát.
Bước đầu tiên tiến tới xã hội hóa điện ảnh Việt Nam diễn ra vào đầu những năm 2000, khi xuất hiện những bộ phim giải trí được sản xuất trong nước dành cho khán giả đại chúng. Một trong những người khai sinh ra dòng phim thương mại là đạo diễn Lê Hoàng, tác giả của phim Gái nhảy, sản xuất năm 2003. Bộ phim này đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự, buộc khán giả Việt Nam phải quay trở lại rạp chiếu phim đúng vào thời điểm họ bắt đầu không còn mặn mà với điện ảnh trong nước. Hơn nữa, nó đã mở đường cho điện ảnh thương mại dân tộc. Các đạo diễn Việt Nam bắt đầu tích cực quay các bộ phim thuộc thể loại giải trí – phim chính kịch và hài - với sự tham gia của các diễn viên xinh đẹp và câu chuyện diễn ra trong những phòng khách sang trọng hoặc trên nền những phong cảnh đẹp.
Gái nhảy của Lê Hoàng là cú hích mở đường cho việc xã hội hóa điện ảnh tại Việt Nam |
Những bộ phim như vậy đặc biệt được giới trẻ yêu thích, họ là lớp khán giả chủ yếu ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới. Đúng lúc đó, các hãng phim tư nhân bắt đầu được thành lập, và đến năm 2010, khoảng 40 hãng phim như vậy đã được được thành lập bởi một số diễn viên và đạo diễn, cũng như các tổ chức nghệ thuật khác nhau. Một số trong đó hoạt động theo chu trình sản xuất đầy đủ, còn số khác - hợp tác với các tổ chức khác nhau. Một số có trường quay, chủ yếu là các trường quay nhỏ, thậm chí còn không có phòng quay. Theo số liệu của Cục Điện ảnh Việt Nam, đến đầu năm 2019, cả nước có khoảng 500 hãng phim tư nhân đã được đăng ký.
Yếu tố tiếp theo trong quá trình xã hội hóa điện ảnh ở Việt Nam có thể kể đến là sự tham gia tích cực của các đạo diễn và diễn viên Việt kiều vào tiến trình điện ảnh quốc gia, trước hết là trong việc sản xuất những bộ phim dưới hình thức hợp tác và độc lập. Những bộ phim như Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Sài Gòn nhật thực, do các đạo diễn Việt kiều thực hiện vào nửa sau những năm 2000, là những mẫu mực điển hình của văn hóa đại chúng, góp phần đẩy mạnh hơn nữa dòng phim thương mại trong điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, phạm vi hoạt động của các hãng phim nhà nước bị thu hẹp, sản xuất phim giảm và khán giả ít quan tâm hơn tới điện ảnh trong nước. Sau khi tiến hành cổ phần hóa, hãng phim quốc gia chính ở Hà Nội hầu như không còn hoạt động.
Dòng máu anh hùng là một trong những phim do Việt Kiều sản xuất bắt đầu tham gia dòng chảy phim thị trường Việt Nam |
Chính lúc bấy giờ, các công ty phát hành phim lớn của nước ngoài bắt đầu bành trướng tại Việt Nam. Một số lượng lớn phim ngoại nhập đã góp phần làm thay đổi sự lựa chọn thể loại của khán giả nghiêng về phía phim giải trí, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của phim sản xuất trong nước. Quá trình đưa toàn bộ cơ cấu tổ chức sản xuất, phát hành, tiêu thụ sản phẩm điện ảnh hòa nhập vào cơ chế thị trường trong những thập kỷ gần đây ở Việt Nam diễn ra một cách đầy khó khăn và đau đớn. Và nó đang tiếp tục.
Điện ảnh là hình ảnh văn hóa của đất nước
Trước những năm 2000 - 2005, ở Việt Nam, các hãng phim nhà nước sản xuất từ 5 đến 10 phim điện ảnh mỗi năm. Với sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân, tình hình bắt đầu thay đổi, tổng số phim được sản xuất trong nước bắt đầu tăng lên. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 40 phim, năm 2016 - 60, năm 2017 - 40. Hầu hết những bộ phim này đều được quay tại các hãng phim tư nhân. Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, phim tài liệu tại Việt Nam vẫn được nhà nước tài trợ sản xuất 15 phim mỗi năm. Chúng thỉnh thoảng được chiếu trên truyền hình; thông thường, những bộ phim này phục vụ mục đích tuyên truyền tư tưởng, vì vậy không gây được tiếng vang trong công chúng. Tình hình tương tự cũng diễn ra với phim hoạt hình. Nhà nước cấp kinh phí để sản xuất 10 phim mỗi năm, và chúng cũng vắng mặt trong hệ thống phát hành. Hiện nay, truyền hình Việt Nam có một số kênh nước ngoài dành cho thiếu nhi, trong đó có những kênh chiếu phim hoạt hình, chủ yếu là phim Mỹ.
Tổng kết năm 2018, Cục Điện ảnh Việt Nam đã đưa ra những số liệu như sau: đã cấp giấy phép phát hành cho 34 phim Việt Nam, 234 phim nước ngoài, 16 phim điện ảnh video, 2 phim đồng sản xuất với nước ngoài, 5 phim tài liệu và 33 phim kỹ thuật số, 32 phim màn ảnh hẹp. Cả nước có 901 rạp chiếu phim với 130.900 chỗ ngồi.
Hai năm trở lại đây, trong số phim nội, một số phim như Hai Phượng, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang… được khán giả đánh giá cao, nhìn chung, chúng cho phép người nước ngoài hình dung về nền điện ảnh Việt Nam đương đại.
Phim hành động Hai Phượng kể về một phụ nữ trẻ trước đây từng cầm đầu một băng nhóm tội phạm. Quyết định đoạn tuyệt với quá khứ của mình, cô về ở ẩn tại một ngôi làng xa xôi, sinh con gái và muốn sống như những người bình thường. Nhưng một lần, con gái của cô bị bắt cóc, và cô buộc phải lao vào một cuộc chiến tàn nhẫn để giành lấy hạnh phúc của mình. Bộ phim giành được thành công đặc biệt ở Hoa Kỳ, chủ yếu ở các thành phố đông Việt kiều sinh sống. Năm 2019, bộ phim đoạt giải chính thức tại Liên hoan phim Quốc tế Osaka (Nhật Bản).
Hai Phượng là điển hình cho xu thế sản xuất phim thành công ở Việt Nam hiện nay khi có cả doanh thu trước nước và nước ngoài |
Phim Cô Ba Sài Gòn lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1960. Giai đoạn này được coi là kỷ nguyên áo dài của phụ nữ Việt Nam. Nhờ một phép thuật, chiếc áo dài đã cuốn cô con gái của một thợ may nổi tiếng trong thành phố vào vòng thời gian, đưa cô đến năm 2017, và cứu được doanh nghiệp của gia đình.
Phim Song Lang thuộc thể loại phim tác giả, là câu chuyện bi thảm về tình yêu nghệ thuật, về tình bạn của hai thanh niên sống tại thành phố Hồ Chí Minh những năm 1980. Trong thời hậu chiến, đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, ảnh hưởng đến nhà hát cải lương Việt Nam nổi tiếng một thời, có liên quan trực tiếp đến cốt truyện của phim. Nhưng chính nhà hát đã giúp các nhân vật của bộ phim vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Những phim như Song Lang là đồ hiếm và lạ trong thị trường xã hội hóa điện ảnh hiện nay |
Những bộ phim này nhận được cổ vũ của khán giả và xác định các xu hướng chính của tiến trình điện ảnh Việt Nam đương đại, đó là: sự thống trị của phim thương mại và xu hướng sản xuất phim giải trí một cách bền vững. Và còn một đặc điểm nữa: các nhà làm phim Việt kiều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới việc sản xuất những bộ phim thương mại này.
Có lẽ, có thể lý giải tình hình hiện nay như sau: trước khi bắt đầu quá trình xã hội hóa điện ảnh, các hãng phim nhà nước chỉ sản xuất những bộ phim định hướng tư tưởng đúng đắn. Nhân vật điển hinh của những bộ phim này là các chiến sĩ quân đội nhân dân, những người lao động ở hậu phương, nông dân, giáo viên, bác sĩ, v.v. Nhiệm vụ chính của những bộ phim này là tuyên truyền các quan điểm chính trị thích hợp, vì vậy chúng mang tính giáo huấn, đạo đức cứng nhắc, hình tượng nhân vật rập khuôn, đánh mất yếu tố cảm xúc. Nhiều năm liền, nền nghệ thuật chính thống ở Việt Nam coi nhiệm vụ chính của mình là thực hiện chức năng giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ, mà bỏ quên chức năng giải trí. Thế rồi những nhu cầu của khán giả trong xã hội Việt Nam đương đại tư bản hóa, nhanh chóng được đáp ứng, trước hết bởi những bộ phim của các hãng phim tư nhân, sau đó là nhiều bộ phim nước ngoài.
Phim nhà nước đặt hàng trở nên hiếm hoi và không đủ cơ chế để cạnh tranh ở thị trường chiếu rạp |
Năm 2013, trong số 19 phim điện ảnh được quay ở Việt Nam thì có 14 phim hài, năm 2014, một nửa trong số 24 phim được quay là phim hài, năm 2015, một nửa trong số 40 phim được quay là phim hài. Trong những năm tiếp theo, tỷ lệ này hoàn toàn không thay đổi. Thông thường, đây là những bộ phim có cốt truyện chính kịch dành cho khán giả đại chúng. Phim hành động cũng bắt đầu được quay, nhưng các nhà làm phim Việt Nam vẫn chưa có đủ kinh nghiệm để cạnh tranh ngay cả với phim Hồng Kông hay Hàn Quốc. Nhưng chẳng bao lâu đã xuất hiện những bộ phim hành động của Việt Nam.
Dòng phim hài vẫn là chủ đạo của điện ảnh Việt từ khi xã hội hóa |
Nổi tiếng tiếp theo là những bộ phim có cốt truyện huyền bí, về hồn ma, về những hiện tượng bất thường. Loại phim này mang lại nhiều lợi nhuận, vì vậy chúng được các nhà sản xuất ủng hộ; các đạo diễn trẻ và thậm chí cả các sinh viên trường điện ảnh cũng thích làm loại phim này. Nhìn chung, tác giả của những bộ phim này không cần có vốn sống, chỉ cần trí tưởng tượng và kiến thức về loại phim nước ngoài tương tự. Kết quả là tất cả những bộ phim này đều giống nhau - về cốt truyện, về cách giải quyết xung đột, v.v...
Trong điện ảnh thương mại Việt Nam đương đại đã hình thành xu hướng bền vững sản xuất phim remake - những bộ phim được quay theo mô típ của những bộ phim khác đã thành công về doanh thu. Nổi tiếng nhất trong dòng phim này là Em là bà nội của anh, Yêu đi đừng sợ, Bạn gái tôi là sếp với bản quyền được mua của Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia. Phim Em là bà nội của anh đoạt kỷ lục phát hành ở Việt Nam năm 2015. Đây là bộ phim hài giả tưởng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, được đào tạo về điện ảnh tại Mỹ. Em là bà nội của anh dựa theo bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc Miss Granny, được "làm lại" cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
Dòng phim remake đang là lựa chọn an toàn và tràn ngập điện ảnh Việt |
Hiện nay, các hãng phim Việt Nam không thể cung cấp đủ cho thị trường nội địa những bộ phim có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của đồng bào mình. Vì vậy các rạp chiếu phim tràn ngập phim nước ngoài. Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu từ 200 đến 300 phim. Theo số liệu của Cục Điện ảnh, từ 2007 đến 2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1.380 phim nước ngoài, chủ yếu từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Hơn nữa, xu hướng này ngày càng phát triển: năm 2015 có 199 phim được mua, năm 2016 - 177 phim, năm 2017 - khoảng 300 phim. Theo đó, số lượng rạp chiếu phim trong nước, chủ yếu là chiếu phim nước ngoài, cũng ngày càng tăng, tính đến giữa năm 2019, 75% phim tại các rạp ở Việt Nam được quay ở nước ngoài.
Ngoài ra, 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh và thành công trên thế giới. Theo số liệu chính thức, lợi nhuận từ việc bán vé năm 2000 là 2 triệu USD, năm 2006 - 5 triệu USD, năm 2010 - 27,7 triệu USD, năm 2012 - 47 triệu USD, năm 2014 - 82 triệu USD, năm 2015 - 100 triệu USD. năm 2018 - 150 triệu USD. Tuy nhiên, gần như toàn bộ số tiền này rơi vào tay các nhà xuất khẩu và phát hành phim nước ngoài.
Tình hình này không làm hài lòng các nhà lãnh đạo văn hóa và điện ảnh Việt Nam, vì nó ảnh hưởng đến công tác giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ và lợi ích kinh tế - làm giảm sản lượng phim trong nước. Trong hơn một thập kỷ kể từ khi bắt đầu công bố chính sách xã hội hóa điện ảnh (tức là từ năm 2007 đến năm 2017), khoảng 200 bộ phim điện ảnh đã được sản xuất tại Việt Nam, trong đó 150 phim do các hãng phim tư nhân sản xuất. Như vậy, tính ra, cứ 7-10 phim nước ngoài mới có 1 phim Việt Nam.
Ở cấp độ vĩ mô, có thể lý giải tình hình này như sau: năm 2007, khi gia nhập WTO, Việt Nam không có bất kỳ văn bản pháp lý hay văn bản nào khác hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài, đồng thời bảo vệ thị trường phim nội địa. Trong khi đó, ở các nước láng giềng có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Trung Quốc và Hàn Quốc, đều tồn tại hạn ngạch nhập khẩu và phân phối phim nước ngoài như vậy. Kết quả là thị trường điện ảnh Việt Nam hoàn toàn không được bảo vệ trước sản phẩm của nước ngoài.
Hiện nay, phần lớn phim chiếu rạp ở Việt Nam là phim giải trí, thể loại được khán giả ưa thích hơn cả là phim hành động, hài, chính kịch, huyền bí, phim về cuộc sống của những người đồng tính, chuyển giới... Phim về các vấn đề xã hội hầu như vắng bóng, loại phim này chỉ có thể xem tại các chương trình của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội hoặc tại các chương trình bình luận phim của nước ngoài.
Công ty Vinaresearch đã tiến hành khảo sát 800 khán giả tại Hà Nội và TP.HCM về sở thích xem phim của họ, và kết quả thu được như sau: về thể loại, phim hành động (action) và hài đang dẫn đầu ở nam (76%) và nữ (70,9%), tiếp theo là phim phiêu lưu mạo hiểm (54%) và giả tưởng (49%). Được ưa chuộng nhất là phim Mỹ - 49%, tiếp theo là phim Việt Nam - 19%, Trung Quốc - 9%, Hàn Quốc - 6%, và Nhật Bản - 5% (chủ yếu là phim hoạt hình).
Đại bộ phận khán giả Việt Nam là thanh niên từ 14 đến 25 tuổi. Trung bình mỗi tuần họ nhận được 4 phim nước ngoài như là món ăn tinh thần, kèm theo coca-cola và bắp rang bơ. Nói về sự ưa chuộng của các sản phẩm điện ảnh Hoa Kỳ, cần lưu ý rằng ở Việt Nam hiện nay trong giới trẻ (đặc biệt là ở các thành phố lớn), những dấu hiệu của hiện tượng Mỹ hóa đang thể hiện khá rõ – đó là quá trình tiếp thu những nét đặc trưng của văn hóa Mỹ, lối sống Mỹ. Và điều này chủ yếu là do tác động của những bộ phim từ Tân Thế giới, chúng đang dẫn đầu trong chương trình của các rạp chiếu phim ở Việt Nam. Theo các cuộc thăm dò dư luận, khán giả Việt Nam thích phim Hollywood bởi những đặc điểm như kỹ thuật hiện đại và hình ảnh đẹp, ấn tượng, nhân vật điển hình (ví dụ, người anh hùng đơn độc vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh và chiến thắng bằng mọi giá) và tất nhiên, dàn diễn viên ngôi sao.
Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu dùng (tiêu thụ) được tuyên truyền trong những bộ phim này và các giá trị khác vốn có của văn hóa phương Tây có tác động rõ rệt đến khán giả. Theo ý kiến của các quan chức văn hóa Việt Nam, nội dung của một số bộ phim nhập khẩu không phù hợp với đạo đức và lối sống của người Việt Nam. Và mặc dù mỗi năm có 20-30 phim nước ngoài không được phép phát hành trong nước, nhưng, như báo chí Việt Nam viết, “không có cách nào ngăn cản dòng phim phương Tây tràn ngập các rạp và phòng chiếu phim trong nước, chúng trở thành công cụ chính để tiến hành chính sách bành trướng văn hóa từ bên ngoài.
Ngô Thanh Vân công bố 'Trạng Tí' trở lại rạp vào dịp lễ 30/4 (TGĐA) - NSX Ngô Thanh Vân và Studio68 vừa công bố Trạng Tí phiêu lưu ... |
Điện ảnh Việt đổ bộ nửa đầu năm 2021: Sự trở lại của hai 'đạo diễn trăm tỷ' (TGĐA) - Khi phòng vé thế giới còn nguyên tình trạng ảm đạm do ảnh ... |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Anatoly Sokolov