(TGĐA) - Mưa đỏ – Tái hiện lịch sử hào hùng của 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, là dự án phim truyện điện ảnh lớn nhất trong một thập kỷ qua của Điện ảnh Quân đội Nhân dân. Với nội dung sâu sắc, tái hiện cuộc chiến bi tráng, tinh thần hòa hợp dân tộc và khát vọng hòa bình, bộ phim hứa hẹn mang đến một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, kết nối thế hệ hôm nay với những giá trị lịch sử bất diệt của dân tộc.
Hé lộ lý do thành công những bộ phim chiến tranh của NSND Đặng Nhật Minh | |
Quảng bá điện ảnh Việt Nam: Cần những yếu tố nào? |
Năm 2025, cả nước hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025). Đây là dịp để tôn vinh những giá trị lịch sử, tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do. Góp phần làm sống lại những ký ức lịch sử hào hùng đó, Điện ảnh Quân đội Nhân dân (QĐND) thực hiện bộ phim truyện điện ảnh Mưa đỏ theo Quyết định số 1113/QĐ-CT ngày 23/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Bối cảnh phim trường Mưa đỏ. Ảnh: ĐAQĐ |
Mưa đỏ – Bản anh hùng ca bi tráng
Bộ phim Mưa đỏ tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với sự hy sinh to lớn của cả dân tộc để bảo vệ từng tấc đất, từng công trình văn hóa lịch sử.
Không chỉ khắc họa chân thực sự khốc liệt của chiến tranh, bộ phim còn tái hiện những cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Từ đó, Mưa đỏ tố cáo mạnh mẽ tội ác chiến tranh, đồng thời ca ngợi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Bộ phim là lời tri ân đến những người lính đã ngã xuống vì hòa bình, là thông điệp về sự kiên cường và tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam.
Chia sẻ về cảm xúc khi bộ phim Mưa đỏ bấm máy quay những cảnh đầu tiên, Thượng tá Kiều Thanh Thúy – Phó Giám đốc Điện ảnh QĐND, Giám đốc sản xuất phim truyện điện ảnh Mưa đỏ cho biết: “Với tôi, đó là cảm giác đan xen của sự hồi hộp, tự hào và tràn đầy kỳ vọng. Đây là thời điểm khi tất cả những kế hoạch và công việc chuẩn bị trong nhiều tháng được hiện thực hóa. Cảm giác tự hào khi thấy công sức của cả đội ngũ, ê kíp cuối cùng đã được đền đáp bằng việc bộ phim đã quay những thước phim đầu tiên. Thời điểm này không chỉ là một sự khởi đầu mà còn là điểm khởi phát cho những kỳ vọng lớn lao về sự thành công của bộ phim, giá trị và ý nghĩa mà bộ phim sẽ đem đến cho công chúng".
Cảnh quay tại phim trường Mưa đỏ |
Bối cảnh phim trường Mưa đỏ. Ảnh: ĐAQĐ |
Dự án phim quy mô lớn
Với thời lượng từ 110 đến 120 phút, Mưa đỏ được đánh giá là dự án phim chiến tranh quy mô lớn nhất của Điện ảnh QĐND trong 10 năm trở lại đây. Bộ phim huy động sự phối hợp của nhiều quân binh chủng trong quân đội, sử dụng các vũ khí, phương tiện, trang bị và đạo cụ hiện đại để tái hiện chân thực nhất bối cảnh chiến trường.
Phần lớn bối cảnh phim được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị – nơi từng là tâm điểm của cuộc chiến, cùng với một số điểm quay tại Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên và Hà Nội. Để đảm bảo sự chân thực và sống động, bộ phim được xây dựng và tái hiện kỹ lưỡng từng chi tiết trên phim trường.
Theo chia sẻ của họa sĩ thiết kế Vũ Việt Hưng, ekip Tổ Họa sĩ đã dày công nghiên cứu, chỉn chu đến từng chi tiết, đội ngũ làm việc hăng say, chuyên nghiệp, nhiệt huyết và đam mê với thể loại phim hiện thực chiến tranh.
Từng chi tiết như những rễ cây ăn lan trong hầm mỏ, lớp tường xanh rêu do không gian ẩm thấp, trạm phẫu tiền phương núp dưới những tán cây rừng, với những đồ đạc đơn sơ như chiếc chõng cứu thương ghép tạm bằng tre nứa nhưng toát lên được tinh thần và ý chí của những người lính năm xưa. Các toa tàu cũng được phục dựng, thiết kế lại để đúng với tinh thần và thời điểm lịch sử. Bên cạnh việc bảo đảm khắc họa chân thực lịch sử, các bối cảnh đạo cụ còn mang giá trị thẩm mỹ, cũng hóa thân thành một nhân vật trong câu chuyện.
Bối cảnh phim trường Mưa đỏ |
Đoàn làm phim nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình của bà con, tại các đại cảnh có sự tham gia đông đảo của các diễn viên quần chúng |
Kịch bản và đội ngũ thực hiện chuyên nghiệp
Kịch bản Mưa đỏ do nhà văn Chu Lai chắp bút. Ông là một trong những tác giả hàng đầu về đề tài chiến tranh, với khả năng tái hiện sống động và sâu sắc những lát cắt lịch sử qua lăng kính văn học và nghệ thuật.
Đạo diễn của bộ phim NSƯT Đặng Thái Huyền, người đã khẳng định tài năng qua nhiều tác phẩm về chiến tranh và hậu chiến như Người trở về, Mười ba bến nước, Đất lành. Với kinh nghiệm dày dặn và góc nhìn tinh tế, NSƯT Đặng Thái Huyền hứa hẹn mang đến một bộ phim không chỉ giàu giá trị nghệ thuật mà còn giàu cảm xúc.
Phim trường Thành Cổ được tái hiện lại chân thực phỏng theo di tích Thành Cổ lịch sử. Đoàn làm phim và đội ngũ họa sĩ đã nghiên cứu kết cấu của Thành cổ Quảng Trị trên thực tế, từ đó lên thiết kế bối cảnh bảo đảm sát như nguyên mẫu. Từ cổng thành Đinh Công Tráng, các lớp thành bao, màu tường thành với các lớp rêu phong của thời gian, cách sắp xếp các lớp gạch cũng như nghiên cứu kết cấu của từng viên gạch. Để bảo đảm tính chân thực nhất, đoàn làm phim cũng mời chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử và các cựu chiến binh từng tham chiến tại Thành Cổ để đưa ra các góp ý, tư vấn về chi tiết trong quá trình xây dựng.
Bối cảnh phim trường Mưa đỏ |
Bộ phim mang nhiều ý nghĩa lịch sử và thông điệp nhân văn
Mưa đỏ không chỉ đơn thuần là một bộ phim chiến tranh mà còn mang sứ mệnh tái hiện lịch sử và truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc. Qua những thước phim, khán giả không chỉ được nhìn lại một thời kỳ hào hùng mà còn cảm nhận được sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, bộ phim là một lời nhắc nhở thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn những gì cha ông đã để lại. Mưa đỏ sẽ là cầu nối để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về quá khứ, từ đó tiếp nối truyền thống yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.
“Trong nhận thức của chúng tôi, mỗi thế hệ đều gánh vách một sứ mệnh với thời đại của mình. Các thế hệ trước đã hoàn thành trách nhiệm của họ, là đấu tranh giành độc lập, thống nhất. Thế hệ hôm nay có sứ mệnh là bảo vệ nền hòa bình, xây dựng dân tộc đoàn kết, làm cho đất nước giàu mạnh. Nhiệm vụ lịch sử khác nhau nhưng các thế hệ có chung những giá trị tốt đẹp được thừa hưởng từ tổ tiên ngàn đời, đó là tinh thần, ý chí, lòng yêu nước, khát vọng vươn lên...”. Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Phó trưởng ban chỉ đạo sản xuất phim truyện điện ảnh Mưa đỏ chia sẻ.
Bối cảnh phim trường Mưa đỏ |
Dự kiến, bộ phim sẽ được hoàn thành vào tháng 7/2025, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây sẽ là món quà ý nghĩa mà Điện ảnh Quân đội nhân dân gửi tới đồng bào cả nước, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động kỷ niệm và giáo dục truyền thống lịch sử.
Với sự đầu tư công phu và đội ngũ thực hiện giàu kinh nghiệm, Mưa đỏ hứa hẹn trở thành một dấu mốc quan trọng trong dòng phim lịch sử Việt Nam. Bộ phim không chỉ là niềm tự hào của Điện ảnh QĐND mà còn là lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân Thượng tá Nguyễn Thu Dung ghé thăm và tặng quà đoàn làm phim Mưa đỏ |
Hà Nội tháng 10/1954 qua góc nhìn của Roman Karmen | |
Nhà biên kịch Raphael Didierjean: 'Phải trung thực và chính xác với lịch sử' |
Minh Quang