Nhà biên kịch Raphael Didierjean: 'Phải trung thực và chính xác với lịch sử'

(TGĐA) - Tháng 8 năm 2019 vừa qua, Những cánh én đầu tiên là bộ phim tài liệu (3D) thuộc series Không chiến Việt Nam được sản xuất bởi Silver Swallows Studio (Xưởng phim Én Bạc) thuộc Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nhằm tái hiện những trận chiến lịch sử có thật của Không quân Nhân dân Việt Nam. Kịch bản phim do nhà biên kịch kiêm quản lý dự án chuyên nghiệp người Pháp Raphael Didierjean thực hiện.

nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su Hoàng Mai Anh: 'Truyền thuyết về Quán Tiên' giúp tôi sống ý nghĩa hơn!
nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su Hồ Minh Khuê: Nàng cử nhân Luật khó ‘trốn’ khỏi diễn xuất

Phóng viên TGĐA đã có dịp trao đổi với anh mới thấy cái tâm, cái tầm cùng một tình yêu Việt Nam, quê hương người vợ yêu quý của anh.

Anh có thể chia sẻ về ý nghĩa tên gọi xưởng phim và ý tưởng series phim Không chiến Việt Nam?

Chúng tôi đã bàn bạc thật nhiều để chọn một cái tên cho hãng phim và bộ phim. Mới đầu chúng tôi định chọn tên phim là Khi én bạc vào trận, sau đó mới đổi Những cánh én đầu tiên. Song ý tưởng và hình ảnh con chim én bạc luôn xoay quanh suy nghĩ của chúng tôi. “Én” chính là tiếng lóng chỉ máy bay MIG 17, chúng tôi thích cái tên này, cuối cùng đã chọn “én” là bởi vì MIG17 bay chậm. Ngay thời điểm đó, trên thế giới MIG 17 đã trở nên lạc hậu. Thời điểm chiến tranh, không quân Việt Nam chỉ có khoảng 30 chiếc MIG-17, trong khi Mỹ thì có hàng ngàn chiếc. Việt Nam cũng chỉ có vài phi công mà cũng không được đào tạo nhiều về bay, lại thiếu kinh nghiệm. Với sự khiêm nhường chúng tôi nghĩ cũng giống như họ. Vì vậy chúng tôi chọn tên hãng phim là Én bạc. Chúng tôi nghĩ mình cũng đang chiến đấu trong trận chiến của riêng mình: Đại học Duy Tân chiến đấu trong thế giới 3D, chúng tôi học làm phim, chúng tôi phạm nhiều sai lầm, và học hỏi từ những sai lầm này.

nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su
Nhà biên kịch Pháp Raphael Didierjean

Phim tài liệu Những cánh én đầu tiên ra đời là sự khẳng định của một chuỗi thành công bước đầu…Anh có thể chia sẻ lại hành trình (từ ý tưởng, đề tài, cộng sự, cách thể hiện… phim tài liệu, nhân chứng, đặc biệt là kỹ thuật tái tạo bằng đồ họa điện ảnh 3D...)?

Vào ngày 3 và 4 tháng tư năm 1965, một Trung đoàn mới thành lập là Trung đoàn Sao Đỏ của lực lượng không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN) đã thực hiện cuộc không chiến đầu tiên với lực lượng không quân và không quân hải quân Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ cây cầu chiến lược, cầu Hàm Rồng và phải chiến thắng trong trận ra quân đầu tiên này.

Một nhóm các phi công trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm lái những chiếc máy bay bị đối phương xem là “cổ lỗ sĩ”, đánh lại một kẻ thù vượt xa mình cả về số lượng lẫn kỹ thuật.

Biến điểm yếu thành điểm mạnh bằng cách sử dụng hết ưu điểm của máy bay MIG-17, đó là khả năng cơ động tốt hơn so với đối thủ khi ở vận tốc thấp, dùng súng 23mm và 37mm ở cự ly gần cùng chiến thuật đánh du kích, những người tiên phong của lực lượng KQNDVN và những chiếc ‘Én bạc’ của họ đã chiến thắng ngay trận giáp mặt đầu tiên với các máy bay Hoa Kỳ. Song để có chiến công này, Việt Nam đã phải hy sinh một số phi công trẻ tuổi.

nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su

Câu chuyện về cuộc không chiến trên bầu trời miền Bắc được kể từ quan điểm của phía Việt Nam, cách nhìn nhận của những người từng là phi công của KQNDVN sẽ là một câu trả lời thẳng thắn, đối lại nhiều phim tài liệu của Mỹ cũng về chủ đề này. Bộ phim chọn cấu trúc đi vào từng chủ đề (cầu Hàm Rồng huyền thoại, quá trình huấn luyện phi công, các đặc điểm và khả năng cơ động của các loại máy bay, tình cảm của các phi công đối với các máy bay mình lái, chiến thuật đánh du kích trên không, sự hy sinh của ba phi công, tinh thần đồng đội và tình yêu quê hương đất nước, các giá trị di sản), và cấu trúc so sánh để giữ tính cân bằng của cả điểm mạnh và điểm yếu của hai phía.

Bộ phim kết hợp các phần như hiệu ứng – kỹ xảo 3D, phỏng vấn các cựu phi công Việt Nam và các phim tư liệu lịch sử nhằm cung cấp các thông tin độc quyền và chính xác nhưng đồng thời không bỏ qua các khía cạnh về tình cảm và con người. Một cuốn phim nói về quá khứ nhưng vang vọng đến hiện tại, nhằm nhấn mạnh giá trị di sản (của những thành công trong quá khứ) đối với các phi công trẻ cũng như tầng lớp trẻ tuổi ngày nay ở Việt Nam.

Ngoài các giá trị lịch sử và di sản, dự án này được trường đại học Duy Tân thực hiện còn hướng tới mục tiêu áp dụng và phát triển công nghệ mới hiện nay còn thiếu ở miền Trung Việt Nam trong lĩnh vực làm phim và hiệu ứng kỹ xảo 3D.

Một khó khăn lớn khi thực hiện các kỹ thuật 3D là đội ngũ làm phim phải học hỏi từ đầu, trong nhiều năm chúng tôi không thể tìm được những kỹ thuật viên 3D ở Việt Nam để đào tạo. Sau hai năm rưỡi chúng tôi mới tuyển được người để đào tạo, nhưng rồi nhiều người đã bỏ ra đi, đội ngũ này đã thay đổi nhân sự rất nhiều lần.

Được biết một trong những yếu tố góp phần thành công cho phim Những cánh én đầu tiên là vai trò biên kịch và quản lý dự án của anh. Vì sao anh lại đồng ý bắt tay "mạo hiểm” với nhà sản xuất bộ phim này?

Thực tế khi thực hiện một bộ phim, vai trò của nhà biên kịch thường bị đánh giá thấp trong bộ phim. Nếu một bộ phim hay thì người ta chỉ đề cập đến vai trò của đạo diễn, diễn viên hoặc những cảnh 3D. Nếu bộ phim dở thì người ta sẽ nói đó là một câu chuyện quá tệ. Một bộ phim giống như một tảng băng, người ta chỉ nhìn thấy phần nổi, còn kịch bản thì nằm ở phần chìm dưới nước, họ chỉ nhìn thấy 25% của tảng băng nổi trên mặt nước. Kịch bản là phần phát triển ý tưởng của bộ phim trước khi bắt tay vào tiền kỳ. Nếu quan niệm rằng làm phim là một thực hành nghệ thuật như tôi đang làm, đó luôn luôn là một sự mạo hiểm, những người làm phim cần phải mạo hiểm. Không chỉ biên kịch chấp nhận sự mạo hiểm này mà còn là nhà sản xuất và trường Đại học Duy Tân nữa. Đối với tôi đây là một cơ hội tốt để làm việc ở Việt Nam, với một đội ngũ những người làm phim Việt Nam, với một đề tài về lịch sử Việt Nam, để tìm hiểu về đất nước này nhiều hơn, và làm việc với một trường đại học - đối với tôi đó là lý do chính để tôi nhận công việc này. Tôi hiểu một trường đại học sẽ tập trung vào nghiên cứu và khảo sát, và họ sẽ cho tôi thời gian cần thiết để khảo sát. Đối với tôi điều tuyệt vời khi viết kịch bản là có đủ thời gian để khảo sát.

Anh đã gặp những khó khăn, áp lực gì khi thực hiện phim? Điều gì đã giúp anh tự tin vượt qua tất cả?

Khó khăn đầu tiên là việc thu thập các dữ liệu và thông tin, những chi tiết về lịch sử, chiến lược, chiến thuật, chiến đấu. Chúng tôi phải đảm bảo sự chính xác đến từng chi tiết, đó là điều rất khó khăn. Điều quan trọng là xác định một cách nhìn công bằng và thành thật giữa hai phía Việt Nam và Mỹ. Cũng có thể vì tôi là người Pháp, không phải người Việt hay người Mỹ nên trường đại học đã chọn tôi để có một góc nhìn công bằng và khách quan.

Có thể nói đây là bộ phim về lịch sử quân sự đầu tiên được sản xuất độc lập bởi một trường đại học. Các cựu chiến binh - nhân vật của chúng tôi đã rất ngạc nhiên vì những phim kiểu này thường được sản xuất bởi đài truyền hình hoặc các hãng phim nhà nước. Thử thách lớn đối với chúng tôi là phải chiếm được lòng tin của họ, và cũng phải kiên nhẫn bởi vì quá trình làm phim kéo dài 6 năm.

Vì ở Việt Nam thiếu thông tin, nhà sản xuất cho tôi sang Mỹ để nghiên cứu cụ thể. Tại đây tôi tìm kiếm thông tin, thu thập các tư liệu từ góc nhìn của người Mỹ, bởi vì ở Việt Nam chúng tôi không thể tìm được một mô hình MIG 17 còn đầy đủ trang bị bên trong nên tôi phải đi tìm mô hình này ở Mỹ để nghiên cứu về "nội thất" - cấu tạo bên trong của nó. Sự phấn khích và cảm hứng khi ngồi trong buồng lái máy bay MiG-17 tại bảo tàng Western Sky Aviation Warbird, đã giúp tôi mang về những bức ảnh chụp các chi tiết cụ thể để giúp cho đội thiết kế 3D dựng lại mô hình chính xác. Dựa trên ảnh chụp bảng điều khiển của máy bay MiG 17, đội thiết kế 3D đã làm lại một bảng điều khiển y như thật, kể cả những bảng hướng dẫn nhỏ xíu bằng tiếng Nga. Nhờ những khảo sát ở Mỹ này chúng tôi đã thực hiện tốt phần 3D. Chuẩn bị cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu và tác giả Nguyễn Nam Liên, một người quan trọng đã giúp tôi khám phá lịch sử không chiến Việt Nam; Phỏng vấn của sử gia Đại tá Vũ Tang Bồng với sự hỗ trợ của kênh truyền hình Quốc Phòng Việt Nam đã sản xuất nhiều bộ phim tài liệu chiến tranh cho tôi một số thông tin cụ thể để viết kịch bản.

nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su
Biên kịch Raphael Didierjean cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Liên

Tôi là người nước ngoài, còn bộ phim được sản xuất bởi người Việt Nam nên phải có góc nhìn của người Việt Nam. Vì vậy tôi tự cảm thấy trách nhiệm của mình, là phải thực hiện chính xác và thành thật với lịch sử.

Mối quan hệ giữa tôi và nhà sản xuất đã giúp tôi vượt qua tất cả những thử thách này, chúng tôi đã hỗ trợ nhau rất nhiều. Đôi khi anh ấy cũng đã mất lòng tin vào dự án, có khi cả hai chúng tôi đều nghi ngờ và từng cảm thấy thất vọng, nhưng chúng tôi đã hỗ trợ lẫn nhau và tin sẽ vượt qua. Chúng tôi luôn phải tạo động lực cho nhau, nhất là những khi có những kỹ thuật viên rời bỏ dự án...

Anh có thể chia sẻ những kỉ niệm, sự cố trong quá trình thực hiện bộ phim?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc phỏng vấn tướng Trần Hanh và tướng Phạm Ngọc Lân. Nếu không có họ, đối với tôi không có câu chuyện nào được kể. Sau khi đọc xong nội dung phỏng vấn của họ được dịch ra tiếng Pháp, tôi nghĩ đã nắm bộ phim trong tay rồi, vì chúng tôi thấy câu trả lời của họ rất thành thật và đầy cảm xúc.

Kỹ thuật 3D là khó khăn lớn nhất đối với đội ngũ làm phim mà chúng tôi bắt buộc phải vượt qua. Còn với tôi thử thách lớn nhất là viết một kịch bản tài liệu - truyện (docu-fiction), một bộ phim dựa trên các phỏng vấn, video tư liệu và những hình ảnh 3D.

nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su
Đại tá Vũ Tang Bồng cùng các đồng nghiệp kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Raphael

Dự án tiếp theo của Xưởng phim Én bạc trong series phim Không chiến Việt Nam cho đến thời điểm này là gì? Các anh có ý định tạo ekip mới hay có sự thay đổi nào không?

Tôi không còn làm việc với Đại học Duy Tân. Xưởng phim Én Bạc đã có một ekip mới.

Mọi người đã "bay" với đôi cánh của mình. Tôi hiện đang phát triển một dự án về cuộc chiến và hòa giải giữa hai phi công Mỹ và Việt Nam. Đây sẽ là một thử nghiệm pha trộn giữa điện ảnh trực tiếp và phim drama.

Là một biên kịch và quản lý dự án với kinh nghiệm từng làm việc với nhiều nước trên thế giới, hiện tôi làm việc tự do và mong muốn được hợp tác với các nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn sáng tạo tại Việt Nam.

Chân thành cảm ơn và chúc anh tiếp tục thực hiện các dự án thành công!

nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su Hoàng Mai Anh: 'Truyền thuyết về Quán Tiên' giúp tôi sống ý nghĩa hơn!
nha bien kich raphael didierjean toi phai trung thuc va chinh xac voi lich su Hồ Minh Khuê: Nàng cử nhân Luật khó ‘trốn’ khỏi diễn xuất

Vũ Liên