Kịch bản phim Việt: Cái giá của lòng tin!?

(TGĐA) Trong bàn tròn Vietnam Cinema trên K+ dịp Tết vừa qua, diễn viên – nhà sản xuất Trấn Thành có lên tiếng về mức thù lao chưa xứng đáng của biên kịch. Nhiều nhà biên kịch đang hoạt động hiện nay như Bình Bồng Bột (Tiệc trăng máu, Chị Mười Ba), Lương Kim Liên (Lô Tô, Hạnh phúc của mẹ)… cũng lên tiếng vì thù lao chưa xứng để kích thích nâng cao chất lượng kịch bản. Nhìn từ hai phía: Biên kịch hiện có đủ vị thế ra giá và giá của biên kịch liệu đã là tương xứng?

Góc nhìn của nghệ sĩ Trung Dân về văn hóa ứng xử của người trẻ thời đại internet Góc nhìn của nghệ sĩ Trung Dân về văn hóa ứng xử của người trẻ thời đại internet
Câu chuyện hiện đại - truyền thống dưới góc nhìn của Lê Hoàng và Quách Khoa Nam Câu chuyện hiện đại - truyền thống dưới góc nhìn của Lê Hoàng và Quách Khoa Nam

Giá của biên kịch…

Có lẽ không cần nhắc lại sự quan trọng của kịch bản bởi câu nói đó gần như thành cửa miệng của các nhà làm phim Việt hiện nay cũng như title tiêu đề của nhiều bài báo lên tiếng báo động. Xã hội hóa điện ảnh với số lượng phim tăng vọt ra rạp – phát sóng cùng với đa dạng về chủ đề, thể loại khiến nguồn kịch bản trở nên cung không đủ cầu, nghề biên kịch đã có giá nhưng tất yếu cũng vẫn là thiếu hụt, yếu kém, bát nháo và vay mượn nhiều
Năm 2013, theo mức tính thù lao của biên kịch điện ảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tại “Dự thảo Nghị định quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác” thì biên kịch có thể nhận từ 2,25-2,75% tổng giá thành sản xuất phim. Tức là, cứ một phim tổng đầu tư 10 tỷ thì biên kịch nhận được cao nhất là 275 triệu. Hiện tại, với giá thành thị trường, với một phim điện ảnh lớn, biên kịch hoặc nhóm biên kịch đúng là có thể nhận từ 400 - 450 triệu đồng nhưng cũng phải theo đuổi dự án đó khoảng 2 năm, bỏ rất nhiều công sức. Tất nhiên, thù lao phụ thuộc vào dự án lớn hay nhỏ và danh tiếng, bề dày kinh nghiệm của biên kịch. Thông thường, các biên kịch nhận thù lao dao động từ 50 - 250 triệu đồng trong nhiều tháng làm việc. Nếu muốn ủng hộ nhà làm phim thân thiết, họ có thể nhận nửa thù lao hoặc biến thù lao thành khoản đầu tư. Không tính mùa Covid, trung bình điện ảnh Việt sản xuất khoảng 40 phim/1 năm, một nhà hay nhóm biên kịch nổi bật có thể làm được 2-3 dự án điện ảnh. Truyền hình nếu thời đỉnh cao, một nhóm có thể làm vài bộ gối đầu nếu đắt khách. Không giàu có, sống tốt hơn so với ngày xưa nhưng quả thực, thù lao vẫn không đủ để kích thích sự sáng tạo nếu coi đó là “điểm nổ” đầu tiên cho các dự án bom tấn phòng vé.Không nói tới vài dự án lớn, bao quát những phim bình thường từ điện ảnh tới truyền hình theo con đường nhà nước (nhà nước đặt hàng hay nhà đài sản xuất) hiện nay, thù lao cho biên kịch vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ nhỉnh hơn chút ít. Ví dụ như theo tiết lộ của một biên kịch chuyên nghiệp, thù lao họ nhận là khoảng 7 triệu – 8 triệu đồng chưa thuế cho một tập phim truyện truyền hình 45 phút – hệt giá cách đây gần 20 năm. Còn với những biên kịch không chuyên mức thù lao sẽ giảm nửa rơi vào 3– 4 triệu cho một tập kịch bản. Tất nhiên, đó là không tính những “trò” hành biên kịch mới hay “chiêu” của nhà sản xuất để giảm bớt tiền thù lao.

Kịch bản phim Việt: Cái giá của lòng tin!?
Em chưa 18 là một trong 10 phim ăn khách nhưng không quá xuất sắc và đặc sắc về kịch bản

Và biên kịch liệu có giá?

Kịch bản tốt thì nhà biên kịch sống được và có giá. Thậm chí khan hiếm ý tưởng như hiện nay mà chau chuốt lại những bản remake theo ý đồ nhà sản xuất phù hợp thị trường Việt thì vẫn ăn ra cả danh tiếng lẫn tiền bạc ví dụ như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Tiệc trăng máu… (Điện ảnh) hay Người phán xử, Nhà trọ Balanha, Tình yêu và tham vọng (truyền hình). Nhưng nhìn tổng thể, dù sống được nhưng kịch bản và nghề biên kịch hiện nay xét ở thị trường phim chiếu rạp vẫn chưa đem lại sự yên tâm cho các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất lớn vẫn chưa đủ lòng tin vào biên kịch trong nước hay mặt bằng biên kịch nói chung chưa đủ đáp ứng. Phim remake vẫn tràn ngập. Nhìn top 10 phim ăn khách của Việt Nam thì ngoài 2 phim remake ra, hầu hết kịch bản thuộc thể loại hài hay hành động đều na ná, mang hơi hướng nước ngoài, kiểu góp nhặt cốt truyện, phong cách mỗi nơi một ít. Chủ lực vẫn đánh ra phòng vé dựa vào tên tuổi của các ngôi sao showbiz. Những tên tuổi đánh ra cái name “nhà biên kịch” thực sự để ra giá chưa nhiều và cũng chưa đủ lòng tin, vẫn ăn đong theo từng kịch bản. Rất nhiều những kịch bản hay phim ăn khách đều tự do đạo diễn tổ chức viết rồi chào hàng sản xuất như ekip của Victor Vũ, Charlie Nguyễn…

Kịch bản phim Việt: Cái giá của lòng tin!?
Cảnh trong phim remake Tiệc trăng máu - Một trong 10 phim ăn khách nhất Việt Nam

Còn ở truyền hình, nhất là tình hình thu quảng cáo eo hẹp như hiện nay, sự lên ngôi của youtube, các đài nhỏ lẻ chú trọng mua phim phát sóng hay remake cùng với eo hẹp của giờ Vàng trên các kênh chính, vấn đề “ra giá” hay sáng tạo của kịch bản lại càng là cánh cửa nhỏ.

Bên cạnh đó, một mặt trái khác cũng khiến biên kịch “mất giá”. Đó là việc nhà nhà làm phim, người người làm nhà sản xuất khiến xuất hiện một số bộ phận, nhóm bộ phận các bạn trẻ không được đào tạo qua trường lớp, tự nhận mình là biên kịch (còn gọi là biên kịch tay ngang) đi nhận viết kịch bản với mức giá thù lao bèo bọt. Họ không bài bản, thiếu vốn sống, ít trải nghiệm nên các câu chuyện kể của họ dần xa rời thực tế, kịch bản sáng tác đi vào lối mòn, thiếu sáng tạo, sau đó nhà sản xuất sẽ thu mua, “xào nấu” để ra rạp, phát sóng. Điều này, khiến cho chất lượng phim Việt Nam ngày càng đi xuống và trầm trọng hơn là đẩy mức giá biên kịch xuống thấp sàn, nghề biên kịch bị rẻ rúng.

Kịch bản phim Việt: Cái giá của lòng tin!?
Công cuộc tìm kiếm kịch bản hay vẫn là bài toán hiện nay

Cũng may, điều này ngày càng ít khi khán giả tẩy chay, việc nhà nhà làm phim bắt đầu dần được “tinh lọc”.

Cái khó của nhà biên kịch

“Hãy cho tôi một ý tưởng” – Đó là câu nói của Hollywood. Ở đó, biên kịch chỉ cần có ý tưởng, mọi cái còn lại nhà sản xuất và ekip sản xuất sẽ chu toàn. Nhưng đó là chuyện ở “kinh đô”, còn chốn Việt Nam này, thị trường sản xuất phim vẫn còn đang ở trạng thái đong đếm, đo nhiệt độ khán giả và cái lo oằn mình từ phòng chiếu, nếp nhăn từ nhà sản xuất vẫn đè nặng, ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo của các nhà cầm bút.

Phim truyền hình trước đây cũng đã kêu khá nhiều. Để cân bằng giữa sản xuất và thu vào quảng cáo, chi phí bị cắt giảm, hàng chục biên kịch đã phải cắn răng nghe nhà sản xuất, giảm bối cảnh, giảm nhân vật, giảm đại cảnh, nói chung giảm hết để vừa vặn với “cái áo” kinh phí, nghe đâu ngày càng hạn hẹp.

Điện ảnh cũng không ngoại lệ, trừ nhà sản xuất nào mạo hiểm, dám chơi cú lớn còn hầu hết tính kế an toàn, giảm được cái gì thì giảm đó. Nhà biên kịch Kay Nguyễn (Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng) chia sẻ: “Tôi bức xúc vì biên kịch Việt Nam suốt ngày bị chê là viết dở. Ngay cả khi biên kịch phải liên tục sửa rất nhiều mà bỗng dưng dự án hết tiền, có thể nhà làm phim buộc phải cắt bỏ phần tiền đầu tư đồ họa, âm nhạc… và gây ảnh hưởng đến chất lượng chung của bộ phim, lỗi đâu phải do biên kịch”.

Một nữ biên kịch có gần 20 năm theo nghề chia sẻ, nghề biên kịch của chị được coi trọng và có vị trí đàng hoàng đó là dành cho những biên kịch chuyên nghiệp. Chị chỉ muốn mọi người – các nhà sản xuất, đạo diễn nên tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nghề nghiệp. “Không có cung sẽ chẳng thể có cầu”, nếu các nhà sản xuất, đạo diễn không tìm mua những kịch bản “dở” của các biên kịch “dở” để tạo ra những tác phẩm “dở” thì điện ảnh – truyền hình Việt Nam sẽ phát triển. Và đặc biệt, cần tôn trọng khán giả, mang đến họ những bộ phim nhân văn thay vì những “món ăn hổ lốn” như hiện nay. “Muốn có chất lượng phim tốt đừng sợ tốn tiền”!

Kịch bản phim Việt: Cái giá của lòng tin!?
Nhiều phim kịch bản dở tệ vẫn được đưa vào sản xuất
Kịch bản phim Việt: Cái giá của lòng tin!?

Nhà trọ Balanha cũng là một phim được remake lại

Cái khó của nhà biên kịch là chưa ai dám đặt lòng tin cả về sáng tạo và tiền bạc cũng như ngược lại, biên kịch cũng chưa đủ cho nhà sản xuất một lòng tin tương đối. Vì thế, remake vẫn đang là chủ đạo!
'Gái già lắm chiêu V': Đằng sau trường đoạn one-shot dài 6 phút của NSND Lê Khanh và NSND Hồng Vân 'Gái già lắm chiêu V': Đằng sau trường đoạn one-shot dài 6 phút của NSND Lê Khanh và NSND Hồng Vân
Mai Cát Vi sợ hãi tột độ, toàn thân đông cứng, vật lộn với 'bóng đè' Mai Cát Vi sợ hãi tột độ, toàn thân đông cứng, vật lộn với 'bóng đè'

P.V