Làm sao để khai thác đề tài lịch sử và tác phẩm văn học trong điện ảnh?

(TGĐA) - Sáng ngày 9/11 đã diễn ra Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII. Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã đến dự và phát biểu.

Khai mạc Triển lãm 'Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh' Khai mạc Triển lãm 'Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh'
Nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế xuất hiện tại thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VII Nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế xuất hiện tại thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VII

Tham giả Hội thảo có nhiều đạo diễn, nhà sản xuất cũng như chuyên gia về văn học và điện ảnh, có thể kể tới như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Võ Thanh Hòa, nhà sản xuất phim Trinh Hoan...

Khai thác đề tài lịch sử và tác phầm văn học: Cơ hội cho sáng tạo điện ảnh Việt
Quang cảnh Hội thảo

Chia sẻ về khó khăn của những nhà làm phim chuyển thể từ các đề tài lịch sử và tác phẩm văn học, đạo diễn Charlie Nguyễn cho hay: "Nếu như điện ảnh là lịch sử thì câu chuyện sẽ rất khô khan và không có cảm xúc. Khó khăn của chúng ta là làm sao để có cái nhìn đúng đắn về một tác phẩm lịch sử. Ở khía cạnh nhà làm phim, vai trò để tạo nên một bộ phim lịch sử đúng đắn cần thể hiện được hai sự thật, đó là sự thật về thực tế và sự thật về tinh thần, cảm xúc, tâm lý hành trình nội tâm, xung đột tâm lý của một nhân vật, đó là điều không có trong lịch sử nhưng đó là trách nhiệm, vai trò và nhiệm vụ của nhà làm phim, nhà biên kịch để khiến cho bộ phim trở nên hay hơn".

Ngoài ra, anh cũng nhấn mạnh: "Nếu đòi hỏi tác phẩm điện ảnh phải chính xác như lịch sử thì chỉ có lịch sử, không có điện ảnh". Bên cạnh thách thức trong sáng tạo thì nguồn vốn làm phim lịch sử cũng rất lớn để đầu tư bối cảnh, trang phục, nhiều nhà làm phim nói vui rằng chưa làm phim thì còn có nhà ở, làm phim xong "mất nhà".

Từ góc độ nhà làm phim, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng khán giả cần nắm rõ hai loại "sự thật." Một là sự thật thực tế về nhân vật lịch sử được nói đến, nơi chốn, thời điểm và sự việc... đây là những câu chuyện đã được ghi lại trong chính sử và không thể chối cãi. Hai là "sự thật về tinh thần," là hành trình về tâm lý, những đấu tranh nội tâm diễn ra bên trong nhân vật.

"Đây là những thứ không có trong lịch sử và là trách nhiệm của người làm phim trong việc cài cắm những ý nghĩa và thông điệp, kết nối với cảm xúc của khán giả và chứng minh họ cũng chỉ là con người", đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích.

Khai thác đề tài lịch sử và tác phầm văn học: Cơ hội cho sáng tạo điện ảnh Việt
Đạo diễn Charlie Nguyễn

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng đưa ra ý kiến, đó là để có tác phẩm về đề tài lịch sử hay thì các nhà viết kịch bản, các đạo diễn, các diễn viên phải sáng tạo hết mình và tin vào con đường sáng tạo đó và các nhà quản lý phải có cách nhìn nhận khác biệt. Nhưng các nhà làm phim Việt Nam đôi khi bị bó buộc quá nhiều vào nội dung gốc hoặc lịch sử, dẫn đến sự thiếu sáng tạo. Để có tác phẩm hay, các nhà làm phim cần sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, đồng thời tin tưởng vào con đường sáng tạo của mình.

Khai thác đề tài lịch sử và tác phầm văn học: Cơ hội cho sáng tạo điện ảnh Việt
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan cho biết, làm một tác phẩm về lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học có rất nhiều cơ hội để tạo nên một sản phẩm có giá trị. Ở Việt Nam có một bề dày lịch sử với những vấn đề, những nhân vật, sự kiện lớn và rất hấp dẫn. Từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn, đến chống Pháp, chống Mỹ, rất nhiều đề tài đặc biệt để khai thác tạo ra sản phẩm giá trị và mang lại sự quan tâm từ công chúng. Đề tài về lịch sử là một đề tài quan trọng, có thể là tạo ra một sản phẩm giá trị rất lớn. Thế nhưng để thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử hay tác phẩm văn học.

Cũng theo nhà sản xuất Trinh Hoan, vừa rồi, dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi còn đề xuất tăng thuế VAT đối với các sản phẩm điện ảnh, thể thao tăng từ 5% lên 10%, tôi thấy không hợp lý. "Làm phim từ khi đầu tư đến khi thu lại vốn phải mất thời gian ít nhất là một năm. Nhà đầu tư bỏ ra 20 tỷ mà vì thuế phải lên 21 tỷ thì sẽ ngưng ngay, họ không đầu tư nữa. Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem lại Dự thảo Luật thuế VAT nếu không thì sẽ khó cho ngành điện ảnh, càng khó cho phim lịch sử, phim rủi ro cao. Nếu các nhà làm luật muốn điện ảnh phát triển đặc biệt là sản phẩm lịch sử, văn hóa phát triển thì phải xem lại việc tăng thuế VAT", nhà sản xuất Trinh Hoan kiến nghị.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa, người gần đây chuẩn bị ra mắt phim chuyển thể bộ truyện Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói rằng: "Nhà làm phim cần phải có suy nghĩ độc lập hai chiều, với tư cách một người làm phim, kinh doanh phim phải lựa chọn được những điều thú vị trong tác phẩm, và truyền tải được những thông điệp mang tính thời đại đến với khán giả của chúng ta. Và ngược lại, chúng ta với một tinh thần là người làm nghệ thuật vẫn phải mang được tính điện ảnh, mang được những câu chuyện, góc nhìn và bài học đến được với khán giả của mình để cho bộ phim không bị khô khan".

Tham gia ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là chủ đề rất quan trọng với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nói riêng và văn hóa nói chung. Đối với đất nước, chúng ta luôn luôn mong muốn là có những bộ phim của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Với các bộ phim lịch sử sẽ chuyển tải rất nhiều thông điệp không chỉ là thông điệp nghệ thuật mà là thông điệp về lịch sử, văn hóa, chính trị. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nhà nước có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển dòng phim này, như đặt hàng làm phim về đề tài lịch sử, tổ chức các trại sáng tác về đề tài lịch sử hoặc hướng tới các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước. Ngoài ra cá nhân PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, mức tăng thuế lên 10% cho các ngành điện ảnh là không hợp lý, dù so với thế giới đây vẫn là mức thấp.

Khai thác đề tài lịch sử và tác phầm văn học: Cơ hội cho sáng tạo điện ảnh Việt
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Khai mạc Triển lãm 'Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh' Khai mạc Triển lãm 'Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh'
Nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế xuất hiện tại thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VII Nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế xuất hiện tại thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VII

Vũ Anh