(TGĐA) – Sáng ngày 23/8 tại thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Cục Điện ảnh Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh khu vực phía Bắc.
Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam | |
Hội thảo 'Asean đa dạng qua nghệ thuật điện ảnh': Cơ hội cho sinh viên Việt được cọ xát nhiều với thực tế |
Sáng ngày 23/8 tại Trung tâm Tổ chức sự kiện Galaxy, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đại biểu tham dự gồm có PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng bộ VHTT&DL, TS Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng vụ Pháp chế, TS - NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, cùng đại diện các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, sở văn hóa các tỉnh phía Bắc, các hãng phim, đơn vị sản xuất, phát hành phim, đơn vị báo chí cùng các nghệ sĩ tên tuổi của điện ảnh Việt…
Hội thảo tiếp tục diễn ra và lấy ý kiến của các đại biểu phía Bắc |
PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng bộ VHTT&DL phát biểu khai mạc |
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Tạ Quang Đông dẫn chứng lại tính đến nay, so với rất nhiều loại hình nghệ thuật, duy nhất ngành nghệ thuật thứ 7 có luật riêng - Luật Điện ảnh (2006) (sửa đổi, bổ sung năm 2009), là văn bản pháp lý quan trọng, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động điện ảnh. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh qua 12 năm thi hành, Điện ảnh Việt đã có nhiều bước tiến đáng kể, khuyến khích sự tham gia đóng góp từ mọi thành phần kinh tế, đầu tư có trọng tâm, mục đích, thành lập các cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, tham gia tích cực vào các hoạt động hội chợ phim, liên hoan phim quốc tế nhưng vẫn không quên đề ra thực hiện chính sách tài trợ, phổ biến phim phục vụ nhiều địa bàn trong nước bao gồm cả miền núi, hải đảo...
TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà chỉ ra dù doanh thu ngành điện ảnh trong hai thập kỷ có sự tăng trưởng kinh ngạc, đạt 25 – 30% mỗi năm, nhất là năm 2018 lên tới 150 triệu USD. Nhưng trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật số, rõ ràng Luật Điện ảnh đã bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tế, kèm theo nhiều vấn đề bất cập vẫn còn phát sinh như vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh…
TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà |
Một số quan điểm đáng chú ý trong hội thảo được nêu ra như sau:
NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam trăn trở làm sao có biện pháp trích phần nào đó từ doanh thu 150 triệu USD kể trên để phát triển nền điện ảnh. Tiếp đến, ông khẳng định tính dân tộc là yếu tố cốt lõi cần có trong các tác phẩm điện ảnh. Không chỉ khán giả trong nước mà người nước ngoài luôn tò mò muốn xem bộ phim mang đầy đủ tư tưởng, phong tục tập quán, lối sống Việt Nam.
Ông lấy ví dụ đơn giản và dễ hiểu khi kể câu chuyện về một lần mình cùng các đồng nghiệp sang Paris để giao lưu và có đem theo hai phim một về đề tài lịch sử, hai là giải trí đơn thuần và khán giả bên đó thích tác phẩm về lịch sử hơn, họ ngỏ ý lần sau muốn được thưởng thức phim tương tự mang đậm bản sắc Việt Nam. Trước đó, ông cũng đưa ra thực trạng các phim Việt tại rạp nên được ưu tiên về thời điểm, cụ thể là giờ chiếu, suất chiếu cạnh tranh công bằng cùng phim ngoại.
NSND Đặng Xuân Hải nhấn mạnh về yếu tố bản sắc dân tộc trong điện ảnh |
TS Ngô Phương Lan - Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - nay đang hoạt động tích cực với tư cách Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam nêu ra tham luận của mình với những lý lẽ thẳng thắn, sắc bén, nhận được sự ủng hộ và tâm đắc của phần đông các đại biểu. Bà chỉ ra nên cân nhắc sửa hoặc bỏ bớt một số từ ngữ, khái niệm đã lỗi thời như: Tác phẩm điện ảnh, Phim nhựa, Phim video, Băng phim, Kịch bản văn học và Kịch bản phân cảnh… và đưa vào các khái niệm mới: Thị trường điện ảnh, Quáng bá điện ảnh, Tiếp thị phim. Ví dụ như cần xây dựng khái niệm Thị trường điện ảnh để từ đó có cơ sở xây nên các điều luật như làm sao để tránh độc quyền thị trường điện ảnh, nói không với áp đặt… Đáng chú ý, ngoài ý kiến ủng hộ, ưu đãi cho đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam quay phim vậy ưu đãi cho những người làm phim trong nước là gì? Nhà nước có hỗ trợ về thuế, trang thiết bị, đảm bảo đầu ra cho các đơn vị Việt Nam sản xuất phim hay không?
TS. Ngô Phương Lan với lập luận sắc bén được rất nhiều đại biểu tâm đắc |
Hạn chế sự gia tăng ảnh hưởng từ phim ngoại đồng nghĩa với các chính sách hỗ trợ nhà làm phim trong nước và đấy mới là “bộ mặt” của nền điện ảnh nước nhà. Về Chính sách 2: Đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, TS Ngô Phương Lan hoàn toàn ủng hộ nhưng bà cho rằng nên học hỏi, thay thế các quy trình hiện giờ: duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi mới cấp tiền sản xuất bằng cách làm tiên tiến của các nước bạn (ví dụ: tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim như kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ).
Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết: sau 10 năm từ 14 cụm rạp, nước ta đã lên tới con số 180 trong đó có 931 màn ảnh nhưng thành tựu từ cơ sở Nhà nước hay doanh nghiệp Việt Nam gần như không đáng kể so với doanh nghiệp nước ngoài. Hai cái tên CJ và Lotte đã chiếm 60 - 65% các năm gần đây về tổng doanh thu tại cụm rạp nhưng họ có sự nghiên cứu đầu tư, cụ thể hóa một cách sâu sắc. Bằng chứng là số liệu thống kê cả một thập kỷ cũng đều do bên họ thực hiện mà không phải trong nước. Bên cạnh đó, ông khẳng định để các rạp trong nước phát triển tốt, cần có một chính sách về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát hành, xây dựng cơ sở chiếu, phát hành phim.
Cũng như kiến của ông Nguyễn Danh Dương, bà Ngô Thị Bích Hạnh – Tổng Giám đốc công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) đưa ra góp ý chính sách ưu đãi về thuế là cần thiết, nên miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, thiết bị, phương tiện sử dụng trong công nghiệp điện ảnh. Ngoài ra, cần có thêm chinh sách ưu đãi về đất đai như thuê diện tích tại các trung tâm thương mại kinh doanh rạp chiếu, cũng cần có ưu đãi nhất định với doanh thu từ hoạt động này của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để họ tích cực đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao hạ tầng phát triển cho điện ảnh.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh cũng nhấn mạnh BHD từng là đơn vị chịu tổn thất nặng nề từ việc leak phim, quay trộm, tuồn phim lậu lên mạng nên tham luận đến từ bà Phương Lan - đại diện của Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp là rất cần thiết, cho thấy rõ hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, sở hữu trí tuệ, nhân bản, tàng trữ phim không còn phù hợp với tình hình thực tế, mức xử phạt còn thấp và không đủ tính răn đe.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc công ty TNHH BHD mong muốn Nhà nước có những chính sách ưu đãi về thuế |
Đại diện đến từ Viện phim Việt Nam chia sẻ đã nhận được tương đối đầy đủ số phim đầu tư bởi ngân sách Nhà nước nhưng phim của hãng tư nhân từ năm 2006 - 2017 tới nay, Viện phim Việt Nam chỉ nhận về vỏn vẹn 3 phim. Vì vậy, nên bổ sung các điều khoản nhằm ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi của các đơn vị sản xuất phim Việt Nam với các cơ sở lưu trữ là cần thiết.
Bà Trần Thị Thu Hiền – đại diện bên Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình có nguyện vọng phim được sản xuất theo hình thức đặt hàng, điều này phù hợp với cách làm phim của các quốc gia khác trên thế giới, họ đều tiến hành, sản xuất phim thông qua các quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh. Ngoài ra trong tham luận, bà nói về điều số 35 – Luật Điện ảnh quy định bảo đảm tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài trên truyền hình. Tuy nhiên, rất ít bên đài truyền hình, phát thanh đảm bảo thời lượng phim Việt so với phim nước ngoài là 30% theo quy định.
Đại diện Công ty TNHH, MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW nêu rõ ràng 3 vấn đề liên quan tới hoạt động của hãng. Thứ 1, đơn vị luôn phải tự xoay sở nguồn vốn vì niên độ cấp chưa phù hợp của Nhà nước. Thứ 2, là quy định rõ ràng về quyền sở hữu và khai thác bản quyền phim và cuối cùng là cần có quy định về tỉ lệ và thời gian phát hành để hãng khỏi phải loay hoay tự đi tìm đầu ra.
Kết thúc hội thảo với rất nhiều tham luận cùng ý kiến nắm bắt tình hình thực tiễn, những bất cập và còn thiếu sót của Đề cương xây dựng Luật Điện ảnh, TS Hoàng Minh Thái thay mặt đại biểu chủ trì hội thảo ghi nhận các đóng góp và ông khẳng định việc đưa vào sử dụng công nghệ 4.0 trong các khâu từ sản xuất tới lưu chiểu, xem xét thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh như đóng góp của đại biểu, tham khảo và học hỏi thêm luật nước ngoài.
Nguyễn Duyên Quỳnh sáng tác và thể hiện 'Gió cuốn anh đi' trong phim điện ảnh 'Cha ma' | |
Dàn diễn viên nhí của 'Anh thầy ngôi sao' siêu dễ thương trong buổi công chiếu phim |
Vũ Anh